Wednesday, 11 May 2016

CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG : BẠO LỰC KHÔNG NGĂN ĐƯỢC BIỂU TÌNH ÔN HÒA (An Tôn)





11.05.2016

Hai nhà hoạt động vì dân chủ ở Việt Nam nói bạo lực từ phía chính quyền không làm họ sợ hãi và không ngăn được họ tham gia biểu tình ôn hòa vì môi trường biển và minh bạch. Trên trang Facebook cá nhân, nhà hoạt động đồng thời là một blogger nổi tiếng Huỳnh Ngọc Chênh tuyên bố ông sẽ tham gia tọa kháng vì môi trường vào ngày 15/5. Nhà hoạt động Đỗ Đức Hợp cho biết cũng sẽ tìm cách tham gia dù đã bị nhà chức trách ngăn chặn trong hai lần trước vào các ngày 1 và 8/5. An Tôn tường trình chi tiết sau đây.

Ba ngày sau khi nhà chức trách ở thành phố Hồ Chí Minh bị cáo buộc đã trấn áp mạnh tay hàng trăm người biểu tình ôn hòa vào ngày 8/5, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh đã tuyên bố trên Facebook ông sẽ tọa kháng trước Ủy ban Nhân dân của thành phố do phẫn nộ về cuộc trấn áp.

Một đoạn trích từ tuyên bố của ông Chênh nêu rõ: “Tôi tuyên bố, đúng 15 giờ chiều chủ nhật ngày 15/5, tôi sẽ đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, trước UBND TP Sài Gòn, ngồi toạ kháng và đưa mặt cho họ đánh”.

Ông tiên liệu thêm: “Nhà cầm quyền sẽ cho an ninh đến canh trước nhà tôi như mọi khi, tôi vẫn cứ đi để cho họ đánh tôi. Nếu họ bắt trái phép tôi về đồn công an, tôi tuyên bố sẽ bất hợp tác và toạ kháng ngay trong đồn công an cho họ đánh. Nếu họ cưỡng bức khiêng tôi ra khỏi đồn, tôi sẽ tiếp tục toạ kháng trước cửa đồn công an và đưa mặt ra cho họ đánh. Nếu họ cưỡng bức đưa tôi về nhà, tôi sẽ tìm cách quay lại trước uỷ ban nhân dân TP để toạ kháng và đưa mặt ra cho họ đánh”.

Kết thúc tuyên bố, nhà hoạt động nhấn mạnh: “Cứ đánh vào mặt tôi, nhưng trả biển và quyền làm người lại cho dân tôi”.

Chính quyền huy động đông đảo các lực lượng để ngăn cản, vây bắt người biểu tình, ngày 8/5/2016.

Chia sẻ với VOA Tiếng Việt về động lực của ông khi đưa ra tuyên bố vừa kể, ông Huỳnh Ngọc Chênh nói:

“Trước hết là vì môi trường, ở biển cá đã chết, khắp nơi môi trường bị xâm phạm. Môi trường sống của người Việt ngày càng bị đe dọa. Bức xúc hơn nữa là quyền con người đã bị nhà nước phủ nhận. Mặc dù Hiến pháp cho phép người ta được tụ tập, biểu tình, được tự do đi lại nhưng nhà nước thì luôn luôn chống lại, hạn chế, cấm đoán điều đó, thể hiện rõ nhất là qua cuộc biểu tình ôn hòa vừa rồi, đã trấn áp dữ dội người biểu tình, họ đánh đập rất tàn nhẫn. Hai cuộc biểu tình vừa qua đều có người bị đổ máu, kể cả phụ nữ và trẻ em. Tôi thấy bức xúc về vụ đàn áp biểu tình như vậy, rất đê tiện, hung dữ. Cho nên tôi tuyên bố sẽ tham gia cuộc tọa kháng ôn hòa để đấu tranh cho môi trường, để làm rõ nguyên nhân vụ cá chết mà chính quyền hơn một tháng nay không có câu trả lời thỏa đáng, và phản đối việc dùng bạo lực đối với người dân lương thiện đi biểu tình ôn hòa để bảo vệ môi trường của mình.”

Bản thân là người bị ngăn chặn, đánh đập khi cố gắng tham gia các cuộc biểu tình ngày 1 và 8/5, song nhà hoạt động trẻ Đỗ Đức Hợp cho rằng bạo lực nhắm vào người biểu tình không làm mọi người run sợ mà chỉ hun đúc thêm tinh thần của họ. Anh bày tỏ sẽ vẫn cố gắng đi biểu tình vào ngày 15/5 tới đây:

“Khi mà nhìn những người đấu tranh, những người xuống đường biểu tình một cách ôn hòa bị đánh đập, bị bắt giam một cách rất tàn nhẫn, và bản thân tôi cũng là nạn nhân của những trò đánh đập đó thì đối với tôi không làm cho tôi bị nản chí hoặc lo sợ nữa. Cái đó nó hun đúc tinh thần của tôi, vượt qua sợ hãi, mạnh mẽ hơn."

