Sunday, 31 August 2014

THANH TRỪNG CỦA TẬP CẬN BÌNH (Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm - Calitoday.com)




Chu chi Nam và Vũ văn Lâm  -   Calitoday.com
Cập nhật: 30/08/2014 16:25

Có thể đến một lúc nào họ Tập phải ngừng cuộc thanh trừng, thỏa hiệp với những con hổ già, để được tại vị; mặc dầu họ Tập tuyên bố rất cứng rắn trong cuộc họp Ban Thường trực Bộ Chính trị, ngày 26/6 vừa qua, theo tiết lộ của một số nguồn tin bán chính thức, nhưng đáng tin cậy: «Tôi không màng đến sự sống chết, không màng đến việc tiếng tăm của tôi còn hay mất, tôi nhất quyết chống tham nhũng, lấy lại lòng tin của dân.»

Tập Cận Bình. Photo courtesy: Reuters

Lời giới thiệu: Tòa soạn đọc khá nhiều bài nhận định và bình luận về nhân vật Tập Cận Bình và tình hình Trung Cộng hiện nay, nhưng bài viết này là một bài rất “comprehensive” (bao quát) nhất và sâu sắc nhất. Bình luận gia cũng là nhà nghiên cứu Chu Chi Nam gửi bài cho nhật báo Cali Today từ thủ đô Paris. Qúy vị cũng có thể đọc thêm những bài khác của Chu Chi Nam tại trang Bình Luận của báo Cali Today hay tại http://perso.orange.fr/chuchinam/.

Cali Today News - Từ ngày lên ngôi tới nay, chưa đầy 2 năm, Tập Cận Bình đã làm nhiều đợt thanh trừng, từ nhỏ tới lớn, mà người Trung cộng cho rằng từ việc đập ruồi cho đến giết hổ, dưới danh nghĩa chống tham nhũng, nhưng thực tế là củng cố quyền lực, tiêu diệt tất cả những người chống đối mình, chống đối trước đây cũng như chống đối hiện nay. Việc thanh trừng này đang nhằm vào một con hổ lớn, Chu vĩnh Khang, đã từng là nhân vật đầy quyền thế của Trung cộng.

Liệu cuộc thanh trừng này có dám động đến Giang trạch Dân, cựu Chủ tịch nước, cựu Tổng bí thư đảng, con hổ lớn nhất. Đây là câu hỏi mà nhiều nhà báo Trung cộng và ngoại quốc đang đặt ra.

Chúng ta hãy xem xét từ diễn tiến sự việc cho tới nguyên nhân rồi đưa ra một vài tiên đoán khiêm nhượng cho vấn đề.

I.  Tập Cận Bình, ông là ai?

Ông sinh vào ngày 01/6/1953, tại Bắc Kinh, nhưng quê quán thật của ông là ở Thiểm Tây, con của ông Tập Trọng Huấn (1913 -2002). Ông vào đảng Cộng sản lúc 16 tuổi, có học trường Thanh Hoa, trường đào tạo cán bộ cao cấp của đảng. Nhiều báo chí ngoại quốc và ngay cả báo chí Hồng Kông, Trung cộng cho rằng ông Tập Trọng Huân là một trong 8 đại gia của đảng, được lập ra bởi Đặng Tiểu Bình, để tránh việc chuyển quyền một cách bạo động, đẫm máu. Thực ra không phải vậy, Tập Trọng Huân là một trong những phó Thủ tướng thời họ Đặng nắm quyền, nhưng không nằm trong 8 đại gia. Đó là: 1) Đặng tiểu Bình (1905 – 1997), 2) Dương thượng Côn (1907 – 1998), 3)Văn Chấn (1908 – 1993), 4) Trần Vân (1905 – 1995), 5) Lý tiên Niệm (1909 – 1992), 6) Bành Chân (1902 – 1997), 7) Tống nhiệm Cùng (1909 – 2005), 8) Bạc nhất Ba (1908 – 2007), cha của Bạc hy Lai. 

