Thursday, 1 October 2015

Chim và Rắn : cái nhìn tương đối trong văn chương Võ Phiến (Đặng Tiến)





Thứ Tư, ngày 30 tháng 9 năm 2015

Võ Phiến và tác giả, sông Loiret 1986

Sau khi mình chết mà con cháu có làm tới quận công, sao bằng đang sống mà gặp được sự chung tình. (Võ Phiến)

*
Tạp chí Văn học (Cali) có lần đã đăng một tạp luận của Võ Phiến : « Đối thoại về thịt cầy ».
Người quen đọc Võ Phiến sẽ ngạc nhiên : cái gì vậy cà ? Xưa nay có bao giờ nghe Võ Phiến đòi đối thoại ? Hai chữ đối thoại nó lơ láo trong từ vựng Võ Phiến. Và sao lại đối thoại về thịt cầy, một món ăn mà ông chưa chắc đã sành ? Ông đã viết về thịt ếch, thịt rắn, thịt rùa, có nghe chuyện thịt cầy bao giờ đâu ? Chắc là ông ngụ ý cái gì đây. Tôi lại có dịp suy nghĩ thêm về tác phẩm Võ Phiến.

Ngày nay, chúng ta đang có gần đầy đủ tác phẩm Võ Phiến qua bộ Toàn tập mà nhà xuất bản Văn Nghệ đã dần dà in ra từ nhiều năm nay. Võ Phiến sử dụng nhiều thể loại, và qua các tập Tùy bút, Tiểu luận, ông đề cập tới nhiều đề tài : cái ăn, cái mặc, cách nói, cách viết, cỏ cây, chim cá, người ngợm ; trong văn học, ông viết về truyện dài, truyện ngắn, truyện xưa, truyện nay, từ câu thơ tám chữ đến bài chòi. Lạ là ông chưa viết gì về món hát bội, nay gọi là tuồng cổ, một thể loại đặc biệt của quê ông, như Tản Đà đã có lần nhận xét : Tuồng Bình Định, rạp Phú phong. Sao lại có sự thiếu sót đó ? Võ Phiến nhất định phải hiểu biết về tuồng, trong cái nôi văn thơ của tuổi thơ, bằng cớ là có khi ông trích một đoạn tuồng dài của Tú Thận : « Ãi ãi quan hầu nhập yết nhập yết… » trong truyện Về một xóm quê (1957).

Suy nghĩ lang bang, tôi chợt nhớ đến truyện ngắn Trăng lu của Lê Vĩnh Hòa được xây dựng trên một vở tuồng, Trảm Trịnh Ân. Lê Vĩnh Hòa là em ruột Võ Phiến, theo kháng chiến từ thời chống Pháp rồi chống Mỹ. Võ Phiến, thỉnh thoảng rời rạc đây đó, có nhắc đến em mình một cách gián tiếp, như trong truyện Anh em (1957) « từ khi quê quán chúng tôi trải qua những biến cố to lớn… thì em Tân tôi đã xử sự ra một người dân đầy trách nhiệm. Nó mạnh dạn rời bỏ gia đình tham gia vào cuộc chiến đấu dài suốt mười năm (…) Nó hết lao những mũi nhọn vào ngoại địch thì liền quay lại lao vào những người đồng bào khác thành phần. Nó cất phương tiện chiến đấu thời loạn mà dùng một phương tiện chiến đấu thời bình. Nói cách khác, nó làm văn sĩ, một văn sĩ chiến sĩ. Nó viết những câu não nuột, ai oán về những cuộc sống bần hàn trong sạch giữa một xã hội bẩn thỉu, nhớp nhúa. Nó thành hẳn ra một kẻ hiệp sĩ hào hoa của thời đại đấu tranh giai cấp rồi.

Còn tôi (…) tôi cũng lìa bỏ gia đình ba má tôi, nhưng không phải để tham dự vào một sự nghiệp cách mạng nào. » (« Anh em » đăng trong Đêm xuân trăng sáng, nxb Nguyễn Đình Vượng, Sài gòn 1961, tr. 150, in lại trong Truyện ngắn 1, nxb Văn Nghệ, California 1987, tr. 162, có lược bỏ một đoạn.)

