Friday 12 December 2014

Xét xử Bùi Thị Minh Hằng: “Cùng quẫn” trong phương pháp bảo vệ chế độ (Thiên Điểu - VNTB)



Thiên Điểu

(VNTB) - Hành động trấn áp bằng bắt bớ, đánh đập, bắt giữ những người tới xem phiên tòa vốn không chỉ vi phạm pháp luật mà sau nó là hậu quả càng gia tăng mối nghi ngờ của những người còn chút ít lòng tin mỏng manh vào chế độ.

Những "lá bài tẩy" kém giá

Vụ án "gây rối trật tự công cộng; gây cản trở giao thông" tại tỉnh Đồng Tháp, sau phiên sơ thẩm với kết quả là án tù cả ba người là Bùi Thị Minh Hằng; Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Phạm Văn Minh, bị cho là vụ án dàn dựng, nhằm triệt hạ những người bất đồng chính kiến và mang cái tên châm biếm khá hài hước "vụ án 2 người đi hàng 3" (!).

Ngày 12/12/2014, phiên phúc thẩm được xét xử tiến hành vẫn tại Tòa án Cao Lãnh, nơi mà "phiên tòa công khai" sơ thẩm lần trước được thực hiện bằng màn bắt bớ vô tiền khoáng hậu. Từ kịch bản tung tin có người mất tiền trong khách sạn để bắt giữ những người từ nơi khác tới Cao Lãnh xem phiên tòa ngoài đường, tới việc bắt giữ với lý do "kiểm tra hành chính; đi vào khu vực cấm" xung quanh khu vực Tòa án từ vài kilomet tới các khu vực xung quanh cả gần chục kilomet ở Cao Lãnh, bao gồm cả nhân chứng của bị cáo. Việc trấn áp, bắt giữ quyết liệt bằng những lý do phi lý trong đợt xử sơ thẩm đã làm nổi rõ cơ sở khẳng định bản chất vụ án là nhằm bắt giữ người hoạt động xã hội, bất đồng chính kiến…, mặc dù trên thực tế, việc bắt giữ, bỏ tù những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam không lạ và không chỉ riêng trường hợp ba người này.

Nhìn trên góc độ bao quát các vụ án mang hơi hướng chính trị ở Việt Nam, người ta dễ thấy một động thái được chỉ danh là ý đồ lấy tù nhân làm con tin mặc cả chính trị với các quốc gia dân chủ - đứng đầu là Mỹ - trong các cuộc thương thuyết nhằm đổi lấy quyền lợi liên quan mục tiêu dỡ bỏ cấm vận, gia nhập các khối kinh tế thị trường mà chính quyền Việt Nam nhắm tới. Trong đó có thể điểm qua vụ Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ; Nguyễn Thị Phương Uyên; Đỗ Thị Minh Hạnh; Nguyễn Hữu Cầu… được gắn với tiến trình dỡ bỏ cấm vận, đàm phán TPP. Vụ một số tù nhân và Bloger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) được gắn với đàm phán mua bán vũ khí sát thương với Mỹ..v.v.

Nhìn trên góc độ quan hệ chính trị quốc tế. Các động thái thả tù do sức ép từ nước ngoài với những bằng chứng được phía nước ngoài công khai qua các tuyên bố chính thức là minh chứng không thể chối cãi. Vấn đề đặt ra là: Tại sao chính quyền Việt Nam phải dùng con bài để mặc cả lại là các tù nhân chính trị?

Không mấy ai ngây thơ đến không tin rằng các quốc gia khác luôn đặt lợi ích của quốc gia họ lên trên lợi ích của Việt Nam. Tiến trình dịch chuyển nặng nề để mở rộng quan hệ với thế giới của Việt Nam bị cản trở lớn nhất chính là ở cái danh xưng "cộng sản". Chính quyền Việt Nam vì tham vọng quyền lực không thể ngừng tham vọng thu lợi về kinh tế và củng cố sức mạnh nên không thể làm như Đông Đức, Ba Lan, Hunggari, Bungari, Nam Tư, Tiệp Khắc, các nước thuộc Liên bang Xô Viết… để thay máu, đặt mình vào vị trí hòa nhập thật sự với nền kinh tế thị trường và thể chế dân chủ thật sự. Điều đó khiến chính quyền Việt Nam không thể vận dụng lợi thế địa chính trị vốn có - thứ có giá trị lớn nhất đối với Phương Tây - để mặc cả. Trong đó cho Mỹ thuê Cam Ranh, Phú Quốc để làm căn cứ đối trọng, kiềm chế Trung Quốc không thể lên bàn đàm phán khi đã bị lún quá sâu vào các ràng buộc với Trung Quốc. Bế tắc càng lớn hơn khi chính đối tác TQ vì tham vọng bành trướng lại đẩy chính quyền VN vào thế lệ thuộc hoàn toàn, đánh mất chủ quyền quốc gia. Điều mà chính quyền biết rất rõ là mối nguy hiểm lớn nhất cho sự tồn tại của chế độ khi người dân thể hiện quan điểm bằng hành động khi xuất hiện nguy cơ mất nước.