Theo lời các nhân chứng và dựa trên những hình ảnh ghi lại các cuộc biểu tình gần đây, người ta thấy nhà chức trách dường như đã trấn áp mạnh tay hơn đối với người biểu tình. Trên mạng xã hội, nhiều người nêu vấn đề rằng người biểu tình cần liên kết với nhau tốt hơn và các cuộc biểu tình cần phải có sự tổ chức để có hiệu quả hơn và không bị đàn áp. Một ví dụ được nhiều người nêu ra là nhiều người được cho là các cổ động viên bóng đá Hải Phòng đã tuần hành với một đoàn xe lớn chăng các biểu ngữ về bảo vệ môi trường biển. Rất nhiều hình ảnh về cuộc tuần hành đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều người đã khen ngợi cách tổ chức tuần hành này. Về cách làm này, nhà hoạt động Đỗ Đức Hợp có ý kiến:

“Nếu có thể được, có một ai đó, một tổ chức có đủ uy tín tổ chức một cuộc tuần hành phản đối ô nhiễm môi trường một cách ôn hòa, thì tôi nghĩ rằng Việt Nam mình sẽ có rất nhiều thay đổi, khiến cho xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn trong ôn hòa, tránh được bạo lực, đổ máu.”

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, việc tiến hành biểu tình có tổ chức chắc chắn sẽ bị nhà chức trách ngăn cản.

“Khó mà có được cái tổ chức cho đàng hoàng, nghiêm túc trong cái xã hội hiện nay, trong những sự kìm kẹp của chế độ hiện nay. Bất cứ những nhen nhóm đứng ra tổ chức, liên hệ với nhau đều bị phá trong trứng nước. Bất cứ những ai dám can đảm đứng ra thành lập nhóm này, tổ chức khác hầu như đều bị bắt, như luật sư Nguyễn Văn Đài vừa rồi bị bắt đấy. Ở Việt Nam mà tổ chức biểu tình là rất khó. Chỉ có từng người dân người ta bức xúc, người ta đứng ra đi biểu lộ tình cảm của mình, thì toàn bộ là tự phát, thiếu một cái tổ chức. Nhưng thay vì có tổ chức, tôi nghĩ cái tinh thần, ý chí, quyết tâm của từng người cũng có thể đem lại sự thành công của biểu tình. Ví dụ như đi cuộc tọa kháng này. Mỗi người có một quyết tâm. Hy vọng rằng số đông sẽ làm nên thành công của cuộc tọa kháng.”

Về việc những cây viết có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội chưa xuất hiện trong các cuộc biểu tình. Ông Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng có thể một số người trong các cây viết đó có nhận thức khác với những người biểu tình, thậm chí có người có thể tin rằng công ty Formosa của Đài Loan không có lỗi trong việc gây ra vụ cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh.

“Hình như họ có lấn cấn gì với nhà nước này. Tôi thấy một vài người thì họ cho rằng Formosa không phải là thủ phạm gây ra cá chết và họ có cảm tình nào đó với Formosa. Họ nhận được chỉ đạo nào đó của đảng và họ cần phải bênh vực. Cho nên là họ chưa có cái sự thống nhất trong việc cần phải lên tiếng và cần phải ủng hộ những người dân xuống đường biểu tình đấu tranh cho bảo vệ môi trường."

Trong khi đó, anh Đỗ Đức Hợp nói mỗi người tùy theo lương tâm và cách suy nghĩ, có thể có cách riêng để cổ động, chia sẻ với những người thực sự đi biểu tình.

“Những người họ có học thức, họ viết bài hay thì họ có thể ngồi nhà tổng hợp tin tức, viết bài cổ động cho những người tại thực địa. Nếu tấm lòng họ dành cho dân tộc, dành cho đất nước, muốn nó tốt đẹp hơn, thì đó cũng là một cách tốt để đôn đốc nhau, để cùng nhau hướng đến một xã hội Việt Nam phát triển cường thịnh, tốt đẹp hơn sau này. Chứ không thể nào nói là anh những người chỉ ngồi ở nhà, còn tôi là người có công lao lớn nhất. Thực sự ra, đó là sự chia sẻ, sự phối hợp.”

Về mặt cá nhân, nhà hoạt động Đỗ Đức Hợp mong muốn một điều trong cuộc biểu tình ngày 15/5 sắp tới:

“Cũng hy vọng là lần thứ 3 tôi không bị đánh nữa”.




No comments:

Post a Comment

View My Stats