Đoạn văn mỉa mai, chua chát mà vẫn đằm thắm. Hai nhà văn anh em đã chọn những con đường khác nhau, vì đã có hai lối nhìn khác nhau về cuộc sống. Tôi xin trở lại chuyện tuồng hát bội với một giả thuyết : Võ Phiến chưa viết gì về hát bội vì nghệ thuật tuồng xa cách với nhãn giới ông : tuồng là một nghệ thuật cách điệu – « dưới chân không ngựa cũng ra roi » - và những nhân vật cường điệu, bị đẩy tới cực độ của cái tốt và cái xấu : những Tần Cối hay Nhạc Phi, Tạ Thiên Lăng hay Khương Linh Tá đều không xê dịch được trong không gian Võ Phiến trong đó « một con nhện đu đưa ở đầu một sợi dây tơ thả lửng lơ giữa nhà. Một con ông bầu bay quẩn vài vòng rồi chui vào cái lỗ khoét ở lòng trính. Một con chuột nhỏ, thấy im vắng chạy ra đến giữa nền nhà, rồi ngập ngừng, đứng lại, quơ cái đuôi nhọn một cách e ngại. Con nhện chạy quanh cây cột rình bắt con ruồi. Và bụi mọt lặng lẽ rơi lên mặt chiếc phản gỗ ở phía chái nhà trên…và mỗi tiếng trở mình của tôi trên chiếu đủ làm kinh động cả cái thế giới những con chuột con dán. » (Thư nhà, nxb Thời Mới, Sài gòn 1962, tr.128. In lại trong Tùy Bút II, nxb Văn Nghệ, California 1987, tr.100.) Thế giới ấy làm sao chịu nổi tiếng la hét “ãi ãi quan hầu nhập yết nhập yết” của hí trường hát bội ? Và sân khấu tuồng cổ làm sao dung dưỡng được “những nhân vật rầu rĩ lố lăng, không hứa hẹn một vinh dự gì cho chỗ quê hương” ? (Thư nhà, câu cuối).

Có lẽ vì vậy mà chưa thấy Võ Phiến viết gì về hát bội chăng ?

1. LẼ SỐNG

Ta hãy đi xa hơn vào tư tưởng của tác giả Về Đâu. Trong tập truyện Đêm xuân trăng sáng (1961) truyện ngăn “Lẽ sống” mang cái tên tiêu biểu, kể cuộc đời một ông già, ông Bốn Tản – vì là người tản cư – trôi giạt từ Quảng Nam vào Bình Định, một thời gian sống nhờ gia đình người kể chuyện, rồi tấp sang những đứa cháu hờ, nhận ông là bác, để sai vặt không công. Cuối cùng sống nhờ vào một cô gái điếm, già và nghèo, ông bị hàng xóm phê phán “một ông già nhà quê tuổi trên tám mươi làm sao có thể đến ở bên cạnh chứng kiến sự làm ăn của một người đàn bà giang hồ (…) Nó ngủ với khách thì ông ta gác cửa. Đêm nào nó đi chơi thì ông già giữ nhà (…) cái ông già này trời hành”. Kết cuộc, ông cụ chết thê thảm trong một tai nạn xe cộ, để lại một bọc giấy. “Tôi lại mở gói giấy ra thì là hai chiếc quần lót và một cái “xu-chiêng” đàn bà (…) Của con đĩ già, tôi gật đầu. Còn lại một ít máu phọt từ chỗ sọ vỡ của ông Bốn Tản và mưa bay mây mù giữa đồng” (Truyện “Lẽ sống” trong Đêm xuân trăng sáng, tr. 62, 73 và 74).

