Tuesday, 3 May 2016

ĐẢO ÁNH SÁNG : NHÌN LẠI PHONG TRÀO VƯỢT BIỂN & GIỚI TẢ KHUYNH CHÂU ÂU (Thi Vũ - Da Màu)





2.05.2016

Lời giới thiệu của tác giả: Tạp chí World Affairs (Thế giới Vụ) ra đời từ thế kỷ XIX, năm 1837, hiện là tạp chí của giới trí thức và chính trị gia Hoa Kỳ. Khách mua báo giấy dài hạn, ngoài số độc giả bình thường còn là Toà Bạch Ốc và Quốc hội Hoa Kỳ dành cho các Viên chức, Thượng Nghị sĩ và Dân biểu. Chưa kể 12 nghìn độc giả mua bản điện tử Email, 100 nghìn người đọc qua Facebook, và 40 nghìn người theo dõi qua Twitter của World Affairs.

Bài viết “Đảo Ánh Sáng, Nhìn lại phong trào Người Vượt Biển và giới Tả khuynh Châu Âu”- Isle of Light: A Look Back at the Boat People and the European Left, đăng trên số tháng Ba và Tư năm 2014 của  World Affairs, được ông James S. Denton, Chủ nhiệm phát hành, giới thiệu trong Lá Thư Người Biên tập như sau:

“Thêm vào số bài về những diễn biến quốc tế, chúng ta có một tiểu luận như món quà thưởng ban thêm của nhà văn Việt Nam Võ Văn Ái đưa chúng ta về lại kinh đô Paris năm 1978, khi tin tức xuất hiện chuyện chiếc tàu của khoảng hai trăm năm mươi người tị nạn Việt Nam chết đói và mất nước bị mắc cạn trên bờ biển Mã Lai mà chẳng có quốc gia nào đón nhận. Họ trốn khỏi triều đại khủng bố của Cộng sản Bắc Việt ngự trị lên Miền Nam trước đó ba năm, sau cuộc rút quân nhục nhã của Hoa Kỳ. Thời ấy, nửa triệu người tị nạn chết chìm trên biển khi tìm cách trốn khỏi ngục tù gulag của Hà Nội vừa thiết lập, và đã giết nửa triệu người khác trong quãng thời gian 1975 đến 1985. Nhưng chủ đề của Võ Văn Ái là một tia sáng, bị lịch sử bỏ quên, chiếu rực vào tấn thảm kịch. Vào lúc những người tị nạn vô vọng trong dòng nước chết, một nhóm trí thức Pháp có gốc rễ tả khuynh tung chiến dịch vận động quốc tế để đi vớt và tái định cư hàng nghìn những “thuyền nhân” này, một từ ngữ được phổ biến. Họ vận động giới tả khuynh Pháp và Châu Âu, không những tham gia nỗ lực nhân đạo này, mà còn xác nhận và tố cáo sự tàn bạo của những kẻ mà trước đây họ hậu thuẫn mạnh mẽ. Điều suy nghĩ can đảm thứ hai này đã gây tác động — không riêng trong nghĩa cứu sống người, mà trong nghĩa khẳng định tư cách và ứng xử của người trí thức”.

Những chú thích trong bài viết, bản dịch Việt ngữ hôm nay, nhằm cho độc giả người Việt biết thêm các nhân vật quốc tế, vốn không có trong bài đăng trên World Affairs.

Hình bía Tạp chí World Affairs (Thế giới Vụ)

Một ngày tháng 11 năm 1978, đang ngồi trong quán Cà phê bên bờ tả ngạn sông Seine, bỗng nghe tin loan 2564 người vượt biển cập bờ Mã Lai trên con tàu han gỉ Hải Hồng. Họ đã trốn khỏi Việt Nam trong niềm tuyệt vọng đi tìm tự do và tị nạn ở nước ngoài. Sau mười sáu ngày lênh đênh trên Biển Đông, vùi dập trong bão tố, khi thì nóng cháy nung người, không thức ăn nước uống, họ cập bờ Nam Dương rồi Mã Lai, nơi nào cũng bị lính gác biển xua đuổi. Họ không còn đất sống, và tàu không thể đi xa hơn. Kẹt lối không người cứu, đói cồn cào và cơ thể mất nước, họ đang chết trước mắt chúng ta khi giăng tấm biển viết bằng tiếng Anh bên hông tàu : “LHQ ơi ! Hãy cứu vớt chúng tôi.”.