Nhiều nhà báo, nhất là ở Trung cộng và Việt cộng, khen ông là người có nhiều bằng cấp, nào là cử nhân chính trị học, kỹ sư hóa chất, thạc sĩ và tiến sĩ luật. Họ còn khen ông là người thận trọng, kín đáo. Tuy nhiên điều đó cũng nói nên mặt trái của nó: Đó là nhiều bằng cấp, chứng tỏ là ham danh, nhất là hiện nay ở Trung cộng và Việt Nam, bằng cấp giả đầy đường, mua bằng lợi hay dùng quyền thế để có bằng, nhưng thực tài học chẳng có gì. Một con người thận trọng, kín đáo thường là một con người ít cởi mở, thâm độc, hay đá giò lái, hay đâm sau lưng. Có người cho rằng ông là tay em của Giang trạch Dân. Quả đúng như vậy. Họ Giang đã cài họ Tập vào làm nhân vật thứ nhì của nhóm lãnh đạo Trung cộng trong suốt thời gian Hồ cẩm Đào làm Tổng bí Thư và Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân Ủy hội, với ý đồ là kiểm soát họ Hồ và trong tương lai, khi họ Hồ không còn tại chức, họ Tập lên ngôi, thì họ Giang dễ dàng khống chế, sai khiến họ Tập.
Nhưng có lẽ tình hình hoàn toàn đi ngược lại những dự đoán của Giang trạch Dân. Từ ngày Tập cận Bình lên ngôi tới nay, chưa đầy 2 năm, từ cuối năm 2012, ông lên chức Tổng bí thư vào tháng 11/2012, sự kiện đã diễn ra không có lợi cho chính Giang trạch Dân.

Có người cho rằng Tập cận Bình là tay em của Giang trạch Dân, làm sao có sự kiện này. Quả thực họ Tập là tay em của họ Giang, nhưng trong lịch sử Tàu, chuyện học trò phản thầy, gia nô phản chủ là chuyện cơm bữa.

Trở lại sơ qua về lịch sử Tàu hiện đại, theo một số chuyên gia thì sau Biến cố Thiên an Môn 1989, trong một buổi họp Ban Thường vụ Bộ chính trị, Đặng tiểu Bình đề cử Hồ cẩm Đào lên thế Triệu tử Dương trong chức vụ Tổng bí thư, vì ông này bị tố cáo là đã nhân nhượng với sinh viên học sinh và những người biểu tình. Dương thượng Côn không đồng ý và đã phản ứng lại bằng cách đề cử Giang trạch Dân, lúc đó đang nắm quyền ở Thượng hải. Ông nói: «Đồng chí Đặng, ở đời không tái tam ba bận, trong quá khứ Đồng chí đã đề nghị 2 người Tổng bí thư là Hồ diệu Bang và Triệu tử Dương. Nhưng không xong. Lần này không nên có lần thứ ba.» Chính vì vậy mà có sự dàn xếp để họ Giang lên chức Tổng bí thư, họ Hồ làm phó. Sự bất đồng giữa Dương thượng Côn và Đặng tiểu Bình bắt đầu từ đây.

Họ Côn là tay em của họ Đặng từ lâu, từ thời Chiến tranh với Nhật, họ Đặng làm tư lệnh Quân đoàn VIII, họ Dương làm phó, cả hai người đều học ở Liên sô về. Họ Dương là người thứ 28 học trường Đông phương mà những người cộng sản cho rằng đó là một trường đại học do Lénine mở ra, nhưng thực sự thì trình độ rất kém, để được vào học, chỉ cần có 2 chứng chỉ làm việc 2 năm ở các công xưởng. Ở Tàu, chúng ta thấy có Chu ân Lai, Trần Vân, Đặng tiểu Bình, Dương thượng Côn v.v… . Ở Việt Nam chúng ta thấy có Hồ chí Minh, Lê hồng Phong, Nguyễn thị minh Khai v.v…

Họ Đặng và họ Côn thân nhau từ thời đi học, sau đó làm chung với nhau suốt một thời gian dài. Sau năm 1978, họ Đặng trở lại chính quyền, đã nâng đỡ họ Côn, cho làm đến chức Quân Ủy toàn quân, rồi Chủ tịch Nhà nước. Trong thời gian biến cố Thiên an Môn 1989, người ra phi trường đón Gorbatchev, lúc đó còn là Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên sô, là Dương thượng Côn.

Ở Tàu, ngay cho đến nay, tinh thần phong kiến, gia tộc, bang trưởng, cha truyền con nối còn rất nặng. Dương thượng Côn sau khi làm Chủ tịch nước, thì truyền lại cho con mình làm Quân Ủy toàn Quân. Đấy là chưa nói đến việc họ Dương còn có người con rể làm Tham mưu trưởng quân đội. Để đàn áp biểu tình Thiên an Môn chính là quân đội của con cháu Dương thượng Côn. Trong tám Đại gia vào thời bấy giờ, đứng đầu là họ Đặng, đứng thứ nhì là họ Dương. Đứng thứ ba là Văn Chấn, một người tướng vô học, nhưng đánh hơi theo chiều rất giỏi, đã đi theo Đặng tiểu Bình, và được ông này đặt cho biệt hiệu: «Cây đại bác đáng yêu của tôi.»

