Wednesday 17 December 2014

Tiểu luận về lạm phát (Henry Hazlitt, FEE)



Henry Hazlitt, FEE
Dịch bởi CTV Phía Trước
Posted on Dec 17, 2014

Một người quen, đồng thời là lãnh đạo của một nhóm có tên là “Chiến sĩ chống lạm phát”, gần đây có gửi tôi một bản tóm tắt được đánh máy trên một trang giấy về các sự vụ liên quan tới lạm phát và hỏi ý kiến của tôi về vấn đề này. Lời kết luận và tuyên bố thì khá trung thực và có ý đồ mạch lạc, nhưng với việc kiến thức cũng như tài liệu về lạm phát nhiều vô kể, bản tóm tắt này xem ra bị đi vào vết xe đổ với những phân tích và đánh giá chưa rành mạch cho lắm.

Tôi trả lời với quan điểm bằng lòng với nỗ lực của người bạn này, rằng chúng ta phải làm một điều gì đó; và cũng đồng tình với anh ta về việc các nguyên nhân và giải pháp cho lạm phát chỉ cần gói gọn trong một trang giấy mà thôi, nhưng nên đi theo những đại ý như sau:

Nguyên nhân và giải pháp cho lạm phát

  1. Lạm phát là tình trạng xảy ra khi có sự tăng về số lượng tiền hay tín dụng. Hậu quả chính của lạm phát là giá cả cao vọt lên. Vì thế, lạm phát – chúng ta không nên đồng nhất nó với việc giá cả tăng – chỉ đơn thuần do in thêm tiền nhiều mà thôi. Chính vì thế, chính sách tiền tệ của chính phủ chịu trách nhiệm chính cho tình trạng này.

  1. Lý do phổ biến của việc in thêm tiền là tình trạng mất cân đối thu chi. Bản thân mất cân đối thu chi xuất phát từ việc chi tiêu quá khả năng của ngân sách nhà nước. Việc bội chi này chủ yếu là do nhà nước muốn phân bổ lại sự giàu có và nguồn thu – nói một cách ngắn gọn, đó là ép buộc những người làm việc năng suất hỗ trợ những kẻ làm việc kém hiệu quả. Chính hành động này dẫn tới việc cả hai nhóm người này mất đi động lực làm việc.

  1. Lý do của lạm phát thường không “nhiều chiều và phức tạp” như các nhà kinh tế hay hoạch định chính sách rêu rao, mà đơn giản chỉ là vì in thêm quá nhiều tiền. Chẳng có cái gì gọi là lạm phát “chi phí đẩy” cả. Nếu không in thêm tiền thì khi tiền lương và một số chi phí khác bị ép tăng thì các công ty sẽ phải đối phó với những khoản độn lên này bằng việc tăng giá bán sản phẩm, và phần đông các công ty này sẽ bán được ít sản phẩm hơn. Kết cục là giảm năng lực sản xuất và cắt giảm nhân công. Chi phí cao hơn chỉ có thể được giữ ổn định khi giá thành bán sản phẩm phải cao lên và khi đó người mua cũng phải có nhiều tiền hơn để mua sản phẩm ở mức giá cao này.

  1. Bình ổn giá cả không thể dừng hay làm chậm quá trình lạm phát lại. Chúng chỉ khiến tình trạng này tồi tệ hơn. Bình ổn giá thành đơn thuần bóp nghẹt hoặc gạt bỏ lợi nhuận biên, gián đoạn sản xuất, và dẫn tới hiện tượng bế tắc trong sản xuất và xã hội thiếu lượng cung cần thiết. Tất cả những động thái bình ổn giá thành hay điều chỉnh mức lương hay đơn thuần chỉ ở mức “theo dõi” thì đơn giản là nỗ lực của các nhà chính trị gia nhằm đổ lỗi lạm phát cho các công ty hay các nhà kinh doanh thay vì nhận lỗi về chính sách tiền tệ do mình đưa ra.

  1. Lạm phát kéo dài không bao giờ có ích cho nền kinh tế. Ngược lại, nó làm mất cân đối, gián đoạn và làm chệch hướng sản xuất cũng như nhân công. Thất nghiệp xảy ra chủ yếu do lương ở một số ngành công nghiệp quá cao, nguyên do phần lớn nằm ở nhu cầu hiệp hội quá lớn, hoặc các điều luật định mức lương tối thiểu (điều này khiến cho trẻ em và những người không có kỹ năng hay bằng cấp thất nghiệp), hoặc bởi chính sách bảo hiểm thất nghiệp kéo dài và quá hào phóng.

  1. Nhằm tránh khỏi những tổn thất không thể sửa chữa, ngân sách phải được cân đối lại tại thời điểm sớm nhất có thể, và không thể chỉ bằng những câu hứa hẹn suông theo kiểu “sẽ xử lý sớm thôi”. Cân đối thu chi phải được thực thi bằng việc chấm dứt ngay những khoản chi phung phí chứ không phải bằng việc tăng thuế, khi mà bản thân thuế đã có khả năng cản trở động lực làm việc cũng như sản xuất.


Copyrights © 2007-2014 TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info





No comments:

Post a Comment

View My Stats