Tuesday, 12 January 2016

6 SAI PHẠM TRONG QUÁ TRÌNH TỐ TỤNG CỦA VỤ ÁN BA SÀM (Trịnh Anh Tuấn - Luật Khoa)





Trịnh Anh Tuấn   -   Luật Khoa
12 JAN 2016

Chỉ còn một tuần nữa, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội sẽ chính thức tổ chức phiên tòa xét xử blogger Anh Ba Sàm, tức ông Nguyễn Hữu Vinh, và bà Nguyễn Thị Minh Thúy (19/1).

Rất được công luận Việt Nam quan tâm, đây là một vụ án đặc biệt mà không đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, trải qua hơn 20 tháng giam giữ, với 1 bản kết luận điều tra và 4 bản kết luận điều tra bổ sung của cơ quan an ninh, 2 lần trả hồ sơ của Viện Kiểm sát, 3 lần trả hồ sơ của Tòa án, các nghi can vẫn chưa “được” đưa ra xét xử. Không đặc biệt là ở chỗ, giống như trong nhiều vụ án kéo dài khác, cơ quan tiến hành tố tụng đã nhiều lần sai phạm.

Bài viết sau đây chỉ liệt kê và phân tích 6 trong số nhiều sai phạm đó.

Sai phạm 1: Bắt giữ khẩn cấp trái luật

Theo Điều 81, Bộ luật Tố tụng Hình sự thì những trường hợp sau đây được bắt khẩn cấp:

  1. a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
    b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
    c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) cáo buộc ông Vinh vi phạm Điều 258 Bộ luật Hình sự, đây không phải là tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nên trường hợp a) bị loại bỏ. Ông Vinh bị bắt một mình khi đang ở nhà, không có ai chứng kiến cũng không hề có hành vi bỏ trốn, nên trường hợp b) cũng không phù hợp.

Theo cơ quan ANĐT, ông Vinh bị bắt trong trường hợp c), tức là “có dấu vết của tội phạm ở người hoặc chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ”. Chứng cứ để cáo buộc là những bài viết trên Internet.

Nhưng việc thu thập, xử lý vật chứng lại cũng có sai phạm: Để hợp pháp hóa việc bắt khẩn cấp, những người thực hiện hành vi bắt khẩn cấp ông Nguyễn Hữu Vinh đã tự tiện sử dụng 3 máy tính của ông và in ra rất nhiều bài viết và tài liệu khác trong 3 máy tính này của ông Vinh.

Như vậy, cơ quan ANĐT đã có hành vi tác động vào máy tính của ông Vinh, truy cập Internet và in ra các tài liệu để phục vụ việc bắt người. Việc này vi phạm nghiêm trọng quy định về thu thập và bảo quản vật chứng (Điều 75 Bộ luật Tố tụng Hình sự), cho nên những tài liệu do công an tự in ra không thể là chứng cứ để bắt giữ ông Vinh được.

Ngoài ra, ông Vinh bị bắt khẩn cấp ngày 05/5/2014. Theo quy định, trong vòng 24 giờ sau khi thực hiện lệnh bắt khẩn cấp, cơ quan thực hiện hành vi bắt giữ phải báo cho Viện Kiểm sát và trong vòng 12 giờ, Viện Kiểm sát phải phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh này. Tuy nhiên, mãi đến ngày 14/05/2014 tức là 9 ngày sau, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mới có quyết định phê chuẩn lệnh bắt người. Việc này vi phạm quy định về việc bắt giữ khẩn cấp về thời gian phê chuẩn.

Sai phạm 2: Người ký quyết định khởi tố vụ án có liên quan đến vụ án

Trung tướng Hoàng Kông Tư, thời điểm đó là Thủ trưởng Cơ quan ANĐT, là người đưa ra quyết định khởi tố vụ án. Tuy nhiên, trong số 24 bài viết là chứng cứ cáo buộc việc phạm tội của ông Vinh và bà Thúy, có 1 bài có liên quan tới ông, là bài “‘Ông trời con’ Hoàng Kông Tư vs. BBC Việt ngữ”.

Do đó, việc chính ông Tư ký quyết định khởi tố vụ án là vi phạm Điều 42, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

Sai phạm 3: Thu thập chứng cứ không hợp pháp

Chứng cứ để kết tội ông Vinh và bà Thúy trong vụ án này là những bài viết trên mạng Internet, tức là những chứng cứ là dữ liệu điện tử. BLTTHS năm 2003 không hề có quy định về việc thu thập những chứng cứ là dữ liệu điện tử.

