Wednesday, 31 December 2014

Kinh tế Nga suy sụp, toàn vùng Liên Xô cũ bị vạ lây (RFI / VOA)





Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày 31-12-2014 Sửa đổi ngày 31-12-2014 12:46

Tất cả các nước trước đây thuộc Liên xô cũ đều bị tác động dây chuyền vì cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính tại Nga. Giới lãnh đạo chính trị, doanh nhân tài phiệt cho đến chuyên gia kinh tế từ Trung Á cho đến Belarus đều lo âu cho tương lai.

Trong bài tổng kết tình kinh tế cuối năm 2014, nhóm phóng viên AFP tại Matxcơva và thủ đô các nước thuộc Liên Xô cũ ghi nhận hiện tượng « môi hở răng lạnh » tại khu vực mà ảnh hưởng nhân quả trong quan hệ với Nga không hề sút giảm.

Armenia là một trường hợp cụ thể. Từ khi đồng « rub » mất giá so với đôla Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina phối hợp với dầu khí trượt giá trên thị trường quốc tế, hàng xuất khẩu của Armenia lên giá trong khi mãi lực của dân Nga giảm đi. Doanh nhân Manvel Gasparian, chủ nhân một công ty giầy dép với 90% sản phẩm xuất khẩu sang Nga than phiền bị thiệt hại nặng nề.

Điều trớ trêu là Armania, vào cuối năm 2013, đã thay đổi chiến lược vào giờ chót, bỏ ý định siết chặt quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu, quay sang ký với Nga, Kazakhstan và Belarus Hiệp ước Liên minh thuế quan, sáng kiến của Putin. Quyết định sai lầm này đang làm cho Armania ân hận vào lúc khu vực tự do mậu dịch của một số nước Liên Xô cũ biến thành Liên Hiệp Á - Âu rộng hơn kể từ ngày 01/01/2015.

Một tác động trực tiếp bất lợi khác là lượng tiền mà di dân từ Nga gửi về gia đình cũng giảm đi một cách đáng kể làm các nước Kavkaz phải xét lại tham vọng tăng trưởng từ 4,1% xuống 3,3%. Kirghistan cũng lo âu vì kiều hối gửi về giảm đến 70%.

Nhà kinh tế Armenia, Achot Aramian phân tích là không nên lấy làm ngạc nhiên vì trong mối quan hệ giữa Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, Doanh nhân Nga tiếp tục nắm thế chủ động, họ kiểm soát mọi lãnh vực chiến lược từ « năng lượng, đường sắt, cho đến viễn thông ».

Chuyên gia kinh tế Nga Igor Nikolaiev thuộc Văn phòng tư vấn kinh tế FBK ở Matxcơva cũng cùng nhận định : "Trao đổi thương mại giữa Nga và các nước Kavkaz giảm theo tỷ lệ thuận với giá trị đồng tiền Nga". Những nước càng trung thành với Nga chừng nào thì bị tác hại càng lớn chứng nấy. Tại Belarus, người dân đổ xô rút tiền ra khỏi ngân hàng khi thấy đồng tiền Nga rơi tự do.

Vào lúc chính quyền Nga dự báo kinh tế suy thoái rơi xuống điểm âm thì lãnh đạo Belarus và Kazakhstan kẻ trước người sau bay sang Kiev trong những ngày trước Giáng Sinh 2014 để gặp tổng thống Ukraina Petro Porochenko. Từ khi Nga xáp nhập Crimée và can thiệp vào miền đông Ukraina, Belarus và Kazakhstan đều giữ lập trường cách biệt với Matxcơva .

Sau khi về lại Minks, tổng thống Lukachenko đã lập tức cách chức thủ tướng. Theo AFP, lãnh đạo Belarus, người được xem là nhà độc tài cuối cùng tại châu Âu, muốn nhờ Ukraina giúp đỡ để cải thiện quan hệ với Tây phương. Tại Kiev, tổng thống Narbaiev cũng kêu gọi tôn trọng « toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina », một lời chỉ trích gần như trực tiếp lên án Nga xâm lược.

Theo nhà phân tích Taras Berezovets, hai nhà độc tài Lukachenko (Belarus) và Nazarbaiev (Kazakhstan) là những người có trực giác tự tồn rất mạnh. Họ đến Kiev để từ thủ đô Ukraina, gửi thông điệp bất bình đến Putin. Hai nhân vật này có lẽ thấy rõ tổng thống Nga là biểu tượng của quá khứ còn Tây phương mới là giải pháp của tương lai nên Balarus và Kazakhstan cần phải nhanh chóng điều chỉnh chính sách.

