29-12-2014
Hôm
nay, đọc được một tin mà không biết nên mừng hay buồn, có lẽ quan tâm thì đúng
hơn. Đó là bản tin về Viện Khổng Tử được khánh thành ở ĐH Hà Nội. Thật ra, nhìn
bề ngoài thì chẳng có gì phải quan tâm, vì từ ngày Tàu bắt đầu khá lên, họ “rải”
Viện Khổng Tử khắp thế giới. Ở Úc này, các đại học lớn đều có Viện Khổng Tử, do
Chính phủ Tàu tài trợ và có lẽ dính dáng vào việc điều hành. Nhưng ở Việt Nam
thì khác, vì chúng ta có một mối liên hệ lâu dài và bão táp với cái nước khổng
lồ ở phương Bắc đó. Nói xa không qua nói gần: chúng ta đã từng bị lệ thuộc (có
người dùng chữ “nô lệ”) vào Tàu đã quá lâu, sự hiện diện của Viện Khổng Tử có lẽ
mở thêm một cánh cửa để Việt Nam lọt vào quĩ đạo lệ thuộc hơn nữa vào Tàu. Và,
trong lúc chúng ta đang muốn “thoát Trung”, Viện Khổng Tử là một bước lùi. Nhìn
như thế, việc lập Viện Khổng Tử ở Hà Nội cũng là một tin buồn.
Tôi
không am hiểu về Nho Giáo và Khổng Tử, nhưng có đọc khá nhiều sách về ông, nên
chỉ muốn nhân dịp này góp vài lời “mua vui cũng được một vài trống canh”. Dĩ
nhiên, tôi cũng sẽ nói qua suy nghĩ của mình về sự hiện diện của Viện Khổng Tử ở
VN. Nói đến Khổng Tử và Khổng Giáo là đề tài quá lớn, chẳng ai dám nói mình am
hiểu, nên tôi chỉ có thể nói theo cách hiểu của tôi. Tôi sẽ bàn về con người của
Khổng Tử, học thuyết (nếu có thể dùng chữ đó) của ông, và tại sao Tàu muốn quảng
bá viện Khổng Tử.
Một con người máy móc
Cuộc
đời của Khổng Tử cũng rất thú vị, nhưng nếu đọc kĩ thì hình như ông chẳng có
đóng góp gì quan trọng lắm. Ông tên là Khổng Khâu, sinh năm 551 trước Công
Nguyên, ở nước Lỗ, trong một gia đình [nói theo ngôn ngữ thời nay] là trung lưu
vì ba của ông là một vị quan thuộc nước Lỗ. Tuy ông được người đời sau tôn
thành “Vạn thế Sư biểu” (Bậc thầy của muôn đời), nhưng cuộc đời và sự nghiệp của
ông nếu được soi rọi kĩ thì không hẳn xứng đáng với danh hiệu đó. Nói chính
xác, ông là một … thầy cúng. Theo sử sách để lại, năm 19 hay 20 tuổi, ông ra
làm quan, chuyên nghề thu thuế. Sau đó, ông được giao việc chăm sóc các con vật
dùng vào cúng tế.
Có
lẽ chính vì cái xuất thân này mà ông rất quan tâm đến thủ tục cúng tế. Có lẽ vì
xuất thân là người thu thuế, kế toán, nên ông rất quan tâm đến sự chính xác.
Ông sống như kẻ trưởng giả, suốt đời từ cách ăn uống, cách mặc, cách đi đứng,
cách cư xử, lúc nào cũng theo qui ước. Sách Luận Ngữ viết rằng ông chỉ ăn thức
ăn nấu thật chín, món ăn phải theo mùa, lượng rau và thịt không thay đổi. Ông
cũng uống rượu nhưng không bao giờ để cho say xỉn. Ăn mặc thì không mặc quần áo
màu mè, lễ phục thì cánh tay mặt phải dài hơn cánh tay trái, quần áo ngủ phải
dài hơn quần áo ban ngày nửa thước. Còn nói thì nói chậm, và không dùng ngón
tay để chỉ một vật gì. Trong triều đình cung cách của Khổng Tử là “thượng đội hạ
đạp”. Đối với các quan cấp dưới thì ông tỏ ra cứng cỏi, còn đối với các quan cấp
cao hơn thì uyển chuyển. Đó là chân dung của một người rất máy móc, cứng nhắc,
và sống theo qui ước cho chính ông đặt ra.
