Saturday 23 August 2014

ĐÃ PHÁT HÀNH BẢN ANH NGỮ SÁCH "GIẢI KHĂN SÔ CHO HUẾ" (Việt Báo)




 Việt Báo
14/08/201400:08:00

Tác phẩm “Mourning Headband for Hue” của nhà văn Nhã Ca, bản dịch của GS Olga Dror từ bản Việt ngữ “Giải Khăn Sô Cho Huế” đã có 100 ấn bản gửi tới nhà văn Nhã Ca ở Quận Cam hôm Thứ Tư 13-8-2014.

Dịch giả Olga Dror sinh và lớn lên ở Leningrda, Liên Xô. Bà tôt nghiệp văn bằng thạc sĩ về Đông Phương Học ở Leningrad State University năm 1987, sau đó học thêm văn bằng cao cấp ở Viện Ngữ Học Học viện Khoa học Moscow. Bà làm việc ở Ban Phát Thanh việt Ngữ của đài Radio Moscow. Năm 1990, bà định cư sang Israel, học về quan hệ quốc tế ở Hebrew University, làm việc ở Bộ Ngoại Giao Israel. Bà học và nghiên cứu về Việt Nam, lấy bằng tiến sĩ ở Cornell University. Hiện nay, bà Dror là giảng viên lịch sử ở Texas A&M University. Bà là tác giả và là biên tập nhiều sách nghiên cứu về Việt Nam và Trung Hoa.

Tác phẩm “Mourning Headband for Hue” có bìa cứng, dày 310 trang, có phần Giới thiệu do chính dịch giả Olga Dror viết. Nhà xuất bản Indiana University Press.

Riêng phần Giới thiệu của dịch giả Dror cũng đã dày tới 53 trang, trong đó bàn về nhiều vấn đề liên hệ tới trận Tết Mậu Thân 1968, hoàn cảnh bất ngờ của nhà văn Nhã Ca trong thời điểm này, về trận Mậu Thân dưới nhiều điểm nhìn.

Tại sao CSVN thảm sát thường dân ở Huế nhiều tới mức không hiểu nổi?

Trong đó dịch giả Dror cho thấy giải thích từ nhiều hướng, như từ điểm nhìn của TT Lyndon B. Johnson, về ghi nhận (3 giai đoạn Mậu Thân Huế trong đó có những cuộc xử tử tàn nhẫn của CS) của sử gia Douglas Pike, về số lượng thường dân bị sát hại ở Mậu Thân Huế dị biệt nhau, từ lý giải cuả viện nghiên cứu RAND Corporation để hiểu tại sao CSVN tàn sát những người thường dân ở cố đô, cho tới giải thích của tác giả Don Oberdorfer, cho tới lý giải của nhà hoạt động phản chiến Gareth Porter, cho tới trường hợp Alje Vennema (nhà hoạt động thân cộng, rời VN tháng 4-1968 và đã thức tỉnh, kinh ngạc vì sao những kẻ “giải phóng” lại xử tử hàng loạt “những người đươc giải phóng” như thế), cho tới điểm nhìn của Trương Như Tảng và Bùi Tín về thảm sát Mậu Thân...

Bìa sách.

Dịch giả Dror trong phần Giới thiệu cũng nói về Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân, và về lời giải thích của hai ông về mức độ liên hệ, nếu có, của họ với thảm sát Mậu Thân.

Nhưng trước hết, đây là một tác phẩm văn học với vị trí độc đáo của nó -- bản Việt ngữ của nhà văn Nhã Ca, và cả bản Anh ngữ của Olga Dror.

Heonik Kwon, tác giả “Ghost of War in Vietnam,” nhận định về “Mourning Headband for Hue”:

“Một tuyệt tác. Tôi chưa bao giờ gặp bất cứ tác phẩm nào như thế trong kho tàng văn chương khổng lô về Cuôc Chiến Việt?Nam...”

Peter Zinoman, tác giả “Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision of Vu Trong Phung,” nhận định về “Mourning Headband for Hue”:

“Rất đơn giản, ‘Mourning Haedband for Hue’ là một tác phẩm lớn về chiến tranh thời hiện đại, và xứng đáng để được đọc bên cạnh All Quiet on the Western Front, Homage to Catalonia, Johnny Got His Gun, The Naked and the Dead, The things they Carried, va Black Hawk Down.”

Một số ấn bản đang bán với giá ghi ờ bìa sách là 30 Mỹ Kim, tại tòa soạn Việt Báo:

14841 Moran St.

Westminster, CA92683

Phone: 714.894.2500

Độc giả ở xa, xin mời tìm mua ở mạng Amazon (
http://www.amazon.com/), nếu mua trước ngày phát hành 20-8-2014 sẽ có giá $21.78, chưa tính thuế và cước phí.


