Monday, 18 August 2014

CUỐI CÙNG, KẺ THÙ LÀ GÌ, LÀ AI ? (Xích Tử - Dân Luận)




Tác giả gửi tới Dân Luận
Thứ Hai, 18/08/2014

Ngày 10/7/2014, Thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu thuận tuyệt đối Nghị quyết S.RES 412, thể hiện tiếng nói, quan điểm, thái độ chung của một trong những cơ quan dân cử - lập pháp của Mỹ về vấn đề Biển Đông và những yêu cầu đối với Trung Quốc cũng như các quốc gia liên quan khác trong khu vực.

Ngày hôm sau, 11/7/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bày tỏ thái độ chính thức của Việt Nam là hoan nghênh việc ra Nghị quyết và nội dung của Nghị quyết nói trên, đồng thời cũng bày tỏ “Việt Nam mong muốn các quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳ tiếp tục có đóng góp mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả và có tính xây dựng cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực”.

Thật là khó hiểu những con người và cái tổ chức ra nghị quyết đó. Cũng họ và cũng tổ chức ấy, có lúc đề xuất, bảo trợ và có thể được thông qua những văn kiện về nhân quyền, tôn giáo, về việc Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến v.v... để phía Việt Nam phản đối, bác bỏ, thậm chí phản ứng gay gắt, xem như sự can thiệp thô bạo, âm mưu diễn biến hòa bình, thù địch; nếu nhẹ cũng là nhận xét như một thái độ thiếu thiện chí, không khách quan, sai trái, phiến diện, không phù hợp và làm ảnh hưởng xấu quan hệ giữa hai nước.

Rõ ràng, người Mỹ, cá nhân cũng như các tập thể chính trị, có thể bị hội chứng tâm thần, tiền hậu bất nhất trong tư duy, hành vi chính trị của mình. Các biểu hiện của hội chứng đó, làm cho những đối tác ngoại giao, như kiểu Việt Nam bị xoay chong chóng, khủng hoảng cách xác định bạn / thù, hoặc như cách nói hiện đại bây giờ là đối tác/ đối thủ/ đối phương.

Chuyện về phân định bạn thù là một trong những vấn đề quan trọng nhất của cách mạng vô sản, cộng sản, từ lúc nó manh nha, cho đến khi phát triển thành phong trào quốc tế với sự xác lập hệ thống thực thể quyền lực cấp quốc gia/ nhà nước và liên quốc gia và cho đến nay, buổi cuối mùa của phong trào.
Trong cấu trúc của cuộc cách mạng đó, từ giai đoạn “cổ điển”, chỉ thuần túy như là vì mục tiêu đấu tranh chống kẻ thù giai cấp, trước hết là bọn tư bản, để giải phóng giai cấp, thực hiện chủ nghĩa cộng sản/ thế giới đại đồng, giai cấp công nhân là lực lượng tiến bộ nhất, chủ lực của cách mạng; đảng cộng sản hoặc tương tự, là đội tiền phong của “giai cấp” đó; số còn lại nhất loạt được xếp vào cái chuồng“quần chúng” của đảng, của cách mạng. Từ ngữ “quần chúng” trong tiếng Hoa, tiếng Việt, có thể hiểu là “bầy bọn nó”, nghĩa là số đông ở phía dưới, thấp hơn. Lực lượng này, tùy từng hoàn cảnh, có thể có lợi, có thể có hại cho cách mạng; trong đó có những bọn dao động, nghiêng ngả, không triệt để cách mạng v.v.., và có thể trong đó, có kẻ thù, và kẻ thù tiềm năng. Đảng cần phải nhận diện, phát hiện kịp thời tính chất kẻ thù này trong diễn biến của cách mạng, để tranh thủ số còn lại và tiêu diệt bọn kẻ thù đó.

Không có quá trình lịch sử nào, cuộc cách mạng nào có nhiều kẻ thù như cách mạng vô sản/ cộng sản. Trong những công trình luận chiến triết học, kinh tế, chính trị, các nhà kinh điển của cuộc cách mạng này trong thế kỷ XIX và về sau, những người thực thi cuộc cách mạng đó, kể cả khi đã giành được quyền lực, chỉ có tự họ gọi nhau một cách tin tưởng là đồng chí; số còn lại như đã nói trên là quần chúng; ngoài ra tất cả kẻ thù giai cấp đều được gọi bằng những đại từ miệt thị là bè (lũ), bọn, thằng, chúng, y, hắn. Chỉ có cách mạng vô sản mới có văn hóa xưng hô luận chiến, bày tỏ thái độ miệt thị chính trị như vậy. Đã là kẻ thù thì dứt khoát phải là “thằng địa chủ”, là “thằng địch” dù tuổi tác như thế nào, quan hệ với người gọi – từ trẻ em cho tới bạn đồng niên – ra sao, kể cả con dâu rễ trong nhà. “Thằng Mỹ mà đến nước ta” thì dứt khoát là thằng Mỹ, dù như ông J. Kerry, bây giờ bắt tay với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, có chiều cao gấp đôi người tương cấp.

