Tuesday, 27 October 2015

“Nhìn du lịch Việt mà đau lòng” (Rosie Nguyễn)






Rosie Nguyễn
13:34 27/10/2015

ZING.VN - "Mình chỉ là một người đam mê du lịch, nhưng mỗi lần đi đâu, mình đều nhìn ngó quan sát, xem cách làm du lịch của người ta thế nào và học hỏi", độc giả Roise Nguyễn viết.

Đây là bài viết của Rosie Nguyễn, tác giả cuốn "Ta balo trên đất Á".

Với những gì đã chứng kiến, mình phải ngậm ngùi thừa nhận rằng khách du lịch nước ngoài không trở lại Việt Nam không hề sai. Người ta bận quay trở lại Thái Lan, đất nước láng giềng của chúng ta mất rồi. Nếu mình là du khách, bị hạn chế về thời gian và phải lựa chọn giữa hai nơi, chắc chắn mình cũng sẽ chọn Thái Lan.

Dĩ nhiên những điều mình biết, dù nhiều bao nhiêu chăng nữa vẫn không phải là toàn diện. Mình cũng không có ý định khái quát hóa. Mình chỉ chia sẻ những câu chuyện bản thân đã nghe, đã thấy.

Biển đảo

Việt Nam: Phú Quốc và Côn Đảo. Vắng vẻ, hoang sơ, nhiều bãi biển đẹp, nhưng quá ít chỗ vui chơi giải trí. Phú Quốc đẹp nhưng đường đi lổm chổm sửa đi sửa lại hoài, ít nơi để thăm thú. Ở Côn Đảo, mình muốn mua thứ gì đó để làm quà lưu niệm, nhưng chỉ có vài cửa hàng nghèo nàn bán hải sản khô hay đồ trang trí bằng vỏ trai, vỏ ốc. Cả hai nơi đều chỉ có khu chợ đêm bán hải sản là hơi đông đúc và vài ba quán cà phê, quán bar nhỏ. Sau 22h, mọi thứ hầu như chìm vào im lặng.
Mình đã đi Phú Quốc và Côn Đảo mỗi nơi một lần. Cảm nhận chung cho cả hai nơi là nhẹ nhàng, dễ chịu. Nhưng hỏi mình có đi thêm lần nữa không hả? Có thể không.

Thái Lan: Ko Samui, Ko Tao
Hai đảo này tuy không phải nổi tiếng bậc nhất du lịch Thái Lan kiểu như danh tiếng của Phú Quốc và Côn Đảo ở Việt Nam (vì ở Thái có quá nhiều đảo đẹp), tiện nghi lại vượt xa đảo Việt Nam.
Ko Samui có diện tích chỉ bằng một nửa Phú Quốc, mà không thiếu thứ gì, từ những nơi tưng bừng nhộn nhịp kiểu walking street, tới những làng cổ truyền thống nhỏ nhắn dễ thương. Khi đến Ko Samui, mình đã bất ngờ khi thấy Central World và Big C ở ngay trung tâm đảo. Du khách tha hồ lượn lờ mua sắm đủ thứ nhu yếu phẩm trang sức quần áo với giá phải chăng. Mình cũng có những giờ phút thảnh thơi nằm cả buổi chiều trên một bãi biển cát trắng mịn màng chỉ có mình và một hai du khách khác,.
Ko Tao nhỏ bằng 1/3 Côn Đảo. Nhà hàng, resort nằm san sát nhau bên bờ biển chính Sairee dài hàng mấy cây số. Nơi đây có hàng trăm cửa hàng lặn, cửa hàng tiện lợi 7Eleven, dorm, guesthouse, phòng tập gym, yoga, mát xa, muay Thai. Bar club thỏa sức cho các bạn tây thích rượu chè tiệc tùng từ khuya đến sáng. Các bãi biển khác đầy san hô và cá. Chả cần thuê tàu ra xa như Phú Quốc hay Côn Đảo, chỉ cần kính bơi và ống thở, cứ thế bơi gần bờ biển là thỏa sức nhìn ngắm thế giới đại dương.
Ở Ko Samui và Ko Tao, mình đều rất rất thích và có những kỷ niệm không thể quên được, ấn tượng cực kỳ đặc biệt. Mình chắc chắn sẽ quay lại hai nơi này, với bạn thân, với người yêu hay cả đại gia đình đông đúc.

