Monday 18 August 2014

ĐỨC QUỐC : ĐẠI HỘI 35 NĂM CAP ANAMUR TẠI CẢNG HAMBURG NGÀY 9-8-2014 (Lê Ngọc Châu)




on August 15, 2014 5:52 PM

Lá thư từ Đức Quốc

Chúng tôi có lần đã đề cập đến lý do tại sao có buổi Lễ Kỷ Niệm 35 Năm ngày CAP ANAMUR ra khơi cứu người Việt vượt biển tìm Tự Do được tổ chức tại Hamburg/Bắc Đức vào ngày 09.08.2014.
Và đúng như Ban tổ chức, gồm Ủy Ban Cap Anamur & Gruenhelme e. V. và Hội NVTNcs Hamburg e.V. đã thông báo, hôm thứ Bảy, ngày 09.08.2014 Cộng đồng người Việt tỵ nạn, đặc biệt các thuyền nhân được Cap Anamur cứu mạng từ khắp nơi trên toàn nước Đức nói chung cũng như nhiều thuyền nhân sau đó vì sinh kế đã đi định cư ở những quốc gia trên thế giới đã trở về Đức quốc mừng ngày kỷ niệm đúng 35 năm để nói lên lời tri ân đến vị ân nhân ông bà Neudeck, cám ơn Dân tộc Đức nói chung. Cap Anamur đã cứu vớt 11.300 thuyền nhân Việt Nam vì không thể sống nổi dưới chế độ cộng sản độc tài cai trị nên đã phải rời bỏ quê cha đất tổ, vượt biển Đông ra đi tìm Tự Do.

Hơn ngàn người đến từ khắp muôn phương đã tụ tập tại cảng Hamburg để cùng nhau tri ân Ủy Ban Cap Anamur, cám ơn vị đại ân nhân Ts. Neudeck là sáng lập viên con tàu Cap Anmaur cũng như cám ơn nhân dân và chính quyền Đức đã rộng lòng nhân ái giúp đỡ và thâu nhận người Việt tỵ nạn đến Đức định cư, sau khi được Cap Anamur cứu mạng trên đường vượt biển tìm Tự Do.

Chúng tôi nhận thấy ngoài ông bà Neudeck còn có sự hiện diện của các vị quan khách quan trọng thuộc chính giới Đức và các vị lãnh đạo tinh thần Đức như:
- Đức Tổng giám mục Hamburg
- Ông Bs. Philip Roesler nguyên phó thủ tướng Đức và là cựu chủ tịch đảng FPD.
- Ông Franz Muentefering (SPD), cựu Bộ trưởng Giao Thông Liên Bang, cựu Bộ trưởng Lao Động và Xã hội Liên Bang và nguyên Phó thủ tướng Đức.
- Ông Franz Alt, ký giả
- Dr. Hans-G. Tafel, Bác sĩ cấp cứu trên con tàu Cap Anamur
- Đại diện chính quyền thành phố Hamburg v. v…

Phía cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản chúng tôi thấy có:
- Bs. Mỹ Lâm chủ tịch Liên Hội NVTNcs tại CHLB Đức và hai thành viên Ban chấp hành là ông Trịnh Đổ Tôn Vinh và ông Nguyễn văn Rị.
- Phái đoàn Liên Hội Người Việt Canada
- Nhạc sĩ MC Nam Lộc Đại diện Asia
- Đại diện SBTN Hoa Thịnh Đốn.
- Cũng có vài hội đoàn ở Đức mà BTC không nêu danh nên cũng không thể biết được.

Đúng như chương trình, buổi Lễ kỷ niệm khai mạc lúc 14h00.

Nghi thức chào quốc kỳ và hát quốc ca Đức + Việt được tổ chức long trọng. Sau Lễ chào cờ Đức là Lễ chào cờ Việt Nam. Bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa đã vang lên thật trang nghiêm nơi bến cảng Hamburg này, địa điểm xuất phát của con tàu Nhân Ái Cap Anamur với sự đồng ca của người Việt tỵ nạn tham dự dưới lá cờ Vàng ba sọc đỏ (cờ VNCH) treo bên cạnh cờ Đức đang ngạo nghễ bay phất phới tại cảng Hamburg trong buổi Đại hội.