Ngọc Lan/Người Việt
Thursday, April 24, 2014 7:30:16 PM

* Tác phẩm được đại học Indiana University Press chuyển ngữ và xuất bản

WESTMINSTER (NV).- Nếu không đọc được tin “Indiana University Press chuyển ngữ và xuất bản bút ký 'Giải Khăn Sô Cho Huế' của nhà văn Nhã Ca” thì có lẽ tôi vẫn còn chần chừ trong việc ngồi xuống và đọc một hơi từ đầu cho đến hết quyển sách 'kinh khủng' này.
Tôi chần chừ, bởi lẽ, tôi biết mình phải mất một thời gian mới có thể thoát khỏi tâm trạng nặng nề sau khi đọc xong những quyển tương tự như “Giải Khăn Sô Cho Huế”.

Tôi chần chừ, bởi lẽ, tôi biết tim mình bị bóp nghẹt và nước mắt tôi cứ chảy khi đọc về lịch sử của dân tộc mình, về sự tàn bạo của những người cùng tiếng nói, màu da đối với nhau, qua những điều được ghi lại, như nhà văn Nhã Ca đã ghi.

Nhưng cuối cùng, một đứa chào đời vài năm sau sự kiện Mậu Thân oan khốc 1968, là tôi, vẫn phải dành thời gian để đọc lại lịch sử dân tộc, cha anh mình, dù có bàng hoàng, đau đớn và thê lương đến mức nào. Nhất là khi “Giải Khăn Sô Cho Huế,” với những sự kiện diễn ra trong đó, được một giáo sư Sử học, Tiến sĩ Olga Dror của Đại học Texas A&M University, xúc cảm và chuyển văn bản này sang tiếng Anh, mang tên “Mourning Headband for Hue.”

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Người Việt về cơ duyên biết đến tác phẩm “Giải Khăn Sô Cho Huế”, Tiến Sĩ Olga Dror kể: “Khi tôi học về Việt Nam ở Liên Xô từ năm 1982 đến 1987, tôi không bao giờ nghe về Nhã Ca và 'Giải Khăn Sô Cho Huế' cũng như không được học về văn học miền Nam thời gian chiến tranh. Còn Tết Mậu Thân như thế nào thì tôi chỉ học theo lời giải thích của miền Bắc và của Liên Xô. Lần đầu tiên tôi đọc quyển này là khi đang học ở trường Đại Học Cornell.”

“Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ nghiên cứu về tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, năm 2003, tôi bắt đầu nghiên cứu về chiến trận ở Việt Nam và đã đọc rất nhiều tài liệu. 'Giải Khăn Sô Cho Huế' là một trong những cuốn đầu tiên trong số các tác phẩm văn học Việt Nam và tài liệu lịch sử trước đây tôi đã muốn đọc bằng tiếng Việt.” Tiến Sĩ Dror nói tiếp.

Về lý do chọn dịch tác phẩm này sang Anh Ngữ, Tiến Sĩ Dror, vị giáo sư được coi là một trong những học giả am hiểu nhất về văn hoá và lịch sử Việt Nam, cho biết, “Tôi nghĩ 'Giải Khăn Sô Cho Huế' là một cuốn rất quan trọng bởi nó không chỉ mô tả về thường dân mà nó còn là tiếng nói của văn học miền Nam. Phần lớn các tác phẩm xuất hiện trong thời chiến tranh được dịch ra tiếng Anh đều từ miền Bắc. Tôi nghĩ người Mỹ cũng phải nghe tiếng nói của miền Nam vì đó là một bộ phận cốt yếu trong cuộc xung đột kia. Thế là tôi quyết định dịch 'Giải Khăn Sô Cho Huế' ra tiếng Anh.”

Tóm tắt một cách ngắn gọn về nội dung “Giải Khăn Sô Cho Huế” (Mourning Headband for Hue), Tiến Sĩ Olga Dror viết:

“Việt Nam, Tháng Giêng, 1968. Trong khi cư dân Huế sửa soạn mừng Tết, khởi đầu của năm Âm lịch, Nhã Ca về thành phố để chịu tang thân phụ. Thình lình, chiến tranh bùng nổ, trùm lấp và đổi thay tất cả. Sau một tháng chiến trận, thành phố đẹp đẽ bị tàn phá và hàng ngàn người chết. 'Giải Khăn Sô Cho Huế' kể lại những chuyện đã xẩy ra trong cuộc Tổng công kích dữ dội của miền Bắc Việt Nam và đây là câu chuyện không màu mè về cuộc chiến, những kinh nghiệm từ các thường dân bị dìm trong bạo lực.”

