13.10.2015
Đạo diễn Scott
Edwards (phải) và nhà sản xuất Nancy Bùi tức Triều Giang (phía sau, phải).
Thưa
quý độc giả, phim tài liệu Vietnamerica về thảm cảnh thuyền nhân Việt Nam do Hội
Bảo tồn Lịch sử và Văn hoá người Mỹ gốc Việt (VAHF) sẽ ra mắt tại Viện Bảo tàng
Truyền thông Hoa Kỳ - Newseum (VBTTT) ở thủ đô Washington vào ngày thứ Bảy
17/10/2015.
Bộ phim tài liệu này đã tiếp tục gây tiếng vang và
đoạt thêm nhiều giải điện ảnh, gây sự chú ý trong giới truyền thông dòng chính
và công chúng Mỹ. VBTTT ở Washington đã quyết định đứng ra bảo trợ buổi ra mắt
phim với sự tham dự của nhiều nhân vật, giới chức Mỹ và nước ngoài đã từng giúp
đỡ người tỵ nạn. Tham gia sự kiện còn có nhiều học giả và các ban quân sử của Hải
quân và Lục quân Hoa Kỳ.
Trong giới truyền thông, ngoài truyền thông Việt ngữ,
còn có các cơ quan truyền thông dòng chính của Mỹ như C-Span và các ban quân sử
của Hải quân và Lục quân Hoa Kỳ. Trong mục Đời Sống Văn Hoá tuần này, mời quý vị
theo dõi cuộc phỏng vấn do Hoài Hương thực hiện với nhà sản xuất phim Nancy
Bùi, tức Triều Giang, Chủ tịch và đồng Sáng lập viên Hội Bảo tồn Lịch sử và
Văn hoá người Mỹ gốc Việt về sự kiện đặc biệt này.
VOA: Xin được chúc mừng nhà sản xuất
Triều Giang và Hội VAHF về thành công mới nhất, nhân dịp phim tài liệu
Vietnamerica sắp sửa ra mắt tại Viện Bảo tàng Truyền thông Newseum. Đầu tiên
xin được hỏi, chị có cảm tưởng, cảm xúc gì khi mà được Newseum báo tin?
Triều
Giang: Dạ vâng, Triều Giang phải nói là rất là vui mừng
bởi vì đó là cái đích cao nhất mà Hội nhắm vào, là đưa lịch sử của người Mỹ gốc
Việt về cuộc chiến tranh Việt Nam theo cái nhìn của người miền Nam Việt Nam vào
cái dòng chính, và Newseum, Viện Bảo tàng Truyền thông Hoa Kỳ có thể nói là viện
hàn lâm của ngành truyền thông, là nơi cao trọng nhất và tất cả những thông tin
gì về truyền thông thì người ta đều chọn Newseum làm chuẩn mực, thưa chị..
VOA: Thưa, được biết là buổi ra mắt ở
Newseum có sự hiện diện của một số quan khách rất là đặc biệt, xin chị Triều
Giang những tên tuổi nào sẽ có mặt trong buổi ra mắt đó?
Triều
Giang: Vâng, cho đến hôm nay Hội đã nhận được hồi báo
của Toà Đại sứ Philippines, ông đại sứ không đến được nhưng cho đại diện đến
tham dự, ngoài ra cũng có ba đại sứ khác, là ông Richard Armitage, người có
tham gia trong việc di chuyển người tỵ nạn Việt Nam năm 1975 vào những ngày cuối
cùng của miền Nam. Một đại sứ khác là ông Kenneth Morfield, Đệ nhất Tham tán của
Toà Đại sứ Mỹ tại miền Nam. Ông là người cuối cùng lên chiếc trực thăng rời khỏi
Việt Nam trước khi miền Nam rơi vào tay cộng sản. Về phía người Việt nam chúng
ta thì có Đại sứ Bùi Diễm, đặc biệt có sự có mặt của Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt
và khoa học gia Dương Nguyệt Ánh cũng như tài tử Kiều Chinh, bà Khúc Minh Thơ,
một số ký giả đã làm việc trước năm 1975…và hầu hết truyền thông ở Hoa Thịnh Đốn
(Washington) đều sẽ có mặt. Triều Giang rất là vui mừng sẽ có sự có mặt của ban
Quân sử Hải quân Hoa Kỳ, Ban Quân sử Lục quân Hoa Kỳ và đài truyền hình quốc
gia C-Span, tất cả các cơ quan, tổ chức này là những người ghi chép những cái dữ
kiện, họ coi sự kiện này là rất quan trọng, là tiếng nói người Mỹ gốc Việt về
chiến tranh Việt Nam cũng như là về lịch sử người Mỹ gốc Việt chúng ta, do đó họ
đến để ghi nhận, thưa chị.
.
VOA: Như vậy, việc Newseum đứng ra
bảo trợ và cho ra mắt phim ngay tại Viện Bảo tàng này ở trung tâm thủ đô nước Mỹ
là một thành quả không nhỏ?
Triều
Giang: Triều Giang có thể dám nói đó là một thành
tích đáng kể, dạ vâng, coi như mình đã muốn đạt mục tiêu này, và chúng ta đã đạt
được điều mình muốn, thưa chị.
.
VOA: Vâng, từ khi được phát hành,
phim Vietnamerica đã gây được nhiều tiếng vang và sự chú ý của đông đảo khán giả,
nhất là giới trẻ, mà như chị Triều Giang biết đấy, giới trẻ vốn khó tính và trước
đó không mấy lưu tâm tới vấn đề tỵ nạn, nguyên do tại sao bố mẹ các em lại rời
bỏ quê hương, rồi tại sao các em lại có mặt ở đây... Chị đã tiếp xúc với một số
các em trẻ, thì các em nói gì sau khi đã xem phim?
