Sunday, 24 August 2014

Ý NIỆM VỀ BẢN SẮC CỦA CÁC CÂY BÚT LƯU VONG (Nguyễn Hưng Quốc)




21.08.2014

Nghiên cứu về văn học Việt Nam ở hải ngoại, có nhiều khía cạnh quan trọng cần phân tích. Một trong những vấn đề ấy là vấn đề bản sắc. Có thể nói hầu như không có một người lưu vong nào không bị dằn vặt, trăn trở về bản sắc, không loay hoay nghĩ ngợi về câu hỏi mình là ai. Nếu bản sắc nói chung là một vấn đề vô cùng phức tạp, bản sắc của những người sống xa tổ quốc của mình lại càng phức tạp hơn.
 
Xin nêu một ví dụ: Nếu sống trong nước, giữa những người Việt với nhau, khi được hỏi, tôi chỉ cần tự giới thiệu: Nguyễn Hưng Quốc. Là đủ (1). Người ta biết: tốt; không biết: đành chịu. Cũng chả còn cách gì khác. Ở đây, bản sắc thuần túy có tính cá nhân. Bản sắc tập thể bị chìm khuất phía dưới. Sự kiện tôi là người Việt là một điều hiển nhiên và đương nhiên. Ngay cả khi tôi phạm pháp, bị tước quyền công dân, không được đi bầu cử, tôi cũng vẫn là người Việt. Ý niệm “người Việt” của tôi, vốn gắn liền với nơi sinh và dòng máu hơn là tờ hộ chiếu, là bất khả xâm phạm.

Nhưng khi tôi sống ở Úc thì lại khác. Dù tôi có quốc tịch Úc, có đủ mọi quyền lợi và trách nhiệm của một công dân Úc, tôi vẫn được/bị nhìn, trước hết như một người Việt Nam, sau đó, trong một số trường hợp nhất định, mới đến chuyện tôi tên gì.

Như vậy, ở đây, có bốn điều đáng chú ý: Một, bản sắc tập thể (người Việt) chiếm ưu thế hơn hẳn so bản sắc cá nhân (Nguyễn Hưng Quốc); hai, trong bản sắc tập thể ấy, yếu tố quốc gia bị thu hẹp lại thành yếu tố sắc tộc; ba, với yếu tố sắc tộc ấy, bản sắc tập thể được tạo thành bởi quá khứ (gốc gác) hơn là hiện tại, bởi màu da hơn bất cứ một yếu tố nào khác (2); và bốn, với sự áp đảo của bản sắc tập thể, tôi được nhìn, trước hết, như một cái chung (với những người Việt khác) đồng thời lại như một cái khác (otherness): khác những người thuộc các sắc tộc khác và khác người Úc chính hiệu – thường được hiểu là người da trắng có gốc gác từ Anh. Cái chung được chú ý là để nhấn mạnh vào cái khác. Nói cách khác, ở đây, chung là phụ, khác mới là chính. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh.

Sau một thời gian sống ở Úc, về lại Việt Nam (nếu được về), tôi cũng không còn là người Việt Nam ròng nữa: Tôi là Việt kiều. Nghĩa là một thứ người Việt “khác”.

Như vậy, ở đâu tôi cũng được/bị định nghĩa như một cái khác. Nhiều người dung hoà bằng cách nói: Tôi vừa là người Việt vừa là người Úc. Nhưng chữ “vừa” ấy lại gợi ấn tượng lạc quan là tôi có cả hai cùng một lúc, một cách hài hoà, cân đối và đẹp đẽ. Sự thực không phải vậy. Có lẽ, đúng hơn, phải nói: Tôi vừa không phải là người Việt vừa không phải là người Úc.

Với cả hai, tôi vừa ở trong vừa ở ngoài. Tôi vừa được chấp nhận vừa bị từ chối. Điều oái oăm là cái phần Việt của tôi bị từ chối ở Việt Nam và cái phần Úc bị từ chối ở Úc. Chỉ là một sự từ chối có mức độ. Nhưng dù sao cũng vẫn là từ chối. Sự từ chối ấy đến từ bên ngoài chứ không phải từ bản thân tôi: Dù không phải và không thể là người Úc hoàn toàn, tôi vẫn sống (và có lẽ, chết) ở Úc. Dù không sống ở Việt Nam và có khi không bao giờ trở về Việt Nam nữa, tôi vẫn khư khư ôm giữ “cái Việt tính” với mình. Trong nhân dáng. Trong thức ăn. Trong tiếng nói. Trong cách suy nghĩ và cảm xúc. Và, đặc biệt, trong ký ức.

Nhưng như vậy, tôi lại ở một tình trạng đầy nghịch lý: Tôi có đến hai nước nhưng lại không thuộc hẳn về đâu cả; cái nơi tôi luôn luôn nghĩ tới, tôi lại không thể hoặc không muốn trở về; cái nơi tôi ở, có khi ở vĩnh viễn, tôi lại không thấy gắn bó thật sâu sắc, hay nói theo Jacques Derrida, không có sự tham dự về văn hoá, ngôn ngữ hay lịch sử nói chung một cách trọn vẹn (3).

Nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera cho chỗ đứng thực sự của một nhà văn Pháp gốc Tiệp khác, Vera Linhartova, - và, có lẽ của chính ông nữa – không thuộc về Tiệp cũng không thuộc về Pháp mà ở “đâu đó” (elsewhere) (4). Giới nghiên cứu Lưu vong học cho chỗ đứng thực sự của những người lưu vong - như tôi và bao nhiêu đồng hương khác - không phải là Việt hay Úc (5) mà là ở cái dấu gạch nối giữa Việt-Úc (Vietnamese - Australian).

Tìm hiểu về văn học lưu vong, do đó, thực chất là tìm hiểu về tính chính trị, thi pháp và ngữ nghĩa học của gạch nối (semantics of the hyphen). Cái dấu gạch nối ấy là cái ở giữa (in-betweenness), là không gian xuyên quốc gia (transnation), xuyên văn hoá (transculture) và xuyên ngôn ngữ (translanguage).

***

Chú thích:
1.     Ngày xưa, người ta còn hỏi quê quán của nhau, kiểu “Hỏi tên, rằng..../ Hỏi quê, rằng ......” Thói quen ấy, sau này, hiếm dần.
2.     Ở ngoại quốc, khi có ai hỏi tôi là người nước nào, nếu tôi đáp “Tôi là người Úc”, hầu như câu hỏi kế tiếp bao giờ cũng là: “Nhưng gốc gác của ông/anh là ở đâu?” (Where are you from?). Ngay cả những người thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba, nghĩa là sinh ở Úc (thậm chí bố mẹ cũng sinh ở Úc), cũng thường xuyên gặp những câu hỏi như thế.
3.     Jacques Derrida (1998), Monolingualism of the Other or the Prosthesis of Origin (Patrick Mensah dịch), Stanford: Stanford University Press, tr. 14-5.
4.     Milan Kundera (2010), Encounter (Linda Asher dịch từ tiếng Pháp), New York: HarperCollins Publishers, tr. 104.
5.     Hoặc Việt-Mỹ, Việt-Pháp, Việt-Đức hay Việt-gì đó tuỳ theo quốc gia nơi những người ấy định cư.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

BÀI LIÊN QUAN :









No comments:

Post a Comment

View My Stats