Ông Nguyễn Hữu Huấn (UB Cap Anamur) thay mặt Ban Tổ Chức chào mừng quý vị quan khách, đồng hương bằng hai ngôn ngữ là tiếng Đức và tiếng Anh.

Lần lượt những chức sắc lên khán đài phát biểu:
- Ông Franz Muetefering (SPD), nguyên phó thủ tướng Đức
- Đức Tổng Giám Mục Hamburg, Ts Hans-J. Jaschke
- Cựu phó thủ tướng Đức / cựu chủ tịch đảng FDP: Bs Phillip Roesler
- Franz Alt : nhà văn, Ký giả, TV Redaktion Baden-Baden
- Dr. med. Hans-G. Tafel, Bác sĩ cấp cứu trên con tàu Cap Anamur
- John Nguyễn, thế hệ thứ hai của thuyền nhân Cap Anamur.

Đa số các vị diễn giả kể trên, từ Đức Tổng Giám Mục, Ts Neudeck cho tới các chính trị gia Đức Muentefering, Roesler hay ký giả F. Alt … đều rất khen ngợi sự hội nhập tốt đẹp và sự thông minh của những con cái người Việt thuyền nhân trong những trường học với những thành quả tốt. Rất nhiều con cái của thuyền nhân thành đạt trên con đường học vấn và siêng năng làm việc đóng góp vào xã hội Đức hiện nay đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư, giáo viên v.v…

Đặc biệt, trong bài phát biểu và chia sẻ TS Neudeck có nói một câu rất rõ ràng: “Tôi là người Việt Nam!” (Ich bin ein Vietnamese). Tham dự viên hiện diện tại công trường reo hò vỗ tay tán thưởng. Riêng ông Bs cấp cứu thì nói ra ước vọng là làm sao học giỏi tiếng Việt để có thể cùng hát nhạc Việt Nam…

Ts Neudeck cũng đã tóm tắt, nhắc lại nguyên nhân thúc đẩy ông thành lập Ủy ban và sự ra đời của tàu Cap Anamur. Ôn lại đoạn đường chông gai 35 năm về trước với những hình ảnh hãi hùng xảy ra đối với thuyền nhân Việt vưoợt biển đi tim Tự do, cuối cùng ông quyết định liều để thuê con tàu Cap Anamur ra khơi cứu người Việt nam tỵ nan trên biến Đông, mặc dù chưa biết khi cứu được họ rồi sẽ ra sao một khi mà chính phủ Đức vào thời điểm này chưa có chương trình nhận những “Boat people Việt Nam”. Ông cũng nhắc đến một người luôn bênh vực và giúp đỡ người Việt tỵ nạn chúng ta cũng có mặt hôm nay đó là ký giả truyền hình Franz Alt và đặc biệt Ts Neudeck không quên nhắc đến Ts Ernst Albrecht (CDU), thống đốc tiểu bang Niedersachsen là chính trị gia Đức đầu tiên mở vòng tay nhân đạo thu nhận thuyền nhân Việt Nam.

Đây là những vị ân nhân của chúng ta vì lúc bây giờ nếu không có những bài báo và chương trình do ông Franz Alt điều khiển đưa lên truyền hình kêu gọi người dân Đức, và từ đó được dân chúng Đức chú ý. Cuối cùng nhân dân Đức biết đến và họ giúp đỡ tài chánh để con tàu có phương tiện, có tiền mua thực phẩm thuốc men để đi cứu thuyền nhân Việt tại biển Đông.

Xen kẽ là phần trình diễn với màn vũ “Uống Nước Nhớ Nguồn” do Ban Văn Vũ Điểm Sáng đến từ Darmstadt trình diễn. Ngoài ra có những màn trình diễn văn nghệ với sự đóng góp của hai chị em thiếu nữ xinh đẹp đến từ thành phố Moenchengladbach / Niederrhein là Thụy Vi và Thụy Khanh với nhạc phẩm “I Say Go” cũng như hai bài hát do Hội NVTNCs Hamburg trình bày mà rất tiếc tôi chỉ có thể nhớ được tên bài hát đầy ý nghĩa mang tên “Cap Anamur”! Bài hát Cap Anamur đã vang lên trên cảng Hamburg ngày 09.08.2014, lời ca và nội dung bài hát thật cảm động phản ảnh rõ nét tình bác ái yêu thương, và cái tên Cap Anamur chắc chắn sẽ không bao giờ phai mờ trong trái tim của những người tỵ nạn cộng sản Việt Nam, nhất là đối với những thuyền nhân đã được con Tàu Nhân Đạo “Cap Anamur” cứu mạng trên biển Đông cách đây 35 năm về trước.

