Sunday, 17 August 2014

GS CHARLES CƯỜNG NGUYỄN NHẬN GIẢI DI SẢN GỐC Á 2014 (Việt Báo / VOA)




12/08/201400:00:00


Giáo sư khoa trưởng Nguyễn Charles Cường 

Cụ Nguyễn Trãi viết: “Đất nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng nhân tài đời nào cũng có”. Lưu tâm đến tiền đồ của dân tộc, hạnh phúc của các thế hệ sau là chú tâm vào giáo dục, đào tạo những người trẻ tuổi được trang bị khả năng dồi dào, kiến thức cần thiết, có một tinh thần nhân bản, hiểu tương quan cho và nhận trong xã hội; một trong các vị thực hiện điều đó là giáo sư khoa trưởng Nguyễn Charles Cường, sắp được một tổ chức văn hóa vinh danh (2014 Asian Heritage Award in Opportunity, 11th Annual Asian Heritage Awards Gala Nov. 22 at the California Center for the Arts in Escondido) vào ngày 22 tháng 11 năm 2014 tại trung tâm văn học nghệ thuật tại Escondido gần San Diego, miền Tây Nam Hoa Kỳ; đây chỉ là một trong rất nhiều giải thưởng mà các định chế khoa học, các cơ quan và tổ chức văn hoá, các hiệp hội văn học nghệ thuật, các cơ sở truyền thống trao tặng ông trong khoảng 20 năm qua.

Trong lúc cư dân tại California vẫn còn đang giao động vì những vận động chính trị từ phía các chính trị thuộc gốc Nói Tiếng Tây Ban Nha, định đưa thêm một điều vào hiến pháp tiểu bang California, có tác dụng ảnh hưởng đến sinh viên các cao đẳng và đại học công lập; chọn các sinh viên theo học dựa theo tương quan dân số, do đó các sinh gốc Việt sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa vì sẽ phải ở trong điều kiện khó khăn hơn để được nhận nhập học; với tư cách một giáo chức sinh hoạt nhiều năm trong môi trường nghiên cứu và đại học, chúng tôi thiết nghĩ sự giới thiệu các vị hiện đang ở những chức vụ quan trọng đã trải qua những kinh nghiệm tại môi trường chọn lọc này sẽ là đưa ra những tấm gương để các học sinh sinh viên noi theo khi chuẩn bị cho tương lai của bản thân.

Trong thủ đô Hoa Thịnh Đốn có các đại học tư thục hàng đầu: Georgetown University, George Washington University, American University, Howard University, Catholic University of America.

1 – Georgetown University là một đại học danh tiếng toàn quốc trong đó ban quản trị đa số là các tu sĩ dòng Tên (Jesuit Order), nổi tiếng với trường bang giao quốc tế (School of Foreign Service) nơi đào tạo rất nhiều các nhân viên ngoại giao, ban giáo sư gồm rất nhiều nhân viên ngoại giao và các chính khách cao cấp.

Để giúp sinh viên cao học có được những nhân viên giảng huấn với phẩm chất cao như vậy, đại học Johns Hopkins cũng có cơ sở (School of Advanced International Studies) tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Nam Kinh (Trung Hoa), Bologna (Ý Quốc).

2 – George Washington University được thiết lập do một đạo luật của Quốc Hội, nổi tiếng với Medical Center là nơi điều trị cấp cứu cho cố tổng thống Ronald Reagan khi ông bị mưu sát vào năm 1991 tại khách sạn Hilton Hotel, đây cũng là nơi các giới chức cao cấp mọi quốc gia tới dự các khóa tu nghiệp, qua phân khoa luật dạy vào ban đêm và cuối tuần rất nhiều dân biểu nghị sĩ của quốc hội Mỹ đã tốt nghiệp luật khoa, nhờ vị trí gần các định chế quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund), Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và các cơ sở luật học, hành chánh, tài chánh nên các sinh viên rất ưa chuộng vì có nhiều cơ hội tìm được việc thực tập chuyên môn.

3 – American University có mối liên hệ mật thiết với hành pháp và lập pháp, đây là nơi cố tổng thống John Kennedy chọn để đọc những bài diễn văn về chính sách đối ngoại, đặc biệt cũng là nơi cố nghị sĩ Ted Kennedy tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Barack Obama trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2008. Đại học này có mối liên hệ mật thiết với cơ quan Congressional Budget Office chuyên nghiên cứu về ngân khoản cho Quốc Hội Hoa Kỳ.

