Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2016-01-24
2016-01-24
Đảng cộng sản Việt Nam họp đại hội toàn quốc lần thứ
12 được nói nhằm vạch ra hướng đi cho 5 năm sắp tới.
Tuy nhiên thực tế có gì khác trước cả về đường lối
và con người?
Ông Nguyễn Gia Kiểng thuộc Tập hợp Dân Chủ Đa Nguyên
từ Pháp đưa ra một số nhận định về vấn đề đó. Trước hết ông này có ý kiến đối với
kêu gọi cấp bách phải đổi mới thể chế mà đại biểu Bùi Quang Vinh đưa ra trong ngày
22 tháng giêng vừa qua.
Ông
Nguyễn Gia Kiểng: Nói thay đổi thể chế tôi chắc ông Bùi Quang
Vinh muốn nói thay đổi thể chế để làm kinh tế có hiệu lực hơn. Đó là điều mà
người ta chờ đợi ông ta nói thì đáng lẽ ông phải nói.
Bây giờ nhìn vào cương lĩnh của Đảng Cộng sản, tức
hai báo cáo chính trị và báo cáo về kinh tế - xã hội, thì không có định hướng.
Tôi thấy rõ hoàn toàn: lần đầu tiên một tài liệu đã mất nhiều thời giờ để soạn
thảo nhưng cuối cùng không nói gì cả. Bởi vì chúng ta đang đứng trước một thử
thách rất lớn là sự thay đổi về nhiên liệu. Tại hội nghị COP-21, thế giới quyết
định chuyển hóa từ năng lượng, nhiên liệu dầu mỏ sang nhiên liệu tái tạo được
thì Việt Nam phải ứng phó như thế nào. Giá của nhiên liệu, đặc biệt của allumin
(nhôm) chẳng hạn, sẽ giảm rất nhiều trong thời gian dài trước mắt, vậy thì kế
hoạch bauxite Tây Nguyên phải xử lý như thế nào; Việt Nam có tiếp tục xây 16 lò
điện nguyên tử nữa hay không? Hay chính quyền đã hiểu rằng nó quá nguy hiểm cho
sự tồn vong của đất nước mà chúng ta không thấy một lời nào trong cương lĩnh
chính trị cả.
Còn những vấn đề khác như khi vào TPP- khối hợp tác
xuyên Thái Bình Dương, thì nền kinh tế phải thích nghi như thế nào? Tôi chờ đợi
những điều đó, tôi đã đọc và không thấy gì hết.
Đó là một văn bản rỗng nghĩa. Cho nên trở lại vấn đề
ông Bùi Quang Vinh, nếu có một việc phải làm là phải hủy bỏ bộ kế hoạch đi, hai
là phải trả lời cho những câu hỏi cấp bách về định hướng mới về kinh tế Việt
Nam. Nhưng tôi thấy hoàn toàn không có, cho nên sự đổi mới về thể chế thì có thể
nói là Đảng cộng sản nhìn thấy chế độ đang sa lầy và nếu không đổi mới thì sự tồn
vong của chế độ sẽ bị đe dọa nặng nề, sự sụp đổ là chắc chắn; nhưng phải nói họ
thực sự không biết phải đổi mới cái gì.
Gia
Minh: Là người
từng có ý kiến về việc thay đổi để có thể đưa đến một đất nước tốt đẹp mà như
ông nói Đảng cộng sản (VN) đang bối rối không có định hướng rõ ràng, thì theo
ông cần phải làm gì lúc này?
Ông
Nguyễn Gia Kiểng: Theo tôi có một việc làm khẩn cấp (khẩn cấp vì
không thể làm nhanh), đó là chuyển hóa từ một nền kinh tế dựa trên xuất khẩu
sang một nền kinh tế lấy thị trường nội địa làm căn bản. Đó là điều bắt buộc.
Việt Nam hiện nay là quốc gia lệ thuộc nặng nề vào môi trường thế giới. Chúng
ta có một chỉ số đo lường sự lệ thuộc đó. Đó là lấy ngoại thương (xuất khẩu) cộng
với nhập khẩu so sánh với GDP (tổng sản lượng quốc gia). Bình thường những quốc
gia lành mạnh người ta ở mức 50% hay 30%. Những quốc gia xuất khẩu nhiều như Đức
(quốc gia xuất khẩu nhiều nhất tại Châu Âu), tỷ lệ đó là 80%. Trong trường hợp
Hàn Quốc, một nền kinh tế rất mạnh, cũng có ngoại lệ đi tới trên 80%. Còn những
nước khác ở mức 50%-60% là nhiều. Nhưng ở Việt Nam mức độ đó là 200%; tức nền
kinh tế Việt Nam sẽ rất lệ thuộc vào những biến chuyển trên thế giới, và không
làm chủ được. Đó là điều rất nguy hiểm. Trong tình trạng đó, mọi kế hoạch đều rất
mơ hồ vì chúng ta không làm chủ được tình thế. Mọi định hướng đều rất mơ hồ đó
là một điều mà trong dự án chính trị của anh em chúng tôi trong Tập hợp Dân chủ
Đa Nguyên với dự án chính trị ‘Khai sáng Kỷ nguyên Thứ hai’ được coi là một
trong 12 định hướng lớn mà nhà nước phải làm ngay từ bây giờ. Bởi vì chuyển hóa
từ một nền kinh tế đặt nền tảng trên xuất khẩu sang nền kinh tế lấy thị trường
nội địa làm nền tảng là một sự chuyển hóa rất khó khăn, không thể làm nhanh được,
phải làm từ từ bắt đầu ngay từ bây giờ. Phải hiểu rằng tình trạng rất nguy ngập
cho kinh tế Việt Nam.