Trở về việc thanh trừng: Ngày 29/7 vừa qua, Tập cận Bình ra thông cáo điều tra Chu vĩnh Khang. Nhiều người nói rằng họ Tập đã phạm vào những cấm kị, luật truyền miệng, bất thành văn, đặt ra bởi Đặng tiểu Bình, đó là không được điều tra những người đương kim hay những người cựu Ủy viên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Thực ra thì chính Đặng tiểu Bình đã vi phạm đầu tiên luật bất thành văn, cấm kị này. Vì sau khi Giang trạch Dân lên ngôi, chưa đầy 3 năm, thì họ Đặng đã cùng họ Giang ép Dương thượng Côn từ chức Chủ tịch nước vào năm 1992, ông này còn sống đến năm 1998.

Nhưng «Gậy ông lại đập lưng ông”, đó là họ Đặng chết năm 1997, chỉ 2 năm sau thì Giang trạch Dân ra lệnh điều tra tài sản của con cháu, gia đình họ Đặng; và mặc dầu không nói ra, nhưng Giang trạch Dân đã ra lệnh ruồng bắt, thủ tiêu những người theo Pháp luân công, một giáo phái, theo tinh thần tổng hợp tôn giáo, triết lý, Phật, Khổng, Lão, Nho, theo châm ngôn Chân, Thiện, Nhẫn (Trọng Sự thật, Làm điều Thiện và Cố Kiên nhẫn). Ngoài việc luyện tập thân thể cân bằng, cường tráng, còn có việc luyện tập tinh thần trong sạch, trọng sự thật, làm điều thiện, kiên nhẫn, không nói dối, không làm điều ác, như vừa nói. Một tâm hồn trong sạch trong một thân thể khỏe mạnh. Đó là mục đích của Pháp luân công. Pháp luân công được phép hoạt động chính thức ở Tàu bởi Đặng tiểu Bình, sau biến cố Thiên an Môn. Phải chăng cho phép Pháp luân công hoạt động chính thức ở Tàu, là Đặng tiểu Bình đã nghĩ đến việc thay thế triết học Mác Lê Mao, trở về nền triết học cổ truyền. Đây là một câu hỏi lớn nhưng chưa có câu trả lời dứt khoát.

Điều người ta biết là từ sau khi họ Đặng chết, Giang trạch Dân đã đàn áp thẳng tay giáo phái này, nạn nhân lên tới cả triệu người, vừa bị vào tù, vừa bị thủ tiêu, hành quyết, lấy những bộ phận con người bán ra nước ngoài để làm giàu, và người làm việc này là Chu Bân, con trai Chu vĩnh Khang.

Họ Tập lên chức Tổng bí thư Đảng vào cuối năm 2012. Từ đó đến nay, chưa đầy 2 năm, nhưng đã thi hành một cuộc thanh trừng nội bộ rộng lớn, vi phạm tất cả những cấm kỵ theo luật bất thành văn được Đặng tiểu Bình thiết lập lên. Cuộc thanh trừng này lấy nhãn hiệu là chống tham nhũng, nhưng thực chất bên trong là đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực giữa những phe phái với nhau : Phe Tập cận Bình, đương kim Tổng bí thư, phe Giang trạch Dân, cựu Tổng bí thư, phe Hồ cẩm Đào, Tổng bí thư vừa hết nhiệm kỳ. Nhưng tranh chấp có vẻ gay cấn nhất chính là giữa phe Giang trạch Dân và Tập cận Bình.

Có người nói họ Tập là tay em của họ Giang, sao lại thế ?

Quả thật họ Tập là tay em của họ Giang, được họ Giang cài vào nhóm lãnh đạo dưới thời Hồ cẩm Đào, nghĩ rằng họ Tập là người «Kín đáo, ít biểu lộ lập trường, không có lập trường rõ rệt”, vừa để kiểm soát Hồ cẩm Đào, vừa nghĩ sau khi ông này không còn tại vị, Tập cẩm Bình lên thế ngôi, thì Giang trạch Dân dễ khuynh loát hơn.

Việc hai cuộc họp toàn bộ Trung Ương đảng vào giữa năm 2012, với sự có mặt của Giang trạch Dân, mang ý nghĩa là họ Giang muốn chứng tỏ họ Tập là tay em của minh trước công chúng.