4 – Howard University được coi như Harvard University cho các người da màu thiểu số gốc Phi Châu (african American) với ngân quỹ một phần do chính phủ liên bang tài trợ, có phẩm chất cao về giảng huấn trong mọi ngành từ văn khoa đến kỹ thuật qua luật học và y khoa, đa số sinh viên thuộc thành phần thiểu số da đen.

5 – Catholic University of America được tòa thánh Vatican tài trợ một phần ngân khoản, tọa lạc trong khu Tây Bắc của thủ đô Hoa Thịnh Đốn với nhiều cơ sở và giáo đường to lớn như Basilica (lớn nhất Mỹ) trong đó có tượng Đức Mẹ La Vang, trung tâm văn hóa giáo hoàng Phao Lồ Đệ Nhị (John Paul II Cultural Center), phân khoa thần học rất nổi tiếng. Có hai nhân vật nổi tiếng tốt nghiệp tại đây là tiến sĩ Michael Griffin, giám đốc thứ 11 của NASA (2005-2009) và đại sứ Michael Michalak người đại diện Hoa Kỳ tại Việt Nam từ 2007 đến 2011.

Đây cũng là nơi tiến sĩ Nguyễn Charles Cường khởi đầu sự nghiệp giáo dục, ông đã từ giảng sư (assistant professor), qua giáo sư (associate professor) rồi lên đến bậc cao nhất của giảng huấn đại học là giáo sư thực thụ toàn phần (full professor). Với tài năng lãnh đạo và quản trị, ông cũng đảm nhiệm các chức vụ từ trưởng khoa (deparment chairman), rồi lên đến khoa trưởng (dean of the school of engineering), ông là người gốc Việt đầu tiên được có chức vụ khoa trưởng tại một đại học hàng đầu vào năm 2001 và hiện nay là thâm niên nhất với 13 năm trong trọng trách nầy.

Sinh trưởng giữa thập niên 50, ông đã tốt nghiệp tú tài trước tuổi 18, sau đó du học tại Đức Quốc (thời gian đó còn gọi là Tây Đức trước khi thống nhất vào năm 1991 sau khi bức tường Bá Linh bị dẹp bỏ vào năm 1989), theo học đại học kỹ thuật Konstanz tọa lạc sát biên giới Thụy Sĩ, ông đã tốt nghiệp thủ khoa, vài năm sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, ông nhập cư Hoa Kỳ để xum họp gia đình, theo học đại học (George Washington University), tốt nghiệp tiến sĩ, sau một thời gian ngắn tại đại học này thì ông được nhận vào thành phần giảng huấn chính thức (tenured-track professor) của đại học CUA (Catholic University of America) và tòng sự tại đó cho đến hôm nay.

Trách vụ của giáo sư đại học bao gồm hai phần: truyền bá kiến thức và tạo thêm kiến thức, cộng thêm với các chức vụ ngoài đại học song có nhiều tương quan thiết yếu đến xã hội.

1 – trong nhiệm vụ truyện bá kiến thức ông đã giúp cho sinh viên trau dồi khá năng trong một hoàn cảnh thuận lợi qua những bài giảng rõ ràng, phương thức giáo dục tân tiến, tiếp xúc cởi mở với các môn sinh, các thực tập tạo sự hiểu biết tường tận về lý thuyết.

2 – tạo thêm kiến thức là nhiệm vụ chính yếu của các nhân viên giảng huấn đại học, ông đã có những nghiên cứu rất sâu rộng về tự động hoá, người máy, thông minh nhân tạo, học thuyết cơ học về lý thuyết điều khiển, phương thức suy tính tạo quyết định, khoa học điện toán cao cấp (automation, robotics, artificial intelligence, control theory, computing and decision making, advanced computing science), cộng tác nghiên cứu và ứng dụng với các cơ quan nghiên cứu quốc gia như NASA, NIST, NOAA, NIH…

Ông có rất nhiều các bài viết nói về các kiến thức mới trong các lãnh vực kể trên được phổ biến trong các tạp chí khoa học chuyên môn với tầm vóc quốc gia và kích thước quốc tế. Ông cũng là chủ bút khai sinh ra tập san khoa học nổi tiếng The International Journal of Intelligent Automation and Soft Computing, để dùng phương tiện này giúp đưa ra những bài viết về các công trình nghiên cứu và các áp dụng trong kỹ nghệ, giúp rất nhiều cho các khoa học gia bồi dưỡng kiến thức, trau dồi khả năng và nâng cao phẩm chất của các công trình nghiên cứu.