Chúng ta ghi nhận ở đây sự hoài nghi của Võ Phiến trước những lý tưởng đạo đức và chính trị lớn lao, xa vời. Có những người chết vì trung quân ái quốc, vì một lập trường, chính kiến, thì cũng có người chết bên cạnh, chết với, chết vì một ít đồ lót của con đĩ già, và Lẽ sống của họ dừng lại chỗ ấy. Các đạo lý, tôn giáo, chế độ chính trị tìm cách nâng cao lẽ sống con người, nhưng đồng thời cưỡng ép con người khi phải nhón gót, khi phải quì gối, khom lưng cho vừa với tầm thước một lý tưởng nào đó. Con người không phải ai cũng có, hay có khả năng có, một lý tưởng ; đa số tìm thấy hạnh phúc trong lẽ sống tầm thường nhất; “một ít đồ lót của con đĩ già” là một biểu tượng, nó thô bạo vì nó trả lời lại một xã hội thô bạo, một giai đoạn lịch sử thô bạo, một ý thức hệ độc tài đàn áp, trấn áp con người bằng những lý tưởng, lập trường, quan điểm. Con người không phải ai ai cũng yêu nước. Thế mà tôi buộc anh phải yêu nước; không phải yêu nước một cách tự nhiên, chung chung, mà bằng lập trường giai cấp, trên quan điểm này, chỉ thị nọ, nghị quyết kia. Võ Phiến đã nêu lên vấn đề tự do con người, trước những giáo điều nói chung, chứ không riêng gì với người cộng sản. Nhưng người cộng sản cảm thấy bị va chạm và tổn thương nhiều nhất, vì lập trường và vị trí độc tôn của họ. Và họ xúm vào xỉ vả Võ Phiến, gọi ông là “biệt kích văn nghệ”; họ chửi bới hạ cấp mà không chính xác, nên vô hình trung, làm quảng cáo cho Võ Phiến, biến ông thành một thứ lãnh tụ chống cộng, điều mà ông vẫn mang ra chế riễu.

Truyện Lẽ sống đã đưa hình tượng đến lằn mức giới hạn, để chúng ta có thể hiểu rằng : cuộc sống, tự nó, là lẽ sống. Không cần tìm ý nghĩa cuộc sống ở đâu xa : sự sống, trong mỗi hơi thở của mỗi tế bào, đã mang ý nghĩa của nó. Lịch sử trong giai đoạn khắc nghiệt đã lất át ý nghĩa đó, nhưng không thể hủy diệt vì nó là cơ bản, là nhựa sống của nhân loại. Võ Phiến đau đớn và chua cay, nhưng công bình và thân ái, đã nhận xét : “tiếc thay cuộc tranh chấp lớn lao thường khi bị bắt buộc phải khuấy động đến cả những đời sống hèn mọn, phải dùng đến những phương tiện nhỏ ấy, để làm ra cái lớn lao” (Thư nhà, tr.148). Làm ra cái lớn lao ? Làm lịch sử là một cách… viết tắt – chữ của Võ Phiến đấy !

Cái lớn lao và những cuộc đời nhỏ nhặt là một chủ đề thường xuyên lảng vảng trong văn chương Võ Phiến. Truyện Về một xóm quê bắt đầu bằng cái chết của một người anh : “Khi anh tôi đi chuyến dân công cuối cùng, anh không cho giặt chiếc chiếu vẫn lót cho đứa cháu trai đầu lòng mới mười ba tháng, anh muốn mang theo cả mùi nước tiểu của con để những đêm nằm trên núi bớt nỗi nhớ con… Anh Hai tôi chết không có mồ, và cũng không chắc được vùi đến ba tấc đất”. (Trong Đêm xuân trăng sáng, tr. 310).