Họ không phải là những người đầu tiên làm cuộc hải trình vô vọng thoát khỏi Việt Nam. Từ năm 1975, khi Hà Nội “giải phóng” Miền Nam và chấm dứt cuộc chiến dai dẳng, hơn một triệu người liều chết trên những chiếc thuyền đổ nát để thoát xa cuộc khủng bố. Nửa số người trong họ đã bỏ thân — vì chết đuối, vào bụng cá mập, hay bị hải tặc hãm giết trong vịnh Thái Lan. Lúc ấy, truyền thông quốc tế chẳng chú ý bao lăm chuyến hải hành hoảng hốt này, ai ai cũng chỉ muốn phủi tay với vấn đề Việt Nam. Nhưng con tàu Hải Hồng lại hình tượng lên tấn thảm kịch nhân sinh nơi phòng khách mỗi nhà. Uyển ngữ “thuyền nhân” trở thành chuyện đầu môi.

Lẽ ra những người Việt Nam này đã phải thoát đi trong những ngày cuồng động khi Hoa Kỳ rút quân. Nhưng họ đã ở lại. Nhiều người chống chính thể quân đội của Tướng Thiệu ở miền Nam, đặt niềm tin trong hy vọng họ có thể góp tay tái thiết và làm lại đất nước. Nói cho cùng, thì chiến tranh đã chấm dứt, cộng sản cũng là người Việt Nam thôi. Hà Nội đã ký kết Hoà ước Paris hứa hẹn kiềm chế mọi cuộc trả thù. Người cộng sản có thể đối đãi hung ác không khoan nhượng với kẻ thù, nhưng chắc hẵn sẽ có cái nhìn khác với anh chị em đồng chủng ?

Thế nhưng, những ai mắc mình vào ảo tượng này, những ai còn tin rằng có chỗ đứng cho mình trên đất nước thống nhất dưới mái nhà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo đường lối cai trị của Hà Nội, thì chẳng có sai lầm nào sai lầm hơn. Tức khắc nhà cầm quyền Cộng sản phân loại dân chúng Miền Nam thành ba thành phần : bọn ngụỵ quân phản động, bọn nguỵ quyền phản động, và nhân dân phản động. Nói tóm, toàn dân miền Nam đều “phản động”. Những tháng kế tiếp cuộc cưỡng chiếm, một mạng lưới rộng lớn “trại cải tạo” phủ trùm khắp lãnh thổ miền Nam, mà kỳ thật chỉ là những trại tập trung lao động khổ sai, giống như hệ thống Lao cải bên Tàu. Khởi sự lùa đi những sĩ quan rồi binh lính Việt Nam Cộng hoà, tiếp đến là các nhà văn, nghệ sĩ, giáo sư đại học, nhà báo, nhà hoạt động công đoàn, nhà giáo, sinh viên, nông gia, tất cả mọi thành phần xã hội đoàn lớp kéo nhau vào “trại cải tạo”. Thoạt đầu họ được lệnh mang áo quần và lương thực đủ dùng cho hai tuần lễ. Nhưng biết bao người chẳng trở về. Có những kẻ mút mùa hai mươi năm trong những trại này, hay được trả tự do khi sức khoẻ kiệt cùng, và nhắm mắt khi tới nhà[1].

Dù chẳng có bản thống kê nào được công bố, nhưng Hà Nội đã thú nhận có hai triệu rưỡi người bị giam giữ trong các trại cải tạo từ năm 1975 đến 1985[2]. Khoảng một trăm năm mươi nghìn người bị xử tử hình[3], với hàng trăm nghìn người chết vì đói, kiệt sức, hay đau ốm không thuốc men trong hệ thống tù ngục Gulag Việt Nam. Cùng thời gian, hàng trăm nghìn dân chúng bị đưa đi Kinh tế mới làm vật trái độn dọc biên giới Việt Trung và Kampuchia. Ai chống đối sẽ bị bỏ tù vì tội phá rối an ninh quốc gia[4].

Trong quán cà phê một buổi tối năm 1978 ấy, các bạn Việt và tôi đều nghĩ rằng con tàu Hải Hồng không chở đi những người tị nạn kinh tế, mà là những người đi tìm tự do thoát khỏi chế độ độc tài toàn trị, và đây là chuyến hải trình không tiền khoáng hậu. Trải qua lịch sử bốn nghìn năm, vào những giai đoạn bi thảm nhất vì nạn đói hay chiến tranh, người Việt chúng tôi chưa bao giờ rời bỏ mảnh đất chôn nhau cắt rốn của cha ông. Thế mà nay Người Vượt Biển đã bỏ phiếu bằng đôi chân đổi lấy sự sống.

Trong nhóm bạn chúng tôi thời ấy có chị Claudie và anh Jacques Broyelle, những nhà Hán học và cựu Mao-ít mới trở về từ Trung quốc, với nỗi thất vọng tràn trề về chế độ Bắc Kinh; Alain Geismar, cựu lãnh tụ sinh viên nổi dậy năm 1968 từng làm lung lay chính phủ De Gaulle tại Pháp; và André Glucksmann[5], nhà văn được xem như khuôn mặt tân triết gia của thời đại. Những người bạn nung nấu trong nhiệt tình lý tưởng, tất cả mang nặng quá khứ tả khuynh, nhưng chẳng ai còn ảo tượng về đời sống con người dưới chế độ Cộng sản. Chúng tôi họp nhau và quyết định phải làm một cái gì cho lớp Người Vượt Biển.