Núi non

Việt Nam: Tây Bắc
Mình đã đi Tây Bắc, và phải nói là cảnh đẹp như thiên đường. Những con đường đèo uốn lượn phê người, núi non hùng vĩ, ruộng bậc thang xanh non, người dân tộc áo quần nhiều màu sắc. Chắc chắn mình sẽ quay trở lại Tây Bắc. 

Núi rừng Tây Bắc tuyệt đẹp của Việt Nam. Ảnh: Blue_sea.

Nhưng với bạn nước ngoài mà muốn giới thiệu cho họ đi thì hổng biết chỉ sao nữa. Đường xá ít biển hiệu chỉ dẫn. Người dân không biết tiếng Anh. Nhà trọ, khách sạn thiếu thốn. Chuyến mình đi, các anh trong đoàn đã sắp xếp chỗ ăn ở tốt nhất có thể, vậy mà dừng lại những nơi nổi tiếng và đẹp tuyệt vời như Mù Cang Chải, Tú Lệ… chỉ có lèo tèo vài nhà nghỉ. Thức ăn từ tỉnh này qua tỉnh khác cũng chỉ có vài ba món giống nhau: bí đỏ, gà luộc, thịt kho…. Khoảng 22h ra ngoài kiếm chỗ ăn đêm đỏ mắt không ra.

Thái Lan: miền Bắc
Sa Pa Việt Nam chỉ có khung cảnh xung quanh đẹp còn bản thân thị trấn lại hơi buồn chán. Còn Chiang Mai ở phía bắc là tập hợp nhiều thứ khác: bao nhiêu đền đài chùa chiền lung linh sặc sỡ cho du khách tham quan; có núi non hùng vĩ, có khu bảo tồn thiên nhiên cho người thích khám phá; có những khu chợ sầm uất tiện nghi, siêu thị, trung tâm thương mại, mấy cái chợ đêm, rồi street market, flea market đủ thứ.

Giao thông

Việt Nam: Bạn mình bảo điều bạn sợ nhất khi đi du lịch Việt Nam là mỗi lần qua đường. Những dòng xe máy ồ ạt ầm ầm. Người ta chạy như ăn cướp, lạng lách ẩu tả và hay lấn đường khiến du khách hết hồn.

Cảnh giao thông kinh dị tại Việt Nam. Ảnh: Vtc.vn.

Thái Lan: Lần đầu tiên đi Thái, mình cực kỳ ngạc nhiên khi thấy một chiếc xe hơi đang chạy dừng hẳn lại cho mình qua đường rồi mới tiếp tục chạy tiếp. Rất nhiều lần tiếp theo, mình đều được nhường đường như thế. Mỗi lần như vậy, mình đều mỉm cười cảm ơn và nhẹ nhàng đi qua không sợ hãi.

Việt Nam: 
Xe khách đi các miền núi phía bắc càng hãi hùng. Chị mình đi Sa Pa nói tài xế chạy ẩu thiếu điều muốn rớt xuống vực. Bạn mình nói chuyến xe buýt Lào Cai - Viêng Chăn là chuyến xe kinh hoàng nhất cuộc đời. Người xếp lớp ngồi đè lên nhau như cá hộp, hành lý lổn ngổn gà vịt quang quác trên xe, đến được tới nơi thì ai nấy đều tả tơi như xơ mướp.
Vé tàu lửa thì khó mua và chạy chậm. Có rất ít các phương tiện vận tải khác thay thế.

