Thursday, 21 August 2014

NGUYỄN TẤN DŨNG KHẲNG ĐỊNH BẢN CHẤT THÔ BẠO (Nguyễn Văn Huy - Thông Luận)




Được đăng ngày Thứ năm, 21 Tháng 8 2014 07:41

Bài báo của Ngọc Quang trên báo Giáo Dục Việt Nam ngày 17/08/2014, sau đây cần được đặc biệt chú ý. Nó nói lên bản chất con người Nguyễn Tấn Dũng, người đang thu tóm mọi quyền lực trong tay trên thực tế và đang có triển vọng chính thức hóa chế độ độc tài cá nhân sau đại hội 12 sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam nếu giành được chức vụ Tổng bí thư đảng và Chủ tịch nước như toan tính.
Có lẽ cũng nên nhắc lại thân thế Nguyễn Tấn Dũng.

Nhờ được Lê Đức Anh đỡ đầu Nguyễn Tấn Dũng nắm được quân đội và công an. Lê Đức Anh từng là Bộ trưởng quốc phòng, rồi Chủ tịch nước kiêm ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đặc trách quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Quyền lực của Lê Đức Anh bao trùm tất cả từ khi chế độ cộng sản Việt Nam lấy quyết định đầu hàng Trung Quốc. Cùng với Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh là một trong hai tác nhân chính của chính sách phục tùng Trung Quốc được cụ thể hóa qua thỏa hiệp Thành Đô năm 1990. Lê Đức Anh thâu tóm mọi quyền lực sau khi Nguyễn Văn Linh rút lui với sự bảo trợ của quan thầy Trung Quốc. Để nắm chặt quân đội, Lê Đức Anh đã đôn đốc để cắt đặt Phùng Quang Thanh, một tay sai ngoan ngoãn của mình, vào chúc vụ Đại tướng Bộ trưởng quốc phòng. Sau này khi đã quá già yếu, Lê Đức Anh thăng tiến cho Nguyễn Chí Vịnh - cũng là con nuôi Lê Đức Anh như Nguyễn Tấn Dũng - làm Thượng tướng kiêm Thứ trưởng thường trực Bộ quốc phòng, thực tế là đứng đầu quân đội và giữ quân đội cho Nguyễn Tấn Dũng.

Cá nhân Nguyễn Tấn Dũng xuất thân từ ngành công an và với sự sắp đặt của Lê Đức Anh đã leo lên tới chức Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công an trước khi trở thành Phó Thủ tướng thường trực bên cạnh viên Thủ tướng mờ nhạt Phan Văn Khải, cũng là một gia nhân của Lê Đức Anh. Trên thực tế Nguyễn Tấn Dũng đã cầm quyền từ năm 2002. Trong suốt 12 năm qua Nguyễn Tấn Dũng đã để cho tham nhũng mặc sức tràn ngập, đã cắt đặt các tay sai vào mọi địa vị kinh tế chủ chốt và trở thành đầu sỏ của đám tư sản đỏ. Tóm lại, Nguyễn Tấn Dũng nắm cả quân đội lẫn công an và tài phiệt. Cá nhân Nguyễn Tấn Dũng cũng là một trong những người giàu có nhất thế giới hiện nay.

Tuy vậy hai thành tích nổi bật nhất của Nguyễn Tấn Dũng là, một mặt, đàn áp những nguyện vọng dân chủ một cách vực kỳ hung bạo và, mặt khác, đưa Việt Nam đi sâu vào thế lệ thuộc Trung Quốc.
Những bản án dành cho những người lên tiếng đòi dân chủ vốn đã rất thô bạo đã nghiêm khắc gấp ba bốn lần dưới Nguyễn Tấn Dũng. Số người bị bách hại cũng đã gia tăng hẳn lên. Ngoài ra công an còn dùng bọn côn đồ để hành hung những người dân chủ, chính công an cũng hành hung trắng trợn, nhiều người đã bị đánh chết ngay tại đồn công an.

Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cho Trung Quốc thuê dài hạn nhiều khu rừng đầu nguồn có vị trí chiến lược, đã cho Trung Quốc trúng thầu trên 80% các dự án và cho phép người Hoa thành lập những đặc khu gần như là những khu tự trị trên khắp lãnh thổ. Thâm thủng ngoại thương của Việt Nam đối với Trung Quốc lên tới gần 30 tỷ USD vì Việt Nam trở thành cảng xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc ra thế giới. Trên thực tế Nguyễn Tấn Dũng đã biến Việt Nam thành gần như một tỉnh của Trung Quốc.

Tình trạng bi đát hiện nay có phải là trách nhiệm chung của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam như nhiều người bênh Nguyễn Tấn Dũng biện luận không ?