Không được trọng dụng
Thời
thanh niên và trung niên, Khổng Tử không được trọng dụng vì ông chẳng có đóng
góp gì quan trọng. Ông lưu lạc rất nhiều nước, nhưng chẳng có vua chúa nào trọng
dụng tài của ông. Cuối cùng ông về nước Lỗ và mở trường dạy học. Nên nhớ rằng
thời đó, chỉ có triều đình và những “hiền nhân” mới có quyền mở trường dạy học.
Nhờ trường của Khổng Tử mà nhiều môn đồ sau này làm lớn trong triều đình. Ông
đào tạo khoảng 3000 môn đồ. Nghe nói công lớn của ông là làm cho khoảng cách giữa
người “quân tử” và “tiểu nhân” ngắn hơn, nhưng có người cho rằng đó là một ảnh
hưởng vô ý thức, vì trong thâm tâm ông không muốn vậy. Theo sách vở để lại, ông
xem kẻ tiểu nhân không đáng được kính trọng, không cần nể nang (giống như
Francis Galton bên Anh).
Khổng
Tử được tôn xưng là một nhà đạo đức, nhưng “đạo đức” ở đây có nghĩa là ông làm
đúng nghi lễ, chứ không hẳn là có đạo cao đức trọng. Ông dạy môn đồ phải trung
thực, giữ tín nghĩa với bạn bè, phải phụng dưỡng cha mẹ, giúp người già sống
yên ổn, yêu trẻ thơ. Đó thật ra là những chuẩn mực chung thời đó của người Á
Đông. Nhưng Khổng Tử không có tầm vóc “global” của Phật Thích Ca hay Chúa
Jesus, những người có khả năng xây dựng hẳn một nền triết lí và đạo đức học để
cứu rỗi thiên hạ. Thậm chí, ông còn kém hơn Gandhi một bậc.
Ông
cũng có vẻ rất thích tự xem mình làm việc của thánh. Ông từng nói rằng “Bảo ta
là thánh thì ta không dám, nhưng ta làm việc thánh không biết chán, dạy người
không biết mỏi.” Ông cũng khá tự tin về tài năng của mình. Ông từng phán rằng
vua chúa nào mà biết trọng dụng ông thì chỉ một năm ông sẽ làm cho nước đó khá
lên, 3 năm là sẽ thành công. Nhưng trong thực tế, chẳng vua chúa nào tin dùng
ông cả. Chứng cứ cho thấy ông làm quan nước Lỗ gần 10 năm mà nước này có khá
lên đâu. Khổng Tử chủ trương tập trung quyền lực vào vua chúa, không cho các đại
thần tham chính. Chính vì thế mà các đại thần rất ghét Khổng Tử, họ khuyên vua
chúa nên xa lánh ông quân sư này.
Có
thể nói rằng Khổng Tử là người thích làm quan cầu vinh và … trốn thực tế. Ông
khuyên người quân tử nên mưu tìm học đạo chứ đừng quan tâm đến miếng cơm manh
áo. Lí do, theo ông, học đạo thì sẽ ra làm quan, vinh danh phú quí. Làm quan
thì ắt sẽ có miếng ăn. Khi đã làm quan, ông khuyên rằng nước nào thịnh thì tìm
đến xin làm quan, còn nước nào khó khăn thì bỏ đi. Ông cũng khuyên rằng nước
lâm nguy thì không nên vào, nước bị loạn thì không nên ở. Cái triết lí này cũng
từng được nho sĩ Nguyễn Khuyến áp dụng triệt để. Khi nước mất về tay người
Pháp, ông lui về ở ẩn để ngâm vịnh thơ ca, chứ chẳng có đóng góp gì đáng chú ý.