Thái Lan: Có khá nhiều hãng xe khách để du khách đi lại các vùng miền tại Thái Lan. Nhân viên đều biết nói tiếng Anh vừa đủ để trò chuyện, hỗ trợ. Đi lại bằng tàu điện hoặc tàu hỏa giữa các nơi cũng khá tiện lợi. Thông tin đi lại có sẵn trên mạng để đặt vé trước. Các bến xe hoạt động hiệu quả rõ ràng. Mình không gặp vấn đề gì khi đi lại ở Thái.

Theo tour
Việt Nam: Công ty cũ mình tổ chức company trip ở Việt Nam, đặt tour qua một đơn vị có tiếng trong ngành du lịch. Vậy mà hướng dẫn viên thì nói chuyện vô duyên và thiếu kiến thức, các câu nói đùa thô thiển hời hợt. Đoàn đi có các sếp người nước ngoài, đã trả tiền thêm cho một hướng dẫn viên nói tiếng Anh. Vậy mà hướng dẫn bằng tiếng Anh qua loa đại khái, lúc có lúc không. Bữa ăn không đủ thức ăn. Người này phải nhường người nọ. Khách phản ánh thì bảo "Em là hướng dẫn viên thôi, mấy chuyện đó em đâu có biết".

Thái Lan: Công ty cũ mình làm company trip ở Thái Lan. Đặt tour qua đại lý Thái Lan. Hướng dẫn viên thân thiện dễ mến, có nhiều chuyện kể lịch sử thú vị và cực kỳ am hiểu thị hiếu khách Việt Nam, hóm hỉnh và rất chịu khó giao lưu tương tác với khách. Đến bữa ăn, nhân viên đại lý du lịch đứng ở các bàn phụ với nhà hàng đem thức ăn cho khách. Hướng dẫn viên đứng chờ du khách dùng bữa xong rồi mới đi ăn. Tổ chức chương trình gala dinner hoành tráng chuyên nghiệp. Trong khi di chuyển, họ còn nhiều hoạt động giải trí đố vui về lịch sử, du lịch tặng thú nhồi bông, gối tựa, đồng hồ các kiểu gây hứng thú bất ngờ cho khách.
Chuyến ấy đi xong mấy chị em trong công ty phải gật gù công nhận người Thái làm du lịch tốt không chê vào đâu được.

Tổng cục du lịch

Nhìn vào hai trang web của hai Tổng cục du lịch là thấy ngay sự khác biệt.

Việt Nam: http://vietnamtourism.gov.vn/ http://vietnamtourism.gov.vn/ . Website chỉ có tiếng Việt và tiếng Anh, mô phạm, cũ kỹ, nhìn chán.
Khẩu hiệu du lịch của nước ta trước kia là: Vietnam, the hidden charm. Bọn bạn mình hay đùa là "hidden charm, vẻ đẹp tiềm ẩn nên nó ẩn rất kín, phải tìm thì mới thấy". Giờ đổi thành Vietnam - Timeless charm.

Thái Lan:
http://www.tourismthailand.org/ http://www.tourismthailand.org/ . Website có nhiều thứ tiếng, cả trang dành cho khách Việt, sinh động trực quan, nhiều thông tin thiết thực.
Khẩu hiệu du lịch: Amazing Thailand, đi kèm những bài hát quảng bá du lịch Thái Lan rất dễ nghe cuốn hút.
Mình làm chương trình với Tổng cục du lịch Thái Lan tại Việt Nam, được nghe kể là họ lên chiến lược phát triển du lịch theo tầm dài hạn. Phuket nổi tiếng như ngày nay là đã có kế hoạch đẩy mạnh du lịch từ hơn 20 năm trước.
Còn bây giờ, họ đang xúc tiến đẩy mạnh du lịch các tỉnh miền trung Thái, mục đích cho hai mươi năm sau. Họ mời blogger, nhà báo các nước đến thăm thú trải nghiệm viết bài, mời hot girl, influencer tới làm clip, làm phim đủ kiểu. Mỗi lần đi là một lần ngỡ ngàng về cách làm du lịch của người Thái.

