Friday, December 19th, 2014 at
3:58 am
Dân Nga thạo món cờ vua đang
dùng xe, tượng, mã, thậm chí thí cả hậu để cứu nguy cho nền kinh
tế. Còn kẻ chơi cờ đam (checkers của Mỹ) lặng lẽ chiếm lĩnh từng ô, bao
vây và tiêu diệt cho tới khi đối phương thúc thủ.
Cuộc chơi cờ quốc tế – cờ đam vời cờ vua
Những tờ báo nổi tiếng như
Economist , Financial Times, WP, có chuyên gia viết bài giải thích cặn
kẽ về giá dầu thế giới và các nền kinh tế quan trọng. Việc Nga đang
bị rối loạn do giá dầu giảm, đồng rúp mất giá, kinh tế thế giới
bị ảnh hưởng không kém, đã làm tốn không biết bao giấy mực. Cua Times
xin tóm lược những ý chính như là điểm báo, gửi tặng bà con.
Tại sao giá dầu lại giảm?
Giá dầu thế giới giảm gần
50% kể từ tháng 6-2014, từ 115$/thùng xuống 60$ cho đến thời điểm
này. Hội nghị OPEC, chiếm 40% sản lượng dầu toàn cầu, họp tại Vienna
(Áo) ngày 27-11-2014 không thể thống nhất được sản lượng dầu sản
xuất bao nhiêu thì giữ được giá, và từ đó giá rơi thảm hại. Nga,
Nigeria, Veneuela là những quốc gia sống nhờ xuất khẩu dầu bị ảnh
hưởng nặng nhất.
Giá dầu phụ thuộc vào
nhiều nguyên nhân: do cung cầu mùa đông, mùa hè, do thời tiết không
thuận lợi, các tầu không thể vào giàn khoan để “múc”, do trò chơi
địa chính trị, và cả do trời.
Hiện nay giá dầu giảm vì :
(1) Kinh tế ảm đạm, đầu tư
cần hiệu quả để tiết kiệm, và nhu cầu tìm kiếm năng lương thay thế
dầu là có thật;
(2) Rối loạn ở hai nước
Iraq và Libya, hai nước có sản lượng 4 triệu thùng/ngày, cũng giúp đôi
chút cho giá dầu đi xuống;
(3) Hoa Kỳ thành quốc gia
sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Họ không xuất khẩu để giá thành
hạ, mà không nhập dầu cũng làm giá rơi thảm hại vì đó là quốc gia
tiêu tốn năng lượng nhất thế giới;
(4) Và sau cùng là Arab
Saudis, sản xuất 10 triệu thùng/ngày, chiếm 1/3 sản lượng OPEC, và
các ông hoàng dầu lửa Trung Đông không muốn hy sinh mình để “cứu rỗi
nhân loại”. Bởi giá khai thác dầu của họ chỉ khoảng 5-6$/thùng đưa
lên mặt đất, giá có giảm nhưng họ vẫn lời khủng. Dự trữ ngoại
tệ 900 tỷ USD cũng đủ để các ông hoàng đắp chiếu ngủ yên. Giá xuống
10$/thùng thì các bố ấy mới lo làm cách mạng mùa Xuân Arab,
Nói rằng Mỹ can thiệp với
các nước Trung Đông thả nổi giá dầu là chuyện hơi khó hiểu. Chẳng biết
John Kerry ảnh hưởng tới đâu, nhưng với các ông hoàng Arab, tiền và
lợi nhuận vẫn là trên hết, chẳng có trò chơi địa chính trị nào
nhằm đánh vào kinh tế Nga.
Giá dầu xuống sẽ đánh vào
túi tiền của Nga và Iran. Nga đang dính vụ Ukraine và bị trừng phạt
về kinh tế, Iran đang giúp chế độ tàn bạo Assad cũng điêu đứng vì
giá dầu. ISIS dựa vào dầu bán chui cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tại sao Kinh tế Nga điêu đứng?
Ngày 15-12 đồng Rúp mất
giá 10%, từ đầu năm đến nay mất khoảng 40% giá trị. Nói một cách
ngắn như sau, nếu bạn có số tiền 1 triệu rúp tiết kiệm gửi vào nhà
Bank Nga, thì hôm nay chỉ còn 600 ngàn. Dân Nga hoảng hốt tích hàng,
bỏ rúp mua đô, giống hệt VN một thời, và nhà bank Nga cạn ngoại tệ.
Kinh tế Nga phụ thuộc phần
lớn vào xuất khẩu dầu. 50% chi tiêu quốc gia nhờ vào bán tài nguyên,
và 2/3 là nhờ vào xuất khẩu. Trong suốt thời kỳ Putin nắm quyền,
kinh tế Nga không đủ năng động để phát triển các ngành khác. Là
một quốc gia tham nhũng và hối lộ gần nhất thế giới, luật pháp yếu
kém, kiểu mafia và không có bảo hộ trí tuệ.