“Chuyến dân công cuối cùng”… tác giả không xác định thời điểm, nhưng người đọc đoán là chiến dịch Tây Bắc khoảng 1953-1954 đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Chúng ta không bình luận về những mất mát trong chiến tranh – họa sĩ Tô Ngọc Vân đã hy sinh trong chiến dịch này – mà chỉ ghi nhận hình ảnh người công dân đi làm nhiệm vụ - thành tâm hay miễn cưỡng, có hay không có ý thức công dân – đã mang theo mùi nước tiểu của đứa con thơ. Liệu những nhà lãnh đạo chính trị sẽ đánh giá ra sao ? Dù sao những con người tầm thường ấy – mà xã hội cho là thấp kém – lâu nay vẫn rầu rầu làm ra lịch sử với một vẻ hững hờ, nhẫn nại –Thư nhà, tr. 149), nhưng lúc cần thì cũng phải tàn bạo, như Bốn Thôi trong Thư nhà “tên địch đã bị bác ta đập một báng súng vào đầu, tên ấy vẫn còn bị nằm đó” (tr.146). Tôi chạnh nhớ đến truyện Đôi mắt (1947) của Nam Cao : “vô số những anh răng đen, mắt toét, gọi lựu đạn là “nựu đạn”, hát Tiến quân ca như người buồn ngủ cầu kinh mà lúc ra trận thì xung phong can đảm lắm. Mà không hề bận tâm đến vợ con”. Dĩ nhiên, những người ấy sẽ là những anh hùng dũng sĩ, họ được hưởng những vinh quang mà đa số nhân vật Võ Phiến không bao giờ mơ tưởng. Nhưng có quả thật người chiến sĩ của Nam Cao không hề bận tâm đến vợ con không ? Trên căn bản người dân quê Việt nam có thật khác nhau như thế không ? hay chỉ có những lối nhìn khác nhau về con người, những quan niệm khác nhau về Lẽ sống ?

2. CHIM VÀ RẮN

Con người vươn tới một lý tưởng, giống như lực sĩ nhảy sào, lấy trớn, bám vào cây sào, nhảy cao, càng cao càng hay, mà không còn suy nghĩ gì nữa : con người có lý tưởng khi lao vào trận tuyến, e cũng đến thế thôi. Nhưng trước đó, hay sau đó, nhất định họ đã suy nghĩ, phân biệt cái tốt và cái xấu, điều đúng với điều sai. Nếu họ không suy nghĩ sâu xa, thì sẽ có người làm giúp, viết thành những cương lĩnh lý thuyết tràng giang. Nói chung lý tưởng là một hiện tượng xã hội, dần dà điều kiện hóa con người ; nó là ý thức chủ đạo – conscience dominante – theo lời người mác-xit ; nó là “đại học chi đạo” trong xã hội Khổng giáo. Nhưng khi xã hội điên đảo thì tư tưởng chủ đạo cũng lung lay. Chúng ta còn nhớ chuyện thời chúa Trịnh, Lê Duy Mật khởi loạn, bắt được Phạm Công Thế và hỏi “Ông là người khoa bảng, sao lại theo nghịch ?” Thế cười trả lời “Lâu nay danh phận không rõ, lấy gì phân thuận nghịch ?” Hoặc lời nói của Nguyễn Trang khi lừa bắt được chúa Trịnh Khải nộp cho Tây Sơn” Sợ thầy không tày sợ giặc, quí chúa không bằng quí thân”.

Đất nước Việt Nam đã chịu đựng những trận chiến tranh ghê gớm. Ngày nay, có kẻ đã tổng kết số bom đạn trút xuống làng mạc chúng ta. Có ai tính sổ được những tang tóc, mất mát, thù hận trên đất nước ? Ngày nay, những chính nghĩa đốp chát nhau chan chát, còn những vết thương đang âm thầm nhức nhối có bao nhiêu nhà văn chịu lắng nghe, bên ngoài những gào thét thị phi ?