Thập niên 1970, Paris là bến đổ ẩn náu cho các nhà ly khai Liên xô và Đông Âu. Đầu năm 1976, tôi xuất bản tạp chí Quê Mẹ bằng tiếng Việt, một thứ samizdat cổ võ cho phong trào dân chủ và nhân quyền, các nhà ly khai này là kẻ hậu thuẫn đầu tiên cho chúng tôi. Nữ thi sĩ Nga Natalya Gorbanevskaya[6], nhà toán học Leonid Plyushch[7], người xứ Ukraine, và Vladimir Bukovsky[8] tham gia cuộc vận động của chúng tôi mà chẳng cần chúng tôi mời gọi. Nhà văn Lỗ Mã Ni, Paul Goma, viết trên tạp chí Quê Mẹ số Quốc Kháng 30 tháng Tư năm 1978 rằng : “Ngay cả những người phu quét đường ở thủ đô Bucharest còn thấu tỏ hơn các chính trị gia Tây phương về những chi đang xẩy ra tại Việt Nam, và họ có chánh kiến. Chỉ trong vòng bốn năm mà Cộng sản Việt Nam trả thù và tàn phá hơn ba mươi năm chiến tranh”.

Trong khi các nhà ly khai khắn khít bảo bọc mục tiêu chiến đấu của chúng tôi, thì việc thuyết phục công chúng Tây phương vô cùng khó khăn, đặc biệt trong giới tả khuynh. Thời chiến tranh Việt Nam, hàng nghìn người đổ xuống các đường phố ở Paris, Berlin, Washington, Tokyo… và nhiều nơi khác để tố cáo xâm lược Mỹ vào Việt Nam, hô gào chấm dứt sự chém giết. Thế nhưng ngày nay, cùng những người xuống đường biểu tình mấy năm xưa ấy, lại im lặng thin thít khi hàng nghìn người Việt Nam chết âm thầm trong các trại cải tạo hay chết đuối trên Biển Đông. Giới phản chiến tả khuynh chẳng sao chấp nhận chuyện các “anh hùng liệt sĩ” chiến đấu cho tự do thời trước, nay trở thành kẻ bạo ngược, và những kẻ “tay sai của đế quốc Mỹ” đang hoá thành nạn dân.

Đáp ứng cuộc vận động cho Người Vượt Biển của chúng tôi, đông đảo trí thức Pháp toàn tâm và tự nguyện hậu thuẫn, không những cứu sống hàng nghìn người lâm nạn, mà còn phá vỡ lối nhìn rập khuôn tác động sâu sắc quan điểm giới tả khuynh Châu Âu và Pháp.

Cuộc họp đầu tiên vào tháng 11 năm 1978 tại Paris, chúng tôi tập trung việc xây dựng phong trào nhắm mục tiêu cứu sống Người Vượt Biển. Tối hôm sau chúng tôi gặp sử gia Ilios Yannakakis trong một căn hộ ở đại lộ Saint Michel, chuyển đề án thành sự thực. Ban đầu chúng tôi quyết định ra tuyên cáo khẩn về vụ Hải Hồng để lấy tối đa chữ ký hậu thuẫn. Nhưng tôi thúc đẩy các bạn phải tiến xa hơn vụ Hải Hồng, bởi vì Hải Hồng không là sự cố riêng biệt nhất thời. Đang có hàng nghìn trường hợp như thế trên Biển Đông, và người Vượt biển lâm nạn mỗi ngày. Lúc ấy, nhà văn Bernard-Henri Levy đề nghị làm cuộc biểu tình lớn tấn công Toà Đại sứ Việt Cộng tại Paris. Chợt một ý kiến bật ra — tại sao không đưa tàu ra Biển Đông vớt Người Vượt Biển ? Thế là một Uỷ ban thành lập ngay, cử nhà văn nữ Claudie Broyelle làm chủ tịch, dự án “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” nổi lên trên mặt nước nhân tình. Ngày 17 tháng 11 năm ấy, 1978, chúng gửi đi lời kêu gọi đến các cơ quan báo chí truyền thông:

