Thụy My - RFI
Đăng ngày 09-10-2015
Trong
cuộc họp báo hôm nay 09/10/2015, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương
đồng thời là trưởng đoàn đàm phán TPP (Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái
Bình Dương) cho biết, sau quá trình phê duyệt từ 18 đến 24 tháng hiệp định này
sẽ có hiệu lực.
Tất nhiên bên cạnh lợi thế cũng có nhiều khó khăn,
nhưng trong điều kiện mọi yếu tố đều thuận lợi, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng
68 tỉ đô la vào năm 2026 nhờ TPP. Riêng về xuất khẩu dệt may, một tỉ đô la xuất
khẩu hàng năm sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm.
Trả lời RFI Việt ngữ, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội
Dệt may Thành phố Hồ Chí Minh phân tích thêm về tác động của TPP trong lãnh vực
này.
.
RFI
: Thân
chào ông Phạm Xuân Hồng. TPP vừa hoàn tất đàm phán - tất nhiên còn phải chờ Quốc
hội 12 nước phê duyệt - nhưng riêng đối với ngành dệt may, theo ông triển vọng
sắp tới sẽ như thế nào?
Ông
Phạm Xuân Hồng : Vừa rồi các doanh nghiệp dệt
may xuất khẩu của Việt Nam rất mong đợi thông qua hiệp định TPP. Phải nói rằng
cũng hơi bất ngờ vì sự kết thúc đàm phán cuối cùng đến ngoài mong đợi. Người ta
nghĩ rằng còn lâu, nhưng 12 nước đã ngồi lại và kết thúc tương đối sớm.
Dĩ nhiên ai cũng biết là từ kết thúc đàm phán cuối
cùng đến khi có hiệu lực vẫn còn xa – như các nguyên thủ quốc gia nói rằng phải
ít nhất 18 tháng sau thì Quốc hội các nước mới có thể phê chuẩn. Tuy nhiên nó sẽ
tác động rất lớn đến dệt may xuất khẩu của Việt Nam.
Như chúng ta biết, nếu TPP có hiệu lực thì thuế nhập
khẩu vào Mỹ và các nước trong TPP sẽ giảm xuống bằng 0. Đây là một lợi thế rất
lớn. Trước đây thuế nhập khẩu từ 17% trở lên, bây giờ nếu có hiệu lực sẽ xuống
còn 0%. Rõ ràng đây là thuận lợi rất lớn, đòi hỏi những quy tắc, điều kiện,
tiêu chuẩn khắt khe chứ không đơn giản là tất cả mọi sản phẩm nhập vào Mỹ hay
các nước thành viên TPP đều hạ xuống được bằng 0.
Thí dụ, khó nhất hiện nay là xuất xứ nguyên phụ liệu
phải từ Việt Nam hoặc là một trong các nước TPP thì mới được hưởng lợi thế đó.
Hiện nay Việt Nam chỉ đáp ứng được trên dưới 20%. Như vậy 80% còn lại tính toán
sao đây?
Dĩ nhiên các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có bài
toán theo thời gian. Thí dụ mở rộng mối quan hệ với các nhà xuất khẩu nguyên phụ
liệu từ các nước TPP – nhưng chắc không nhiều. Rồi hiện nay Nhà nước cũng chủ
trương phát triển công nghiệp hỗ trợ - tức sản xuất nguyên phụ liệu, kêu gọi đầu
tư nước ngoài hợp tác với các doanh nghiệp Việt để đẩy nhanh tốc độ phát triển
nguồn cung cấp nguyên phụ liệu từ Việt Nam.
Theo tôi có thể trong ba năm, năm năm tới, các doanh
nghiệp Việt Nam sẽ có thể khai thác lợi thế đó mạnh hơn và nhiều hơn trong
tương lai. Bên cạnh đó dĩ nhiên các doanh nghiệp đang lo là thị trường nội địa
sẽ phải cạnh tranh rất dữ với các loại hàng hiệu nhập từ TPP vào đây, v.v…thì
cũng là một thách thức.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng hiểu rằng không thể
nào mình hưởng lợi không mà không gặp thử thách, không bị thiệt thòi. Nếu mình
phấn đấu vượt qua được thì sẽ khai thác lợi thế được nhiều hơn. Trước mắt là
TPP tác động đến ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam tương đối thuận lợi, như
tôi đã trình bày.