3 – ông được các định chế quốc gia như Thư Viện Quốc Hội (Library of Congress) mời làm cố vấn, là thành viên trong ủy ban thẩm định nhân sự của bộ ngoại giao (US State Department), là thành viên được tổng thống bổ nhiệm (presidential appointee) của Cơ Quan Giáo Dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation) và các chức vụ trong nhiều cơ sở, định chế quan trọng khác.

Trong cộng đồng ông đã được Asia vinh danh tại Kodak Theater trong cuốn Video Mùa Hè Rực Rỡ (cùng với kỹ sư Nguyễn Hùng Việt, fellow of Boeing), những sinh viên gốc Việt theo học ông từ đại học George Washington University và sau này tại Catholic University of America đều cảm nhận được sự khuyến khích, có tấm gương sáng để nói theo và sự giúp đỡ khi cần thiết. Các sinh viên Việt Nam xuất sắc được học bổng du học tại CUA cũng được giúp đỡ tận tình để tốt nghiệp đại học và tiếp tục cao học cùng tiến sĩ.

Theo chương trình phát triển chiến lược mà ông đề nghị và đang thực thi thì School of Engineering sẽ phát triển hơn, nâng cao uy tín qua các công trình nghiên cứu, tuyển mộ giáo chức và thu nhận sinh viên (facility, faculty, student). Hiện nay phân khoa kỹ sư là một điểm chói sáng của đại học CUA và ngày một phát triển, phẩm chất cao độ được giới chuyên môn tán thưởng; mặc dù học phí khá cao khoảng 40,000 Mỹ Kim song mỗi năm số sinh viên xin nhập học càng đông và sĩ số được nhận rất giới hạn chỉ dành cho các sinh viên hội đủ khả năng. Chúng tôi có niềm hy vọng là giáo sư khoa trưởng này sẽ có thể được lên đến bậc cao nhất về chuyên môn và quản trị giáo dục tại đại học là giám đốc học vụ (provost, vice-president for academic affairs).

Nguyễn Viết Kim
Nguồn:Việt Báo. Online

------------------------

17.08.2014

Giáo sư-Tiến sĩ Charles Cường Nguyễn, Khoa trưởng trường Kỹ Sư thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ

Người Mỹ gốc Việt duy nhất đảm nhiệm chức Trưởng Khoa tại một trường đại học của Mỹ sẽ nhận Giải thưởng Cơ hội 2014 do Tổ chức Di sản Châu Á ở Hoa Kỳ trao tặng vào ngày 22 tháng 11 năm nay.
Sau rất nhiều giải thưởng cao quý về các thành tựu đóng góp cho khoa học, đây là giải thưởng đầu tiên của Giáo sư-Tiến sĩ Charles Cường Nguyễn, Khoa trưởng trường Kỹ Sư thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ (CUA) ở thủ đô Washington DC, trong lĩnh vực quản lý giáo dục mà ông theo đuổi hàng chục năm nay.

Giáo sư Charles Cường Nguyễn xuất thân từ Đà Nẵng. Ông từng du học Đức trước khi sang Mỹ định cư năm 1978. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ, ông gia nhập ban giảng huấn của đại học CUA và từ đó thăng tiến lên các cấp bậc quản lý đến vị trí Trưởng Khoa từ năm 2001.

Giải thưởng vinh danh những đóng góp của ông giúp mang cơ hội học tập đến cho các sinh viên có năng lực ở Châu Á mơ ước được đào tạo trong môi trường đại học Hoa Kỳ nhưng không đủ điều kiện.
Trong nhiều năm qua, Giáo sư Charles Cường Nguyễn đã mở ra nhiều chương trình hợp tác giáo dục tại Đài Loan, Ấn Độ, và Việt Nam. Trong số này có chương trình 2+2 với học bổng 50% đưa sinh viên sang Đại học Công giáo Hoa Kỳ học tiếp 2 năm cuối sau 2 năm đầu học tại Việt Nam, và chương trình hậu đại học tuyển cử nhân qua trường CUA để tu nghiệp lên tiến sĩ. Ông  được Tổng thống Mỹ George W. Bush bổ nhiệm vào Ban giám đốc Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) năm 2004.

Ông đã từng nhận được nhiều giải thưởng cao quý trong lĩnh vực khoa học với các công trình nghiên cứu về toán, y khoa, và điện tử bao gồm Giải thưởng Thành tựu Trọn đời do Tổ chức World Automation Congress trao tặng năm 2009.

Ông là tác giả của hàng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học của Mỹ và quốc tế, và là chủ bút tập san khoa học The International Journal of Intelligent Automation and Soft Computing nói về nghiên cứu và ứng dụng kỹ nghệ.

