Tuấn Khanh
Thứ Tư, ngày 17 tháng 12 năm 2014
Thật
khó tưởng tượng nổi đêm cuối cùng của cuộc Cách Mạng Dù ở đường Harcourt Road tại
khu Admiralty, khi hàng ngàn cảnh sát Hồng Kông được trang bị tận răng đánh đập,
bắt bớ… những người biểu tình, trong đám đông quả cảm đó, có cả nữ ca sĩ Denise
Ho (Hà Vận Thi). Mặc một chiếc áo thun đen và tay cầm chiếc dù vàng, gần như
không trang điểm, người nữ ca sĩ lừng danh của dòng Canto-pop này bị lôi đi
cùng với nhiều người khác, lẫn trong tiếng hô uất nghẹn của giới sinh viên đòi
dân chủ “rồi chúng ta sẽ quay trở lại”.
Đêm
cuối ấy, đã có khoảng 10.000 người tham dự và chứng kiến, họ chọn cách chấp nhận
cuộc đàn áp để ghi vào lịch sử nhân loại, như một chứng cứ ô nhục về một chế độ
độc tài. Những giọt nước mắt của người biểu tình đã rơi trong đêm đó, từ những
những người vô danh cũng như của những người rất nổi tiếng.
Không
khác gì số phận của các ngôi sao như Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa, Lương Triều
Vỹ, Hoàng Thư Sinh… Giờ đây tên của ca sĩ Denise Ho đã nằm trong danh sách đen
của Bắc Kinh, bị coi như những kẻ cứng đầu và nguy hiểm. Họ sẽ bị ngăn cấm, bị
đe doạ… trong cuộc sống ngày thường cũng như có thể bị ám hại bởi chính
quyền của ông Tập Cận Bình trong nay mai. Với người nữ ca sĩ 37 tuổi này, có lẽ
cô đã hình dung trước tất cả mọi thứ khó khăn nhất sẽ đến, nên chọn lựa của cô
là dứt khoát đứng về phía giới đấu tranh đòi dân chủ cho Hồng Kông. Tờ L.A
Times mô tả rằng khó ai tin được rằng người nữ ca sĩ từng có đến 15 giải thưởng
âm nhạc, sự nghiệp rất vững chắc này lại len lỏi trong đám người biểu tình,
tranh phục đơn sơ nhất, để cất tiếng đấu tranh, chấp nhận rủi ro từ việc Bắc
Kinh tức giận và trả thù hèn hạ.
Ở
rất nhiều nước sống trong chế độ độc tài, đặc biệt tồi tệ là ở Châu Á, những
nghệ sĩ dám cất tiếng nói khác biệt với chính quyền, cũng đồng nghĩa với việc tự
sát của nghề nghiệp hay chấm dứt cuộc sống không còn bình yên nữa. Ngay khi các
ngôi sao điện ảnh Lưu Đức Hoa, Châu Nhuận Phát, Lương Triều Vỹ… bị cắt bỏ mọi
hình ảnh và hoạt động trong đại lục, thì Bắc Kinh cũng lạnh lùng thông báo cho
ca sĩ Denise Ho rằng toàn bộ các chương trình biểu diễn của cô từ đây về sau ở
đại lục sẽ phải ngừng vô thời hạn. Tệ mạt hơn nữa, các cơ quan văn hoá của
Trung Quốc đã gửi công văn đến hàng trăm công ty, tổ chức… cảnh báo rằng sẽ chịu
thiệt hại nếu cộng tác với những văn nghệ sĩ đã xuống đường trong phong trào bất
tuân dân sự.
Lâu
nay, thị trường giải trí ở Hồng Kông bị sụt giảm lớn, nhất là sau năm 1997, khi
vùng đất này được người Anh trả về cho Trung Quốc. Chế độ kiểm duyệt đã khiến
cho vùng đất linh hoạt này trở nên đờ đẫn và nhàm chán so với danh tiếng từng
có. Thu nhập của các nghệ sĩ Hồng Kông chỉ còn tạo ra được ở đại lục, vì họ còn
chút mới lạ và không khác gì như những Hoa kiều với người dân đại lục. Với ca
sĩ Denise Ho, gần đây 80% thu nhập cô có được đều là thị trường ở các điểm diễn
trong đại lục. Quyết định của Bắc Kinh nhắm vào “nồi cơm” của giới văn nghệ sĩ
đã tác động mạnh đến mức trong giới giải trí ở Hồng Kông, đã có nhiều người hối
hả tuyên bố mình không có gì dính đến đám “phản động” ấy. Đạo diễn Vương Tinh
(nổi tiếng với loạt phim Người trong giang hồ, Thần bài…) vội vã lên trang mạng
xã hội Vi Bác để chỉ trích ca sĩ Denise Ho và nói rằng mình đã thôi không còn bạn
bè gì nữa. Hành động này của Vương Tinh cũng chỉ nhằm bảo vệ cho loạt phim của
mình mới vừa quay xong không bị tổn hại từ Bắc Kinh.