II.  Diễn tiến cuộc thanh trừng từ ngày Tập cận Bình lên ngôi

Nhiều người cho rằng cuộc thanh trừng của Tập cận Bình bắt đầu từ sự kiện Bạc hy Lai bị rớt đài và bị đưa ra tòa vào ngày 19/3/2012. Người ta còn nhớ Vương lập Quân, nhân vật thứ 2 của Trùng Khánh, đặc trách công an, mật vụ, tay em đắc lực của vợ chồng Bạc hy Lai, làm bất cứ việc gì do vợ chồng này sai bảo. Bỗng một hôm ông ta chạy vào tòa Tổng Lãnh sự Hoa kỳ ở Trùng Khánh xin tỵ nạn chính trị, nói rằng vợ chồng họ Bạc muốn giết ông. Tất nhiêm tòa Tổng Lãnh sự Hoa kỳ chấp nhận bảo vệ ông, trong đó có những cuộc thẩm vấn, lấy tin tức hay không thì không rõ. Một thời gian sau thì Vương lập Quân được người của Trung ương từ Bắc kinh xuống hộ tống đưa về Bắc Kinh, và sự việc Bạc hy Lai nổ ra. Sự việc Bạc lai Hy không phải chỉ là tham nhũng và chuyển tiền ra nước ngoài của vợ Bạc mà còn liên quan đến án mạng, một tài phiệt Anh quốc, bị bà này giết chết, mà đằng sau, theo nhiều nhà báo, là sự việc chính trị, đảo chính cướp quyền.

Giang trạch Dân, sau khi thấy không thể khống chế được Tập cận Bình, đã đứng đằng sau Chu vĩnh Khang, người nắm quyền công an, cảnh sát, pháp luật, dầu khí, nhân vật thứ 4, Bạc hy Lai, Tỉnh trưởng Trùng Khánh, nhân vật đang lên lúc bấy giờ và Từ tài Hậu, Phó Quân Ủy Trung Ương, nhân vật thứ nhì trong quân đội. Cả 3 nhân vật này cùng nhiều người khác phát động chính biến, bị Hồ cẩm Đào, đương kim Tổng bí thư khám phá và trấn áp. theo nguồn tin bán chính thức nhưng đáng tin cậy. Trước và sau cuộc họp Bắc Đới Hà, Chu vĩnh Khang đã 2 lần tìm cách bí mật ám sát Tập cận Bình  nhưng không thành.
Như trên đã nói, từ ngày họ Tập lên ngôi đến giờ chưa đầy 2 năm, thế mà cuộc thanh trừng tham nhũng, nhãn hiệu bề ngoài, thực chất là cuộc đấu đá nội bộ, đã kỷ luật 182,000 viên chức, trong đó có 36 thứ trưởng, và 3 con hổ lớn là Chu vĩnh Khang, Từ tài Hậu và Bạc hy Lai.

Tóm lược một vài sự kiện quan trọng dựa theo ngày tháng năm:

Giang trạch Dân làm Tổng bí thư từ năm 1989 tới 2001, Hồ cẩm Đào từ năm 2001 tới gần cuối 2012, Tập cận Bình lên chức Tổng bí thư vào tháng 11/2012. Tháng 2/2012, Vương lập Quân, tay em của Bạc Hy Lai, đặc trách về Công An, mật vụ, tình báo tại Trùng Khánh chạy trốn vào tòa Tổng lãnh sự Hoa kỳ ở Trùng Khánh, sau đó được bảo vệ đưa lên Bắc Kinh, lúc này Hồ cẩm Đào vẫn là Tổng bí thư.

Tập cận Bình, sắp lên Tổng bí thư, Hồ cẩm Đào đương kim Tổng bí thư, Ôn gia Bảo, đương kim Thủ tướng, lập thành liên minh, truy tố Bạc hy Lai.

Ngày 19/3/2012, Bạc hy Lai bị đưa ra tòa. Sau khi Bạc hy Lai rớt đài, Chu vĩnh Khang, tay chân của Giang trạch Dân, đặc trách về an ninh, tình báo và dầu khí, phát động cuộc chính biến, nhưng bị Hồ cẩm Đào điều quân trấn áp.

Tháng 9/2012, Tập cận Bình biến mất trong 2 tuần, theo nhiều nguồn tin thì trong một cuộc họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị họ Tập bị một đồng nghiệp dùng ghế ném vào ông làm ông bị trật xương sống, 
Sau cuộc họp Đới Hà đầu năm 2013, hai lần Chu vĩnh Khang tìm cách bí mật ám sát Tập cận Bình, nhưng không thành.

Ngày 30/6/2014, Tập cận Bình mở Hội nghị Cục Chính trị, tuyên bố khai trừ Từ tài Hậu, nhân vật thứ nhì trong quân đội, ra khỏi Đảng cộng sản Trung cộng. Ngày 29/7/2014, Đảng Cộng sản Trung cộng tuyên bố án điều tra Chu vĩnh Khang.

