Thursday, 29 October 2015

Tòa quốc tế đồng ý xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” (tin tổng hợp)





Người Việt Online
Thursday, October 29, 2015 6:06:44 PM 

THE HAGUE (NV) - Tòa án quốc tế hôm Thứ Năm ra phán quyết cho biết họ có thẩm quyền để phân xử vụ kiện Trung Quốc mà Philippines đệ nạp về việc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông.

Dù từng tuyên bố không tham dự cũng như không chấp nhận phán quyết của tòa án quốc tế đặt tại The Hague, Hòa Lan, phán quyết sơ khởi để xác định xem tòa án này có thẩm quyền thụ lý hay không cũng sẽ làm cho Bắc Kinh tức tối.

Trước thái độ bá quyền bành trướng của Trung Quốc, năm 2013 chính phủ Philippines đã quyết định đưa vụ việc ra tòa án quốc tế tại The Hague với hy vọng ngăn chặn sự ngang ngược, ỷ sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.

Việt Nam không dám kiện như Philippines vì còn vướng “16 chữ vàng” và “4 tốt” với Trung Quốc nên chỉ đến dự khán xem diễn tiến vụ kiện.

Philippines đã dùng Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS), mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên ký cam kết tuân thủ, để xin tòa án quốc tế giúp giải quyết các tranh chấp liên quan đến các bãi đá ngầm, bãi chìm ở khu vực quần đảo Trường Sa, càng ngày người ta càng thấy khó đối phó hơn.

Tuy nhiên, ngày 7 tháng 12, 2014, Trung Quốc ra một bản tuyên bố lập trường nói rằng Tòa án Trọng Tài Quốc Tế The Hague không có thẩm quyền cứu xét đơn kiện của Philippines. Một trong những lý do Bắc Kinh viện dẫn là sự tranh chấp “nằm ngoài phạm vi của công ước UNCLOS.”

“Sau khi nghiên cứu hồ sơ do Philippines đệ nạp, tòa quốc tế bác bỏ sự biện luận” của Trung Quốc rằng “sự tranh chấp chính thực là về chủ quyền lãnh thổ các đảo ở Biển Ðông, do đó, nằm ngoài thẩm quyền của tòa.” Bản tuyên bố của Tòa án Quốc tế The Hague viết.

Tòa quốc tế The Hague phán rằng vụ kiện phản ảnh “các tranh chấp giữa hai nước liên quan đến sự giải thích hay áp dụng công ước UNCLOS,” một điều nằm trong thẩm quyền của tòa.

Trung Quốc từng tuyên bố chủ quyền hơn 80% Biển Ðông nằm trong 9 cái vạch đứt đoạn nối lại với nhau như hình “lưỡi bò” dù họ chỉ nằm ở phía Bắc. Các nước chung quanh gồm Việt NamPhilippines, Malaysia, Indonesia chỉ còn tí rẻo gần bờ.

Philippines quyết định đưa vụ việc ra tòa án quốc tế sau khi Trung Quốc xua tàu tới chiếm bãi cạn Scarborough Shoal năm 2012. Khu vực này nằm hoàn toàn trong phạm vi đặc quyền kinh tế của Philippines, theo công ước UNCLOS.

Từ năm ngoái đến nay, Trung Quốc gấp rút biến 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ ở Trường Sa. Không ảnh cho thấy ít nhất 3 trong 7 đảo nhân tạo đó có các phi đạo dài 3,000 mét để tất cả các phi cơ quân sự lớn nhất của Trung Quốc có thể lên xuống. Nhiều chuyên viên phân tích thời sự tin rằng chúng sẽ trở thành các căn cứ quân sự khổng lồ để Bắc Kinh khống chế toàn bộ khu vực Biển Ðông.

Việc Trung Quốc thiết lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) cấm máy bay qua lại ở khu vực Biển Ðông, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, tùy tình hình diễn biến ra sao.

Theo bản tin của thông tấn AFP, Tòa án Quốc tế The Hague sẽ thẩm định và đưa ra phán quyết 7 trong 15 điểm mà chính phủ Philippines nêu ra để kiện Trung Quốc, đặc biệt là xác định xem khu vực Scarborough Shoal và những vùng bãi đá ngầm như Vành Khăn có thể được coi là đảo hay không.

Tòa án cũng cân nhắc để xem Trung Quốc có vi phạm quyền đánh cá của người Philippines tại khu vực Scarborough Shoal hay không. (TN)

-----------------------------------

Phương Vũ
Thứ sáu, 30/10/2015 | 06:49 GMT+7

Toà Trọng tài thường trực hôm qua phán quyết rằng họ có thẩm quyền xét xử vụ kiện của Philippines về yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.

PCA lắng nghe luận điểm của Philippines trong phiên điều trần hồi tháng 7. Ảnh: Rappler

"Sau khi xem xét các khiếu nại do Philippines nộp, tòa đã bác bỏ lập luận" của Trung Quốc rằng "tranh chấp thực ra là về chủ quyền đối với các đảo" ở Biển Đông và do đó, vượt quá thẩm quyền của tòa án, AFP dẫn tuyên bố của Toà Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc ở The Hague (La Haye), Hà Lan.

Thay vào đó, tòa cho rằng vụ kiện phản ánh "tranh chấp giữa hai quốc gia, liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS)", và điều này nằm trong thẩm quyền của tòa.

Philippines đã đệ đơn kiện lên PCA từ tháng 1/2013, cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với UNCLOS và cần được tuyên bố là không có căn cứ. Philippines cũng khẳng định rằng một số rạn san hô và bãi cát ngầm Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải.

Tòa án khẳng định họ có thẩm quyền để xem xét 7 vấn đề chống lại Trung Quốc do Philippines đặt ra, trong đó có việc liệu bãi cạn Scarborough và bãi cạn nửa chìm nửa nổi như đá Vành Khăn có được coi là đảo hay không. Tuy nhiên, tòa nói thêm rằng thẩm quyền của mình đối với 7 điểm khác sẽ cần được xem xét thêm. Tòa yêu cầu Manila làm rõ một vấn đề khác.

Tòa cũng cho biết đã lên kế hoạch về các phiên điều trần tiếp theo và dự kiến ​​sẽ đưa ra phán quyết trong năm tới.

Sau khi tòa đưa ra thông báo, Trung Quốc tái khẳng định lập trường là không chấp nhận và không tham gia vào phiên tòa. "Nỗ lực để đạt được nhiều lợi ích bất hợp pháp hơn nữa, bằng cách tiến hành phân xử đơn phương là không thực tế và sẽ chẳng dẫn đến đâu", Zhu Haiquan, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington nói. "Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp liên quan thông qua đàm phán và tham vấn với các bên liên quan trực tiếp. Đây là phương án đúng đắn duy nhất".

Trong khi đó, Mỹ hoan nghênh quyết định của tòa. "Điều này cho thấy luật pháp quốc tế được áp dụng" vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, một quan chức quốc phòng cấp cao nói.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông dựa trên "đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" nước này tự đưa ra, đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia. Nước này tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền bằng các hoạt động cải tạo và xây dựng trên một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc nhiều năm nay khẳng định tranh chấp với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông cần được giải quyết song phương và khăng khăng không đồng ý tham dự vụ kiện của Philippines.

-------------------









No comments:

Post a Comment

View My Stats