Friday, 15 January 2016

NGƯỜI VIỆT & THUẾ tại HOA KỲ (Vũ Hoàng Nguyên - Ngàn Lau)





Vũ Hoàng Nguyên  -   nganlau121212

Cuộc sống của người Việt tại Hoa Kỳ cũng giống như các giống dân khác sống trên đất nước này. Nghĩa là có hai điều mà người dân sống tại Hoa Kỳ nói chung, người Việt nói riêng, không bao giờ tránh khỏi — đó là chuyện đóng thuế và cái chết.
Thuế thì có nhiều hình thức thuế mà tất cả nước nào cũng có luật thuế. Tuy nhiên đề tài hôm nay không nói về hình thức của các loại thuế — mà là nói về người Việt trên lãnh vực đóng thuế và người làm công việc khai thuế cho người khác, đặc biệt là khai thuế cho những người Việt không rõ về luật thuế.
Dĩ nhiên bản tính tự nhiên của Con Người, dù là người Mỹ hay người Việt, ai cũng muốn đóng thuế càng ít càng tốt. Người làm nghề khai thuế cho người khác vào mùa thuế lợi tức, thông thường từ giữa tháng 1 cho đến giữa tháng 4, luôn luôn tìm đủ mọi cách để thân chủ của mình (người đóng thuế) lấy tiền về thật nhiều, hoặc giảm bớt tiền phải đóng thuế lại cho chính quyền liên bang dựa vào những bộ luật thuế được áp dụng cho tất cả mọi người, gồm cả các công ty.
Tuy rằng luật thuế lợi tức tại Hoa Kỳ áp dụng cho mọi người, nhưng những ai giàu thì có nhiều cách để đóng thuế ít hơn những người nghèo. Hãy lấy thí dụ điển hình để chứng minh điều này. Nếu ai đó có một số tiền thật lớn đầu tư vào Municipal Bond (một hình thức chính quyền tiểu bang mượn tiền để tài trợ cho những dự án lâu dài như xây dựng lại đường xá, cầu cống, hay những công trình xây dựng cần phải làm nhưng ngân sách chưa cho phép do đó phải mượn nguồn vốn từ bên ngoài) và trong năm cá nhân này được trả số tiền lời là 100 ngàn đồng. Theo luật thuế của liên bang thì số tiền này không bị thuế lợi tức của liên bang bởi tiền lời nhận từ chính quyền tiểu bang qua dạng municipal bond. Một người khác đi làm nhân công cho một công ty nào đó cũng với số tiền lương là 100 ngàn đồng trong năm — thì số tiền 100 ngàn này sẽ bị nhiều loại thuế với số phần trăm là 15% — 25% tùy theo cá nhân này có gia đình hay không có gia đình.
Ở một khía cạnh nào đó chúng ta cho rằng điều này không công bằng bởi cũng với số tiền thu vào là 100 ngàn nhưng một người sau khi trừ thuế xong chỉ lấy về khoảng 70 hoặc 80 trong khi người kia thì bỏ vào túi mình 100 ngàn không phải đóng thuế đồng nào. Nếu chỉ nhìn vào con số để đánh giá không công bằng thì không chính xác lắm, bởi vì ai cũng có thể bỏ tiền mua municipal bond để được trả tiền lời mỗi năm và không phải đóng thuế cho chính quyền liên bang. Tiếc rằng chỉ có người giàu mới có khả năng làm chuyện đầu tư này và người nghèo làm nhân công đành phải chịu đóng thuế vào đồng lương của chính mình. Đây chỉ là một trong nhiều thí dụ mà bộ luật thuế của liên bang nâng đỡ người giàu — tạo ra tình trạng người giàu — số phần trăm thuế phải đóng thấp hơn với những người không giàu. Có lẽ vì ở điểm này mà nhà tỷ phú, Warren Buffett than phiền là cần thay đổi luật thuế bởi người thư ký của ông, phần trăm đóng thuế cao hơn với phần trăm đóng thuế của ông — mặc dù số thu nhập của ông rất cao so với số thu nhập của cô thư ký.
Một thí dụ khác bằng những con số thật để chứng mình luật thuế của Mỹ giúp người giàu nhiều hơn. Ông Mitt Romney, cựu ứng cử viên Tổng Thống cho năm 2012, số tiền ông làm trong năm 2011 là 13.7 triệu và số phần trăm ông phải đóng cho số tiền này là 14.1%. Một người làm nhân công với đồng lương 200 ngàn một năm thì số phần trăm thuế chắc chắn sẽ hơn 14.1% với con số phần trăm nhà triệu phú Mitt Romney đã đóng.
Trở về lại vấn đề người Việt Nam trên lãnh vực khai thuế thì có nhiều chuyện để nói. Trong những chuyện sẽ nói này — giúp chúng ta tìm hiểu về cái Con Người Việt Nam ra sao ở một đất nước gọi là tự do dân chủ. Trong đề tài này có hai thành phần sẽ được nói đến. Thành phần thứ nhất là người đóng thuế. Thành phần thứ hai là người làm nghề khai thuế giúp đỡ người đóng thuế làm thủ tục thuế và nhận tiền thù lao trên lãnh vực này.