Thế rồi, cách mạng vô sản / cộng sản thành công thể hiện bằng việc giành chính quyền và xác lập thể chế quốc gia. Đến đây, ngoài tính chất giai cấp, cuộc cách mạng đó mở rộng đến những vấn đề quốc gia, nhà nước, dân tộc, đối ngoại, hợp tác quốc tế song phương và đa phương, phân chia quyền lực thế giới, bành trướng, đế quốc trong quan hệ giữa các nước lớn với các nước nhỏ... Lại thêm những kẻ thù mới; bên cạnh bọn phản động, phản cách mạng với giai cấp tư sản, địa chủ, thậm chí cả trí phú hào như ở Trung Quốc, Việt Nam, danh sách kẻ thù được bổ sung bọn thực dân, bọn đế quốc, bọn bành trướng bá quyền, bọn sen đầm quốc tế, bọn khủng bố, bọn cực đoan, bọn ly khai, bọn phục thù, bọn phát xít mới, bọn vô chính phủ... Quần chúng của cách mạng vô sản trong phạm vi quốc gia cũng được mở rộng đến nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hữu nghị hòa bình, nhân dân lao động...ở các quốc gia không cộng sản, để tạo thành ba dòng thác cách mạng vừa cuồn cuộn vừa rả rích chảy suốt thế kỷ XX.

Việc xác định kẻ thù đó tốn công sức, trí tuệ, giấy tờ rất nhiều trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của đảng cộng sản và tương tự. Và một khi nó đã trở thành những xác định kết luận trong khuôn khổ những cương lĩnh, chủ trương, đường lối thì tai họa nó giáng xuống đời sống xã hội không biết nói thế nào cho xuể. Đối tượng, phạm vi ngoại diên của kẻ thù thay đổi liên tục. Chẳng hạn như ở Việt Nam, vì không có giai cấp tư sản đầy đủ theo khái niệm macxit, nên phải tìm trong trí phú địa hào cho đỡ ngượng cách mạng. Tính chất của trí phú địa hào đó cũng được định nghĩa tùy thời để vừa vẫn có kẻ thù, vừa tranh thủ lôi kéo. Trung Quốc cũng vậy; sau khi nghiên cứu nông dân ở Hồ Nam (1925) và qua sự kiện “Công xã Quảng Châu” (1927), Mao và đảng cộng sản Trung Quốc vừa lấy nông dân làm lực lượng cách mạng, vừa biến họ thành kẻ thù của cách mạng, bằng cách tách rạch ròi địa chủ và bần cố nông. Địa chủ thì cũng hết sức linh hoạt trong cách xác định, như ở Việt Nam, lúc/ chỗ thì sở hữu 10 mẫu, rồi 5 mẫu, rồi 3 mẫu, rồi mẫu Bắc bộ và mẫu Trung bộ, rồi có ủng hộ cách mạng hay không, để có đủ tỉ lệ 5%, 10%, bù cho kết quả 3% quá thấp so với yêu cầu của cách mạng và của cố vấn Trung Quốc.

Trong các kỳ họp, đại hội đảng lớn nhỏ, nghị sự về việc xác định kẻ thù cũng chiếm một chương trình quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho diễn biến cách mạng sau đó. Theo cách ấy, cuộc/kỳ họp hoặc đại hội phải nhận diện được kẻ thù trực tiếp/ (gián tiếp), chủ yếu, trước mắt, lâu dài, kẻ thù chiến lược... Danh sách này phải được truyền đạt trong toàn đảng và đến toàn xã hội để học thuộc lòng; mở miệng ra là phải nói và nói cho đúng cho đủ, như kinh nhật tụng.