Gia
Minh: Hiện nay
Việt Nam đang lệ thuộc Trung Quốc rất nhiều không chỉ về mặt chính trị mà còn về
mặt kinh tế vì Việt Nam ở sát nước này và biết bao nguồn hàng của Trung Quốc
cũng như nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang ở Việt Nam để thao túng, vậy làm
sao để hóa giải tình trạng với Trung Quốc?
Ông
Nguyễn Gia Kiểng: Điều thứ nhất là phải giảm bớt những công
trình xây dựng kết cấu hạ tầng do Trung Quốc xây dựng. Hiện nay Trung Quốc được
trúng thầu từ 80-90%. Đó chính là lời của các viên chức trong chế độ. Chúng ta
quá lệ thuộc Trung Quốc. Điều thứ hai chúng ta phải đặt những người có khả năng
thực sự vào những vai trò chỉ huy. Chúng ta thấy tất cả báo chí đều nói các
công trình đó đều rất bê bối, không đạt yêu cầu; thế nhưng chúng ta chưa thấy vụ
án nào hết. Chúng ta không làm được, tôi chắc rằng Nhà nước (VN) không làm được
vì những điều kiện hợp đồng, tiến trình thi công, công thức tiếp thu từng phần
một không rõ ràng, không cho phép Việt Nam truy tố những chủ thầu bê bối và bắt
họ phải nộp phạt. Thế thì một trong những định hướng là phải giảm bớt những
công trình giao cho Trung Quốc khi mà Việt Nam không thể kiểm soát được trong
quá trình thi công. Ít ra phải giao cho những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc có
phương pháp, danh dự, đạo đức nghề nghiệp hơn.
Định hướng thứ hai là phải thiết lập lại kiểm soát ở
biên giới chứ không thể để cho hàng hóa của Trung Quốc tràn ngập vào Việt Nam
như chỗ không người.
Điều thứ ba dù muốn hay không phải chuẩn bị để hợp
tác chặt chẽ với TPP vì không thể nhờ vả Trung Quốc được nữa. Chính Trung Quốc
cũng đứng trên bờ vực thẳm, Trung Quốc đang lâm vào một cuộc khủng hoảng rất lớn.
Cho đến nay, Trung Quốc từng hứa viện trợ cho Việt Nam trong vòng 5 năm hai chục
tỷ đô la Mỹ và cho Việt Nam vay 100 tỷ đô la Mỹ trong vòng 5 năm. Thế nhưng vừa
rồi ông Tập Cận Bình sang Hà Nội cho biết trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc chỉ
viện trợ không cho Việt Nam 1 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 150 triệu đô la mà
thôi. Tức trong vòng năm năm, chia ra cho mỗi năm thì mỗi năm được 30 triệu;
chia ra cho 90 triệu dân thì mỗi người được 30 cents, không thấm tháp vào đâu cả.
Và số cho vay cũng chỉ 5 tỷ nhân dân tệ. Việt Nam từ trước đến giờ dựa vào
Trung Quốc, lệ thuộc vào Trung Quốc tức bán hàng mang nhãn mác Trung Quốc và
thâm thủng ngoại thương rất nhiều với Trung Quốc. Vấn đề tự nó phải giải quyết:
một là chính quyền Việt Nam tự lập được, hai là phải sụp đổ vì có muốn dựa vào
Trung Quốc cũng không được nữa.
Bài toán thoát Trung về mặt chính trị cũng như về mặt
kinh tế là bắt buộc. Việt Nam dù muốn hay không cũng không thể dựa vào Trung Quốc
được nữa, Việt Nam chỉ có cách một là thành công trong việc thoát Trung, hai là
sụp đổ mà thôi.
Gia
Minh: Nhiều ý
kiến cho rằng do những yếu tố khách quan thúc đẩy Việt Nam đến lúc phải thừa nhận
cần thay đổi chính trị, theo ông đâu là những thúc bách dồn Đảng Cộng sản Việt
Nam đến chỗ thay đổi chính trị?