Người đóng thuế

Tất cả các giống dân sống tại Hoa Kỳ đều tìm đủ mọi cách để đóng thuế thật ít. Đây là quyền lợi cũng như nghĩa vụ của một công dân hay thường trú nhân tại Hoa Kỳ. Quyền lợi được hiểu là quyền được khấu trừ những chi phí cần thiết trong việc tạo ra đồng tiền. Còn nghĩa vụ là nghĩa vụ đóng thuế lợi tức mà tất cả mọi người sống tại Hoa Kỳ này phải thực hiện. Thường những người đi làm công cho các công ty và được trả lương theo dạng nhân viên thì không có nhiều cơ hội khấu trừ những chi phí so với những người làm việc theo dạng không phải là nhân viên hay còn gọi là nghề nghiệp độc lập do chính mình làm chủ.
Người làm nghề độc lập thì được khấu trừ tiền điện thoại di động hay điện thoại dây tại nhà nếu làm việc tại nhà, đồng thời được khấu trừ tiền xăng, bảo hiểm xe nếu chiếc xe được sử dụng cho nghề nghiệp của chính mình vào số tiền mình làm trong năm. Trong khi đó người làm việc là nhân viên cho một công ty nào đó thì tiền xăng từ nhà đến chỗ làm, hoặc tiền điện thoại di động không được khấu trừ vào đồng lương của mình. Mà cho dù có được khấu trừ thì phải qua sự khấu trừ chi tiết (itemize) mà ít ai có thể làm được.
Người đóng thuế thì số đông không biết luật — cho nên có những chi phí mà người làm nghề độc lập không biết là mình được quyền khấu trừ, hoặc ngược lại là những chi phí không nên khấu trừ thì lại khấu trừ vào tiền thu nhập của chính mình. Chi phí giao tiếp với khách hàng như ăn uống, giải trí đều được quyền khấu trừ vào số tiền thu nhập mà ít ai nắm rõ điều này. Trái lại chi phí đi du lịch cho chính bản thân, hoàn toàn không dính dáng đến công việc làm ăn của mình thì lại khấu trừ vào số tiền thu nhập để giảm bớt tiền thuế.
Câu hỏi được đặt ra là phải chăng — người đóng thuế gian lận khi khấu trừ những chi phí mà đúng ra không được khấu trừ? Để trả lời cho câu hỏi này thật chính xác cần phải có thêm dữ kiện. Người đóng thuế có thực sự hiểu luật thuế hay không? Nếu không hiểu luật thuế mà khấu trừ những chi phí sai thì không thể gọi là người gian, bởi cá nhân đó không hiểu luật. Tuy nhiên, đối với sở thuế, khi bị sở thuế kiểm tra giấy tờ thuế và khai gian thì sẽ bị phạt chứ không thể nào đổi thừa là tại tôi không biết luật.
Nếu người đóng thuế biết luật và nắm rõ là phần trăm bị sở thuế kiểm soát sổ sách rất là thấp, khoảng 2% – 5% tổng số người khai thuế bị sở thuế gõ cửa kiểm soát giấy tờ thuế. Số tiền thu vào càng cao thì phần trăm bị sở thuế gõ cửa càng cao (cũng vẫn ở con số 5% hoặc 7%). Và bởi vì cơ hội để sở thuế kiểm soát giấy tờ rất là thấp, người đóng thuế biết luật sẽ khai bừa bãi những chi phí hoàn toàn không có thật, những chi phí hoàn toàn không có giấy tờ chứng minh. Những người này có trong cộng đồng Việt Nam cũng như ở các cộng đồng khác. Phải chăng đây là những người xấu trong xã hội? Không hẳn thế. Nếu định nghĩa cái xấu là trốn thuế thì có lẽ đúng, nhưng trong xã hội — những người này có thể là những con người rất tốt, rất năng nổ trên nhiều lãnh vực giúp cộng đồng và làng xóm của mình, biết phân biệt giữa thiện — ác.
Dĩ nhiên những người gian thuế này có rất ít trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ. Những cộng đồng khác cũng có những người gian lận thuế như thế này chứ không phải là chỉ người Việt mà thôi. Một lý luận khác rất là hữu lý thì những người gian thuế này cho rằng đây là sự công bằng. Luật thuế tạo điều kiện cho người giàu đóng thuế thấp thì chuyện gian lận nhỏ này gọi là công bằng cho những người không được giàu có. Dĩ nhiên số người gian lận thuế này là con số rất nhỏ bởi cơ chế tại Hoa Kỳ làm cho mọi người hiểu rõ bổn phận và trách nhiệm của một công dân hay thường trú nhân. Mục đích của cơ chế thuế là tạo nhiều điều kiện cho nhiều người tự nguyện làm chuyện đúng và giảm con số người làm chuyện sai trái trên lãnh vực thuế. Ai làm sai sẽ bị luật pháp phạt hoặc bỏ tù mà không cần biết cá nhân đó là ai, đang giữ địa vị quan trọng nào trong xã hội. Ngay cả những người làm trong cơ quan thuế vụ, họ hiểu rõ kẽ hở của luật thuế và chính vì vậy họ là những người có những tiêu chuẩn đặt cao hơn với người bình thường. Nghĩa là nếu những người làm trong cơ quan thuế vụ không khai thuế mỗi năm, trốn thuế, hoặc gian lận thuế thì sẽ bị mất việc làm. Cơ chế chặt chẽ với sự kiểm soát của luật lệ rõ ràng đã làm cho hệ thống pháp luật về thuế của Hoa Kỳ có phần trăm hữu hiệu cao hơn các quốc gia độc tài trong đó có Việt Nam.