Như vậy, trong đời sống tinh thần của dân tộc hình thành một dòng chất độc văn hóa ngấm dần vào từng thế hệ là văn hóa về kẻ thù, về sự “nhạy cảm”, kiên quyết trong phân biệt phạm trù bạn và thù, dù ranh giới của hai phạm trù đó tù mù, tùy tiện, ấu trĩ theo cái ấu trĩ chung không thể vượt qua, không thể từ bỏ và đôi khi là cần thiết phải có của cách mạng vô sản/cộng sản. Yêu cầu về sự xác định lập trường đó trở thành tiêu chuẩn trung thành cách mạng của đảng viên, thành biểu hiện tính kiên định cách mạng và phản xạ đúng trong nhận thức, tư duy cách mạng của họ. Đến nỗi, trong một kỳ họp quốc hội Việt Nam ở thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, một đại biểu ở Ninh Thuận có cái tên rất trí thức, vẫn lấy chủ nghĩa quốc tế vô sản làm đòn bẫy để nhận thức bạn thù, khi bày tỏ băn khoăn về giàn khoan HD-981 của đồng chí Trung Quốc, rằng “hai nước xã hội chủ nghĩa lình xình với nhau thì có lợi cho ai”, rằng “phải bảo vệ chủ nghĩa quốc tế vô sản”. Cứ đà ấy, vị đại biểu đó có thể đặt câu hỏi rằng vào năm 1979, hai nước xã hội chủ nghĩa choảng nhau chí tử thì có lợi cho ai và tự trả lời có lợi cho dịch vụ mai táng (lúc đó của ngành vật tư chất đốt) và nhang đèn hàng mã, cũng được. Chắc vị đại biểu đó, như đã có người nghi ngờ rằng ông không biết chữ, và đang mộng du trong thế kỷ XIX, cũng không biết rằng trong những năm 60- 70 của thế kỷ XX, Trung Quốc gọi Liên Xô là Đế quốc đỏ; còn Liên Xô đáp lại bằng cách gọi Trung Quốc là bành trướng bá quyền nước lớn. Kẻ thù hóa đồng chí rồi đồng chí hóa kẻ thù, như một trò phù thủy của cách mạng.

Và trong cái đà ấy, “Đường vinh quang xây xác quân thù”, để đến bây giờ, mới biết rằng khái niệm “kẻ thù” của cách mạng với vô số loại kẻ thù suốt lịch sử và yêu cầu về sự cần thiết phải hình thành tư duy về kẻ thù như là một nguyên tắc của đạo đức, luân lý cách mạng của chiến sĩ cách mạng vô sản chỉ là một cái gì đó vừa thiếu trí tuệ, phi nhân bản và có tác dụng phá hoại kinh khủng lịch sử nhân loại. Ngay tại thời điểm xác định và qua biến động lịch sử, rất nhiều trong số kẻ thù của cách mạng đó là ảo, là giả, là nhầm lẫn, là giả định, là những chiếc cối xay gió của Don Quichotte, để rồi phải cải chính, phải minh oan, phải phục hồi, nhưng phần xương máu, mất mát, tổn thất tính mạng và tinh thần của cả dân tộc thì vẫn còn đó và quá lớn. Không có thời kỳ nào khốn nạn như cái thời mà những cải biến lịch sử, dưới chiêu bài giành độc lập, chủ quyền, giải phóng nhân dân, dân tộc và giai cấp, đã biến nhân dân mình thành kẻ thù và kẻ thù tiềm năng, thậm chí là cả “đồng chí” của mình mà một bài thơ của tác giả bài Quốc ca có đoạn lời được trích ở trên nói về việc xử bắn một đảng viên trong cải cách ruộng đất. Ở quê tôi, hòa trộn cả tính chất giai cấp và dân tộc, có những vụ thanh toán kẻ thù chằng hiểu thế nào được : một đứa cháu 4 giờ chiều mang súng ra ruộng nơi ông bác họ là xã trưởng đang cày để xử trước sự ngơ ngác, khiếp sợ của những bạn cày cùng làng khác; một cán bộ nằm vùng ở cùng xóm nửa đêm đến gọi một ông ở cạnh vườn bị nghi là chỉ điểm và bắn ngay tại sân nhà trong tiếng kêu khóc thảm thiết của người vợ và những đứa con nheo nhóc bị đánh thức dậy nửa đêm, để kèm lại mảnh giấy “Cách mạng xử” mà đến bây giờ, vì nó, những đứa con ấy không ngóc đầu lên được, không sống nổi.

Cũng trong sự hòa trộn đó, không biết đâu là tính chất giai cấp, đâu là tính chất dân tộc của cuộc cách mạng, nhất là cuộc chiến tranh 21 năm, chính xác là chiến tranh 1959 – 1975 ở nước ta. Tiêu diệt chế độ VNCH, giải phóng miền nam là chiến tranh ý thức hệ hay chỉ giành độc lập và thực hiện thống nhất đất nước bằng bạo lực cộng sản. Nếu Việt Minh không để lại miền Nam hàng chục ngàn cán bộ, liệu có chiến dịch tố cộng, diệt cộng của chính quyền Ngô Đình Diệm không, để từ đó Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết 15, rồi sau đó vi phạm Hiệp Định Genève, leo thang dần đến chỗ đưa hẳn quân chủ lực miền Bắc, cùng xe tăng, pháo, tên lửa cùng nhiều loại vũ khí xã hội chủ nghĩa khác, song song với việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam với sự có mặt của hơn 60 vạn quân đội chủ lực. Sự có mặt đó của Mỹ là xâm lược, đế quốc hay vì mục đích ý thức hệ ? Tương tự, khi Tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam nói đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc thì cuộc chiến đó là chống xâm lược Mỹ hay bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa ?