SOS – Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam
2564 người tị nạn trên con tàu Hài Hồng. Họ vừa rời khỏi Việt Nam trước bao hiểm nguy tính mạng. Chúng ta phải giúp đỡ họ tìm đất sống tiếp đón. Phải tức khắc cứu họ ra khỏi cảnh lênh đênh trôi nổi. Chính phủ Pháp vừa tuyên bố đón tiếp họ, ta hãy tin lời đó đi. Và hãy cùng nhau tới Kuala-Lumpur đón những nạn nhân trên tàu Hài Hồng. Tuy nhiên, không riêng gì nước Pháp phải lo chuyện này. Và con tàu Hải Hồng không là con tàu độc nhất.
Mỗi lần có những chuyến vượt biển chênh vênh trên bão táp giữa Thái Bình dương, hàng nghìn người Việt Nam đang đi tìm lẽ sống. Một nửa bị chết chìm, bị cưỡng bức, bị bọn hải tặc cướp giết. .. Chúng ta hãy tìm cho ra những quốc gia đón tiếp họ tại Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á. Và hãy làm hơn nữa : Hãy tới tận nơi cứu sống họ. Một chiếc tàu thường trực hoạt động trên Biển Đông để tìm và vớt họ — những người Việt Nam hy sinh thân mạng rời nước ra đi.
Không riêng gì các chính quyền phải lo lắng, dù nhiều nước đã tích cực cứu trợ. Đây là trách vụ mà chúng ta phải lo toan cứu cấp tức thì. Nhu cầu cấp thiết : Một chiếc tàu, một đoàn thuỷ thủ và tiền bạc. Đó chính là chiếc phao cứu mạng, mẩu đất nương tựa phò nguy. Để sau đó đưa tới các xứ sở tiếp thu.
Chúng tôi ký tên dưới đây  ngày hôm nay, xin đem thân quy hợp những cơ hội và phương tiện cần thiết để thể hiện cuộc cứu sống cấp kỳ này.
Paris, ngày 17 tháng 11 năm 1978

Vào lúc Uỷ ban “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” chính thức ra đời ngày 27 tháng 11 năm 1978, chúng tôi thu nhận được 160 chữ ký của các nhân vật nổi danh hậu thuẫn chiến dịch. Danh sách bao gồm các siêu sao điện ảnh, nghệ sĩ, nhà văn, nhạc sĩ, nhà báo, nhà hoạt động công đoàn, và chính giới đủ mọi khuynh hướng — đọc lên như cẩm nang Who’s Who các nhà văn hoá Paris: Yves Montand, Brigitte Bardot, Simone Signoret, Simone de Beauvoir, Mstislav Rostropovich, Eugene Ionesco, Lionel Jospin, Michel Rocard, Jean Lacouture (nhà văn viết tiểu sử Hồ Chí Minh), Michel Foucault, Claude Mauriac, Olivier Todd, Jean François Revel, Bernard Kouchner…

Lần đầu tiên, kể từ năm 1945, hai triết gia đại thụ của Pháp, nhưng thù nghịch không đội trời chung, người phóng khoáng Raymond Aron và Jean-Paul Sartre, có thời biện hộ cho Staline — gặp nhau nơi lời kêu gọi cứu sống những nạn dân của chế độ độc tài toàn trị Hà Nội. Vài tháng sau, trong cuộc họp báo do Uỷ ban Con Tàu tổ chức, hai người ngồi cạnh bên nhau — lần đầu tiên trên ba mươi năm trời họ mới cùng nhau ngồi chung trong một căn phòng ở Paris. Sartre, kẻ địch thủ cuồng hung chống Mỹ can thiệp vào Việt Nam, và hậu thuẫn cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam do Cộng sản giật dây, đã tuyên bố rằng vì “nghĩa vụ đạo đức” và “nhân quyền cấp bách phải cứu sống những con người lâm nạn”, dù rằng họ không bạn hữu với chúng ta. Lời tuyên bố của Sartre mang tác động khổng lồ. Với tiếng tăm uy tín của Sartre, người dám từ khước Giải Nobel Văn chương, được làm thước đo cho một lời phát biểu thời thượng trong giới tả khuynh Paris thời bấy giờ : “Thà sai lầm với Sartre còn hơn là có lý với Aron”. Thế là “Con Tàu Cho Việt Nam” mớm cho mọi người chuyện khả thể, là chúng ta đều có lý với cả hai người.

Mối khẩn nguy hiện hình trong thực tế. Lúc chúng tôi họp nhau vào tháng 11 năm 1978, mỗi giờ có 55 người vượt biển cập bờ biển Mã Lai, số lượng này ngày càng tăng. Theo Cao uỷ Tị nạn LHQ, đã có một triệu rưỡi người Vượt Biển rời Việt Nam thời gian ấy, nhưng một nửa chết trên đại dương. Các trại tiếp cư ở Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Dương, và Hồng Kông đầy ắp như muốn vỡ ra. Bỗng nhiên, ông Phó Tổng thống Mã Lai, Mahatir Mohamad, tuyên bố không chấp nhận người vượt biển, và xuống lệnh đuổi bảy mươi sáu nghìn thuyền nhân ra biển. Một sắc luật ban hành cho phép bắn vào bất cứ ai quay lại vào bờ. Những ai tự phá huỷ thuyền của mình trong niềm tuyệt vọng mong được tị nạn đều bị lâm lụy.