Bảo tồn

Việt Nam: Vịnh Vĩnh Hy, rồi đến Nha Trang, Phú Quốc - san hô không ít, mà chết gần hết rồi. Ở Nha Trang, có hướng dẫn viên còn khuyến khích du khách cầm nắm bẻ san hô đem về làm kỷ niệm. Ở vịnh Vĩnh Hy, người ta xây bè cá ngay trên rặng san hô gần bờ biển, thấy mà xót lòng.

Sinh vật biển bên rặng san hô ở Nha Trang. Ảnh: Vinadiving.com.vn.

Thái Lan: Không những bảo vệ, người Thái còn có rất nhiều dự án gây trồng san hô nhân tạo để phát triển thêm du lịch biển Thái Lan. Năm 2011, chính phủ Thái Lan đóng cửa hàng loạt khu lặn biển để bảo tồn và gây dựng lại san hô, tránh tình trạng bị khai thác quá mức.

Visa

Việt Nam: Khách du lịch ngoài khu vực Đông Nam Á hầu như phải xin visa vào Việt Nam. Lệ phí 25 USD online nộp trước, và 45 USD nộp khi nhập cảnh.
Vừa rồi mới có quy định miễn thị thực 15 ngày cho du khách từ Anh, Itay, Đức, Tây Ban Nha trong khoảng tháng 7/2015 - 6/2016. Nhưng mấy người bạn nước ngoài của mình phàn nàn rằng 15 ngày là quá ngắn.

Thái Lan: Miễn visa 30 ngày cho hơn 50 quốc gia, bao gồm tất cả các quốc gia phát triển. Du khách các nước còn lại thường được làm visa on arrival nhanh chóng tiện lợi.
Đó là chưa kể tới cung cách làm việc của hải quan Việt Nam và hải quan Thái Lan.

Thái độ đối với du khách

Việt Nam: Sếp cũ của mình là người thích sưu tầm tranh. Một lần ông đi dạo ở khu Đồng Khởi và vào xem một phòng tranh. Người phụ nữ bán tranh hỏi ổng cần gì, ổng bảo: “I wanna have a look”, thì nghe tiếng người đó lầm bầm cái gì đó ra chiều rất khó chịu. 
Thấy một bức có vẻ vừa ý, sếp mình hỏi giá. Người bán tranh ra giá hơi cao nên sếp ngắm nghía một hồi rồi đặt xuống. Bà bán tranh hỏi: “Shall I pack for you?”. Sếp trả lời: “No thank you, I’ll check something else”. Xong bà bán hàng tức giận đuổi sếp ra khỏi cửa hàng. Sếp kể lại câu chuyện cho mình mà vẫn chưa hết thấy ngạc nhiên và bức xúc. Không phải ổng không có đủ tiền để mua bức tranh đó nhưng giá quá cao và thái độ như thế làm sao hài lòng mà mua.

Thái Lan: Mình đi vòng vòng mấy cửa hàng quanh một khu chợ nhỏ để giết thời gian chờ bạn đến đón. Đang đứng ngắm nghía các tượng phật và khăn choàng ở một cửa hàng bán đồ Tây Tạng và Ấn Độ thì anh chàng bán hàng đến, nhã nhặn chào và nói chuyện mình. 
Thấy mình mang ba lô nặng mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ảnh bảo mình đặt tạm ba lô xuống chỗ ảnh và đưa ghế cho mình ngồi nghỉ. Rồi ảnh hỏi thăm kể chuyện đủ thứ cho mình nghe. Câu chuyện kéo dài tới ba tiếng đồng hồ mãi đến khi bạn mình gọi đến đón đi. Ảnh biết mình không mua gì cả, nhưng ảnh vẫn rất vui vẻ trò chuyện và đối xử với mình rất dễ thương. Ảnh còn bảo khi nào đến Việt Nam sẽ liên lạc với mình. Nhiều lần trước đi du lịch Thái Lan, mình cũng chưa bao giờ có ấn tượng xấu với những người bán hàng ở đây.

Rosie Nguyễn
 



No comments:

Post a Comment

View My Stats