Học thuyết của Khổng
Tử
Cũng
như các “học thuyết” thời xưa, những gì Khổng Tử để lại chẳng là bao nếu so với
tiêu chuẩn hiện nay. Tác phẩm của ông là Tứ Thư và Ngũ Kinh. Nếu gộp lại thì chắc
độ 300 trang. Ấy thế mà suốt đời này sang đời khác, người ta lải nhải nhắc đến
những sách này như là “học thuyết”!
Nếu
hỏi một người bình thường, hay ngay cả một bậc trí giả, rằng Khổng Giáo dạy cái
gì, thì chắc chắn họ sẽ lúng túng. Có thể họ sẽ kể ra đó là triết lí trung, hiếu,
nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhưng đó là những giá trị thì đúng hơn, và những giá
trị đó cũng mập mờ, chứ không được phát triển thành hệ thống triết học như
phương Tây. Tuy nhiên, có thể nói rằng Khổng Giáo dựa trên “tam cương, ngũ thường”.
Tam cương là 3 bổn phận của kẻ sĩ: trung với vua, hiếu với cha mẹ, chung thủy với
vợ. Ngũ thường thì vẫn được coi là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Về
sau, Khổng Giáo còn được bổ sung thêm các giá trị dành cho phụ nữ: tam tòng, tứ
đức. Tam tòng là ba sự phục tùng mà người đàn bà phải tuân thủ: lúc còn con gái
thì phải phục tùng cha, lấy chồng thì phải phục tùng chồng, chồng chết thì phải
phục tùng con. Tứ đức là bốn đức tính người đàn bà phải rèn luỵện, đó là công,
dung, ngôn, hạnh (khéo tay, có nhan sắc, ăn nói tốt, và hạnh kiểm tốt). Khổng
Giáo cũng rất quan tâm đến một giá trị đặc biệt: đó là chữ trinh tiết của người
phụ nữ.
Cần
phải nói rằng Khổng Tử đề ra những giá trị đó một cách … khơi khơi. Ông chẳng
đưa ra được chứng cứ gì có hệ thống, chẳng thèm phân tích lí lẽ. Ông chẳng chứng
minh bằng logic hay biện luận như triết gia phương Tây. Ông chỉ phán chung
chung, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Còn các giá trị ông đề ra cho phụ nữ phải nói
là lạc hậu (so với ngày nay). Những giá trị đó còn hạ thấp vai trò của người phụ
nữ, xem họ như là vật dụng. Thật là vô lí khi đòi hỏi người phụ nữ phải phục
tùng chồng con! Còn đòi hỏi trinh tiết như là một giá trị có người xem là … đểu
cáng. Chúng ta còn nhớ chuyện anh chàng Chử Đồng Tử bị công chúa nhìn thấy trần
truồng trong lúc tắm, và thế là nàng ta xem mình bị … mất trinh. Đã thế còn phải
cưới anh ta làm chồng. Phải nói là hài hước đến độ khó tin! Ngày nay, những giá
trị đó của Khổng Tử không thể áp dụng được vì đó là một hệ giá trị quái đản.
Giá
trị “nhân” không được ông định nghĩa đàng hoàng. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử viết
rằng nhân là người trí thì thích nước, người nhân thì thích núi, người trí thì
động còn người nhân thì tĩnh. Chẳng ai hiểu ông định nghĩa gì. Chữ “lễ” của Khổng
Giáo cũng là một sự mập mờ và dễ gây hiểu lầm. Luận Ngữ xem lễ chỉ là nghi thức
và hình thức cúng bái và ứng xử với vua chúa ra sao. Cũng xin nói thêm rằng hiện
nay ở VN có phong trào “tiên học lễ hậu học văn”, nhưng đây là một “áp dụng”
sai. Như đề cập, lễ ở đây có nghĩa là nghi thức (học quì, lạy, cúi đầu). Như vậy
nói “tiên học lễ, hậu học văn” là rất ngược đời.