Những đau thương câm lặng của người dân vô tội, được Võ Phiến gói ghém trong một truyện ngắn. Chim và rắn (1967), đăng ở tạp chí Bách Khoa (số 265-266 ngày 15-01-1968). Khi xin phép xuất bản, truyện đã bị kiểm duyệt của Sài Gòn thời đó gạch xóa rất nhiều – dường như là tác phẩm Võ Phiến bị kiểm duyệt chiếu cố nhiều nhất (Bách Khoa (phỏng vấn) số 302 ngày 11-08-1969), in lại trong Tạp bút, nxb Văn Nghệ, California 1989, tr. 408). Truyện kể lại những tàn phá của chiến tranh trên cuộc đời của chị Bốn Chìa Vôi, một phụ nữ nông thôn trong một làng xôi đậu ở miền Trung, “một người nghèo rớt mồng tơi, nhà dột cột xiêu, một chị đàn bà lôi thôi lếch thếch vú bỏ lòng thòng… Chị kiếm củi, mò cua, bắt ốc, lúc ở mép suối, lúc ven rừng ven đồi”.Nhờ vậy mà chị có thể vừa làm bạn với Chim, vừa làm bạn với Rắn, trong khi loài người thích chim mà sợ rắn. Chồng bị bom chết, chị gả con gái cho một hạ sĩ quốc gia, tiệc cưới gần tàn thì bị ném lựu đạn, “anh hạ sĩ chết ngay tại chỗ, còn chị Bốn Chìa Vôi thì đứt đi nửa ống chân, khắp người lỗ chỗ đều có mảnh lựu đạn ghim “dân làng đồn rằng chính đứa con trai chị Bốn theo “lực lượng” đã ném lựu đạn để trừng phạt người em gái lấy lính ngụy. Chị được chữa chạy tại tỉnh lỵ, có khả năng tìm việc làm tại thành phố, nhưng rồi vẫn về quê. “

“Chị trở về làng làm gì ? chị đã mất một người chồng, một đứa con rể ở làng. Một đứa con gái dở dang và một đứa con trai thất lạc. Như vậy không đủ ê chề rồi sao ? chị còn trở về làng làm gì với thân hình thủng nhiều vết và với cặp nạng ? Để có thể thản nhiên trở về chỗ tử địa, chỗ sấm sét ấy, con người phải được hướng dẫn bởi một thứ tình cảm mãnh liệt, không biết là thứ tình cảm gì tốt hay xấu, nhưng nó phải thật sự mãnh liệt. “Chị về không phải vì tình yêu làng mạc, không phải như Thập Tam trong Thư nhà ngày áp Tết về làng để nghe tiếng gà gáy hay chó sủa. Chị Bốn Chìa Vôi về làng là để trả thù. “Có người nói chị bây giờ như con hổ thọt, chị dữ tợn vô song. Thằng Bướm bị phục kích hai lần, đều do chị mách. Ba Thiên cho vợ về quy chánh (…) chị Bốn Chìa Vôi cứ lồng lên : nó mang nợ với đồng bào nhiều quá lắm. Nó phải trả. Hồi chánh thế nào được (…). Lấy oán báo oán, oán oán chập chồng. Biết bao giờ gỡ cho xong. Nhưng họ say rồi, họ bị hút vào cơn lốc…”

Chim và Rắn ngoài những đặc sắc riêng, còn tổng hợp được nhiều ý tưởng và phong cách Võ Phiến. Ở đây, tôi chỉ ghi lại hai điểm : cái nhìn tương đối của tác giả đối với cái tốt, cái xấu. Người kể chuyện “tôi” nâng niu một cánh hoa lan vì “một vết trắng trên lá lan” mà ông tưởng là phân chim : lòng vẫn tiềm tàng một niềm khao khát nhớ nhung. Bỗng nhiên gặp một giọt phân chim, niềm vui bừng dậy. Nhưng vài hôm sau mới biết đó là phân một chú thạch sùng, một loài bò sát như rắn, sự ngộ nhận không thể tha thứ được, một sai lầm nham nhở, bẽ bàng.

Cái tốt với xấu, chính với tà, chân với ngụy, có lúc cũng như “một vết trắng trên lá lan” – phân chim hay là phân rắn. Nhưng điều nguy hại – điểm thứ hai – là nó đã đưa đến hận thù, đã biến một phụ nữ chất phác, hồn nhiên như chị Bốn Chìa Vôi thành một con vật chính trị hung bạo, “một con hổ thọt, dữ tợn vô song, đứng về phe nhất định đòi nợ”. Và Võ Phiến, từ 1967 đã bày tỏ một ưu tư lớn về dân tộc, một ưu tư chính đáng, ngày nay, hiện giờ đang dày vò, hành hạ lương tâm người Việt chúng ta.

