Monday 1 December 2014

Hội thảo về “Khế ước xã hội”: Nhân dân có thể thay đổi chính phủ (Khởi Minh - VNTB)



Khởi Minh (VNTB)

(VNTB) - Nằm trong chu trình hội thảo hằng tháng, vừa qua (28/11), tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam – NXB Trí Thức tổ chức hội thảo bàn về tác phẩm Khế ước xã hội của tác gia Jean- Jacques Rouseau. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ bởi chủ đề mang tính thực tiễn, với các diễn giả đến từ nhóm Tinh thần Khai Minh, TS triết học Nguyễn Văn Chung – giảng viên ĐH KHXH & NV.

GS Chu Hảo, giám đốc NXB Trí Thức mở đầu bằng việc khuyến khích tinh thần đọc sách của các bạn trẻ và giới thiệu về chuỗi hội thảo giới thiệu sách chuyên sâu được tổ chức hàng tháng của nhà xuất bản nhằm thúc đẩy tinh thần học hỏi và tạo dựng một môi trường trao đổi ý tưởng cho các bạn trẻ.

Jean - Jacques Rouseau và tác phẩm với phần trình bày tổng quan giới thiệu về thân thế sự nghiệp, cũng như hoàn cảnh xã hội, lịch sử ra đời của tác phẩm trong thời kỳ khai sáng của Châu Âu và khẳng định tầm quan trọng của tác phẩm đối với cuộc Đại cách mạng Pháp.

Hội thảo đã làm rõ về khái niệm “ Ý chí chung” – khái niệm quan trọng và xuyên suốt tác phẩm, giá trị đó nổi bật như là một giải pháp khi đời sống xã hội rơi vào trạng thái bị tha hóa, nô lệ, mất tự do, bất bình đẳng và trở nên bất hạnh. Bởi nó “tìm kiếm một hình thức để kết hợp để bảo vệ và che chở cho bản thân và tài sản của mỗi thành viên bằng tất cả sức mạnh cộng đồng”. Nó cũng đảm bảo tự do xã hội vì “đồng thời, mỗi cá nhân trong khi kết hợp bản thân mình với mọi người vẫn chỉ nghe lời chính mình và vẫn tự do như trước”. Thực thi ý chí chung này chính là Quyền tối cao (Hội đồng tối cao) –Theo nghĩa chặt, quyền tối cao là tiếng nói của luật và có thẩm quyền tuyệt đối trong một quốc gia. Trong thời đại của Rousseau, quyền tối cao thường nằm trong tay ông vua chuyên chế. Tuy nhiên, trong khế ước xã hội, Rouseau đưa ra một nghĩa mới, quyền tối cao như một quyền của toàn dân trong một nước cộng hòa lành mạnh. Và khi đó tiếng nói của nhân dân là ý chí chung và là luật của quốc gia. Quyền tối cao là không thể đại diện, và không thể phân chia, chỉ nhân dân mới là người thi thành quyền tối cao. Và ý chí chung ban hành luật để áp dụng cho tất cả và đảm bảo yêu cầu về tự do, bình đẳng và đảm bảo người dân trung thành với hội đồng tối cao trong mọi trường hợp.

Bên cạnh đó, các diễn giả của Hội thảo cũng trình bày cơ sở hình thành chính quyền, các mô hình chính quyền, cách ngăn chặn sự tiếm quyền. Nêu bật ý tưởng của Rouseau: Một quốc gia được hình thành khi các cá nhân hợp lại với nhau dựa trên một nguyên tắc là tất cả các cá nhân đều bình đẳng như nhau. Chất keo để kết dính họ lại, biến họ thành công dân của một quốc gia chính là các điều khoản trong bản khế ước xã hội do chính họ lập ra. Hội đồng tối cao được ví như là trái tim cho cơ thể chính trị này tồn tại, luật pháp được ví bộ não để cung cấp ý chí cho hoạt động của nó, nhưng để có hành động thực sự thì cần có sức mạnh để thực hiện. Chính phủ chính là để thực hiện chức năng thi hành các chỉ thị của ý chí chung. Như vậy, có thể hiểu chính phủ là cơ quan trung gian đặt giữa người dân của một quốc gia và hội đồng tối cao để đảm bảo sự liên lạc hai chiều, có nhiệm vụ chính là thi hành luật pháp và giữ gìn tự do.

Theo đó, sự thành lập chính phủ không phải là một khế ước, quan chức chính phủ chỉ có thể là người làm công cho quyền tối cao, và ở đây họ được ủy nhiệm sử dụng quyền lực quốc gia để thi hành ý chí chung. Nhân dân có thể thay đổi chính phủ nếu thấy chính phủ không phù hợp bằng cách tổ chức những buổi nghị họp theo định kỳ được ấn định theo luật mà dân chúng không cần phải được triệu tập, và trong thời gian này chính phủ phải bị giải thể vì lúc này người dân không cần cơ quan trung gian cho mình nữa.

TS triết học Phạm Văn Chung trong bản tham luận trình bày tại hội thảo, đặc biệt nhấn mạnh đến khái niệm “tự do” như là bản chất của con người trong tư tưởng của Rousseau. Ông cũng đề cập đến mối liên hệ từ Rousseau đến Kant, Hêghen và Mác. Ông cho rằng Mác rất giống Rouseau ở khát vọng về tự do cho số đông quần chúng, và để có thể hợp sức với nhau trong  một cuộc đấu tranh chung để giành tự do thì vấn đề không phải là đạt được một nhận thức chung, mà quan trọng là đạt được một ý chí chung, thống nhất. TS Chung kết thúc bài phát biểu với câu hỏi: “Làm thế nào để đi đến, để có một thể chế dân chủ thực sự?”, và ông gợi mở đối với Việt Nam hiện nay, để có một xã hội dân chủ thì điều cơ bản là phải làm sao cho ngày càng có nhiều người dân trở thành con người cá nhân, thành người tự do và vì thế nhiệm vụ quan trọng là phát triển dân trí.





No comments:

Post a Comment

View My Stats