Triều
Giang: Thưa chị, cái điều ngạc nhiên đối với Hội và
Triều Giang đó là sự xúc động, cũng như sự quan tâm, sự tha thiết của giới trẻ
sau khi xem cuốn phim này. Các em nói các em cũng nghe cha mẹ nói rất nhiều về
cuộc hành trình mà họ đã trải qua, nhưng mà chưa bao giờ các em được nhìn tận mắt,
nhìn những đường đi, những bãi biển, những trại tỵ nạn trước đây và những ngôi
mộ rải rác khắp vùng Đông Nam Á đã khiến cho các em xúc động và thấy được những
khổ cực cũng như những sự hy sinh của cha mẹ bằng mắt của các em, do đó cái cảm
xúc nó rất là sâu đậm. Các em thường đến ôm chúng tôi như là một người quen biết,
một người thân, các em đến nói "cám ơn các cô chú đã làm cuốn phim này để
chúng con hiểu nhiều hơn." Các em cũng nói rằng các em cảm thấy gần gũi
cha mẹ hơn, thương cha mẹ hơn và thông cảm hiểu cho cha mẹ nhiều hơn thưa chị.
.
VOA: Dạ vâng, nói về vấn đề xúc cảm thì đoạn phim
‘Võ sư Hoá đi tìm Mộ’ đã làm rất nhiều người xúc động và đoạt được nhiều giải
điện ảnh quan trọng, thì xin chị Triều Giang kể lại giải thưởng nào, lời phát
biểu nào làm cho chị và Hội VAHF hãnh diện nhất?
Triều
Giang: Dạ thưa chị, có lẽ là Giải của World Film
Festival tại Houston, nơi đó có trên 30.000 người tham dự Giải Điện ảnh này và
khi phim được chiếu ở đó thì hầu như ai mắt cũng ướt ướt, những lời chia sẻ của
những người đi xem phim, của những ban giám khảo… họ nói rằng họ không cầm được
nước mắt khi đi xem phim này, họ khóc từ đầu đến cuối… thì đó là điều mà Triều
Giang và Hội VAHF cảm thấy rất xúc động và vui mừng bởi vì mình đã đạt được
thành quả đó. Đó là phần thưởng lớn nhất khi mà Hội VAHF và Triều Giang nhìn thấy
người Mỹ họ mở mắt to ra và đứng chờ để được đặt những câu hỏi với mình thì đó
phải nói là cái phần thưởng to lớn nhất. Với 15 thành phố nơi phim Vietnamerica
đã được chiếu thì số người Mỹ xem cũng có ít nhất vài chục ngàn người, gần đến
cả 100.000 người…
.
VOA: Thưa chị Triều Giang, với
kinh nghiệm thu thập được sau khi thực hiện phim Vietnamerica, Hội Bảo tồn Lịch
sử và Văn hoá người Mỹ vốc Việt và chị Triều Giang có dự định khai thác những
kinh nghiệm này để thực hiện một dự án nào khác không ạ?
Triều
Giang: Dạ vâng, thì nó cũng tuỳ thuộc vào vấn đề tài chánh.
Hội còn rất nhiều dự án bởi vì thưa chị, Hội có làm một chương trình gọi là ‘Lịch
sử Truyền Khẩu’. Chương trình đó thì cũng có nhà xuất bản Hoa Kỳ đã mớm lời muốn
mình viết lại và có thể xuất bản thành nhiều tập về Lịch sử Người Mỹ gốc Việt
thì đó là một dự án mà Triều Giang nghĩ rất là lớn, mà nếu chúng ta hoàn thành
được thì ảnh hưởng của nó rất lớn.
VOA: Vâng, cuối cùng, chị Triều
Giang có muốn gửi một thông điệp nào tới khán giả vùng DC, Virginia và Maryland
trước khi phim ra mắt tại Newseum?
Triều
Giang: Dạ vâng, thông điệp mà Triều Giang mong mỏi
đưa đến quý vị khán giả là mong quý vị hãy đến Viện Bảo tàng Truyền thông -
Newseum để cùng với Hội biểu dương lịch sử của chúng ta trước truyền thông và
quan khách Hoa Kỳ, không có nơi nào quan trọng hơn bằng Newseum, vì thế đây là
một cơ hội cho tất cả chúng ta. Một lần nữa xin chân thành cám ơn quý thính giả
Đài VOA đã lắng nghe.
--------------------------------------------
Thưa quý vị, Hội Bảo tồn Lịch sử và Văn hoá người Mỹ
gốc Việt nói phim Vietnamerica không chỉ chiếu cho người Mỹ gốc Việt xem, mà
cho bất cứ ai yêu chuộng tự do và sẵn sàng trả giá dù là rất đắt, để có được tự
do.
Viện Bảo tàng
Truyền thông Newseum bảo trợ bộ phim tài liệu này để bổ túc cho cuộc triển lãm
“Reporting America” khai mạc hồi tháng 4 năm 2015 để dánh dấu 50 năm chiến
tranh Việt Nam (1965-2015). Sau khi ra mắt tại Newseum, Vietnamerica sẽ được
trình chiếu tại rạp Loehmans ở Virginia vào ngày Chủ nhật 18/10.
Muốn biết thêm chi tiết, quý độc giả có thể truy cập
trang Facebook: www.facebook.com/vietnamerica
--------------------------------
Bi kịch và thành công của người Mỹ gốc Việt
Kính
Hòa, phóng viên RFA
2015-07-10
No comments:
Post a Comment