Tại điều 5, Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC quy định về việc thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử như sau:

Điều 5. Trình tự, thủ tục thu thập dữ liệu điện tử
  1. Dữ liệu điện tử là thông tin chứa trong phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử có thể coi là chứng cứ. Để bảo đảm giá trị chứng cứ, cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự đối với việc khám xét, thu giữ, tạm giữ, bảo quản vật chứng có lưu dữ liệu điện tử như: Ổ cứng máy tính, bộ nhớ trong của điện thoại di động, máy ảnh, máy ghi hình, máy fax, máy ghi âm, máy đọc thẻ, thẻ từ, thẻ chíp, thẻ nhớ, USB, đĩa CD, đĩa VCD, đĩa DVD và các loại phương tiện điện tử khác. Khi thu giữ phương tiện điện tử cần chú ý:
    a) Đối với máy tính: Không được tắt (shutdown) theo trình tự mà ngắt nguồn cung cấp điện trực tiếp cho thân máy (CPU) hoặc máy tính (đối với máy tính xách tay);
    b) Đối với điện thoại di động: Tắt máy, thu giữ cả điện thoại, thẻ nhớ, thẻ sim, bộ sạc điện thoại (nếu có);
    c) Đối với phương tiện điện tử khác: Tắt thiết bị, thu giữ cả phụ kiện đi kèm (nếu có).
  1. Khi bàn giao cho chuyên gia phục hồi dữ liệu điện tử, phải làm thủ tục mở niêm phong và niêm phong theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm tính nguyên trạng và toàn vẹn của chứng cứ lưu trong vật chứng, việc sao chép dữ liệu để phục hồi, phân tích phải được thực hiện bằng thiết bị “chỉ đọc” (Read only), chỉ thực hiện trên bản sao, không được ghi đè, sửa chữa dữ liệu. Để chuyển hóa thành chứng cứ pháp lý, dữ liệu điện tử phải được chuyển sang dạng có thể đọc được, nhìn được, nghe được; phải lập biên bản về nội dung dữ liệu điện tử đã phục hồi, phân tích; kèm theo lời khai, xác nhận của người phạm tội, người làm chứng về những thông tin đó.

Tuy nhiên, khi tiến hành bắt giữ, cơ quan ANĐT đã không chỉ không tuân thủ quy trình nêu trên, mà còn có hành vi tự tiện sử dụng, in ấn trên máy tính của ông Vinh. Do vậy, với sự can thiệp trái luật của cơ quan ANĐT, những bài viết được in ra từ máy tính ông Vinh cũng như những tài liệu khác từ máy tính không có giá trị để làm chứng cứ kết tội.
Sai phạm 4: Không có bị hại nào trong vụ án

Ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị truy tố theo Điều 258 Bộ luật Hình sự. Điều này quy định

  1.   Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2.  Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Theo đó, những người vi phạm Điều 258 đã “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Tuy nhiên, trong cả quá trình điều tra cũng như bản cáo trạng, không hề thấy xuất hiện một bị hại cụ thể nào. Đại diện cho Nhà nước, cụ thể là ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước – cũng không có một văn bản nào thể hiện việc lợi ích Nhà nước Việt Nam bị xâm phạm. Không thấy cá nhân, tổ chức nào hiện diện để chứng tỏ họ bị xâm phạm lợi ích.

Sai phạm 5: Tòa án, Viện Kiểm Sát trả hồ sơ vượt quá thẩm quyền cho phép

Ngày 07/12/2015, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã trả hồ sơ lần thứ 3 về Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, yêu cầu điều tra bổ sung về “vấn đề Đảng tịch”. Viện Kiểm Sát có thẩm quyền cũng trả hồ sơ để điều tra bổ sung 2 lần. Điều này trái với quy định tại khoản 2, Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự về “Thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại”:

  1. Trong trường hợp vụ án do Viện Kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do Toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. Viện Kiểm sát hoặc Toà án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra.

Sai phạm 6: Sử dụng cơ quan không có thẩm quyền và trình độ để giám định chứng cứ kết tội

Cơ quan ANĐT đã sử dụng 24 bài viết trên Internet để làm chứng cứ kết tội ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy. Để 24 bài viết này có thể là chứng cứ, cơ quan này tiến hành trưng cầu giám định Bộ Thông tin – Truyền thông nội dung của 24 bài viết.

Tuy nhiên, chứng cứ ở đây là “nội dung các bài viết”, tức là những sản phẩm thuộc về văn hóa chứ không chỉ là sản phẩm trên lĩnh vực công nghệ thông tin. Nội dung 24 bài viết đề cập đến nhiều mảng: kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử, khoa học kỹ thuật… Vì vậy, để giám định được tính đúng sai của các bài viết, xem chúng xâm phạm lợi ích của ai, thì phải có một hội đồng đủ chuyên môn để giám định.

Trong khi đó, Bộ Thông tin – Truyền thông chỉ đủ khả năng giám định những sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông chứ không thể đủ khả năng thẩm định được những bài viết đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, trong các lĩnh vực khác nhau.
Căn cứ vào 6 sai phạm nêu trên trong quá trình tố tụng, có thể nói, cơ quan hành pháp và cả hệ thống tư pháp của Việt Nam đã thể hiện sự lúng túng trong việc nhất mực muốn khép tội blogger Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy.

Tác giả: Trịnh Anh Tuấn là một nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội, tham gia tích cực vào các hoạt động nhân quyền và bảo vệ môi trường.

------------------------------










No comments:

Post a Comment

View My Stats