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình chuyển ngữ “Giải Khăn Sô Cho Huế” sang “Mourning Headband for Hue,” vị giáo sư của Đại học Texas A&M University cho rằng “Quá trình dịch khó lắm!”

“Sự khó khăn này không chỉ phụ thuộc vào trình độ của tiếng mẹ đẻ hay tiếng nước ngoài. Theo tôi, sự hiểu biết về văn hóa, về thời gian lịch sử là khó hơn và rất cần thiết. Tôi nghĩ rằng người dịch phải cố gắng, ngay cả cố gắng 'sống' thay tình cảm của con người trong quyển sách để phản ánh thay tình cảm và ý kiến này. Đấy là rất khó! Không có ai, trừ người Huế đã sống qua thời gian Tết Mậu Thân đó mới có thể thay được... Tôi đã gắng hết sức mình.” Tiến sĩ Olga giải thích.

“Đối với tôi, tiếng Việt trong 'Giải Khăn Sô Cho Huế' không dễ đâu. Nhưng bà Nhã Ca và ông Trần Dạ Từ cùng chồng, con, bạn bè và đồng nghiệp tôi đã giúp tôi rất nhiều. Nếu không có sự giúp đỡ đó, tôi không thể dịch được.” Bà nói thêm.

Nói về sự chuyển ngữ và sách được nhà xuất bản bởi Indiana University Press, Nhà văn Nhã Ca, tác giả “Giải Khăn Sô Cho Huế” cho biết:

“Cuốn sách này được viết đến nay đã 45 năm. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ đến chuyện cho dịch quyển sách này ra tiếng Anh để mọi người biết về thảm cảnh Mậu Thân. Nhưng sang đây cứ bận nhiều việc quá, tình cờ cô Olga liên lạc với tôi, nói rằng cô đọc cuốn này rất là thích và muốn dịch ra tiếng Anh, tôi có thể giúp cô trong việc dịch được không. Tôi thấy vui và rất sẵn sàng.”

“Chúng tôi làm việc gần cả năm trời, cô làm việc cẩn thận một cách kinh khủng. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một dịch giả nào lại làm việc với tác giả và tác phẩm một cách cặn kẽ, chu đáo như thế. Gần cả năm quyển sách mới hoàn thành. Một vài nơi muốn in, trong đó có cả Đại Học Cornell. Cuối cùng chúng tôi chọn nhà xuất bản Indiana University Press vì trong trường này có cả một tủ sách về chiến tranh Việt Nam, về miền Nam Việt Nam.” Nhà văn Nhã Ca nhận xét về người chuyển ngữ “Giải Khăn Sô Cho Huế” sang tiếng Anh.

“Trận đánh đến bao giờ mới tàn đây. Và thành phố đến hôm nay nữa có bao nhiêu xác chết. Nằm im một chỗ trong bóng tối, dưới hầm sâu, tôi không có thể hình dung ra sự đổ nát, tang thương của thành phố. Chừng đó tiếng súng, chừng đó đại bác, chừng đó bom cũng đã đủ rách nát cả thành phố nhỏ bé, quê hương thân yêu của tôi rồi. Tôi ngạc nhiên khi nghĩ rằng tại sao tất cả súng đạn, từ Mỹ, từ Nga, từ Tiệp Khắc bỗng nằm trên tay người Bắc Việt, người Nam Việt, đổ xuống một thành phố nhỏ bé, hiền lành như thành phố Huế. Bom đạn từ những nước nào thật xa xôi, với danh nghĩa giúp đỡ miền Nam, viện trợ miền Bắc, bỗng dưng cùng tập trung vào một thành phố nhỏ, banh thịt trẻ thơ, cắt lìa tay chân, mặt mũi bao người... Không, không phải chỉ một mình Huế, mà hình như trên bao nhiêu tỉnh khác, cả Sài Gòn, nơi các con tôi, nơi chồng tôi đang sống cũng có những hình ảnh này nữa. Cũng bom đạn, nhà cháy, tan nát, chết chóc. Nhưng tôi bỗng nhiên cứ tin chắc rằng không có nơi nào chịu cảnh khổ cùng cực như Huế, nơi chúng tôi đang chịu.”

