Sunday, 28 December 2014

Kiến nghị về vụ án tử tù Nguyễn Văn Chưởng (Luật sư Hoàng Văn Quánh & Phạm Hoàng Việt)





Luật sư Hoàng Văn Quánh & Phạm Hoàng Việt
Chủ Nhật, 28/12/2014

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ VIỆT THÀNH

Hà Nội ngày 09/03/2009

KIẾN NGHỊ CỦA LUẬT SƯ
V/v Vụ án giết người ngày 14/7/2007 tại Hải Phòng

Kính gửi:
- Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao
- Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao

Chúng tôi là Luật su: Phạm Hoàng Việt và Hoàng văn Quánh thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội, làm luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trọng Đoàn và Nguyễn Văn Chưởng trong vụ án giết người ở Hải Phòng tối ngày 14/07/2007 tại phiên tòa Phúc Thẩm ngày 21/11/2008. Tòa Phúc Thẩm TAND Tối cao vẫn xử y án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Chưởng mức án tử hình về tội giết người, Nguyễn Trọng Đoàn 24 tháng tù giam về tội "Che giấu tội phạm".

Quá trình tham gia tố tụng tại phiên Tòa phúc thẩm và nghiên cứu hồ sơ vụ án, qua tiếp xúc với bị cáo và thẩm tra các nhân chứng, chúng tôi thấy việc xử tử hình Nguyễn Văn Chưởng tội giết người là thiếu căn cứ với các lý do sau:

1. Cơ quan điều tra vi phạm tố tụng trong việc bắt Nguyễn Văn Chưởng và Nguyễn Trọng Đoàn, cản trở không cho luật sư tham gia giai đoạn điều tra.
- Bắt Chưởng khi kiểm tra căn cước về hành chính (thiếu giấy tờ) sau đó chuyển sang giam giữ vì nghi tham gia giết người (không có căn cứ cụ thể).
- Bắt Đoàn (em của Chưởng) khi đến cơ quan công an gửi đơn, bắt giữ trong tình trạng khẩn cấp, không phạm pháp quả tang, không có ai tố cáo (vi phạm Điều 48BLTTHS)
- Luật sư tham gia tố tụng giai đoạn điều tra để bảo vệ cho các nghi can đều bị cơ quan công an gây khó khăn, cản trở kéo dài thời gian đi lại, không cho tiếp xúc với bị can. Các luật sư phải gửi đơn đến Bộ công an, Viện kiểm sát nhưng đến phút cuối cùng mới được vào trại, điều tra viên không cho tiếp xúc với bị can, không giới thiệu luật sư để bị can biết, không cho nói và ghi bất cứ một ý kiến gì vào biên bản. (Luật sư Chu Văn Chiến và Luật sư Nguyễn Đức Quang đã có văn bản nỏi rõ việc vi phạm.
- Hầu hết trong quá trình điều tra không có luật sư tham gia. Trước khi đối chất các bị can, cán bộ điều tra đã dùng biện pháp dụ cung và thông cung để kích động bị can tố cáo sai vì bực tức (như vậy là vi phạm tố tụng).

2. Về chứng cứ:
Các chứng cứ để kết tội Nguyễn Văn Chưởng giết người là chứng cứ gián tiếp chỉ căn cứ vào lời khai của hai con nghiện.
- Toàn bộ lời khai của Vũ Toàn Trung và Trần Thị Lan Phương được cơ quan điều tra lấy làm căn cứ kết tội Nguyễn Văn Chưởng nhưng các lời khai của bị can Vũ Toàn Trung và bị can Phương (người yêu của Trung) rất mâu thuẫn với nhau thể hiện tại các BL 385: BL 389; BL502, 501, 491, 488, 486, 383,402, 471, 426, 423, 415, 433, 435, 441, 447.
- Tại các BL trên thể hiện rõ sự mâu thuẫn trong các lời khai của Trung, của Phương có lúc bị cáo Vũ Toàn Trung lại nói: "hôm nay tôi mới nói thật". Vậy đâu là thật đâu là giả và toàn bộ lời khai được lấy làm căn cứ để kết tội Nguyễn Văn Chưởng tham gia giết người của bị cáo Trung có đáng tin cậy không?
- Lời khai của các nhân chứng có mặt tại hiện trường có nhiều mâu thuẫn?
- Bị cáo Hoàng trong vụ án này cũng khai việc Trung khai là không đúng và lúc bị đánh thì nhận tội lúc không bị đánh thì nói là không biết, không tham gia nhưng bị cán bộ điều tra ép thì phải ký cán bộ bảo thằng Trung thằng Chưởng nó khai hết rồi, nó bảo mày chém nên Hoàng bực tức lại đổ cho Nguyễn Văn Chưởng và Trung chém. Nhưng lời khai của Vũ Toàn Trung trong các bản cung, trong kết luận điều tra, trong cáo trạng đều thể hiện Chưởng không chém nạn nhân (không giết anh Sinh). Vậy tại sao lại kết tội bị cáo Chưởng tử hình? Là thiếu cơ sở.
- Lời khai của các bị cáo mâu thuẫn nhau (nhất là Trung và Phương) nên các luật sư đề nghị cho bị cáo Trung và bị cáo Phương có mặt tại phiên tòa Phúc thẩm đã không được chủ tọa chấp nhận. Ngay cả khi có bị cáo Phương tại Tòa (bị cáo Phương tại ngoại) luật sư xin được hỏi để làm rõ một một số tình tiết và lời khai có trong hồ sơ nhưng Tòa không cho hỏi.(Không hiểu vì sao).