“Tất
cả là vì tiền”, nhà biên kịch Bằng Minh Chí bình luận vậy. Cũng vì lý do này mà
nghệ sĩ saxo Kenny G đã vội vã phủ nhận thái độ ủng hộ của mình với cuộc Cách Mạng
Dù, ngay sau khi Bắc Kinh đe doạ chấm dứt việc lưu diễn của ông ta ở Trung Quốc.
Sự
khủng bố của Bắc Kinh đối với những người đấu tranh cho dân chủ ngày càng tăng.
Sức ép dành cho giới nghệ sĩ lại mỗi lúc một nhiều hơn. Con số những nhạc sĩ,
ca sĩ, nhà văn, diễn viên… ở Hồng Kông cho đến nay bị ghi vào sổ đen là
47 người, và sẽ còn tăng nữa, trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Tân Hoa Xã còn
phát đi thông báo vào ngày 2/12/2014, cho biết Tập Cận Bình sẽ tái lập chính
sách cải tạo văn nghệ sĩ Trung Quốc, bằng cách cho Tổng cục đặc trách báo chí,
đài phát thanh, truyền hình và phim ảnh Trung Quốc cưỡng bức các nghệ sĩ có “vấn
đề” về các khu lao động xa để học tập tư tưởng lành mạnh. Các đợt cưỡng bức này
có thể liên tục, cứ 3 tháng một lần. Các nhân vật như ngài Ngải Vị Vị có thể đều
nằm trong tầm ngắm của cơ quan này.
Việc
cất lên tiếng nói về lẽ phải, đã ngày càng thưa thớt người hơn, đặc biệt với những
người được coi là trí thức hoặc có tên tuổi trong xã hội. “Nồi cơm” hay sự hèn
nhát đã sản sinh ra rất nhiều lý do để thoái thác tranh đấu hoặc nguỵ biện cho
việc thoả hiệp với cái ác. Trong cuộc Cách Mạng Tăng Bào (Saffron Revolution)
năm 2007 ở Miến Điện, có hơn 400.000 tu sĩ và thường dân xuống đường chống lại
chế độ độc tài quân sự, nhưng chỉ có 2 trong số hàng ngàn văn nghệ sĩ được ghi
nhận đã bước xuống đường vì danh dự và trách nhiệm với tổ quốc là danh hài
Zargana và ngôi sao điện ảnh Kyaw Thu.
Ở
Hồng Kông ngày nay, người ta dễ dàng tìm thấy những gương mặt rạng rỡ nụ cười
như Thành Long trong hình ảnh bợ đỡ chính quyền, hoặc những người im lặng xa
lánh những ung nhọt trong đời sống với lời biện minh “lo làm ăn, ổn định để
phát triển”. Và cũng chính vì vậy giữa những vũng lầy danh lợi và hèn nhát, những
gương mặt toả sáng như Hoàng Chí Phong, Châu Vĩnh Khang (Alex Chow)… hay nữ ca
sĩ Denise Ho đã tạo nên một nguồn cảm hứng bất tận cho một thế hệ.
“Điều chúng ta tranh đấu hôm nay, là
cho tương lai của Hồng Kông, cho con cháu của chúng ta. Nếu từ bỏ cuộc tranh đấu
này, đồng nghĩa chúng ta từ bỏ tự do và tương lai của Hồng Kông”, Denise Ho đã nói
trong đêm cuối của cuộc Cách Mạng Dù, nhiều người đã khóc và thề sẽ quay lại.
Gương mặt quả quyết và điềm đạm của Denise Ho đã in sâu trong trí nhớ rất nhiều
người, gương mặt của một người yêu tự do và quả cảm. Và đó, có thể là một trong
những nguồn sức mạnh để người dân Hồng Kông tái tập hợp và xuống đường cho
tương lai của chính mình.
----------------------
Thứ Ba, ngày 16 tháng 12 năm 2014
No comments:
Post a Comment