Chống lại bối cảnh ấy, chúng tôi quyết gia tăng nỗ lực đưa con tàu đi vớt bằng bất cứ giá nào. Hồi đó Olivier Todd làm Chủ bút tuần báo Express, đã ráo riết vận động giới truyền thông. Hầu hết các báo chí lớn của Pháp đều cho đăng miễn phí lời kêu gọi của chúng tôi, kể cả tuần báo bình dân Télé 7 Jours, có số lượng phát hành bảy triệu bản mỗi tuần. Tiền đóng góp bắt đầu gửi tới, cùng với những hứa hẹn cho nhà ở, công ăn việc làm, áo quần, thực phẩm, đủ thứ không thiếu thứ nào. Mổi buổi sáng toà soạn Quê Mẹ ở Gennevilliers, ngoại ô bắc Paris, nhận được năm trăm bức thư hậu thuẫn như thế.

Do thị xã Gennevilliers nằm dưới sự cai quản của đảng Cộng sản Pháp, trong vòng “đai đỏ” bao quanh thành phố Paris, ông thị trưởng không mấy vui có một cơ sở như chúng tôi, nên nhiều lần hăm doạ tống xuất cơ sở Quê Mẹ khỏi thị xã. Song với tình thế lúc bấy giờ, ông ta đành cúi đầu trước sự liên đới hậu thuẫn lời kêu gọi vang ra rộng rãi của chúng tôi.

Phải nói một trong những người đầu tiên ủng hộ chiến dịch của chúng tôi là Irving Brown, Trưởng phòng Châu âu của Công đoàn Hoa Kỳ AFL-CIO. Chúng tôi tiếp xúc ông một năm trước đó, 1977, khi chúng tôi tổ chức cuộc họp báo quốc tế đầu tiên tại Paris để công bố hệ thống tù cải tạo tại Việt Nam với bản Chúc thư đầu tay của các tù nhân chính trị Việt Nam do Đoàn Văn Toại, một trong những lãnh tụ sinh viên đấu tranh, vừa thoát khỏi Việt Nam mang tới. Đó đã là lần đầu tiên tiếng nói của giới tù nhân chống kháng thuộc miền Nam cũ tố cáo những ghê tởm độc địa của hệ thống trại cải tạo. Brown thấy ngay ý nghĩa của bản Chúc thư, và tức khắc ra tay giúp đỡ.

Không những ký tên hậu thuẫn chúng tôi, ông còn lấy thêm chữ ký của Chủ tịch Công đoàn AFL-CIO, George Meany, và Paul Hall, Chủ tịch Liên đoàn Thuỷ thủ Hoa Kỳ, đang có mặt tại Paris. Trước đây tôi chưa hề quen biết giới thuỷ thủ, nhưng Hall ứng vào mắt tôi hình ảnh một thuỷ thủ lão luyện. Mái tóc bạc, cử chỉ nghiêm nghị, cứng rắn, chắc hẳn ông phải ở cấp chỉ huy. Trong mắt ông, chúng tôi là bọn tài tử. Ông ngắt lời tôi với vẻ khó chịu : “Các anh nói tàu — ship, chứ đâu phải thuyền — boat, phải không”. Nhưng rồi ông cũng chào đón mục tiêu chúng tôi nhắm. Sau buổi nói chuyện, tôi mừng rỡ gọi điện cho các bạn trong Uỷ ban Con Tàu thông báo tin bất ngờ : “Chúng ta chưa thể có một con tàu, nhưng Công đoàn AFL-CIO hứa giúp chúng ta một thuỷ thủ đoàn điều hành tàu không lấy lương”.

Irving Brown đề nghị phát huy chiến dịch bằng một cuộc họp báo quốc tế tại Paris về phong trào Người Vượt Biển. Nhấc vài cú điện thoại, Brown đã nhận được lời hứa của những nhân vật đầy biểu tượng như Leo Cherne[9], Chủ tịch Uỷ ban Cứu trợ Quốc tế, và nhà hoạt động dân sự Bayard Rustin[10] tham gia họp báo. Tiếc thay cuộc họp báo chẳng bao giờ xẩy ra. Nguyên do vì có tranh chấp ý kiến trong nội bộ Uỷ ban. Bernard Kouchner và vài người không ưa Công đoàn AFL-CIO nhúng tay, e ngại sự dấn thân mạnh mẽ chống Cộng làm dao động phong trào. Nhóm người này nại cớ “Con Tàu Cho Việt Nam” phải thuần tuý phi chính trị. Không thể là một con tàu cứu người khỏi chế độ Cộng sản, mà là “chiếc xe cứu thương” trên biển, một thứ bệnh viện nổi bỏ neo bồng bềnh trên mép biển Đông Nam Á. Với chúng tôi, hay những bạn như Alain Geismar, thì vị trí chính trị là chính yếu. Người Vượt Biển hy sinh thân xác mang lại thông điệp cho thế giới về bản chất chế độ Cộng sản. Nghĩa vụ của chúng tôi không những phải cứu họ, mà còn phải vọng âm tiếng nói họ. Mãi lâu sau, bị công luận tác động, Kouchner mới chịu thay đổi quan điểm. Nhưng Irving Brown nhận thức ra sự bất hoà nên bỏ dự tính ban đầu.

