Friday 12 December 2014

Hồng Kông: Khổ Nhục Kế (Vi Anh)



12/12/2014

Hôm Thứ Năm, cảnh sát đã dẹp hết những phần còn lại của cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Hôm Thứ Năm 11-12-2014, nhiều người biểu tình đã dỡ lều và rời địa điểm. Một số bày tỏ nỗi buồn vì không đạt được một kết quả nào cụ thể, số khác cho rằng tuy vậy phong trào «Cách mạng những chiếc dù» đã thay đổi bộ mặt Hồng Kông, theo tin RFI.

Trước đó, theo tin báo chí Hồng Kông, Anh Joshua Wong, lãnh tụ sinh viên trong cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông, đã chấm dứt tuyệt thực sau bốn ngày tuyệt thực bắt đầu ngày 1 tháng 12, vì lời khuyên của bác sĩ bảo anh đã kiệt lực, quá yếu, chỉ còn thở cầm hơi. Tuy nhiên, anh nói cuộc đấu tranh của người biểu tình vẫn tiếp diễn. Và ba sinh viên kia vẫn tiếp tục tuyệt thức. Trong khi đó nhà cầm quyền Hồng Kông nói sẽ điều 7.000 cảnh sát giải toả khu cắm trại chính Admiralty mà sinh viên đã chiếm làm căn cứ biểu tình vào 11/12/2014. Một số người biểu tình tuyên bố sẵn sàng kháng cự. Tinh hình mấy ngày qua có nhiều dấu chỉ cho thấy thành phần ưu tú và sinh viên Hồng Kông chuẩn bị lấy máu, nước mắt, mồ hôi về vật chất và khổ, nhục về tinh thần để xây dựng nền dân chủ cho Hồng Kông và tạo niềm cảm hứng tự do, dân chủ cho dân chúng Trung Hoa đồng bào mình trong lục địa đang sống trong gọng kềm CS.

Suốt hai tháng đấu tranh chống Trung Cộng mưu toan áp đặt chế độ đảng cử dân bầu lên Hồng Kông. Đêm chủ nhựt 30/11/ 2014 vừa qua, là một đêm cảnh sát trấn áp xung đột với dân chúng và sinh viên biếu tình, rung chuyển cả Hồng Kông. Nhà cầm quyền thân TC điều 1.000 cảnh sát tới Admiralty, khu vực có tòa nhà chính quyền, nâng tổng số lực lượng ở đây lên 4.500 người. Ngoài ra, tại khu vực Mong Kok cũng có khoảng 2.500 nhân viên an ninh. Còn những người biểu tình đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm, kính bảo vệ và cầm dù tràn xuống các con đường chính hướng về khu vực văn phòng của Trưởng khu đặc chính Lương Chấn Anh. Những người đi ở hàng đầu thậm chí còn cầm các tấm khiên tự chế làm bằng gỗ hoặc bìa giấy để chống lại cảnh sát. Ít nhất có 58 người bị thương trong đó có 11 cảnh sát. 40 người biểu tình đã bị bắt giữ. Cảnh sát đã cố gắng đầy lùi người biểu tình bằng dùi cui và hơi cay, châm ngòi cho các cuộc xung đột bùng phát mạnh hơn ngay sau đó. Tuy nhiên đoàn biểu tình cũng dã thành công phần nào, đã làm cho cơ quan của chánh quyền không mở cửa và công chức không vào làm việc được.

Nhưng ngày hôm sau xảy ra một bước ngoặc chiến lược của những thanh phần ưu tú và sinh viên tuổi trẻ của Hồng Kông. Sau khi đã lấy máu, nước mắt, mồ hôi của mình dể xây dựng dân chủ cho Hồng Kông quê cha đất tổ của mình, chống lại ý muốn của TC muốn áp đặt độc tài CS lên Hồng Kông, những người con yêu quí của Hồng Kông dùng khổ nhục của mình để đánh động lương tâm dân chúng Hồng Kông và tạo cảm hứng dân chủ cho đồng bào người Hoa trong lục địa.

Ba người sáng lập phong trào Chiếm Trung Tâm là Benny Tai, giáo sư luật Đại học Hong Kong, Chan Kin-man, giáo sư xã hội học Đại học Trung Văn Hong Kong và Mục sư Chu Yiu-ming, trong một cuộc họp báo ngày 2/12/14, kính cẫn gập người cuối đầu xin lỗi đồng bào, tuyên bố sẽ tự nạp mình cho cảnh sát và kêu gọi những người cùng đi biểu tình với họ hãy rút lui vì sự an toàn của chính họ. Cả ba sẵn sàng chấp nhận hậu quả, bất kể các hậu quả đó là gì. Quí vị này khẳng định tự nạp mình “không phải là một hành động hèn nhát”, hay thừa nhận sự thất bại, mà là một hành động để lên án “một chính phủ không có trái tim.” “Một chính phủ sử dụng dùi cui của cảnh sát để duy trì quyền lực của mình là một chính phủ phi lý. Vì sự an toàn của phong trào, vì mục tiêu ban đầu của chúng ta là tình yêu và hoà bình, chúng tôi chuẩn bị tự nạp mình, ba người chúng tôi kêu gọi các sinh viên hãy rút lui, và hãy cắm sâu rễ trong cộng đồng để biến đổi phong trào.”