Gần đây nhất, ở Bắc Kinh, có nhiều tin đồn về đảo chánh, do Phạm trường Long, Phó Quân Ủy thứ nhất, cùng Phòng phong Huy, Tham mưu trưởng, nhưng nhiều người nói đứng đằng sau là Quách bá Hùng, nguyên Phó Quân Ủy. Có người còn nói thêm là có dính dáng với Trường vạn Toàn, đương kim Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngày 1/8/2014 có một cuộc họp mặt quân đội, cũng đồng thời là lễ sinh nhật của Quách bá Hùng, được 87 tuổi, Tập cận Bình, đương kim Tổng bí thư, và Lý khắc Cường, đương kim Thủ tướng, có tới tham dự, nhưng ra về rất sớm. Theo như nhiều nguồn tin từ cuộc họp mặt đưa ra thì một số cựu Ủy viên, cũng như một số tân Ủy viên trong quân Ủy hội đã họp và bàn bạc rất lâu, sau đó còn rời đi họp chỗ khác. Từ đó có người cho rằng họp để bàn tính việc đảo chính. Việc này không thể tiên đoán cưỡng ép được. Vì dù sao cũng chỉ là tin đồn. Việc chắc chắn là đang có một cuộc tranh quyền khốc liệt ở Trung cộng, một cuộc đấu tranh quyền lực sống còn, kiểu: «Anh sống thì tôi chết. Tôi sống thì Anh chết» Giữa họ Giang và họ Tập.

III.  Nguyên nhân:

-           Nguyên nhân sâu xa từ chế độ quân chủ phong kiến Tàu mà chế độ cộng sản hiện nay chỉ là sự kéo dài, là mặt trái của chế độ này.

Một nhà tư tưởng kiêm sử gia đã viết: «Lịch sử Tàu là một chuỗi dài đấu tranh quyền lực, chiếm đất và thôn tính các quốc gia khác.»

Thật vậy nhìn vào lịch sử dòng dài của Tàu, lấy một vài thời đại tiêu biểu, trong hạn hẹp của bài này:
Thời Xuân thu - Chiến quốc (722 – 256, trước Tây Lịch), đây là một thời huy hoàng về tư tưởng, văn hóa, triết lý của Tàu với Lão tử, Khổng tử, Tôn tử, Bách gia chư tử, nhưng đây cũng là một thời đại của sự tranh quyền, cướp nước, thôn tính lẫn nhau lên đến cao độ.

Thời nhà Đường (618 – 907), một triều đại to lớn của lịch sử Tàu. Người lập ra nhà Đường là Lý Uyên, nhưng trong đó phải kể đến Lý thế Dân, người được coi là một đại Hoàng đế của Tàu. Cũng vì tranh quyền, cướp nước, ông đã phải giết 2 người anh em của ông là Lý kiến Thành và Lý nguyên Các, ép bố ông là Lý Uyên thoái vị, lên làm Thái thượng hoàng. Sau đó chính các con ông đã cũng vì tranh giành quyền lực, làm cuộc đảo chính ông, nhưng không thành. Cũng dưới thời nhà Đường với nhân vật nổi tiếng mà người Tàu ai cũng biết là Võ tắc Thiên (625 – 705), người đàn bà đầu tiên và duy nhất lên làm vua nước Tàu. Bà được Lý thế Dân tuyển vào làm tài nhân lúc mới 14 tuổi. Trước khi Lý thế Dân chết, bà đã tằng tịu với con trai út của Lý thế Dân là Lý Trị. Sau khi Lý thế Dân chết, bà phải đi vào tu ở chùa Cảm Nghiệp và Lý Trị lên ngôi. Chỉ một thời gian ngắn bà được Lý Trị đưa về làm cung phi, sau lên quí phi. Vì muốn giành ngôi hoàng hậu, bà đã không ngần ngại giết chết con gái sơ sinh của mình và đổ tội cho hoàng hậu, sau đó bà này bị Lý Trị truất phế, đưa bà lên ngôi hoàng hậu. Từ khi Lý Trị bị bệnh thong manh (không nhìn rõ), bà lên ngôi nhiếp chính bán chính thức, rồi nhiếp chính chính thức sau khi ông chết. Trong thời gian nhiếp chính, bà đã nhiều lần đưa con của mình lên ngôi vua, rồi lại truất phế, đến nỗi bà ép một người con của bà là Lý Hiền phải treo cổ tự tử chết. Sau đó bà chính thức lên làm vua.

Trở về thời đại gần chúng ta hơn là triều đại nhà Thanh (1644 – 1911) trước thời Dân quốc và Cộng sản hiện nay. Đây cũng là một triều đại lớn của Tàu, với những ông vua giỏi và cầm quyền lâu như Khang Hi, cầm quyền từ năm1662 đến 1722, Càn Long từ năm 1735 đến 1795.