Ông
Nguyễn Gia Kiểng: Tôi nghĩ vì từ trước chọn lựa của các cấp lãnh
đạo Việt Nam là dựa vào Trung Quốc để tồn tại. Các cấp lãnh đạo Việt Nam có thể
có quan niện khác nhau trên rất nhiều vấn đề, họ có thể xung đột với nhau để
tranh giành quyền lực; nhưng họ đều đồng ý với nhau phải dựa vào Trung Quốc để
tồn tại. Thế nhưng bây giờ vấn đề là họ không thể nhờ vào Trung Quốc, không thể
dựa vào Trung Quốc, họ cảm thấy đang dựa vào một bức tường bằng giấy, và họ bắt
buộc phải mở cửa, hội nhập với thế giới dân chủ. Cho nên mới có những chuyến
thăm Mỹ như của ông Nguyễn Phú Trọng gần đây… Không phải ông Trọng muốn cởi mở
đâu, ông ta là một người rất bảo thủ; nhưng không có chọn lựa nào khác. Về chọn
lựa này, tôi nghĩ Đảng Cộng sản (VN) có nhiều cơ hội, nhiều dịp để nhìn thấy
cái bắt buộc chuyển hóa thể chế sang dân chủ; nhưng họ đã từ chối làm và sau
khi từ chối làm nhiều quá, theo tôi nghĩ thời gian đã hết và bây giờ quá trễ để
có thể chuyển hóa. Cho nên giải pháp cho Việt Nam là phải có một giải pháp thay
thế, phải có một lực lượng dân chủ để thay thế. Chứ tôi nghĩ Đảng cộng sản Việt
Nam từ chỗ chần chừ, từ chỗ không muốn đổi mới đã rơi vào tình trạng không thể
đổi mới được nữa.
Gia
Minh: Không thể
thế nhưng quyền lực vẫn nằm trong tay Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những yếu tố
khách quan như vừa nói, theo ông tình hình đến lúc nào sẽ có những thay đổi phải
diễn ra?
Ông
Nguyễn Gia Kiểng: Một đặc tính chung của các chế độ độc tài, nhất
là chế độ độc tài cộng sản là cho đến một tuần lễ trước khi sụp đổ vẫn tỏ ra rất
vững vàng. Nhưng rồi nó sụp đổ như là bị ‘nhồi máu cơ tim’ vậy. Đằng nào cũng sẽ
có thay đổi. Điều mà chúng ta lo ngại là sự sụp đổ của chế độ cộng sản chỉ nhường
chỗ cho một khoảng trống chính trị, do đó có sự hỗn loạn. Nhưng tôi nghĩ cũng
không nên quá bi quan, người Việt Nam cũng có sự chuẩn bị tinh thần. Tôi cũng
quan sát sự thay đổi của những nước chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ, tôi thấy
đều không có tổ chức hết. Vì tất cả những chế độ độc tài đều quyết tâm không để
nhen nhóm các tổ chức đối lập. Thế nhưng ở Việt Nam có một giới dân chủ, hạt
nhân dân chủ nghĩ đến sự thay đổi, và ít ra chúng ta biết phải thay đổi những
gì. Đối lập Việt Nam dù chưa có lực lượng mạnh nhưng biết mình phải làm những
gì nên chúng ta sẽ không bở ngỡ như những dân tộc khác.
Gia
Minh: Nhiều
người chờ đợi đại hội đảng qua đi và nhân sự mới được đưa lên thì thấy được hướng,
ông có nghĩ nhận định đó đúng đắn không?
Ông
Nguyễn Gia Kiểng: Tôi nghĩ sự chờ đợi đó là tự nhiên, ai mà
không chờ đợi, mặc dù tôi là người đối lập tôi cũng chờ đợi những khuôn mặt mới.
Nhưng phải thực tế nhìn nhận rằng số người đó cũng nằm trong số những người mà
chúng ta đã biết. Tất cả những người đó là sản phẩm của một guồng máy sàng lọc
đã đào thải hết những con người có ý kiến cá nhân, có suy tư độc lập. Bản lĩnh
của những người đó chúng ta thấy và có thể đánh giá được. Nên tôi nhắc lại một
điều là chờ đợi thì cứ chờ đợi và chúng ta không mong muốn gì hơn sẽ có người
tiến bộ, có người nhìn thấy vấn đề, có người có khả năng.
Tôi trở lại nhận xét rất thành thực là vì Đảng Cộng
sản đã từ chối đổi mới quá lâu và để cho tình hình mâu thuẫn nội bộ, những mâu
thuẫn về quản lý đất nước trong nội bộ tích lũy nhiều quá cho nên, thành thực
mà nói, vào giờ này đã hơi trễ cho Đảng Cộng sản để có thể đổi mới thực sự và tồn
tại được.
Gia
Minh: Chân
thành cám ơn ông Nguyễn Gia Kiểng.
No comments:
Post a Comment