Vũ Hoàng Nguyên
Tháng 11 năm 2015
New Orleans, LA

*
*

Vũ Hoàng Nguyên  -   nganlau121212


Người Làm Công Việc Khai Thuế

Người đóng thuế không biết luật cho nên vào mùa khai thuế, phần đông mọi người tìm đến người làm công việc khai thuế để giúp đỡ hoàn thành thủ tục thuế cho mỗi năm. Người làm công việc khai thuế này thường là những người có nhiều hiểu biết về luật thuế và sẽ giúp cho thân chủ mình (người đóng thuế) hoàn thành thủ tục thuế cho hợp lệ với những luật khấu trừ mà sở thuế đã đưa ra cho mọi người.
Người Việt hay có cái nhìn không đúng là -- khi mình đến trả tiền người khai thuế cho mình thì người khai thuế sẽ chịu trách nhiệm cho giấy tờ thuế của mình. Thực ra người khai thuế, Việt Nam hay các công ty Mỹ, không phải là người chịu trách nhiệm với sở thuế nếu giấy tờ thuế mình khai sai trái.
Sai trái ở đây có hai ba trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất là do người làm thuế sơ xuất trong con số cho nên ghi số tiền thu nhập thấp hơn, hoặc số tiền chi tiêu cao hơn, để rồi khi hồ sơ thuế nộp lên sở thuế và bị sở thuế gõ cửa để kiểm soát giấy tờ thuế của mình. Trường hợp thứ hai người khai thuế biết luật và chỉ cho thân chủ mình những phần chi có thể khấu trừ vào tiền thu nhập mà không cần biết thân chủ có giấy tờ chứng minh số thu nhập đó hay không. Trường hợp thứ ba là thân chủ cung cấp những con số không đúng sự thật và người khai thuế dựa vào đó mà hoàn thành thủ tục khai thuế cho thân chủ. Ba trường hợp trên nếu xảy ra và bị sở thuế đến gõ cửa xem giấy tờ thuế, người đóng thuế là người chịu trách nhiệm cho giấy tờ thuế của mình. Còn người khai thuế hoàn toàn không bởi họ chỉ làm nhiệm vụ là một nhân công làm việc cho thân chủ của mình mà thôi.
Ngay cả chuyện người đóng thuế đi thưa kiện người khai thuế cũng rất là khó khăn để chứng minh với quan toà là người khai thuế làm sai chứ không phải do người đóng thuế cung cấp dữ kiện sai. Cần nên nhớ rằng, người đóng thuế phải có trách nhiệm xem lại giấy tờ thuế của mình sau khi người khai thuế đã làm xong. Dĩ nhiên sẽ có người nói rằng tôi đâu có biết luật thuế thì làm sao tôi biết người làm thuế làm sai hay không làm sai? Điều này đúng nhưng trên mặt luật pháp rất khó chứng minh với quan toà là cá nhân mình không có trách nhiệm trên giấy tờ thuế của mình. Ít nhất mình phải coi lại giấy tờ thuế của mình những số tiền thu vào có ghi rõ trên giấy tờ thuế hay không và số tiền chi ra do mình đưa cho người làm thuế có ghi đúng trên giấy tờ thuế hay không. Những chi phí khác mình thấy lạ thì mình có quyền hỏi người làm thuế là gì nếu những chi phí đó mình hoàn toàn không có dữ kiện chứng minh.