Chắc chắn là không. Sự bùng nổ của tham nhũng chắc chắn là do trách nhiệm của Nguyễn Tấn Dũng nhưng ngay cả sự đàn áp hung bạo và lệ thưộc Trung Quốc cũng chủ yếu là trách nhiệm của Nguyễn Tấn Dũng, bởi vì trên thực tế Nguyễn Tấn Dũng chẳng coi Bộ Chính trị ra gì cả, ông ta tự tung tự tác, Bộ Chính trị đã từng muốn cách chức ông ta mà không được. Vì thế, không thể lấy Bộ Chính trị để chạy tội cho Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy vậy rất đáng tiếc là vẫn có những "trí thức" ca tụng Nguyễn Tấn Dũng.

Có người nói ông Dũng thân phương Tây và hướng về dân chủ vì đã cho con du học Mỹ. Lý luận vớ vẩn. Kim Chính Ân cũng đã du học Thụy Sĩ, Bachar al-Assad tốt nghiệp tại Anh, nhưng có thành người dân chủ không? Phần lớn những tên độc tài trên thế giới, kể cả những tên độc tài khát máu, đều gửi con cái đi du học tại các nước phương Tây, nhưng chúng vẫn là những tên độc tài.

Có người đựa vào Thông điệp đầu năm 2014, trong đó Nguyễn Tấn Dũng nói tới "mở rộng dân chủ""đổi mới thể chế" để tung hô ông Dũng là người có khuynh hướng dân chủ. Họ cần đọc kỹ những lời tuyên bố của ông Dũng và Đại tướng Trần Đại Quang, cánh tay mặt của ông Dũng, trong bài tường thuật dưới đây về ngày kỷ niệm 69 năm thành lập lực lượng công an.

Ông Dũng nói tới "sự đùm bọc thân thiết, máu thịt của nhân dân" đối với lực lượng công an và "lực lượng Công an nhân dân đã đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước". Đúng là ngôn ngữ ngạo mạn trơ trẽn. Người dân nào thân thiết máu thịt với công an? Những người dân oan bị cướp đất cướp nhà và đánh đập, hay những người có thân nhân bị đánh chết trong đồn công an? Lực lượng công an chắc chắn đã góp phần xứng đáng khiến Việt Nam trở thành một nước nghèo khổ lạc hậu như hiện nay, với thu nhập bình quân trên mỗi đầu người chỉ bằng 15% mức trung bình thế giới. Phải rất thận trọng, thái độ trâng tráo của ông Dũng dự báo một mối nguy: Ông Dũng muốn thiết lập một chế độ công an.

Những ai hy vọng ông Dũng sẽ mở rộng dân chủ có thể nghe ông Dũng nhắc lại một lần nữa câu nói đã trở thành quen thuộc của ông: "Dứt khoát không để nhen nhóm hình thành tổ chức chống đối phá hoại đất nước".

Các "tổ chức chống đối phá hoại" đã từng nhiều lần được ông Dũng định nghĩa là các tổ chức đối lập. Lần này bên cạnh ông Dũng còn có cả Đại tướng công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng công an và cánh tay mặt của ông Dũng.

Trần Đại Quang tuyên bố phụ họa với ông Dũng: "Các thế lực thù địch, phản động chưa hề từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam; ráo riết thực hiện "diễn biến hòa bình", triệt để lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, "dân chủ hóa", hội nhập quốc tế để tác động, chuyển hóa nội bộ, hỗ trợ, kích động chống phá nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội".

Không thể lầm lẫn được: Nguyễn Tấn Dũng coi những người dân chủ là kẻ thù. Ông bộc lộ tham vọng làm một nhà độc tài hung bạo lấy công an làm dụng cụ đàn áp.

Tuy vậy Trần Đại Quang vẫn thấy cần phải phải nói rõ hơn: "Lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục đổi mới tư duy nghiệp vụ, (…) kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đẩy lùi nguy cơ, loại trừ các yếu tố gây bất ổn chính trị, xã hội; không để bị động, bất ngờ; không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa".

Còn trí thức nào tin vào thiện chí dân chủ hóa của Nguyễn Tấn Dũng?

Cũng không thể bỏ qua câu nói rất hồn nhiên của ông Dũng: "Không thể để tội phạm tràn lan được, không thể để băng nhóm tội phạm xuất hiện và hoạt động ngang nhiên được". Nhưng ai đã để cho các băng đảng tội phạm tràn lan nếu không phải là chính ông? Nguyễn Tấn Dũng không chỉ chống dân chủ mà còn trâng tráo chống cả trí tuệ. Ông vừa thô vừa bạo.