.
.
RFI
: Được
biết nguyên phụ liệu hiện nay đa số từ Trung Quốc, nếu muốn chủ động được có lẽ
phải lo từ bây giờ. Như ông nói lúc nãy, trong nước chắc cũng đã có chuẩn bị việc
đầu tư sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may rồi?
Ông
Phạm Xuân Hồng : Không phải đến bây giờ các
doanh nghiệp Việt hay chính phủ Việt Nam mới chuẩn bị. Nhưng việc chuẩn bị
trong thời gian vừa qua theo tôi đánh giá là hơi chậm, sự thúc đẩy chưa mạnh lắm.
Bây giờ vòng đàm phán cuối cùng đã kết thúc rồi, tạo ra một áp lực cho các
doanh nghiệp Việt Nam, cho Nhà nước Việt Nam. Tính toán bài toán sản xuất
nguyên phụ liệu nhanh hơn, mạnh hơn và hiệu quả, thì tôi nghĩ rằng thời gian sẽ
tương đối ngắn hơn.
Nếu nhận thức được sớm thì có lẽ cho đến giờ chúng
ta không ở khoảng 20-25% đâu, mà có thể đạt được hơn nữa. Nhưng bây giờ coi như
là áp lực trực tiếp rồi ! Tôi hy vọng rằng với sự cố gắng của các doanh nghiệp,
rồi sự hỗ trợ của Nhà nước kéo đầu tư của nước ngoài vào đây hợp tác sản xuất
nguyên phụ liệu, sẽ giải được bài toán đó tốt hơn.
.
RFI
: Còn việc làm hàng FOB ở Việt Nam, tức theo
phương thức mua nguyên liệu bán thành phẩm, chắc bây giờ đã phát triển hơn trước?
Ông
Phạm Xuân Hồng : Lâu nay người ta nói thế mạnh
của Việt Nam phần lớn là gia công. Trước đây thì đúng, nhưng xu thế từ hai, ba
năm nay đã chuyển dần qua FOB. FOB cũng có nhiều loại, thí dụ mua nguyên liệu
do khách hàng chỉ định cũng có, hoặc các doanh nghiệp tự đi tìm kiếm nguồn
nguyên liệu trong nước hoặc ở các nước Đông Nam Á chẳng hạn, để có thể chủ động
hơn trong việc sản xuất ra sản phẩm, thì đã có nhiều tiến bộ rồi.
Và chính con đường đó là con đường phải đi, chứ
không thể tiếp tục gia công được. Chỉ làm công thì rõ ràng không thể nào có hiệu
quả, không thể nào sống êm ả với việc gia công được. Cho nên xu hướng làm FOB rồi
ODM, tức là tự sáng tác các mẫu mã, design để chào cho khách hàng, hiện nay xu
thế đó đang mạnh hơn trước nhiều lắm. Trước nay có lẽ quen với việc nhận gia
công cho khỏe, nhưng bây giờ không cho phép nữa.
Sự cạnh tranh đang dữ dội, kể cả cạnh tranh giữa các
doanh nghiệp trong nước cũng vậy. Nếu mình cứ làm gia công thì rõ ràng là khó,
trong môi trường cạnh tranh hiện nay. Cho nên bắt buộc các doanh nghiệp phải
tìm mọi cách cải thiện phương thức kinh doanh bằng FOB. Và theo tôi đánh giá,
bây giờ nâng lên cũng tương đối tốt.
.
RFI: Trước triển vọng từ TPP, các nhà đầu tư các nước không thuộc khối
này có đón đầu bằng cách đầu tư vào Việt Nam, hay có xu hướng chuyển dịch sản
xuất qua Việt Nam chưa, thưa ông ?
Ông
Phạm Xuân Hồng : Có lẽ trong vài năm gần đây
và hiện nay, tình hình chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam để sản xuất nguyên phụ
liệu tương đối rầm rộ hơn. Vì kinh doanh ở đâu cũng vậy, chỗ nào có đầu ra, chỗ
nào có lợi thế thì chúng ta phải tập trung vào đó. Các công ty, tập đoàn nước
ngoài có lẽ cũng làm theo xu hướng đó.