Giá dầu (xanh) xuống kéo theo giá rúp (đỏ)
Kremlin chỉ phân phát các
dự án và tiền của do bán dầu cho các công ty ủng hộ Putin thay vì
cung cấp tài chính một cách minh bạch cho các thành phần kinh tế năng
động và có tài năng để đưa đất nước đi lên. Nga là quốc gia có
độ bất bình đẳng giầu nghèo đứng thứ nhì thế giới. Dân số
trong độ tuổi lao động ngày càng thu hẹp.
Nếu nói do Obama và EU ra
đòn mà kinh tế Nga điêu đứng thì mới được khoảng 25% đúng. Phần này
không lớn như đài báo đã nói. Mấy ngày biến động gần đây cho
hay, kinh tế chủ thể của Nga có những khiếm khuyết rất cơ bản.
Năm 2007, giá dầu là 72$/thùng,
thì GDP của Nga vẫn tăng 8,5%. Năm 2012, giá dầu 111$/thùng, nhưng GDP
chỉ tăng 3,4%. Dự đoán 2015 sẽ là âm và may mắn ra, năm 2016 mới
kéo lại được. Các nhà kinh tế Nga đang thảo luận, khi nào nước này
sụp đổ.
Nga – Trung ký thỏa thuận
khai thác dầu với 400 tỷ trong 30 năm, nhưng cho đến thời điểm hiện
tại, Trung Quốc vẫn bình tĩnh, tới đâu hay tới đó, giá dầu giảm họ
tiếp tục nhập, tại sao phải sang Siberia âm 70oC khai thác nếu không có
lợi về mặt địa chính trị.
Năm 2015, các
công ty Nga phải trả khoảng 100 tỷ USD nợ nước ngoài. Khi đồng rúp xuống giá thảm hại, trả bằng
ngoại tệ càng thêm khốn khó. Những anh cả trong nền kinh tế khoan dầu
đi bán như Gazprom, Likoil, Rosneft đang nợ đầm đìa, lại bị phương tây
chơi những cú đâm sau lưng, nghe chừng khó gượng lại. Cách duy nhất là
in tiền cứu, nhưng càng in, càng lạm phát. Rồi loạn đó mà ra.
Rối loạn về đồng rúp sẽ
kéo theo vấn đề hệ trọng hơn trong các hệ thống nhà bank tại Nga.
Nếu không cẩn thận, chính phủ Nga sẽ đứng trước sự vỡ nợ. Dự trữ ngoại tệ hiện là 370 tỷ đô, nhưng
giá trị thực chưa chắc được như vậy. Với số tiền như thế trong
thời điểm hiện nay, chúng có thể bốc hơi khá nhanh vì phải can
thiệp, vá víu, trong sự hỗn loạn.
Giải pháp tốt nhất cho Nga
là cải cách hệ thống nội tại quốc gia, bớt phụ thuộc vào xuất
khẩu tài nguyên, giải quyết êm thấm vụ Ukraine. Tiếp tục
ngồi há miệng chờ dầu bên miếng giếng, và khấn trời phật cho giá
dầu lên, thì một ngày nào đó Putin sẽ ra khỏi Kremlin.
Vĩ thanh
Hồi học ở Ba Lan những năm
1970-1976, tôi chứng kiến cuộc đấu cờ vua thế kỷ giữ Bobby Fischer
(Mỹ) và Boris Spassky (Liên Xô) vào năm 1972. Trước đó, cờ vua chỉ
thuộc về các nhà vô địch Liên Xô. Thời bấy giờ, sự căng thẳng Liên Xô
và Mỹ đang leo thang, vì thế trận đấu cờ này mang mầu sắc chính trị
giữa hai hệ thống XHCN và TBCN. Ai thắng, ai thua rất quan trọng,
cho dù Boby Fischer không thích nước mẹ Mỹ.
Trận mở màn ngày 11-7-1972
tại Reykavik, trong thế Nimzo-Indian, bằng xuất nước tốt D4, và sau
lượt thư 56, Boris Spassky đã thắng Bobby Fischer. Trận sau, Fischer
phản đối việc để camera truyền hình chiếu vào hai đấu thủ, nhưng ban
tổ chức không nghe, anh ta bỏ cuộc, Spassky lại thêm 1 trận thắng mà
không phải đổ một giọt mồ hôi nào.
Boby vs Boris 1972
Bobby định đặt vé máy bay
và bỏ cuộc. Nhưng cậu bạn William Lombardy và sau đó đích thân Henry
Kissinger, ngoại trưởng Hoa Kỳ còn đang bận với Lê Đức Thọ ở Paris,
cũng gọi điện động viên, Bobby đã ở lại.