Dù vậy vẫn còn một số người cố tình ngụy biện để bênh vực ông Dũng. Họ sợ ông hay họ chờ đợi những ơn huệ nào ở ông là một dấu hỏi, nhưng họ gán cho Nguyễn Tấn Dũng một chủ trương mà ông không hề có, đó là tách rời khỏi quỹ đạo Trung Quốc và sáp lại với Hoa Kỳ. Thực là lố bịch. Nguyễn Tấn Dũng thừa biết không thể sáp lại với Hoa Kỳ và các nước dân chủ mà vẫn giữ nguyên chế độ độc tài toàn trị, vì muốn giữ nguyên chế độ độc tài toàn trị thì phải dựa vào Trung Quốc. Vả lại Nguyễn Tấn Dũng là con đỡ đầu và người thừa kế của Lê Đức Anh, kẻ đã bán đứng chủ quyền đất nước cho Bắc Kinh.

Điều khôi hài nhất là trong khi một vài người loay hoay hành hạ trí óc và lương tri của mình để tìm mọi lý cớ biện luận bênh vực ông Dũng là muốn dân chủ, muốn "thoát Trung", thì chính ông Dũng lại liên tục nói ngược hẳn lại một cách sỗ sàng. Ông chẳng coi họ ra gì. Và ở điểm này thì ông Dũng hoàn toàn có lý.
Nguyễn Văn Huy

*
Bài đọc thêm:

"Dứt khoát không để nhen nhóm hình thành tổ chức phá hoại đất nước"
Sáng 16/8/2014, Bộ Công an tổ chức Gặp mặt nhân kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống Công an nhân dân; đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể, cá nhân và phát động phong trào thi đua đặc biệt hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Công an nhân dân, 10 năm ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nói chuyện thân mật với các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá trong 69 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong sự đùm bọc thân thiết, máu thịt của nhân dân, lực lượng Công an nhân dân ra đời, công tác, chiến đấu và trưởng thành; luôn trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, Nhà nước và chế độ; kiên định vững vàng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh và đã lập nên nhiều chiến công, thành tích to lớn, xuất sắc; những chiến công, những đóng góp, những thành tích của lực lượng Công an nhân dân đã đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, lực lượng Công an nhân dân có vai trò hết sức quan trọng để cùng với cả nước giải quyết những khó khăn, thách thức của đất nước trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhất là phấn đấu cho mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng… Do đó, toàn ngành cần tiếp tục phát huy truyền thống, những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ để xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành và quan hệ mật thiết với nhân dân.

Trong tình hình và bối cảnh mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lực lượng công an nhân dân phải bảo đảm cho được an ninh chính trị của đất nước.

"Một đất nước mất ổn định chính trị sẽ không thể phát triển, không thể chăm lo cho đời sống nhân dân. Những cái này các đồng chí phải làm thật tốt, dứt khoát không để nhen nhóm hình thành tổ chức chống đối phá hoại đất nước" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với góp phần bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, Thủ tướng cũng yêu cầu lực lượng công an chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, kiên quyết phòng chống tội phạm.
"Không thể để tội phạm tràn lan được, không thể để băng nhóm tội phạm xuất hiện và hoạt động ngang nhiên được. Kinh nghiệm cho thấy chỗ nào cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, lực lượng công an làm tốt vai trò tham mưu, nòng cốt, hành động cụ thể, quyết liệt thì địa bàn đó, nơi đó trật tự an toàn được đảm bảo", thủ tướng nói.

Tại buổi gặp mặt, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh thời gian tới, nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là rất nặng nề, nhất là khi đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, nhất là tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động chưa hề từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam; ráo riết thực hiện "diễn biến hòa bình", triệt để lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, "dân chủ hóa", hội nhập quốc tế để tác động, chuyển hóa nội bộ, hỗ trợ, kích động chống phá nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội.

Bên cạnh đó, những yếu tố tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tác động đến an ninh chính trị nội bộ, an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa, an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh xã hội; tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới và các nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống.

Đại tướng Trần Đại Quang khẳng định, trong bối cảnh tình hình trên, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục đổi mới tư duy nghiệp vụ, các biện pháp công tác, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự; kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đẩy lùi nguy cơ, loại trừ các yếu tố gây bất ổn chính trị, xã hội; không để bị động, bất ngờ; không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa. Bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh kinh tế, an ninh xã hội; giữ vững an ninh các địa bàn chiến lược, trọng điểm; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các sự kiện quan trọng của đất nước.

Ngọc Quang (17/08/2014)
Theo Giáo Dục Việt Nam



No comments:

Post a Comment

View My Stats