Một câu hỏi khá lý thú mà người Việt hay hỏi là nên để người Việt làm giấy tờ thuế cho mình hay để các công ty Mỹ? Thực ra người Mỹ hay người Việt, nếu đã thực sự làm thuế chuyên nghiệp thì đều hiểu biết luật như nhau. Đối với các công ty Mỹ, bởi vì là công ty nên có nhiều khách hàng cho nên có nhiều trường hợp đặt biệt họ nắm vững luật thuế mà không cần tốn thời gian để tìm hiểu. Chẳng hạn như đồng lương làm tại nước ngoài như thế nào mà đồng lương đó không phải đóng thuế cho sở thuế của Hoa Kỳ. Điều này người làm thuế VN ít gặp cho nên có thể làm sai hoặc phải mất thời gian nhiều hơn để tìm hiểu cho thân chủ của mình. Một sự khác biệt nữa là công ty Mỹ thì tính tiền công nhiều hơn người Việt. Và ngay cả giữa những người Việt, giá cả làm thuế cũng khác nhau. Giá cả khác nhau không có nghĩa là người giá cao sẽ giỏi hơn mà phải hiểu là sự cạnh tranh với nhau, cho nên người mới ra nghề cần có khách hàng nên đưa giá thấp để tìm khách hàng. Còn người đã làm lâu năm, đủ để sống thì chỉ muốn làm với giá mà mình thấy phù hợp với công sức bỏ vào chứ không muốn làm giá rẻ.
Trong bất cứ nghề nghiệp nào cũng đều có cái lương tâm nghề nghiệp hay còn gọi là đạo đức nghề nghiệp. Đa số những người làm công chuyện khai thuế cho khách hàng là những người có lương tâm nghề nghiệp. Họ nhận tiền thù lao và họ sẽ làm tròn trách nhiệm của một nhà chuyên nghiệp về thuế. Người Mỹ hay người Việt làm công chuyện khai thuế này đều có lương tâm nghề nghiệp.
Dĩ nhiên có một số nhỏ không có lương tâm nghề nghiệp, sẵn sàng tìm đủ mọi cách để lấy lại thật nhiều tiền cho thân chủ mà không cần biết đúng luật hay không đúng luật. Sau đây là vài điểm để thấy là người làm thuế có lương tâm nghề nghiệp.
Khi một khách hàng mới, có cơ sở thương mại vừa mới mở, đến với công ty khai thuế của mình, một người làm thuế có lương tâm sẽ coi tất cả những giấy tờ của khách hàng và dành thời gian nói chuyện với khách hàng về những chi phí có thể khấu trừ mà người khách hàng không biết. Thí dụ chi phí ăn uống, chi phí xe cộ trong việc giao tế thương mại. Hoặc nếu khách hàng đưa ra những con số tiền thu và chi ra thì cũng nên hỏi tất cả những con số đó có giấy tờ chứng minh hay không. Nếu không có thì cũng nhắc nhở với khách hàng là mình sẽ dựa vào đó để khai nhưng nếu khi sở thuế gõ cửa thì cần phải có giấy tờ chứng minh với sở thuế. Hoặc có những chi phí mà khách hàng muốn khai trong hồ sơ thuế nhưng không hợp pháp thì người làm thuế có lương tâm sẽ không làm khai trong hồ sơ thuế, cho dù khách hàng hăm dọa là sẽ đi đem hồ sơ đến công ty khác để làm, người làm thuế có lương tâm sẽ không vì sự hăm dọa đó mà làm sai luật.