Nhà
văn Bá Dương (người Tàu) là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Người Trung Quốc Xấu
Xí” vạch ra những cái xấu của người Tàu và văn hoá Tàu. Trong sách, ông xem Khổng
Giáo là một hũ tương đặc sệt. Nhưng có người xem nó còn tệ hơn một hũ tương, vì
Khổng Giáo còn đề cập đến quỉ thần, phục tùng vua chúa, đặt ra những qui ước ăn
ở trong gia đình, tu thân, v.v. Ông Nguyễn Gia Kiểng xem Khổng Giáo là một “hũ
mắm thập cẩm, thịt có, cá có, tôm có, mà rau cũng có. Mỗi người nếm nói một
cách riêng, người thì bảo là thịt, người thì nói là cá, người lại nói là tôm.
Ai cũng đúng cả mà cũng chẳng ai đúng cả. Cho nên có người nói Nho Giáo là hệ
thống chính trị, có người nói đó là một triết lí và cũng có người coi nó là đạo
lí.”
Tại sao Tàu muốn vực
dậy Khổng Tử
Quan
điểm của Khổng Tử được các chế độ toàn trị và quân chủ chuyên chế rất thích.
Ông kêu gọi tôn quân, phân biệt người quân tử và bậc tiểu nhân, những điều rất
phù hợp với quan điểm các chế độ toàn trị. Ông quan niệm rằng “quân tử học đạo
tác ái nhân, tiểu nhân học đạo tạc đi sử giả” (người quân tử mà có đạo thì yêu
người, còn kẻ tiểu nhân mà có đạo thì dễ sai bảo). Ông còn nói “quân tử hữu
dũng nhi vô nghĩa vi loạn, tiểu nhân hữu dũng nhi vô nghĩa vi đạo” (kẻ quân tử
có dũng khí mà không có nghĩa thì là kẻ loạn, kẻ tiểu nhân có dũng mà không có
nghĩa thì đi ăn trộm). Cũng giống như trong chế độ toàn trị, kẻ làm quan hay
cán bộ được xem là “cao thượng”, còn dân chúng là hạng thấp kém, hèn hạ, cần phải
được rèn luyện và giáo dục. Có lẽ vì thế mà các chế độ này rất tôn kính ông như
là một bậc thánh.
Có
vài đặc điểm về Khổng Giáo mà giới toàn trị rất ưa thích. Thứ nhất là tinh thần
thủ cựu, bảo thủ. Khổng Tử, như tôi mô tả trên, là người rất tôn trọng nghi thức
(ông gọi là “lễ”), suốt năm này sang năm khác, ông chỉ lặp lại những nghi thức,
lễ giáo ông đặt ra. Không sáng tạo cái gì mới, thậm chí còn thù ghét cái mới.
Thứ hai là thiếu tính khoan dung và độc quyền chân lí. Các giá trị mà Khổng Tử
truyền bá là qua áp đặt chứ không qua thuyết phục. Ông không muốn có một chân
lí khác ngoài chân lí của ông. Thứ ba là tính sùng bái cá nhân, sùng bái cấp
trên một cách bệnh hoạn. Đặc điểm thứ ba này cũng rất phù hợp với quan điểm của
các chế độ quân chủ và toàn trị, vì họ thích dựng lên những cá nhân bán thần
thánh.