Hi vọng mong manh vào nhận thức cho rằng dù muốn dù không, Mỹ cũng sẽ bằng mọi giá can thiệp để ngăn chặn âm mưu độc chiếm biển Đông khiến chính quyền VN  tìm đến phương án  đu dây: Vừa tranh thủ kiếm lợi, đồng thời tranh thủ củng cố sức mạnh để duy trì ngôi vị cầm quyền. Lựa chọn tù nhân để đối phó Nhân quyền trở thành lá bài tẩy vì thực tế không còn gì khác có thể có để mặc cả! Một lá bài kém giá trị nhất mà chính quyền Việt Nam có thể tận dụng theo kiểu vơ bèo vạt tép mà chế độ có thể có được bằng chính các dàn dựng những vụ án như đã nói trên.
Việc củng cố sức mạnh thay vì tìm kiếm sự đồng thuận, lòng tin để khơi dậy tinh thần đoàn kết của người dân chống lại mối nguy hiểm có thể dẫn tới sụp đổ chế độ từ vấn đề chủ quyền.

Bế tắc, cùng quẫn và hậu họa khó lường

Quay lại vụ án Bùi Thị Minh Hằng, tạm bỏ qua các nhận định mang yếu tố tìm nguồn để mặc cả chính trị, các động thái xung quanh phiên sơ thẩm và phúc thẩm ngày hôm nay (12/12) cho thấy hệ thống luật pháp và cách thực thi luật pháp của chính quyền chứa đựng những mâu thuẫn hết sức phi lý.

Được thông báo là phiên tòa công khai, nhưng ngoài hệ thống tòa án, lực lượng an ninh và bị cáo thì không có bất cứ ai khác được vào phiên tòa. Ngay cả các nhân chứng của bị cáo cũng bị lực lượng an ninh bắt giữ một cách trái pháp luật - ở phiên sơ thẩm - hoặc không được triệu tập ở phiên phúc thẩm hôm nay! Hành động này không thể biện giải bằng lý do "đảm bảo an ninh" cho phiên tòa, vì nó trực tiếp tố cáo cách thực thi pháp luật của chính quyền là nói một đàng làm một nẻo, xử án kiểu bỏ túi và bất chấp mọi nguyên tắc lẫn luật pháp hiện hành.

Ở góc độ sâu xa hơn, nó chỉ ra rằng ngay chính các lãnh đạo cao cấp của chế độ không dám tin vào các sức mạnh đang có và cả những cá nhân trong lực lượng bảo vệ chế độ - các cơ quan hành pháp - có đủ tin cậy, an toàn hay không. Họ sợ nếu tiến hành một phiên tòa  thật sự công khai, phán quyết và xét xử tuân thủ đúng như luật pháp đã đưa ra sẽ không thể kết án và không đảm bảo ngăn chặn được phản ứng của người dân tại phiên tòa, hơn cả việc mất lòng tin, mất uy tín khi sử dụng cách hành xử không nằm trong bất kỳ quy định nào của luật pháp nhằm chứng minh vai trò lãnh đạo độc tôn, quyền quyết định tối cao của Đảng cộng sản Việt Nam - lực lượng nắm giữ quyền lực chính trị duy nhất của chế độ.

Hành động trấn áp bằng bắt bớ, đánh đập, bắt giữ những người tới xem phiên tòa vốn không chỉ vi phạm pháp luật mà sau nó là hậu quả càng gia tăng mối nghi ngờ của những người còn chút ít lòng tin mỏng manh vào chế độ. Khoét sâu những quan điểm bất đồng với người dân, từ đó sẽ khiến cho lực lượng quay lưng với ĐCS càng đông hơn, có phản ứng quyết liệt hơn. Vô hình chung, “bảo vệ chế độ” càng khiến chế độ suy yếu.

Mặc dù vấp phải sự phản đối của rất nhiều người dân và cả một số chính phủ nước ngoài, nhiều khả năng vẫn lại là một bản án bỏ túi để tiếp tục giam giữ các bị cáo nếu suy đoán theo hướng tiêu cực: Bloger, nhà báo Nguyễn Quang Lập (Bọ Lập Quê choa) và Tiến sĩ Lê Hồng Thọ, hai nhân vật đình đám mới bị bắt, có thể không nằm trong danh sách "nguồn  vốn" chính quyền muốn có, đang có những thông tin dọn đường để thả ra.

***

Khi tôi viết những dòng cuối cùng này, kết quả phiên sơ thẩm vẫn chưa có vì chưa kết thúc. Nhưng chắc chắn một điều: Dù kết quả xét xử ra sao, cách hành xử của lực lượng an ninh và bộ máy hành pháp xung quanh vụ án bà Bùi Thị Minh Hằng - và cả những vụ án liên quan các tù nhân chính trị khác - cũng đi ngược lại mong muốn ổn định chính trị, mong muốn bảo vệ chế độ bởi một điều đơn giản: Nó không chứng minh được chế độ đang hành xử vì dân, vì đất nước.
Thiếu một cái đầu đủ lạnh, một cái tâm và cả một cái tầm tối thiểu là nguyên nhân dẫn đến những quyết sách bế tắc, mâu thuẫn đến cùng đường.

Bao giờ mới có đổi thay?



No comments:

Post a Comment

View My Stats