Chỉ lấy thời Khang Hi, ông có 9 con trai. Chín người này, mặc dầu là anh em, nhưng đã tranh giành ngôi Thái tử, đến nỗi đầu độc lẫn nhau, rồi giết chết nhau. Ngày xưa người ta gọi 9 người con của Khang Hi là 9 con rồng tranh ngôi (Cửu long tranh ngôi); ngày hôm nay, người ta gọi những người trong Bộ Chính trị là những con hổ tranh quyền thì cũng vậy.

Cuộc tranh giành quyền lực giữa những con hổ đang diễn ra ở Trung cộng, không những nó mang tất cả tính chất khốc liệt của thời quân chủ phong kiến Tàu, mà nó còn mang tính man dại của cộng sản, vì chủ nghĩa cộng sản, bắt đầu từ Marx, cho rằng con người sinh ra là từ con vật, thêm vào đó lại chủ trương phá hủy mọi hàng rào đạo đức, không còn cái gì là liêm sỉ. Chúng ta cứ lấy cuộc thanh trừng của Tập cận Bình hiện nay thì rõ. Hô hào chống tham nhũng, nhưng bắt đầu từ Tập cận Bình cho tới một anh cộng sản nhỏ, ai mà không tham nhũng. Điều này, dân Tàu biết rất rõ. Khổng Tử ngày xưa có nói: «Nhân vô liêm sỉ hà như vật dã.» (Người không có liêm sỉ chỉ là con vật). 

Miệng hô hào chống tham nhũng, nhưng chính mình tham nhũng. Thử hỏi liêm sỉ để ở đâu?

-           Nguyên nhân từ chủ nghĩa cộng sản đã biến người cộng sản, nhất là giới lãnh đạo thành «Quỉ nhập tràng”

Ông Lê xuân Tá, cựu Phó Trưởng Ban Khoa học và Kỹ thuật đảng Cộng sản Việt Nam, từ bỏ đảng, có viết: « Sự ngu dốt và sự thấp hèn tự nó không đáng trách. Nhưng sự ngu dốt và thấp hèn mà được trao quyền lực, và được cấy vào vi trùng ghen tỵ, thì nó trở thành quỉ nhập tràng. Và con quỉ này nó ý thức rất sớm và rất rõ rằng cái đe dọa quyền và lợi của nó chính là sự hiểu biết, văn hóa và văn minh; nên nó đã đánh những thứ này một cách tàn bạo, vô nhân đạo và không thương tiếc. Cách mạnh Hồng vệ binh ở bên Tàu là thế; vụ Nhân văn giai phẩm ở Việt Nam là vậy. Nhưng vì nó là ngu dốt và thấp hèn, nên những thứ này lâu ngày đã trở nên sỏi thận, sỏi mật, sơ gan, cổ chướng trong lục phủ, ngũ tạng của chế độ, làm cho chế độ này (ý nghĩa chỉ chế độ cộng sản - Lời chú thích của tác giả bài này) không ai đánh mà tự chết.»

Còn ông Yakolek, cựu Ủy vên Bộ Chính trị, cựu Cố vấn của Gorbatchev, cũng có viết: «Giới lãnh đạo cộng sản là một loài sâu bọ, con mới đẻ nằm lên xác con già, con già đè lên xác con trẻ. Nhưng trong đó có một con khỏe nhất, leo lên chỗ cao nhất. Tuy nhiên để được địa vị này, thì nó phải dẵm lên xác không biết bao con khác.»