-----------------

Mil Arcega  -  VOA
31.12.2014

WASHINGTON — Đồng tiền của Nga vốn đã mất giá lại tuột giá thêm một lần nữa trong tuần này sau khi một báo cáo của chính phủ cho thấy nền kinh tế đã co cụm trong tháng 11, trong hiện tượng sụt giảm lần đầu tiên từ 5 năm nay. Chính phủ Nga vừa loan báo các biện pháp để ổn định hoá các ngân hàng và nâng giá đồng rúp đang gặp khó khăn. Nhưng các chuyên gia cho rằng nước này vẫn còn phải đối mặt với một cuộc suy thoái trong năm tới. Thông tín viên VOA Mil Arcega tìm hiểu về tình trạng nền kinh tế Nga và những gì sẽ xảy ra trong thời gian tới đây.

Mặc dù những ngọn đèn ngày lễ vẫn toả sáng, các triển vọng kinh tế cho nước Nga đã lu mờ. Chỉ tệ Nga đã mất giá hơn một nửa trong năm nay và các ngân hàng đang thiếu hụt tiền mặt. Đó là một tình huống sẽ còn trở nên tệ hại hơn trước khi có thể khá hơn – theo nhận định của kinh tế gia Uri Dadush tại Quỹ Carnegie về Hoà bình Quốc tế.

“Nga thực sự đang đứng trước một bờ vực vào năm tới, khả năng của một cuộc suy thoái rất trầm trọng và dĩ nhiên là vào lúc này đang có một tình trạng khủng hoảng to lớn về niềm tin.”

Các nhà đầu tư đã rút hơn 100 tỷ đôla ra khỏi nước. Để đồng rúp được ổn định và giữ cho các ngân hàng khỏi chết chìm, Moscow đã tăng cao lãi suất và mới đây loan báo các kế
hoạch bơm gần 20 tỷ đôla vào các ngân hàng Nga. Phó thủ tướng Igor Shuvalov giải thích:

“Tất cả các biện pháp này gộp lại sẽ giúp cho khu vực ngân hàng của chúng ta, vốn đã khá ổn định, sẽ còn ổn định hơn nữa trong các tình huống mới và bảo vệ khu vực trước những chấn động mới nếu chúng xảy ra.”

Nhưng mọi chấn động mới sẽ tác động mạnh nhất đến giới tiêu thụ của Nga. Đa số đã thấy giá cả hàng nhập tăng cao.

“Hãy hy vọng là chính phủ của chúng ta sẽ động não và không để chúng ta trở nên nghèo khó.”

Các nhà kinh tế quy trách vụ khủng hoảng cho việc Moscow không đa dạng hoá được nền kinh tế dựa vào năng lượng của mình. Cộng với việc giá dầu sụt rất nhanh và các biện pháp chế tài kinh tế do phương Tây áp đặt để trừng phạt chính sách hiếu chiến của Nga ở Ukraine – và cố vấn kinh tế Toà Bạch Ốc Jason Furman nói Nga chỉ có thể tự trách mình.

“Và đó là một tình hình kinh tế nghiêm trọng phần lớn do chính họ gây ra và phần lớn phản ánh các hậu quả của việc không tuân thủ một tập hợp các luật lệ quốc tế.”

Mỹ là nước giao dịch kinh doanh rất ít với Moscow, chủ yếu không bị ảnh hưởng gì. Nhưng các đối tác thương mại như Trung Quốc và châu Âu có phần chắc sẽ cảm nhận tác động.

Cách biên giới Nga có 30 kilomet, ở phía đông nam Phần Lan, du khách Nga đã ngưng không đến thị trấn nhỏ Lappeenranta nữa. Kết quả là, các giới chức thị trấn nói hơn 1.000 cửa tiệm có lẽ sẽ phải đóng cửa.

Trừ phi giá dầu tăng nhanh hoặc Tổng thống Nga Vladimir Putin thay đổi ý kiến về Crimea, kinh tế gia Uri Dadush nói phải mất nhiều năm nền kinh tế Nga mới phục hồi được.

“Tôi nghĩ còn quá sớm để nói rằng tình hình này sẽ làm ông Putin phải bó tay. Có nhiều phần chắc hơn là một thời kỳ đau khổ kéo dài của người dân bình thường ở Nga và nền kinh tế Nga nói chung, và sau đó ở một thời điểm nào đấy trong vòng 2 hay 3 năm tới, tình hình kinh tế sẽ ổn định trở lại.”

“Chúng ta đã trải qua những tình huống còn xấu hơn nhiều.”

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng có phần chắc vụ khủng hoảng sẽ không kéo dài đến thế. Và ông nói lịch sử cho thấy người dân Nga và nền kinh tế sẽ phục hồi, và sẽ trỗi dậy còn mạnh hơn trước.




No comments:

Post a Comment

View My Stats