2. Về vật chứng: có nhiều uẩn khúc không được cơ quan điều tra làm rõ:
- Các vết bầm tím trên người nạn nhân chưa được làm rõ ai đánh, vì sao?
- Các vết chém trên thi thể nạn nhân có trong bản ảnh không phù hợp với tang vật vụ án (1 vết chém làm rách áo mưa và áo cảnh sát phía ngực nạn nhân).
- Đôi dép cỡ 42 ở hiện trường không được làm rõ là của ai? Có thể là của kẻ chém nạn nhân đã bỏ chạy (Vì khi trực nạn nhân đi giầy màu đen).
- Hung khí giết người là tang vật vụ án lại không có, cán bộ điều tra vẽ sẵn rồi đưa cho bị cáo Nguyễn Văn Chưởng ký xác nhận, bị cáo Hoàng ký xác nhận. Thực tế không có các bị cáo phải mô tả theo lời cán bộ điều tra.
- Nới xảy ra vụ án có một khẩu trang màu xanh được thu giữ làm tang vật nhưng cơ quan điều tra không làm rõ là của ai?
- Không xác định và làm rõ vân tay ai bóp cò súng khẩu K59 của nạn nhân. Tại sao?
- Chiếc quần dài, quần nót của nạn nhân phải là tang vật thu giữ tại sao lại hủy?
- Một thanh đoản kiếm được thu giữ chưa được làm rõ là của ai..? v v..
- Bị cáo Nguyễn Văn Chưởng xin được khôi phục các cuộc điện thoại của Chưởng tối ngày 14/07/2007 và sáng 15/7, đồng thời xác định tọa độ các cuộc gọi để là rõ Chưởng có mặt hay không có mặt ở Hải Phòng khi xảy ra vụ án không được cơ quan điều tra thực hiện lại bị công an thu giữ điện thoại của Chưởng. Vì sao không làm rõ?
- Hồ sơ trong vụ án bị mất, cụ thể biên bản gi lời khai của chị Mai vợ anh Trần Quang Tuất tại cơ quan điều tra đã bị mất (không có trong hồ sơ).
- Thiếu bản cung của bị cáo Hoàng này 23/09/2007
- BL số 461 ngày 10/08/2007 ghi lời khai và chữ ký của bị cáo Nguyễn Trọng Đoàn là chữ ký giả (không phải chữ ký của Đoàn).
- Mất biên bản xác định thương tích trên người bị cáo Chưởng khi Chưởng về trại giam Trần Phú do giám thị lập có y sỹ trại giam chứng kiến theo lời khai của Chưởng (nhưng trong hồ sơ không có).

Tất cả các mâu thuẫn trên không được cơ quan điều tra làm rõ. Khi tranh tụng tại Tòa án các luật sư nêu ra và đề nghị hủy án để điều tra làm rõ nhưng Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử cho là "không cần" vì đã thể hiện rõ trong hồ sơ các bị cáo đã khai nhận tội.(Mặc dù hồ sơ do cơ quan điều tra xây dựng chưa được đầy đủ, có nhiều mâu thuẫn, nhiều điểm không được làm rõ?).
Tuy nhiên trong suốt quá trình xét xử Sơ thẩm và xét xử Phúc thẩm các bị cáo đều kêu oan và khai bị ép cung, bị dụ cung, đe dọa và bị đánh đập để lại thương tích trên người, bị cán bộ điều tra đốt bộ phận sinh dục (bị cáo Hoàng khai tại tòa), ép phải nhận tội (vụ án có 5 bị cáo thì có 3 bị cáo kêu oan).
- Nhưng tòa không hủy án để điều tra làm rõ các uẩn khúc và các điểm chưa rõ ràng trong quá trình điều tra.