Thật vậy bắt đầu ngay từ Lénine, mặc dầu xuất thân trong một gia đình trung lưu khá giả, có học đến cử nhân luật, nhưng đây là con người mang nhiều ý nghĩ, tư tưởng hận thù, không độ lượng, nhất là sau khi cái chết của người anh vì chống lại chính quyền Nga hoàng đương thời. Ông hoạt động chính trị, đi theo phong trào cộng sản, bị trục xuất khỏi Nga, sống lang thang ở Âu châu, hoạt động trong Đệ Nhị quốc tế cộng sản. Tuy nhiên ông không phải là người sáng chói trong tổ chức này, trước ông còn có Kautski, Rosa Luxemboug v.v... Ngay ở trong nước, những người hoạt động trong Đệ Nhị Quốc tế Cộng sản, lập ra đảng Xã hội, Dân chủ, Thợ thuyền Nga giỏi hơn ông nhiều, chẳng hạn như Plékhanov, Axelrod và ngay cả Trotski. Tuy nhiên thời cơ lúc đó là gần chấm dứt Đại Chiến Thứ Nhất (1914 -1918), nước Đức đang phải đương đầu với 2 mặt trận: Đông bắc với chính quyền Nga Hoàng Nicolas 2, Tây nam với Pháp. Bộ tham mưu Đức muốn dồn nổ lực vào mặt trận phía Tây nam. Lợi dụng thời cơ, lúc đó đang ở Thụy sĩ, Lénine tuyên bố « Hòa bình bằng bất cứ giá nào. Trả đất cho dân và ngay cả nhượng đất để có quyền.» Chính vì vậy mà Bộ Tham mưu Đức đã đưa ông về trong một toa xe lửa bọc sắt, bên trong có cả những người công an, tình báo Đức, nói tiếng Nga rất giỏi. Với sự giúp đỡ của Đức ông đã cướp được chính quyền. Cướp được quyền, mang sẵn trong đầu lý thuyết của Marx, chủ trương bạo động lịch sử, đấu tranh giai cấp, đây là «Vi trùng ghen tị» mà ông Lê xuân Tá nói, Lénine đã áp dụng lý thuyết của Marx và đã «Trở thành quỉ nhập tràng” là vậy. Một con quỉ khác con người ở chỗ là đối với nó trên không có Trời, dưới không có đất, không xem đạo đức, lễ nghĩa ra gì cả, làm bất cứ việc gì để thành công, trong đó có việc nói dối, lừa đảo và giết người.

Những người lãnh đạo cộng sản sau này, từ Mao, Đặng, Hồ, Lê Duẫn và con cháu cũng chỉ là quỉ nhập tràng, vì được Lénine, Staline lượm về trao quyền lực, lợi dụng tình thế sau Đệ Nhị Thế Chiến, rồi cấy vào vi trùng ghen tỵ là lý thuyết Mác Lê. Thế rồi cha dạy con, con dạy cháu cho tới ngày hôm nay.

Vấn đề nói dối, thông tin tuyên truyền sai sự thật, lừa đảo dân đã trở thành quốc sách của chính quyền từ thời Lénine, được tăng cường bởi Staline và được tiếp nối bởi những giới lãnh đạo cộng sản sau này.
Theo như nhà kinh tế Nga, ông Girsh Itsykovich Khanin, kinh tế Nga từ năm 1928 tới năm 1985, tổng sản lượng quốc gia không tăng trưởng 84 lần như những con số chính thức của chính quyền, mà chỉ tăng trưởng gấp 6,6 lần. Như từ năm 1928 tới năm 1940, theo con số của nhà nước thì tăng trưởng là 13,9%, thực tế chỉ là 3,2% ; từ năm 1980 tới 1985, theo con số nhà nước thì tăng trưởng 3,5%, thực tế chỉ là 0,6%. (Theo báo Capital – Hors série – Juin, Juillet 2014).

Theo như Abraham Lincoln: “Người ta có thể nói dối một hai lần, nhưng người ta không thể nói dối mãi. Người ta có thể lừa đảo một hai người, nhưng người ta không thể lừa đảo cả một dân tộc.»

Sự thật sớm muộn sẽ được phơi bày. 

Sự thật nước Tàu của Tập cận Bình hiện nay là kinh tế càng ngày càng trở nên khó khăn, mức tăng trưởng không phải ở 2 con số nữa, trong khi đó nạn tham nhũng, hối lộ không dẹp nổi như nhiều chính quyền vừa qua hứa, mà càng ngày càng tăng. Hối lộ tham nhũng nặng nề nhất là trong đảng cộng sản, vì là độc đảng và lại nắm chính quyền.

Chính vì vậy mà ngay Tập cận Bình có lúc đã tuyên bố: «Đảng cộng sản Trung cộng là nơi chứa những thành phần thối tha nhất của xã hội.» 

IV. Tiên đoán hậu quả sự việc

Phải chăng Tập cận Bình đang mắc vào một cái sai lầm to lớn như Gorbatchev trước đây, đó là cố cải cách một chế độ không thể cải cách được, rồi đi đến hậu quả là làm chế độ sụp đổ ?

Có thể như vậy, đầu năm 2014, qua chỉ thị của họ Tập, Ban Tư tưởng, Ý thức hệ của Đảng đã ra lệnh cho các đảng viên, nhất là những người cao cấp, phải đọc và học hỏi Tocqueville (1805 – 1859), vào thời sau Cách mạng Pháp 1789, với hai quyển sách nổi tiếng, quyển đầu là « De la Démocratie en Amérique » (Về Vấn đề Dân chủ ở châu Mỹ), được giới trí thức Mỹ ngay cho tới ngày hôm nay, vẫn cho rằng đây là một trong những quyển sách quan trọng nhất nói về dân chủ, văn hóa và văn minh Hoa kỳ; quyển sách thứ nhì mang tên «L’Ancien Régime et la Révolution» (Chế độ cũ và Cách mạng). Đây là quyển sách mà Đảng Cộng sản Tàu yêu cầu đảng viên nghiên cứu học tập vì trong đó có câu: «Thời gian nguy hiểm nhất cho một chế độ, đó là lúc mà chế độ này bắt đầu cải cách.» Theo như Tocqueville thì Chế độ cũ của Pháp, thời vua Loụs XVI (L’Ancien Régime) đã sụp đổ vì chế độ này bắt đầu cải cách.