Tạp chí Thanh Niên hôm nay có cuộc trao đổi với GS Charles Cường Nguyễn về câu chuyện thành công của ông và những chia sẻ về mối liên hệ giữa học vấn, tinh thần lãnh đạo và đóng góp cho xã hội nhân dịp ông được vinh danh Giải Di sản Gốc Á 2014.   

Giáo sư Nguyễn: Tôi rất hân hạnh được Giải thưởng Di sản gốc Á 2014.  Tôi đi du học Tây Đức từ 1972. Khi qua Mỹ bắt đầu làm việc ở đại học CUA, tôi nghĩ muốn thành công, muốn lên làm vai trò lãnh đạo, mình phải cố gắng làm việc gấp nhiều lần người bản xứ vì mình là người thiểu số, vẫn bị sự kỳ thị. Yếu tố chính cho sự thành công của tôi là làm việc cần cù, luôn thật lòng, và không dối trá. Chuyện quan trọng là phải được sự tin tưởng của những đồng nghiệp, họ mới cử mình lên làm lãnh đạo. 

Trà Mi: Những thành công GS gặt hái được đánh dấu bằng những gian nan khổ luyện thế nào?
Giáo sư Nguyễn: Mình là người thiểu số, không ai để ý đến mình. Tôi nhớ khi mới bắt đầu làm giáo sư thực thụ, rất khó khăn, vì tôi là người đầu tiên trẻ nhất trong trường được lên làm giáo sư thực thụ. Ban tuyển chọn họ không cho mình sự dễ dãi như những người khác. Họ bắt buộc mình những điều kiện mà những người khác không bị bắt buộc. Đến khi lên làm phân khoa trưởng ngành điện, tôi cũng bị như vậy. Tất cả đồng nghiệp họ chú ý, phê bình mình không công bằng. Sau 4 năm, tôi được bổ nhiệm làm khoa trưởng trường kỹ sư. Mấy năm đầu, tôi cũng bị chỉ trích rất nhiều vì họ nghĩ mình người thiểu số, nói tiếng Anh không bằng họ, không đủ tư cách hay khả năng làm chức vụ lãnh đạo trong trường. Bởi vậy, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong 5 năm đầu trong chức vụ của tôi. Khi mới tới Mỹ, khó khăn đầu tiên là vấn đề sinh ngữ, nhưng tôi ráng hết sức để trao dồi sinh ngữ của mình. Và như mọi người mới qua đây, khó khăn nữa là vấn đề tài chính. Tôi phải vừa đi học, vừa đi làm. Sáng tôi dạy 3 lớp ban ngày. Tối tôi đi học 5 lớp. Đời sống rất vất vả trong mấy năm đầu. Đi đâu họ cũng nghĩ mình là người thiểu số không đủ khả năng.

Trà Mi: Giải thưởng vinh danh những đóng góp của GS trong việc lập ra nhiều chương trình giúp sinh viên giỏi ở Châu Á, đặc biệt là VN, không đủ điều kiện tài chính có thể theo đuổi giấc mơ khoa bảng tại đại học uy tín ở Mỹ. Mang lại cơ hội cho người trẻ thành công. Ông muốn gửi tới giới trẻ thông điệp gì qua những việc làm của mình?
Giáo sư Nguyễn: Tôi muốn nói với các sinh viên Việt Nam, thứ nhất cần phải cần cù học tập để được tuyển chọn vào các chương trình du học như của đại học CUA. Ngoài ra, nếu có cơ hội, các em nên học nhiều hơn những gì trường lớp dạy. Quan trọng nhất cho sự thành công là phải thành thật. Những yếu tố đó sẽ giúp các em thành công trong tương lai.

Trà Mi: Những yếu tố nào khiến GS chú ý đến sinh viên Việt Nam?
Giáo sư Nguyễn: Tôi đã đi rất nhiều nước để thực hiện các chương trình giáo dục nhưng tôi chú trọng đến Việt Nam vì mình là sinh trưởng ở đó, mình có bổn phận giúp giới trẻ Việt Nam thành công trong tương lai. Tôi nghĩ người Việt, nhất là giới trẻ, có sự thông minh và bản chất rất cần cù. Có những yếu tố đó sẽ giúp họ xây dựng Việt Nam trong tương lai. Ba yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công là học vấn, tinh thần lãnh đạo và đóng góp cho xã hội..…

Bấm vào nghe toàn bộ cuộc trao đổi với GS Charles Cường Nguyễn



No comments:

Post a Comment

View My Stats