Nhìn
như thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy đảng cộng sản Tàu muốn vực dậy Khổng
Tử. Nên nhớ rằng trước đây Mao Trạch Đông rất ghét Khổng Tử, ông nhìn thấy mấy
nhà thờ Khổng Tử là muốn đốt! Có lẽ một phần là do mặc cảm, vì Mao xuất thân là
kẻ thất học? Nhưng trong thời đại mới, Tàu có lẽ tìm thấy vài điều hay ho từ Khổng
Tử và muốn quảng bá ra ngoài. Do đó, họ đã đầu tư rất nhiều cho viện Khổng Tử.
Đã có hơn 300 viện Khổng Tử mọc lên từ nhiều đại học trên thế giới, phần lớn là
Phi châu.
Thật
ra, Viện Khổng Tử không hẳn quảng bá những lời dạy của Khổng Tử, mà quảng bá
hình ảnh của một nước Tàu thời hậu Mao. Ngoài ra, còn có nhiều thông tin, kể cả
thông tin từ các giáo sư bên Tàu, cho biết các viện Khổng Tử ở nước ngoài là những
ổ gián điệp, nơi mà Tàu thu thập thông tin tình báo. Ngay cả những “giáo sư thỉnh
giảng” được Tàu gửi sang các viện Khổng Tử cũng là tình báo. Chẳng ai ngạc
nhiên vì một chế độ với bản chất lừa dối như Tàu nếu họ khoác mặt nạ học thuật
cho một cơ sở tình báo và tuyên truyền.
Giới
chính trị Tàu xem Viện Khổng Tử như là một loại “quyền lực mềm” (soft power). Họ
muốn bắt chước Đức, Mĩ, Anh, Pháp, v.v. bằng hình thức quảng bá văn hoá ra
ngoài. Nhưng họ quen thói độc quyền tư tưởng, nên sự hiện diện của các viện Khổng
Tử là một đe doạ đến tự do học thuật. Thật vậy, một hiệp hội giáo sư Mĩ đã đồng
thanh lên tiếng tẩy chay các viện Khổng Tử ở Mĩ vì họ xem viện Khổng Tử là một
công cụ tuyên truyền của nhà nước Tàu cộng sản, và tuyên truyền thì không tôn
trọng tự do học thuật. Hồ Cẩm Đào chẳng dấu giếm gì về ý đồ tuyên truyền khi
ông nói rằng viện Khổng Tử là “cửa ngõ quan trọng để làm sáng danh văn hóa
Trung Quốc, giúp mở rộng văn hóa Trung Quốc, đó là phần của chiến lược tuyên
truyền quốc tế”. Một số trường đại học bên Mĩ đã từ chối viện Khổng Tử. Nhưng
giới trí thức ở VN thì không có cái may mắn có tiếng nói như đồng nghiệp bên
Mĩ.
Trong
1000 năm Tàu đô hộ Việt Nam, Tàu không hề xây dựng một lăng miếu Khổng Tử nào cả.
Có lẽ đó là chính sách ngu dân của Tàu thời đó. Ấy thế mà ngày nay họ trịnh trọng
đem cái viện Khổng Tử đó sang Việt Nam! Nhưng chúng ta có muốn học cái văn hoá
“hũ tương” của Tàu? Ngày xưa, có người như Phan Kế Bính, một học giả xuất
chúng, rất sùng ái Khổng Tử. Trong một tranh luận với Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính
viết rằng: “Đạo lí là đạo lí Khổng Mạnh. Như vậy phải chăng các dân tộc không
biết tới Khổng Mạnh là những dân tộc không có đạo đức?” Kinh chưa! Nhưng ngày
nay, chúng ta thấy Tàu chẳng có cái gì để chúng ta học cả. Chính quyền Tàu đem
đến VN toàn những rủi ro, độc hại, và nguy cơ. Người Nhật, người Hàn đã thoát
Tàu và đã đạt thịnh vượng. Không có lí do gì để chúng ta phải du nhập những giá
trị “hũ tương”, “hũ mắm thập cẩm” đó để kìm hãm sự phát triển của dân tộc và đất
nước.
-----------------
Trần
Quang Đức
Posted
on Dec 29, 2014
No comments:
Post a Comment