Thứ Năm, ngày 18 tháng 12 năm 2014
(Les Echos 17/12/2014) Không thể nói rằng Barack Obama đã không làm được gì trong nhiệm kỳ thứ
hai : hôm thứ Tư 17/12/2014 ông đã loan báo các biện pháp lịch sử để bình
thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba. Hai quốc gia chỉ cách nhau không đầy
150 km đường biển, nhưng không có quan hệ ngoại giao lẫn thương mại từ năm
1961…cũng là năm Barack Obama chào đời. Trong cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ tuyên
bố : « Đã đến lúc phải có cách tiếp cận mới ».
Sự hòa dịu này là kết quả các cuộc đàm phán bí mật
kéo dài 18 tháng qua, dưới tác động của Canada và nhất là của Đức Giáo hoàng
Phanxicô ; được cụ thể hóa qua cuộc điện đàm dài 45 phút giữa ông Barack
Obama và Raul Castro tối thứ Ba 16/12.
Điều này không thể nào diễn ra được nếu không có việc
trả tự do hôm thứ Tư 17/12 cho Alain Gross, một người Mỹ bị giam cầm từ 5 năm qua
tại Cuba. Người cựu nhân viên hợp đồng của chính phủ Mỹ bị lãnh án 15 năm tù vì
đã mang vào Cuba các thiết bị liên lạc vệ tinh vốn bị cấm ở đảo quốc cộng sản.
Việc trả tự do cho ông Gross được thương lượng với lý do nhân đạo – Nhà Trắng
khẳng định như thế, không thừa nhận giả thiết trao đổi ba tù nhân Cuba bị giam
tại Hoa Kỳ từ 15 năm qua. Theo yêu cầu của Washington, Raul Castro cũng đã
phóng thích khoảng năm chục tù nhân chính trị. Obama loan báo một điệp viên bị
Cuba cầm tù từ 20 năm qua đã được trao trả, nhưng không tiết lộ danh tính.
Điều hiếm hoi là Barack Obama bày tỏ những lời gần
như là tự kiểm đối với các công dân Cuba : « Rõ ràng những thập
niên cô lập này đã không giúp đạt được mục tiêu của chúng tôi, đó là sự trỗi dậy
của một nền dân chủ. Chúng tôi không muốn các trừng phạt của Mỹ làm tăng thêm
gánh nặng trên vai người dân Cuba mà Hoa Kỳ đang tìm cách giúp đỡ ».
Cùng lúc đó, nhà lãnh đạo Cuba, Raul Castro cũng
phát biểu. Nói lên lời cảm ơn Đức Giáo hoàng về vai trò trung gian hòa giải của
Ngài, Raul Castro tuy nhiên nhấn mạnh là « vấn đề chính yếu »
hãy còn đợi được giải quyết : dỡ bỏ cấm vận. Biện pháp này vẫn được duy
trì vì Nhà Trắng không có quyền tháo gỡ, vì đã ghi trong luật. Như vậy Quốc hội
Hoa Kỳ cần phải quyết định có tiếp tục hay không. Barack Obama cho biết sẽ mở
ra tranh luận với các dân biểu, nghị sĩ về việc bỏ cấm vận. Trong khi chờ đợi,
ông ban hành một loạt sắc lệnh nhằm giảm nhẹ tối đa những biện pháp trừng phạt.
Washington sẽ mở lại đại sứ
quán tại La Habana kể từ năm tới. Quan trọng hơn nữa là sẽ tạo điều kiện cho việc
đi lại giữa hai nước. Khoảng hai triệu người Cuba nhập cư hiện sinh sống tại
Hoa Kỳ đã có thể về quê hương thăm gia đình. Việc du hành còn mở rộng cho cả
các nhà báo, giáo sư, tu sĩ, nghệ sĩ, vận động viên, bác sĩ. Ngược lại, việc đi
du lịch thông thường vẫn còn bị cấm đoán, nhưng điều này không ngăn được cổ phiếu
của các công ty du lịch đường biển tăng vọt trên thị trường chứng khoán hôm
qua.
Chấm dứt cô lập
Nhà Trắng cũng tái lập một phần quan hệ thương mại
giữa hai nước : các công ty Mỹ sẽ được phép xuất khẩu sang Cuba một số sản
phẩm, trong đó có vật liệu xây dựng và máy móc nông nghiệp. Du khách Mỹ nay có
thể hút xì-gà Cuba và mang về nước loại sản phẩm đặc thù này, với giá trị không
quá 100 đô la. Khách du lịch Mỹ có thể sử dụng thẻ tín dụng trên toàn lãnh thổ
Cuba.
Các công ty viễn thông Mỹ nằm trong số những đơn vị
được hưởng lợi nhiều nhất qua việc mở cửa, họ có quyền mở rộng mạng lưới đến đảo
quốc. Cuba là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới mà internet vẫn
còn là của hiếm : hiện chỉ có 5% dân số hòa mạng. Những công ty Mỹ nay có
thể xuất khẩu sang Cuba điện thoại, máy tính bảng và phần mềm. Một sự tiến bộ
có thể tạo điều kiện cho dân chủ bắt rễ - Nhà Trắng hy vọng như thế.
Nếu đa số người Mỹ ủng hộ chính sách hòa dịu, thì những
người Cuba nhập cư sống ở Florida vốn ghét cay ghét đắng gia đình Castro, bày tỏ
sự thất vọng não nề. « Hoa Kỳ có những nhượng bộ lịch sử đối với Cuba,
nhưng nhận lại chẳng được bao nhiêu ». Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco
Rubio tố cáo như trên – bản thân ông có cha mẹ là người Cuba nhập cư, và rất có
thể sẽ ra ứng cử tổng thống năm 2016.
Mời
đọc lại:
Được đăng bởi Thuymy
Rfi vào lúc 02:34
No comments:
Post a Comment