Còn Joshua Wong, 18 tuổi, lãnh tụ sinh viên khởi sự cuộc tuyệt thực vô thời hạn cùng với hai thành viên khác trong nhóm. Anh nói với báo chí tuyệt thực để một mặt đánh động lương tâm và sự chú ý của đồng bào Hồng Kông. Bên cạnh việc chịu đựng dùi cui và hơi cay, các anh muốn sử dụng thân thể của mình để khơi lên sự chú ý của công chúng đối với cuộc đấu tranh cho dân chủ. Anh hy vọng khi công chúng biết về cuộc tuyệt thực của sinh viên, họ sẽ phải tự hỏi sắp tới đây, họ có thể làm gì. Mặt khác sinh viên tuyệt thực để đòi hỏi nhà cầm quyền mở các cuộc thương thuyết mới, không có điều kiện tiên quyết, để khởi sự lại tiến trình cải cách chính trị tại Hồng Kông.

Trong khi đó, 23 trong số 27 nghị sĩ Hồng Kông ủng hộ dân chủ yêu cầu những người lãnh đạo phong trào biểu tình của sinh viên phải có chiến lược đấu tranh.

Còn tại Anh, nước dã trao trả Hồng Kông lại cho TC với điều kiện Hồng Kông được sống theo qui chế một quốc gia hai chế độ với TC, nhiều nhà lập pháp Anh yêu cầu triệu tập một phiên họp khẩn cấp của Quốc hội để thảo luận quyết định của Trung Quốc không cấp visa cho các nhà lập pháp dự định đi thăm Hồng Kông. Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Anh đã mở cuộc điều tra bang giao của Anh quốc với chính quyền Hồng Kông. Các đại biểu Quốc Hội Anh nói họ muốn cứu xét cách thức nhà chức trách xử lý các vụ biểu tình. Còn TC, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phản đối cuộc điều tra do Hạ viện Anh thực hiện.

Còn trưởng quan Hồng Kông, được TC hậu thuẫn lên tiếng hăm doạ dẹp phong trào biểu tình sau khi được toà thượng thẩm cho phép những nhân viên thi hành án được dẹp những rào cản trên đường do sinh viên dựng lên.

Trước thời sự nhà cầm quyền thân TC cương lên chống biểu tình đòi dân chủ một cách quyết liệt, một câu hỏi đặt ra là liệu lượng dân chúng và sinh viên chịu thua, suy tàn hay chuyển sang chiến lược dùng khổ nhục kế để đánh động tinh thần của dân chúng chống nhà cầm quyền Hồng Kông, một cách toàn dân, toàn diện hơn.

Người ta thấy không phải lần đầu sinh viên bị trấn áp, bi mafia của TC qua giả dạng du đãng đánh đập người biểu tình. Nhưng phong trào biểu tình đã trụ được 60 ngày. Cuộc đương đầu trong tương quan lực lượng nay bề ngoài đang nghiêng về TC. Nhưng trên phương diện chánh nghĩa, quyền lực mềm của chánh nghĩa đấu tranh, làn sóng bất bình, bất mãn của dân chúng và của các nước đang ập vào nhà cầm quyền TC và Hồng kông.

Hành động tự nạp mình và tuyệt thực của những nhà lãnh đạo biểu tình mặt này chỉ một cuộc “hoãn xung”, để điều chỉnh chiến lược, dung hoà giữa sự bồng bột của sinh viên với những nhà giáo trầm tĩnh để tái chinh phục lòng tin của dân chúng, và đưa chánh nghĩa đấu tranh cho tự do, dân chủ vào hạ tâng cơ sở của xã hội Hồng Kông. Hồng Kông không phải của một số ít đại gia thân TC có tiếng nói, có người chống biểu tình, mà Hồng Kông là của đa số người thầm lặng, gắn bó với vận mạng đảo quốc này đông hơn. Phong trào cách mạng hoa dù chỉ lá chất men, quần chúng nhân dân Hồng Kong mới là lực lượng cách mạng.

Thành phần đại gia thân TC, ăn theo TC, nhờ TC làm giàu trên mồ hôi người dân Hồng Kông không có bao nhiêu. Họ sẵn sáng di tản qua TC vì nguồn sống của họ là ở bên đó. Còn thành phần tranh đấu ý thức hệ sẽ trả giá rất đắt: Bị cấm sang Hoa lục, không tìm được việc làm ở các công ty bị Bắc Kinh lũng đoạn, thao túng -- thành phần này rất đông. Và thành phần lao động chân tay và trí óc chết sống với Hồng Kông rất cần tự do, dân chủ vì đó là con đường họ thăng tiến cần lao đồng tiến xã hội. Chính thế hệ trẻ Hồng Kông đã thành công đặt nền móng cho tương lai chính trị, tạo điều kiện cho thành phần xã hội trung lưu và bình dân thêm can đảm, không còn khuất phục trước một bộ sậu chính trị chỉ biết tuân theo lệnh của Bắc Kinh.

Cũng vì tinh thần và ý hướng đó mà dân chúng ở Đài Loan đã truất phế nhiều đô tỉnh, thị trưởng Quốc Dân đảng đang cầm quyền và thân với TC. Chính phong trào biểu tình của Hồng Kông càng làm cho dân Đài Loan thấy rõ dã tâm của CS Bắc Kinh: Lời hứa "một quốc gia hai chế độ" mà Trung Quốc cam kết với Đài Loan chỉ là hứa hão. Nên cử tri Đài Loan mới dội một gáo nước lạnh vào Tổng Thống Mã Anh Cữu, Thủ Tướng cùa Đài Loan hoà giải hoà hợp với TC. Và hai Ông này cũng biết thân, Tổng thống từ chức chủ tich Đảng, thủ tướng và 81 người trong chánh phủ tứ chức.

Và ảnh hưởng của phong trào Hồng Kông biểu tình chống TC áp dạt xảo thuật đảng cử dân bầu chắc chắn cũng tạo cảm hứng cho người Trung Hoa trong lục địa./.(Vi Anh)





No comments:

Post a Comment

View My Stats