Mặc dù tiền được gửi tới, chúng tôi phải chi trả hai mươi nghìn quan Pháp (khoảng hai nghìn Mỹ kim) mỗi ngày cho việc ăn uống và cung cấp y tế, nhưng ngân qũy chưa đủ cho Con Tàu lên đường. Đang cơn bối rối, một sự kiện làm đảo lộn hoàn cảnh. Đài Truyền hình Hoà Lan đến toà soạn Quê Mẹ xin phỏng vấn tôi. Ông ký giả thuộc đảng Xã hội, tâm tư ông giống như đa số người Hoà Lan ủng hộ cho phong trào Hoà bình trong cuộc chiến Việt Nam. Tôi đang giải thích chiến dịch cứu Người Vượt Biển, thì đột nhiên ông ta hỏi : “Vì sao ông cứu những người miền Nam này ? Bọn này nối giáo cho chế độ quân phiệt tham nhũng, chúng là bọn ma cô, đầu cơ trục lợi, rất đáng để cho chúng lâm nạn ngày nay. Vì sao ông — vì sao chúng tôi, phải cứu giúp họ ?”. Tôi nhẹ nhàng đáp : “Nếu ông đang đi cạnh những con lạch ở thành phố Amsterdam và thấy có người đang chết chìm trong nước, phản ứng ông lúc ấy ra sao ? Ông ngừng lại và lên tiếng hỏi “Người chết chìm kia khuynh tả hay khuynh hữu ?” — hay ông nhảy ngay xuống nước cứu người ấy ?”.

Cuộc phỏng vấn trước lễ Giáng Sinh năm 1978, đem về chiếu tại Hoà Lan mấy lần. Chỉ trong một tuần lễ nhân dân Hoà Lan gửi tặng 8 triệu quan Pháp (tương đương một triệu Mỹ kim thời ấy) đáp ứng lời kêu gọi của chúng tôi (tôi nhớ mãi khi Truyền hình Hoà Lan gọi sang thông báo, tôi đã bàng hoảng hỏi “Mấy con zeros sau số 8 ?”). Một sự tăng cường tài chính khích lệ tuyệt vời, đưa chiến dịch vào quỹ đạo quốc tế. (Vào thời điểm chúng tôi đưa tàu ra biển, có thêm hàng chục tàu khác cứu trợ trên Biển Đông do những uỷ ban nối gót ra đời tại Na Uy, Đức, Ý Đại Lợi, vân vân).

Tiền có đó, nhưng vấn nạn khôn giải khác hiện ra — kiếm không ra tàu cho thuê. Chúng tôi cần thuê loại tàu cắm cờ Pháp để đoan chắc có thể cứu người Vượt biển nhập cảnh Pháp. Tất cả tàu cho thuê ở Pháp nằm dưới sự bảo trợ tập trung của một Công đoàn. Bất hạnh cho chúng tôi, Công đoàn này nằm trong tay Đảng Cộng sản Pháp,Confédération Générale du Travail (CGT, Tổng Liên đoàn Lao động). Thời gian ấy Đảng Cộng sản rất mạnh — một phần tư cử tri Pháp bỏ phiếu cho phe Cộng sản tại Pháp, và Tổng Liên đoàn Lao động rất thế lực, một thứ quốc gia trong quốc gia, có khả năng đình công làm tê liệt toàn quốc trong chớp nhoáng. Khi Tổng Liên đoàn Lao động biết rằng chúng tôi thuê tàu đi vớt Người Vượt Biển Việt Nam, họ liền phá bĩnh các nỗ lực điều đình thuê mướn. Tuần này sang tuần khác kéo lê, chiến dịch trên báo chí Pháp khựng lại. Tuần báo cực hữu Minute chạy hàng tít lớn “Con Tàu Ma”, nhật báo Cộng sản Pháp L’Humanité (Nhân loại) tung những bài mạ lỵ chiến dịch con tàu.