Việt Nam vào TPP, muốn khai thác lợi thế thì người
ta đầu tư vào đây để có đầu ra, mà đầu ra tương đối thuận lợi. Cho nên nó làm
nóng môi trường đầu tư lên. Đó là điều cũng phù hợp với quy luật thôi. Hiện nay
sự hợp tác giữa các công ty nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam tương đối
là tốt và mạnh mẽ. Hy vọng từ đầu tư của Việt Nam và nước ngoài phối hợp với
nhau thì việc cung ứng nguồn nguyên liệu sẽ tăng nhanh hơn.
.
RFI: Thưa ông, hiện giờ tình hình đã « nóng » chưa hay mới được «
hâm nóng » lên một chút thôi ?
Ông
Phạm Xuân Hồng : Đã « nóng » rồi,
nhưng mà để « sôi » thì còn cần thời gian. Thí dụ đã có nhiều
dự án triển khai, nhưng từ triển khai cho đến ra thành phẩm, và sau đó có đủ sản
lượng, chất lượng để cung ứng cho xuất khẩu, còn là những bước thời gian. Nhưng
có thể nói các dự án đã rải rác, từ Nam ra Bắc đều có những dự án đầu tư tương
đối lớn, có quy hoạch, và có những dự án đã khởi động tốt. Tôi tin rằng với độ
nóng, có lẽ thời gian sẽ rút ngắn hơn.
.
RFI: Lực lượng lao động trong ngành dệt may Việt Nam hiện nay như thế
nào, và trong dự định sắp tới có thu dụng thêm nhiều nhân công?
Ông
Phạm Xuân Hồng : Cũng có nhiều ý kiến cho là
lượng lao động sẽ tăng lên nhiều. Hiện nay tổng số lao động dệt may của Việt
Nam khoảng hai triệu rưỡi. Có người cho rằng đến năm 2025 lượng lao động sẽ
tăng lên gấp đôi. Nhưng theo tôi có lẽ là không tăng nhiều vậy đâu - vì lao động
có giới hạn, ở Việt Nam cũng chủ trương mỗi gia đình chỉ sinh hai con thôi.
Cho nên số lao động trong tương lai có lẽ cũng không
tăng lên ào ạt. Các ngành khác cũng tăng, thế thì lao động ở đâu ? Tôi nghĩ là
sẽ tăng, nhưng không phải tăng gấp đôi. Vấn đề là đầu tư thiết bị, cải tiến quản
lý, nâng cấp lên thì năng suất lao động sẽ tăng lên. Cộng cả việc tăng số lượng
lao động và năng suất lao động, thì đến năm 2025 có thể kim ngạch xuất khẩu sẽ
tăng gấp đôi, thí dụ vậy, chứ không nhất thiết là tăng lao động.
Tôi thì lo là số lao động có giới hạn, và các ngành
khác phát triển cũng cần lao động, làm sao có thể tập trung hết vào ngành dệt
may. Nhưng mà ngành dệt may phải đầu tư thiết bị. Một máy mới có thể bằng hai
cái máy cũ, hiệu quả của nó cộng với cải tiến cách quản lý thì năng suất sẽ
tăng lên, từ đó tăng kim ngạch xuất khẩu.
.
RFI: Có lẽ cần chú trọng đầu tư vào giá trị tăng thêm trong sản phẩm
như tỉ lệ sáng tạo chẳng hạn…
Ông
Phạm Xuân Hồng : Đúng. Nếu làm FOB (mua nguyên
liệu bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm), design…tất cả
những cái đó tạo ra giá trị của sản phẩm để khi xuất khẩu có giá cao hơn, chứ
không chỉ có một chỉ tiêu là số lượng sản phẩm đâu. Thí dụ năm nay mình sản xuất
một triệu sản phẩm, thì năm, mười năm tới cũng chưa nhất thiết phải sản xuất
hai triệu mà 1,8 triệu nhưng giá trị cao hơn. Trong tính toán phương thức kinh
doanh cũng phải tính nhiều yếu tố chứ không chỉ tăng lượng người, tăng số lượng
sản phẩm.
.
RFI: Xin chân thành cảm ơn ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may
Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm
nay.
NGHE : Ông
Phạm Xuân Hồng – Saigon 09/10/2015 - Thụy
My
No comments:
Post a Comment