Sunday, 17 January 2016

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TẠI VIỆT NAM (Trần Bình Nam)





January 11, 2016 7:57 AM 

Theo một bài báo đăng trên tờ tuần báo The Economist số ngày 2/1/2016 chính phủ Việt Nam vừa ban hành một bộ luật kế họach hóa gia đình.

Bài báo bắt đầu tả quang cảnh trong phòng tíếp khách của một cơ sở y tế tư nhân cung cấp dịch vụ phá thai của nữ bác sĩ Nguyễn Tố Hào chuyên về bệnh tử cung và thai nghén (obstetrician/gynaecologist) tại Hà nội. Phòng trưng bày hoa giấy đầy màu sắc, nhưng không khí trong phòng đợi có vẻ ảm đạm. Bác sĩ Hào cho biết khách của bà thường là những thiếu nữ trẻ tuổi không hiểu biết gì nhiều về sinh lý, tình dục và hậu quả của nó. Nhiều cô gái không chồng mang bầu đến quá trễ phải được đưa vào bệnh viện để phá thai. Nhiều cô khác sinh con rồi mang đến chùa nhờ các nhà sư hay ni sư nuôi giúp.

Việc thụ thai ngoài ý muốn tại Việt Nam chỉ có thể ngừa được nếu có chương trình sinh lý và tình dục tại các trường trung học đệ nhị cấp. Nhưng những người có trách nhiệm về giáo dục tại Việt Nam nghĩ rằng “giảng dạy về sinh lý và tình dục tại trường học chẳng khác gì chỉ đường cho hưu chạy”. Cách tốt nhất là đừng đá động đến chuyện đó. Bác sĩ Hào nói: “Trên thực tế ‘hưu vẫn chạy’”. Và tai hại là nhà trường không chỉ cho hưu chạy đường nào cho an toàn.

Không có thống kê để biết tỉ lệ phá thai ở Việt Nam cao hay thấp, nhưng theo các chuyên viên có lẽ thuộc hạng cao trên thế giới. Chính phủ cho tỉ số 20%. Nhưng bệnh viện chuyên về thai nghén tại Hà nội nói tỉ số sát hơn là 40%.

Nhiều phụ nữ không có một ý niệm gì về các cách ngừa thai, nên lỡ rồi phải phá. Nhiều trường hợp phá vì muốn con trai để nối dõi tông đường và săn sóc bố mẹ khi về già. Người Việt Nam tin con gái “ngọai tộc” nghĩa là đi lấy chồng rồi là hết (TBN: một quan niệm đã lỗi thời nhưng vẫn còn thịnh hành tại Việt Nam và nhất là Trung quốc).

Từ năm 2003, chính quyền Việt Nam cấm phá thai vì lý do trai hay gái nhưng luật này rất khó áp dụng. Bà Nguyễn thị Hiền, một phụ nữ có hai con tại Hà Nội nói chỉ cần tốn khoảng $75 mỹ kim thì có khối bác sĩ làm siêu âm và cho biết cái thai là gái hay trai.

Theo thống kê của Cơ quan Dân số Liên hiệp quốc (UN Population Fund) hiện nay tại Việt Nam cứ 100 bé gái thì có 111 bé trai được sinh ra, một sự chênh lệch đáng kể chỉ có ở Trung quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu quan tâm đến nạn trai thừa gái thiếu. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy một xã hội có nhiều đàn ông độc thân (vì kiếm không ra vợ) thường bị nạn buôn người và mãi dâm, hiếp dâm tạo bất ổn cho xã hội.

Chính quyền Việt Nam hay thay đổi chính sách sinh đẻ. Một viên chức Bộ Y tế Việt Nam nói: Có thể Việt Nam sẽ thay đổi chính sách một gia đình hai con hiện nay khi Quốc hội họp vào mùa Xuân năm nay sau Đại hội thứ 12 của Đảng dự trù họp trong tháng 1/2016.

Cũng đã đến lúc thay đổi. Hiện nay với dân số 90 triệu đa số trẻ trung, Việt Nam có một lực lượng lao động 60 triệu đủ sức cung ứng để duy trì sự phát triển kinh tế trong vòng 30 năm tới. Nhưng sau đó thì không biết được. Tại các thành phố hiện nay số sinh không bù đắp nỗi số người chết, nên dân sẽ già dần và đến một lúc nào đó sẽ thiếu nhân công như từng xẩy ra tại Nhật Bản và các quốc gia phát triển. Nhưng Việt Nam sẽ khác là các nước này giàu rồi mới có nạn thiếu nhân công. Việt Nam có thể thiếu nhân công trước khi trở nên giàu có.

Bộ luật kế hoạch hóa gia đình mới ban hành không giải quyết được vấn đề lực lượng lao động trong tương lai. Điều khoản cho phép một gia đình có hai con không thay đổi, nhưng cấm phá thai sau khi thụ thai được12 tuần lễ ngoại trừ bị hiếp dâm (hiện nay là 22 tuần lễ). Luật này có thể làm cho nhiều phụ nữ phá thai lén tại các trung tâm phá thai không đăng ký. Tháng Chín vừa qua có 17 chuyên viên về sức khỏe công cọng ký một thỉnh nguyện yều cầu nới rộng thời gian 12 tuần lễ để các phụ nữ mang thai bất đắc dĩ có thì giờ lo cho việc phá thai một cách an toàn.

Luật mới đặt nặng vấn đề bệnh tật của thai nhi, nhằm khuyến khích các bà mẹ phá thai nếu thấy thai có triệu chứng bệnh tật.

Khi thảo bộ luật, bộ Y tế định bỏ sự giới hạn hai con tại các thành phố, nhưng vẫn duy trì đối với người thiểu số và ở thôn quê để khuyến khích các gia đình trung lưu ở các thành phố sinh đẻ nhiều hơn. Giữ điều kiện này sẽ giúp duy trì các cơ sở kiểm soát (việc sinh 2 con) và giữ công ăn việc làm cho một số công chức. Tuy nhiên ý kiến này bị xem là lỗi thời và có tính kỳ thị (TBN: Dù sao đây chỉ là bước dọ dẫm của chính quyền trước vấn đề dân số và lực lượng lao động đang là vấn đề nổi bật tại nhiều quốc gia như Trung quốc, Nhật Bản. Với lực lượng lao động còn trẻ trung hiện nay, Việt Nam còn có thì giờ để thở).

Trần Bình Nam
11 Jan. 2016
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com




No comments:

Post a Comment

View My Stats