Bỗng nhiên từ trời xanh hiện ra sự cứu thoát. Nửa khuya tiếng điện thoại của một nữ độc giả tạp chí Quê Mẹ gọi tôi từ Nouméa, thủ phủ xứ New Caledonia, quần đảo nằm trên Thái bình dương giữa Úc châu và Fiji. Chồng bà là người Pháp, có con tàu dài tám mươi lăm thước cho thuê. Tàu thượng cờ Pháp. Bà kể cho chồng nghe chuyện Việt Nam, các trại cải tạo, những khổ đau nguy biến của người vượt biển đi tìm tự do. Ông liền đồng tình giúp đỡ. Chiếc tàu mang tên kỳ diệu — Île de Lumière — Đảo Ánh sáng. Dường như định mệnh đặt để. Chiếc tàu như hòn đảo ánh sáng nổi trên đại dương đi vào vũng tối tuyệt vọng của Người Vượt biển.

Tàu Đảo Ánh Sáng nhổ neo vào tháng Tư năm 1979 với đoàn thiện nguyện gồm những y sĩ và y tá. Tàu vào đảo Pulau Bidong ở Mã Lai cung cấp thuốc men và chữa bệnh cho khoảng ba mươi sáu nghìn thuyền nhân sống chen chúc trên dải đất chỉ có thể chứa hai nghìn người. Tháng sáu năm ấy, chính quyền Mã Lai xuống lệnh đuổi người vượt biển ra khơi, Đảo Ánh Sáng ra khơi vớt người, cứu sống hàng nghìn kẻ lâm nạn. Chúng tôi được chính phủ Pháp hứa cho nhập cư vào Pháp tị nạn tất cả những ai được tàu vớt.

Những tháng tiếp đấy, lượng người vượt biển đến trời Âu kể lại thảm cảnh họ cho báo chí truyền thông Âu Mỹ. Lời kể xoá nhoà hình ảnh và thành kiến gán lên họ như những tướng tá, chính trị gia tham nhũng hay tội phạm chiến tranh : những kẻ đã rời nước trước khi Saigon thất thủ, ra đi với hai túi đầy vàng. Không. Họ là những dân thường, mà thảm nạn rơi lên đầu họ qua từng câu chuyện làm mủi lòng dân Pháp. Các thầy giáo nói lên nỗi lăng nhục phải đi bán hủ tiếu cho con cái cán bộ giàu sang để nuôi thân. Tăng sĩ Phật giáo, Linh mục Thiên chúa giáo, Tin Lành, chức sắc hay tín đồ Hoà Hào, Cao Đài bị bắt tù vì thực hành tín ngưỡng đạo mình. Những bà vợ của tù nhân cải tạo bươn chãi nuôi con trong khốn cùng, chắt chiu những món quà nhỏ đi thăm nuôi chồng. Nỗi khốn cùng của những nhà văn bị đóng vai kiểm duyệt nơi văn phòng, chụp mũ “tác giả phản động quốc tế” cho những nhà văn như Pearl S. Buck hay Victor Hugo, hoặc bị bắt giam vì trích dẫn những tác giả kia trong tác phẩm mình.

Cảnh trạng các trại cải tạo vô cùng khủng khiếp. Những ai cứng đầu “học tập” không chuyên sẽ bị biệt giam trong thùng sắt, hay “connex”, ban ngày nóng như lò lửa, đêm về lạnh thấu xương, cốt cho họ phải thú khai tội lỗi mình không phạm. Tất cả tù cải tạo đều bị đói, lằn ranh giữa sống còn và chết đói mảnh như tơ. “Những chi động đậy đều chứa protein”, họ nói như thế và tranh nhau một con gián, con nhện, con chuột nhắt…
Các chuyện kể thương tâm như thế tác động công luận mà ít bài diễn văn chính trị nào đạt tới. Chính Người Vượt Biển đã thay đổi lối suy nghĩ của giới tả khuynh Châu Âu, và phá vỡ xung lượng của các đảng Cộng sản Pháp, Ý, cùng các nước Châu Âu khác. (Riêng tại Pháp, cử tri bầu cho Đảng Công sản rơi từ 25% xuống còn 6, 7% thôi),

Chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” là cuộc mạo hiểm kỳ dị cho tất cả chúng tôi. Có chăng trong tôi là một điều tiếc nuối. Jean-Paul Sartre đề nghị làm một cuộc hội thoại. Ông đã tỏ ra khó khăn phải dẹp bỏ tình cảm ủng hộ cách mạng, và vô cùng bối rối đối với chế độ ở Hà Nội, mà ông đánh giá cao cuộc chiến đấu anh dũng cho nền độc lập, nay bỗng trở thành những tên đao phủ cho nhân dân họ. Vì sao như thế ? Là Phật tử, tôi từng bị bắt, bị tra tấn năm mười một tuổi vì tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi đã quá biết rõ về Cộng sản Việt Nam trước khi tôi rời nước ra đi để vận động cho một giải pháp thứ ba không-cộng-sản trong thời chiến tranh Việt Nam, cuối cùng phải lưu vong ở Paris.

Thực tình tôi muốn được thảo luận về vấn nạn cộng sản và “cách mạng” với con người khác thường này. Buồn thay, Sartre đến tham dự cuộc họp báo của chúng tôi năm 1979 là lần ông xuất hiện cuối cùng trước công chúng. Ông gần như mù hẳn, và qua đời ngày 15.4.1980 vì chứng phù phổi.