Ngoài ra nhiều chứng cứ thể hiện bị cáo Nguyễn Văn Chưởng ngoại phạm.

Rất nhiều nhân chứng chứng minh ngày 14/7/2007 tức là tối thứ 7 bị cáo Chưởng về quê ở Hải Dương. Chưởng khẳng định lúc xảy ra vụ án Chưởng đang ở quê, Chưởng luôn kêu oan, do bị tra tấn dã man nên phải khai nhận tội theo lời công an đọc để không bị đánh chết. (dưới một số bản cung Chưởng đã ghi ký hiệu EC - Ép Cung. Các bản cung không có luật sư, riêng biên bản đối chất luật sư tham gia nhưng công an không giới thiệu đó là luật sư, không cho luật sư nói, không cho viết gì nên Chưởng nghĩ là công an, không dám kêu oan (Vẫn khai theo các bản cung trước). Chưởng có bài thơ kêu oan thêu trên áo bằng các sợi chỉ rút từ khăn mặt và chăn đắp, khi ra tòa sơ thẩm Chưởng đưa cho luật sư nhờ gửi lên Chính phủ - Nội dung :" Án oan ôm hận nhờ chính phủ, giải oan hận này cho dân đen, tấm lòng trong sạch thiên địa biết, Trả lại công bằng cho dân thường, Sao để quan sai hành hạ dân. Pháp luật Việt Nam là rát đúng. Chỉ vì nằm trong tay quan điêu. Vu oan giáng họa cho dân lành"

Tất cả các nhân chứng bị gọi điến cơ quan điều tra sau đó một số ít đã rút đơn xin xác nhận và khai lại là không nhớ rõ. Còn số đông vẫn giữ lại lời khai của mình là Chưởng có mặt tại Hải Dương tối 14/07/2007.

Riêng Trần Quang Tuất đã bị cơ quan điều tra xích quặt tay ra sau ghế và bị đe dọa, bị đánh, bị giữ đến tối mới được tha về sau khi khai "nhớ nhầm". Nhưng mấy ngày sau Tuất lại lên cơ quan điều tra xin được khai lại (lúc đi có luật sư đi cùng nên Tuất không bị đánh) và Tuất đã khai đúng sự thật như khi đưa đơn đầu (BL số 619-620), chị Mai vợ anh Tuất có lời khai tại cơ quan điều tra biên bản đó không còn trong hồ sơ -Vì Sao?. Anh Phạm Văn Khương có xác nhận tối 14/07/2007 Chưởng về quê vì hôm đó nhà anh Khương có giỗ nên anh nhớ rõ (có xác nhận của địa phương) Bùi văn Chung và cháu Ly phụ trách thiếu nhi cũng xác nhận tối thứ 7 (14/07/2007) anh Chưởng về quê vào nhà anh Tuất chơi và qua sân kho nơi các cháu thiếu nhi tập còn trêu cháu phụ trách là Ly. Ông Trịnh Văn Rình bố của Trịnh Xuân Trường xác nhận con ông về quê với Chưởng tối 14/07/2007 tức (01/06 âm lịch).. V.v..

Như vậy cho thấy Chưởng ngoại phạm và không thể thực hiện giết người chính vì vậy bị cáo Nguyễn Trọng Đoàn cũng không phạm tội che giấu tội phạm cho Nguyễn Văn Chưởng.

Vụ án có rất nhiều điểm còn chưa được cơ quan điều tra làm rõ, nhiều điểm mâu thuẫn và vi phạm tố tụng, Các vấn đề trên đã được chúng tôi nêu tại tòa nhưng không được xem xét.

Vì vậy, chúng tôi trân trọng kiến nghị lên các Quý ông quan tâm xem xét lại toàn bộ vụ án theo thủ tục giám đốc để không xử oan người vô tội đồng thời không để lọt tội phạm với kẻ đã thực hiện hành vi giết người mà không bị truy tố.

Rất mong Quý ông để tâm xem xét.

Chúng tôi chân thành cảm ơn!
Luật sư Hoàng Văn Quánh & Phạm Hoàng Việt

No comments:

Post a Comment

View My Stats