“Mai sau, khói lửa với quằn quại chấm dứt, nhưng cái nét tàn nhẫn nọ rồi có sẽ lưu lại như một di tích trong tâm hồn chị và những người như chị , lưu lại như một thêm thắt vào cái vốn các đặc tính truyền thống của dân tộc chăng ? (…) Chém giết lọc lừa suốt một phần tư thế kỷ, như thế liệu có thành một tập quán sinh hoạt gây một tệ hại tâm lý ?”

Chúng ta vốn tự hào về truyền thống dân tộc. Nay truyền thống ấy được thắt thêm một cái gút hận thù. Nên tự hào thêm chăng ? Tôi bâng khuâng nhớ đến ông Bốn Tản trong truyện Lẽ sống ở đầu bài này, một ông già nhà quê trên 80 tuổi … còn lại một ít máu phọt từ chỗ sọ vỡ … một ít đồ lót của con đĩ già…

Lẽ Sống của ông già nhà quê, chắc gì đã nhảm nhí? Và “mưa bay mây mù giữa đồng”
Tôi lạc đề rồi. Nay xin trở lại với đề bài. Nghe Võ Phiến đòi “đối thoại về thịt cầy”, mình bèn ham, muốn thừa gió bẻ măng, đối thoại với Võ Phiến một mách, về một món ăn mà mình có nhiều hy vọng sành hơn ông ta. Nhưng nghĩ mãi không ra ý. Nghiệm cho cùng, ăn vẫn dễ hơn là viết.

Thịt cầy, người ta ăn hay không ăn, thích hay không thích, chẳng có gì phải đối thoại. Dù cho thi hào Nguyễn Du có thích thịt cầy, hay người Mỹ, đỉnh cao của văn minh công nghiệp, có không chấp nhận thịt cầy như Võ Phiến đã ra công trình thuyết, thì cũng không ảnh hưởng gì đến mùi vị một món ăn. Đối thoại về thịt cầy nghĩa là… không đối thoại gì cả. Nghĩa là tắc tị ! Như những lời qua tiếng lại về văn học, về chính trị hiện nay. Ông Ba Thê Đồng Thời thế mà thâm.

Sống, chó được phân chia thành nhiều loại, đẳng cấp phân minh. Chết, chỉ còn lại hai loại: chết có ích, chết trên mâm cơm, để bồi dưỡng cho nhân loại tiến bước, vươn lên lý tưởng, chết như vậy là cầy. Còn chết bình thường, dù cho mồ yên mả đẹp, vẫn là chó; chó chết còn tệ hơn chó sống. Gọi nhau là “đồ chó” đã là tệ, chửi là “quân chó chết” còn nặng nề hơn. Cái đạo lý của con người, kể ra cũng sơ lược.

Chiều cuối năm. Nhớ bạn hiền. Mùa đông chiều xuống sớm. Chưa thèm rượu mà đèn đường đã sáng. Nhớ xa xôi. Nhớ một câu văn Võ Phiến không biết đọc ở đâu. Có thể không phải Võ Phiến. Chỉ đơn giản thế này thôi :

“Trời ! một ngọn đèn vàng cạch tầm thường khuất lấp trong một cái thường nhật vô danh như thế, vẫn sáng đâu đó nơi chàng suốt ba mươi năm (…)

“Chiều vẫn còn mưa bay nửa trời, những con én chiều bay lẻ đã lặn mất vào bóng tối…”.
Chiều nay 28 -9 -2015, ngọn đèn đã tắt.

Và con én chiều bay lẻ đã vĩnh viễn lặn mất vào bóng tối.

Đặng Tiến
Viết 1991, cập nhật cho ngày tang Võ Phiến
Orléans, 29-9-2015

Phụ chú :
Sinh thời Võ Phiến đã tâm đắc với bài này, nên chọn in lại trong tác phẩm Đối thoại (nxb Văn Nghệ, California, 1993) với ghi chú trong phần phụ lục : “thiên bút ký của nhà phê bình văn học Đặng Tiến , nhân một bài văn mà nhìn lại một đời viết lách, nhận định sâu sắc, lời lẽ thấm thiết : những suy tưởng, thuyết luận trong phong cách một bài thơ “ (tr. 125).








No comments:

Post a Comment

View My Stats