“Người chạy với chó, chó chạy với người. Những con chó ở đâu chạy theo đoàn người mà nhiều thế không biết. Một con chó đen bị những bước chen lấn, chạy tràn xuống một đầu cầu mép sông. Bỗng một phát súng nổ, con chó kêu một tiếng thảm thiết, lăn tròn và rơi xuống nước. Tiếng cười ồn ào nổi lên. Mấy người Mỹ đen, Mỹ trắng đứng trên cầu tiếp tục bắn ngăn không cho con chó lội lên bờ. Con chó cứ xa dần bờ, kêu oẳng oẳng, hết sức thảm thương. Những viên đạn vẫn bắn tới tấp nhưng hình như không định giết con chó, mà chỉ giữ không cho nó vào bờ. Có những viên đạn bắn trệch lên bờ đường, những viên khác dội xuống nước. Ðoàn người tản cư chạy tới hỗn loạn, kêu khóc rền trời. Tiếng kêu khóc càng to thì tiếng cười của một số người Mỹ bên kia sông cũng càng lớn. Ngã xuống rồi đứng dậy, đứng dậy rồi chúi nhủi. Dân tộc tôi đấy sao? Con chó đang cố lóp ngóp lội vào bờ tìm sự sống đó sao? Ðáng thương cho dân tôi, nước tôi, thân phận người dân không bằng một trò đùa, không bằng một con chó. Tôi cúi xuống nhặt hòn đá cầm chặt trong tay. Tôi bóp chặt hòn đá như bóp chặt tim mình. Quăng đi, liệng vào mặt chúng. Ðồ dã man, tàn bạo...”

“...Khóc lên đi, gào to lên nữa đi, khóc với quê hương yêu dấu đang quằn quại, đang gẫy xương sống. Ðoàn người đi qua, rồi đoàn khác tiếp tục. Những đôi mắt vàng úa, thất thần, những bàn tay níu chặt bọc quần áo, gia tài còn lại và đi mãi. Cỏ đã cháy, cây đã ngã, nhà đã sập. Giòng sông xanh thơ mộng mùa xuân đã loang đầy máu người, máu chó. Ðống gạch càng ngày càng cao. Hòn đá cầm chặt trong tay để làm gì. Tôi ném nó vào một ngôi nhà đổ. Hòn đá mất tăm luôn dấu vết.”

“Nhưng không khí dường như độc địa hẳn. Mắt mọi người lúc nào cũng cay xè. Thuốc hơi cay của quân đồng minh rải khắp nơi để bắt những giải phóng quân còn sót lại. Ngay sau khu vườn cách nhà tôi vài căn, có một ngôi nhà bỏ không, một chiếc hầm bỏ không, người ta cũng bơm hơi cay, xông ra một giải phóng quân bị thương, bị đồng đội bỏ lại. Và khi lên nhìn thấy ánh sáng thì hắn cũng vừa thở hắt ra mà chết. Ở trong hầm, dù đau đớn, hắn cũng viết nhật ký, viết thư gửi cho mẹ và em. Ðiều đặc biệt là hắn có một lá thư nguệch ngoạc viết phản đối chiến tranh nữa: Khi tôi chết, tôi muốn gối đầu lên đất Bắc, dù chân tôi ở miền Nam. Tôi đã gây cảnh đổ máu ở thành phố này, tôi phải để máu của tôi lại để hòa cùng với dòng máu oan ức của dân Huế, của dân tộc tôi. Người lính Biệt động đọc xong mấy dòng trên, anh vội nhét lá thư vào túi, rồi lặng lẽ bế xác tên Việt cộng, xác một người Việt Nam, ra vườn. Anh đào một cái hố nhỏ và chôn xác người miền Bắc chết cùng với dân Nam. Anh nhìn quanh quất, tính lui tính tới để tìm ra phương Bắc làm chỗ gối đầu cho kẻ bạc mệnh.”
...
45 năm sau khi “Giải Khăn Sô Cho Huế” ra đời, tôi mới đọc nó, qua những dòng như thế, những thảm kịch như thế, về một trong những trận chiến thảm khốc của dân tộc mình.

Tôi tự hỏi, những người trẻ gốc Việt ra đời sau cuộc chiến, lần đầu đọc “Mourning Headband for Hue” bằng tiếng Anh, có ngậm ngùi, đưa tay quẹt nước mắt như tôi không?

Tôi nghĩ là có, nếu họ có trong mình dòng máu của một người dân gốc Việt khi nhìn lại quá khứ đau thương của ông cha mình.

Cám ơn Tiến Sĩ Olga Dror đã giúp người Mỹ, có cả người Mỹ gốc Việt, có cái nhìn rõ hơn về Mậu Thân 68 tại Huế, qua “Mourning Headband for Hue”.

---
Liên lạc tác giả: Ngoclan@nguoi-viet.com




No comments:

Post a Comment

View My Stats