Anh chàng Nga ngố Boris lại
tỏ ra đàng hoàng, đồng ý chơi cờ trong phòng phía sau, không còn
người xem. Và thế là sai lầm từ đó. Bobby Fischer vốn không chịu được
sự quấy rầy. Với sự yên tĩnh này, cuối cùng anh ta đã hạ đo ván
Boris Spassky trong trận thứ 21.
Ở trận cuối, Fischer quân
đen, có 1 xe và hai tốt rời, nhưng vua đen đã sang uy hiếp quân trắng
còn 4 tốt, và 1 tượng. Trong thế trận này, Boris đã xin nghỉ để
hôm sau chơi tiếp. Nhưng sáng sau, anh chàng người Nga đã gọi
điện, xin…thua, dù anh có cơ hội để gỡ hòa trong trận đó. Vương miện
cờ vua quốc tế lần đầu về với người Mỹ.
44 năm sau, có một trận đấu
khác giữa Barack Obama và Vladimir Putin, lần này trên bản đồ địa chính trị.
Mở đầu, năm 2008, Putin xuất
mấy con tốt hủi vào Georgia cho dù trước đó Obama đã thành công trong
cuộc cách mạng hoa hồng. Chút chút nữa thôi, quân Nga đã tiến vào
Tbilisi. 1-0, nghiêng về Putin.
Trận tiếp xảy ra lúc Putin
bận Olympic mùa đông Sochi. Obama đã chọc ngoáy Yanukovych và ông này đã
trốn khỏi Kiev. Tuy nhiên, Putin không phải vừa. Crimea đang của Ukraine
bỗng về với đất mẹ Nga. Miền Đông Ukraine máu lửa, Barack Obama đứng
ngồi không yên vì những con tốt khác không hàm hiệu. 2-0 nghiêng về
Vladimir Putin.
Giống như khởi đầu trận cờ
vua Boby-Boris năm 1972, lợi thế địa chính trị thuộc về người Nga trên
chiến trường. Tuy nhiên trong mặt trận kinh tế yên tĩnh, không hoàn toàn như vậy.
Những ngày gần đây cho thấy, ai đó cỡ như Henry Kissinger đang rỉ tai
Obama hãy mở túi càn khôn. Cha Putin đang buôn thứ gì thì hãy
nhái thứ đó, để giảm giá thị trường. Không còn thu nhập, Putin không
còn đáng tin.
Những năm 1970, cứ nghĩ Liên Xô
chiếm đóng Afghanistan thì Mỹ đã thua trận. Nhưng thực tế giá dầu lên cao nên
Liên Xô tưởng như làm bá chủ. Giá dầu xuống những năm cuối 1980, Liên Xô tan.
Hình như lịch sử lặp lại. Mấy năm trước Nga có thể tấn công Georgia, và sau này
là Ukraine. Lý do đơn giản, giá dầu lên 3 con số. Nhưng nay tụt xuống 60-70$/thùng
thì Putin hết cựa quậy. Đó là điểm yếu nhất của nước Nga.
Ảnh của Daily Cartoon
Cuộc đấu Obama – Putin còn
tiếp diễn, chưa biết kết quả thế nào. Thể giới yên tĩnh hơn sau trận
Boby Fischer và Boris Spassky bởi Boris hiểu thế trận không thể thắng
trong toàn cục.
Người ta cũng mong Putin hãy
hiểu ra tình thế của mình như Boris 44 năm trước đây. Chỉ cần một cú
điện thoại giữa Moscow và Washington DC thì mọi chuyện rối loạn sẽ trở
nên dễ dàng hơn.
Thay vì cai trị đất nước bằng
mafia, Putin hãy đưa dân chủ văn minh cho người dân. Một dân tộc vĩ đại như Nga
không thể ngồi mãi chiếu dưới trong cuộc chơi toàn cầu.
Tuy nhiên trong lúc này, dân
Nga thạo món cờ vua đang dùng xe, tượng, mã, thậm chí thí cả hậu để
cứu nguy cho nền kinh tế đang xuống dốc. Còn kẻ chơi cờ đam (checkers của
Mỹ) lặng lẽ chiếm lĩnh từng ô, bao vây và tiêu diệt cho tới khi đối
phương thúc thủ.
HM. 18-12-2014
------------------------
Tin buồn cho Putin
Nhà băng của Putin vừa thua 2 tỷ tại tòa London.
‘Putin’s banker’ loses $2bn UK court fight
EU và Mỹ quyết trừng phạt Nga tiếp
EU leaders hold firm on Kremlin sanctions
No comments:
Post a Comment