Những câu hỏi đó quay quắt suốt lịch sử hiện đại, từ phía nhân dân. Những người lãnh đạo, những người chiến thắng thì luôn có câu trả lời và có cách trả lời có lợi cho mình và trong sự trả lời đó luôn có sự xác tín về những kẻ thù như là có thật. Điều đó tạo ra một thời kỳ khốn cùng của chính trị, của lịch sử và của sử học, cái mà vốn trong những nước tiến bộ, khi họ chỉ có quyền lợi quốc gia, dân tộc duy nhất và lịch sử của họ cũng chỉ là lịch sử phát triển, bảo vệ quyền lợi đó, chống lại những lực lượng gây tổn hại, trực tiếp và gián tiếp, kể cả nhân tố ý thức hệ không bình thường, làm rối lịch sử nhân loại.

Đó là nhìn từ góc độ trừu tượng hóa thực tế lịch sử dân tộc, còn chính cái thực tế lịch sử đó, như một nạn nhân của văn hóa kẻ thù, đã ngốn vào trong nó không biết bao nhiêu xương máu của dân tộc; máu đã ngấm vào mảnh đất này quá nhiều nên cái đức của quốc gia, dân tộc bị tổn, khó mà khá lên được. Để đến bây giờ, khi một trong những kẻ thù lớn truyền kiếp không có quan hệ mấy tốt hoặc một lô chữ vàng nào đó ra một cái nghị quyết, giúp mình một tay để xử lý quan hệ với đồng chí của mình, rất tương đồng về chính trị, mình hoan nghênh ngay cái rẹt. Biết đâu bạn thù đây, cả lãnh đạo và nhân dân đây ?

Xích Tử

-------------------------------


Sunday, 17 August 2014

Một trong những điều người Việt Nam lo ngại nhất khi quan hệ với Mỹ là Mỹ có thể trở mặt bất cứ lúc nào, như đã từng làm với Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975.

Lo ngại này là chính đáng, vì nước nào cũng phải đặt lợi ích quốc gia họ lên trên tất cả (chỉ có vài nước là đặt một chủ nghĩa và một thứ tình anh em siêu ảo lên trên đầu). Nước Mỹ cũng chẳng sai gì khi bỏ rơi đồng minh để bảo vệ đất nước họ.

Nhưng bối cảnh hiện nay có lẽ thuận lợi hơn nhiều cho lãnh đạo Việt Nam, bởi lẽ lần đầu tiên trong lịch sử, và cũng là một trong những điểm độc đáo nhất của chính trị Việt Nam, họ có một cộng đồng người Mỹ gốc Việt rộng lớn ngay trong lòng nước Mỹ. 1,7 triệu công dân Mỹ gốc Việt, chiếm gần 0,6% dân số Mỹ, hầu hết vẫn còn tha thiết với quê hương, có ảnh hưởng vô cùng lớn đến quan hệ Việt - Mỹ. Lá phiếu của họ có thể chi phối chính trường và quan điểm của họ luôn luôn được lắng nghe.

Bởi vậy, một trong những cách tốt nhất để kìm hãm các chính sách bất lợi cho Việt Nam từ phía Mỹ là chính phủ phải thân thiết được với cộng đồng người Việt ở Mỹ và thực lòng tôn trọng họ. Đảng cộng sản Việt Nam, lực lượng đang nắm chính phủ hiện nay, có làm được điều này không là một câu hỏi lớn, bởi để kết thân được với cộng đồng người Việt ở Mỹ, họ buộc phải đánh giá lại toàn bộ cuộc chiến tranh 1954-75, đánh giá lại Việt Nam Cộng hòa, đánh giá lại sự kiện hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi sau năm 1975 và hàng trăm nghìn người đã chết tức tưởi trên biển.

Làm thế nào để Đảng nói với đảng viên của họ, cựu chiến binh của họ và một bộ phận lớn nhân dân về tất cả những điều này? Làm thế nào để Đảng mở được lời xin lỗi? Vốn liếng chính trị lớn nhất của họ chính là cuộc chiến tranh được gọi là "chống Mỹ", cái mà phần lớn người Việt Nam ngày nay vẫn coi là công lao của Đảng. Từ bỏ được là không dễ.

Thế mới bảo, kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.



No comments:

Post a Comment

View My Stats