Cũng với hình ảnh bên trên, người làm thuế vô lương tâm không muốn nói chuyện với khách hàng mới của mình bởi mất nhiều thời gian. Dựa vào giấy tờ khách hàng đưa cho mình mà không cần biết thiếu sai, đúng luật hay không đúng luật. Người viết đã từng có kinh nghiệm với người làm thuế VN hơn 30 năm về trước, khi nhìn lại giấy tờ thuế lợi tức của những năm 1982 thì người làm thuế ghi rằng người viết có nuôi một người (thực tế thì hoàn toàn không). Vào thời điểm đó, ai đó khai nuôi một người nào đó không cần đòi hỏi phải ghi số an sinh xã hội của người được nuôi đó. Chính vì thế mà người làm thuế VN dựa vào đó khai đại để người viết được lấy tiền về nhiều hơn. Vào thời điểm đó người viết mới qua Mỹ 2 năm, tiếng Anh chưa biết rành thì làm gì biết luật thuế cho nên giao phó cho người làm thuế và đến bây giờ nhìn lại thấy hoàn toàn sai sự thật. Ở cái thời điểm hôm nay, 2015, sở thuế đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm và với hệ thống điện toán hiện giờ, người làm nghề thuế rất là khó khăn để khai gian cho khách hàng của mình.
Nói thế không có nghĩa là người làm thuế không khai gian được nếu là người làm thuế vô lương tâm. Hãy lấy thí dụ về tiền giúp đỡ của chính phủ về việc thay đổi máy lạnh trong nhà hay cửa sổ trong nhà (Energy Tax Credit). Theo bộ luật này thì người chủ căn nhà thay máy lạnh mới, cửa sổ mới thuộc loại tiêu thụ năng lượng thấp thì sẽ hưởng 10% (hoặc tối đa là 500 đô) của tổng số tiền bỏ ra mua cửa sổ, máy lạnh hầu giảm tiền đóng thuế của mình hoặc được trả lại nếu không phải đóng thuế trong năm. Tuy nhiên người chủ nhà hoàn toàn không có mua gì hết trong năm nhưng người làm thuế vẫn cứ khai là có mua để lấy 500 đô về cho khách hàng -- thì rõ ràng người làm thuế đã vi phạm luật và không có lương tâm nghề nghiệp của mình. Khi bị sở thuế gõ cửa thì chính khách hàng là người chứng minh giấy tờ với sở thuế là mình thực sự có mua những món đồ để hưởng 500 đô trên. Nếu không có giấy tờ chứng minh sẽ bị sở thuế lấy lại 500 đô, cộng với tiền lời và tiền phạt.

Kết Luận
Bài viết này muốn chia sẻ hình ảnh của người Việt tại Hoa Kỳ trong vấn đề hoàn thành trách nhiệm của một thường trú nhân hay công dân Hoa Kỳ trên lãnh vực thuế. Cái cơ chế của Hoa Kỳ tạo cho mọi người tin tưởng và từ đó số người tình nguyện làm đúng luật cao hơn con số gian lận thuế. Trong khi đó cơ chế VN, một cơ chế độc đảng thì chỉ là nơi tạo ra sự trốn thuế và người trốn thuế được có lợi, thanh tra viên cũng có lợi bởi nhận hối lộ từ người trốn thuế. Chỉ có đất nước là cạn kiệt bởi không ai làm tròn bổn phận sự (người đóng thuế và người thi hành luật thuế) đóng thuế của chính mình.

Vũ Hoàng Nguyên
Tháng 11 năm 2015
New Orleans, LA





No comments:

Post a Comment

View My Stats