Tập cận Bình, Đảng Cộng sản Tàu, muốn học hỏi thời Cách mạng Pháp và nhất là thời cải cách của Gorbatchev, để rút tỉa kinh nghiệm.

Tuy nhiên ý thức được, nhìn được sự nguy hiểm, nhưng tránh được hay không lại là một chuyện khác. Chẳng khác nào như ai cũng muốn thành công, ai cũng muốn trở nên giàu có, nhưng giàu có hay thành công được hay không, lại là một việc.

Trong lịch sử, từ cổ chí kim, biết bao chế độ, triều đại, đế quốc đã sụp đổ !

Những chế độ, những triều đại, đế quốc này sụp đổ, không có nghĩa là họ không nhìn thấy những nguy cơ đe dọa mình nhưng nhiều khi vì quá trễ, hay mắc vào những «Tất yếu lịch sử” không thể đi ngược lại, càng đi ngược lại, càng đâm đầu vào chỗ chết, đó là những chế độ dựa trên một nền tảng triết lý, đạo đức sai lầm, đi ngược lại lòng dân, đi trái chiều tiến bộ của lịch sử nhân loại. Chẳng khác nào như một căn nhà, khi nền móng đã ọp ẹp, những cột chính đã mục nát, thì càng sửa đổi càng làm cho căn nhà chóng sụp đổ.
Căn nhà Trung cộng, dựa trên nền tảng triết lý sai lầm, đó là lý thuyết Mác Lê, đã được thử nghiệm 70 năm nay, nhưng đã thất bại; những cột trụ chính là những cựu hay đương kim Ủy viên Bộ Chính Trị, ai cũng tham nhũng, hối lộ. Chống tham nhũng hối lộ nhiều khi lại là chống lại chính mình, đó là cái bình phong bên ngoài để che dấu sự đấm đá, tranh quyền nội bộ. 

Đây là một trong những viễn tượng hậu quả của cuộc thanh trừng đang tiến hành của Tập cận Bình. Đấy là chưa nói đến trường hợp tồi tệ: 19 con hổ già, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, liên kết với một vài con hổ mới, đương kim Ủy viên, bao vây con hổ Tập cận Bình, bị coi là con hổ lạc đàn, nhưng lại tìm cách khống chế chúng, bằng cách ám sát một lần nữa, đảo chính một lần nữa; vì có những tin đồn, nhưng không phải là không đáng tin cậy, theo đó, Giang trạch Dân đứng sau Chu vĩnh Khang và Bạc hy Lai, đã làm đảo chính hụt cũng như nhiều lần ám sát hụt họ Tập.

Nhưng nếu họ Tập thành công, thắng trong cuộc thanh trừng chống tham nhũng, hối lộ, làm cho chế độ trở nên trong sạch, lấy lại được niềm tin của dân, chế độ trở nên tự do, dân chủ, đi đúng chiều hướng của văn minh nhân loại, hội nhập được vào cộng đồng thế giới, thì dù muốn hay không muốn, Tập cận Bình sẽ trở thành một vĩ nhân của lịch sử Trung quốc cận đại.

Suy đi tính lại, khả thế thành công của Tập cận Bình rất là mong manh. Có thể đến một lúc nào họ Tập phải ngừng cuộc thanh trừng, thỏa hiệp với những con hổ già, để được tại vị; mặc dầu họ Tập tuyên bố rất cứng rắn trong cuộc họp Ban Thường trực Bộ Chính trị, ngày 26/6 vừa qua, theo tiết lộ của một số nguồn tin bán chính thức, nhưng đáng tin cậy: «Tôi không màng đến sự sống chết, không màng đến việc tiếng tăm của tôi còn hay mất, tôi nhất quyết chống tham nhũng, lấy lại lòng tin của dân.» (1)

Paris ngày 30/08/2014
Chu chi Nam và Vũ văn Lâm

Xin xem thêm những bài về Tập cận Bình, Đặng tiểu Bình, về Trung cộng, trên http://perso.orange.fr/chuchinam/


No comments:

Post a Comment

View My Stats