Thi Vũ – Võ Văn Ái
04.2014
__________________

[1] Như trường hợp xẩy ra rất sớm cho thi hào Vũ Hoàng Chương, và trường hợp Nhà văn Hồ Hữu Tường bị bệnh ở trại Hàm Tân, sắp chết thì được cho đưa về nhà. Nhưng chỉ còn khoảng 100 mét quanh qua góc đường Trần Quang Khải là đến nhà, thì Hồ Hữu Tường tắt thở trên xe.

[2] Lời tuyên bố với báo chí của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch năm 1985 nhân 10 năm chiến thắng (chiếm Saigon).

[3] Xem Repression in the Socialist Republic of Vietnam: Executions and Population Relocationby Jacqueline DesbaratsThe Vietnam debate edited by John Norton Moore, 1990 and “Vietnam 1975-­1982: The Cruel Peace”, Desbarats and Jackson, 8 Wash. Q. 4 (Fall 1985). Cơ sở Quê Mẹ đã cộng tác với bà Jacquelines Debarats và nhóm nghiên cứu tại Đại học Berkeley, Hoa Kỳ, về số liệu điều tra tù nhân Trại Cải tạo thời ấy.

[4] Trên báo Saigon Giải phóng ngày 2.6.1975 ông Lê Đức Thọ viết rằng : “Chúng ta phải đưa chế độ cũ vào hồ sơ. Chúng ta không thể xoá đi món nợ máu đối với đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Nhân dân ta phải vạch trần và xác định những tội ác của chế độ cũ, để càng thấy rõ xấu xa của chúng, ta càng quyết tâm… quét sạch những tàn dư [chế độ cũ] để xây dựng đời sống mới tốt đẹp. Chúng ta phải tiếp tục chiến đấu chống bọn thù địch trong thành phố, đồng thời xây dựng đời sống tốt đẹp”.

[5] André Glucksmann xúc động vụ tàu Hải Hồng, vì gia đình người Do Thái của anh sống sót sau vụ Đức Quốc xã tàn sát dân Do Thái, được  tàu SS Exodus chở đi năm 1947, nhưng đã bị các quốc gia từ khước, nên cuối cùng bị đưa về Đức để chấm dứt sinh mạng trong các trại tập trưng.

[6] Khi Hồng quân Xô viết đưa quân xâm lược Tiệp Khắc năm 1968, ngày 25.8.1068 chị Natalya Gorbanevskaya đẩy chiếc nôi con mới sinh 3 tháng cùng với bốn người bạn biểu tình phản đối trên Công trường Đỏ mênh mông ở Mạc Tư Khoa.

[7] Nhà toán học ly khai nổi danh xứ Ukraine nhờ áp lực của công luận quốc tế đã được cứu thoát khỏi Nhà thương điên Xô Viết đưa sang Pháp.  Năm 1981, khi Nhà in Quê Mẹ bị phá sản do vận động cho con tàu Đảo Ánh Sáng ra khơi vớt người vượt biển, và bị ba bên bốn bề đánh phá, Plyush kêu gọi các bạn ly khai Liên Xô và Đông Âu thành lập “Hội Những Người Bạn Của Quê Mẹ” để cứu sống Cơ sở đấu tranh Quê Mẹ, đăng lòi kêu gọi trên báo chí Pháp và tthe New York Review of Books (xem sách “Nguoi Tri Thức Hành Động và Dẫn đường” của Võ Văn Ái, NXB Quê Mẹ, Paris 2010, trang 279).

[8] Vladimir Boukovsky nhà văn ly khai Liên Xô nổi danh, nhờ áp lực của công luận thế giới được trả tự do năm 1976 trao đổi với một tù nhân chính trị Chili, sau 12 năm giam trong nhà tù và nhà thương điên. Hiện là Giáo sư Đại học Cambridge Anh quốc.

[9] Leo Cherne nhà nhân bản lớn, Chủ tịch Uỷ ban Cứu Cấp Quốc tế thành lập để cứu sống những nạn nhân Đức Quốc Xã ở Châu Âu. Sau này, Uỷ ban cứu cấp và giúp đỡ định cư cho những người tị nạn trong thế giới. Ông đã cứu giúp đông đảo các nạn nhân tại Cuba và Cam Bốt.

[10] Bayard Rustin, người Mỹ da màu, lãnh đạo phong trào dân sự Hoa Kỳ, và là người tổ chức cuộc biểu tình khổng lồ “Tiến về Hoa Thịnh Đốn” năm 1963 nơi Mục sư Martin Luther King thốt bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ – I have a dream”. Ông cũng không ngừng lên tiế





No comments:

Post a Comment

View My Stats