Tuesday 27 October 2015

GS Thayer: Đây mới là khởi đầu, Mỹ sẽ điều thêm tàu (Minh Anh - ZING.VN)





Minh Anh  -  ZING.VN
15:05 27/10/2015

Trả lời Zing.vn, giáo sư Carl Thayer lý giải việc Mỹ điều tàu đến đá Xu Bi và Vành Khăn trước tiên, đồng thời dự đoán Trung Quốc sẽ phản đối bằng việc cử tàu Hải cảnh hoặc tàu cá.

Trung Quốc bồi đắp trên nhiều khu vực nhưng vì sao Mỹ cử tàu đến hai đá Xu Bi và Vành Khăn trước tiên?
- Đá Xu Bi và đá Vành Khăn ở điểm cuối phía bắc của quần đảo Trường Sa, nằm ở ngoại vi quần đảo chứ không phải nằm ở trung tâm. Hai bãi đá này cũng tương đối nổi hơn trên mặt biển so với các bãi còn lại (các đá Ga Ven, Chữ Thập… trước khi được cải tạo thì hoàn toàn chìm dưới biển - PV). 
Tuy nhiên, đây chỉ mới là sự bắt đầu trong những kế hoạch tuần tra của Mỹ. Tôi tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu đến gần những khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng.

Bản đồ các đảo mà Trung Quốc cưỡng đoạt và bồi lấp trái phép. Đồ họa: Wall Street Journal.

- Tàu USS Lassen được hộ tống bởi nhiều máy bay do thám. Hải quân Trung Quốc sẽ đối phó thế nào để ngăn tàu Mỹ tiếp cận các đảo nhân tạo?
- Hải quân Trung Quốc không thể đối đầu với một tàu chiến uy lực như USS Lassen. Việc Mỹ cũng điều thêm máy bay do thám P-8A là nhằm giúp chỉ huy trên tàu Lasssen và các chỉ huy hải quân khác có bức tranh toàn cảnh về những nỗ lực đáp trả của Trung Quốc. 
Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ chủ yếu phản đối bằng lời nói, thông qua Bộ Ngoại giao nước này hoặc từ liên lạc vô tuyến từ các đảo nhân tạo.
Trung Quốc cũng có thể phản đối bằng việc cử tàu Hải cảnh hoặc thậm chí cả tàu cá. Tuy nhiên, các tàu này chủ yếu chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền của Bắc Kinh.

- Việc Mỹ điều tàu diễn ra vài tuần trước khi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp nhau trong nhiều sự kiện cao cấp của châu Á từ tháng 11. Tình thế này gây khó khăn thế nào đối với Trung Quốc?
- Phản ứng của Trung Quốc là điều có thể đoán trước được. Họ sẽ lớn tiếng chỉ trích Mỹ gây rắc rối mà không vì mục tiêu gì, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoà bình và an ninh trong khu vực. Trung Quốc có thể đáp trả tương tự như khi họ đơn phương công bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, họ sẽ có nhiều tuyên bố chủ yếu trên mặt trận tuyên truyền, nhưng không thể làm thay đổi các quyết tâm hành động của Mỹ.
Nếu Trung Quốc tiếp tục phản ứng, chắc chắn rằng vấn đề đảo nhân tạo sẽ là chủ đề được bàn tán nhiều nhất tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Trung Quốc sẽ bị cô lập về mặt ngoại giao.
Cuối tuần qua, tàu Lassen đã cập cảng Kota Kinabalu ở Malaysia trong một chuyến thăm sau khi nó kết thúc đợt tuần tra trên Biển Đông. Tờ The Diplomat nhận định, các sĩ quan và chỉ huy trên tàu Lassen dường như đã có nhiều kinh nghiệm tương tác với tàu hải quân của Trung Quốc dựa trên Quy tắc ứng xử khi bất ngờ chạm trán Mỹ - Trung trên Biển Đông (CUES).
Trong cuộc tuần tra mới đây, sĩ quan phụ trách truyền thông trên tàu Lassen ngày 19/10 cho biết, họ đã gặp hai tàu chiến nhỏ lớp Jiangkai-2 và một tàu lớp Jianghu của Trung Quốc. Thuỷ thủ đoàn trên tàu Lassen đã vận dụng những quy chuẩn liên lạc theo CUES để bảo đảm an toàn hàng hải.

Minh Anh (thực hiện)

----------------------------------

Ngọc Mai  -  Thanh Niên Online
27/10/2015 20:34

(TNO) Trả lời Thanh Niên Online, giáo sư Carl Thayer (Úc) cho rằng Trung Quốc sẽ tiến hành các chiến dịch trên mặt trận thông tin để khiến các nước trong khu vực lo lắng về hoạt động tuần tra trên Biển Đông của Mỹ.

Sau khi có thông tin Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tiến hành tuần tra 12 hải lý quanh Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sáng ngày 27.10, Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á, Trung Quốc, Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng hoạt động tuần tra của Mỹ đến hôm nay mới tiến hành là quá muộn, và “Mỹ đáng lẽ nên hành động từ năm 2014 khi Trung Quốc rõ ràng đã bắt tay vào việc cải tạo đảo phi pháp trên Biển Đông”.

Theo Giáo sư Carl Thayer, lúc này chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ không thể ngăn cản được viêc Trung Quốc củng cố các công trình và cơ sở hạ tầng đã xây dựng trên các đảo nhân tạo phi pháp đó nữa; và Trung Quốc sẽ tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo để đáp ứng những mục tiêu của họ trong thời gian thích hợp.

Nhận định về phản ứng của Trung Quốc sau khi Mỹ đưa tàu tiến sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã ngang nhiên xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer cho rằng Trung Quốc sẽ không trực tiếp đối đầu với Mỹ bằng tàu chiến hay hành động quân sự. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ tiến hành các chiến dịch trên mặt trận thông tin và pháp lý để ngăn Mỹ tiếp tục hoạt động tuần tra.

Các chiến dịch của Trung Quốc sẽ nhắm tới các nước trong khu vực với mục đích làm các nước này lo lắng rằng hành động của Mỹ gây mất ổn định tại khu vực.

Đánh giá về chính sách của Mỹ tại Biển Đông, chuyên gia Úc cho rằng Mỹ cần phải thay đổi chính sách. Cụ thể là phải ra mặt rạch ròi và chắc chắn để bảo vệ hiện trạng trên Biển Đông cũng như mạnh mẽ phản đối những hành động đơn phương của Trung Quốc, vốn có thể gây ảnh hưởng lâu dài tại khu vực.

Ngọc Mai








No comments:

Post a Comment

View My Stats