Buổi Lễ Kỷ Niệm diễn ra thật tốt đẹp vui vẻ với bài phát biểu cuối cùng của một chàng trai Việt 26 tuổi, John Nguyễn, sinh ra và lớn lên ở Đức, là chính trị gia của đảng FDP ở Hamburg, như thân mẫu của anh ta nói nhỏ cho tôi biết hiện đang làm đến chức Regierungsoberinspekteur (tạm dịch: Thanh tra tối cao của chính quyền tiểu bang Hamburg).

John Nguyễn với giọng nói mạch lạc, rõ ràng bằng tiếng Đức đã bày tỏ tâm sự của mình cùng tuổi trẻ đồng trang lứa: “Chúng ta cần giữ gìn cả hai nền văn hóa Việt và Đức! Tôi mong rằng trong tương lai sẽ có nhiều người Việt Nam tuổi trẻ đi theo ngành chính trị để sau này có cơ hội giúp cho đất nước Việt Nam. Anh ta cũng đề cập đến thể thao sau khi Đức đoạt chức Vô địch túc cầu thế giới. John Nguyễn đưa ra câu hỏi: Trong giới trẻ việt Nam với những tên như Uwe, Lars, Christian… thì khi nào HLV Loew sẽ tuyển lựa được một cầu thủ quốc gia Đức, gốc Việt?!.

Trước khi kết thúc buổi Đại hội, anh hội trưởng HNVTNcs Hamburg, đồng ban tổ chức với Ủy Ban Cap Anamur, Lê Ngọc Tùng đã lên sân khấu mời và kêu gọi đồng hương đến tham dự một chương trình văn nghệ ca nhạc vào buổi chiểu, đánh dấu sự tri ân cũng như là dịp hội ngộ giữa những thuyền nhân may mắn được tàu Cap Anamur cứu mạng, đặc biệt với vị ân nhân của mình: vợ chồng ông bà Ts Neudeck.

Buổi Lễ Kỷ Niệm tổ chức ở tượng đài tại cảng Hamburg thành công mỹ mãn và chấm dứt vào lúc 16 giờ như ban tổ chức đã thông báo.

Và để kết thúc bài tóm lược của tôi, đã đến tham dự Đại Hội với tư cách là khách mới tôi kính mời quý vị độc giả theo dõi buổi Lễ Kỷ Niệm, 35 Năm Cap Anamur tổ chức ngày 09-08-2014 tại Cảng Hamburg/ Đức Quốc do Ủy Ban Cap Anamur e.V. & Hội NVTNcs Hamburg e.V. tổ chức tại cảng Hamburg qua Video do tôi thực hiện và đã đưa lên Youtube. Rất tiếc phim ảnh giới hạn, hơn nữa lại được ghi nhận với máy Digitalcamera nhỏ, loại bỏ túi nên mong quý độc giả hoan hỷ cho mọi sơ sót, nếu có!.

Mời quý vị thưởng lãm theo đường Link (Video dài 42min và xin tùy nghi phổ biến):
http://youtu.be/e3FPw6rkzR0
https://www.youtube.com/watch? v=e3FPw6rkzR0&feature=youtu.be

© Tham dự viên Lê Ngọc Châu tóm lược
(Nam Đức, ngày 14.08.2014)

-----------------------




on August 14, 2014 8:54 AM

Vào ngày 9.8.1979 lúc 15g23 con tầu mang tên CAP ANAMUR, do người khởi xướng là đôi vợ chồng Dr. Rupert Neudeck – đã xuất phát từ một cảng của Nhật để tiến ra Biển Đông với chỉ một nhiệm vụ nhân đạo duy nhất nhằm cứu vớt các thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam. Thứ bẩy tới này, ngày 9.8.2014 dịp kỷ niệm CAP ANAMUR tròn 35 tuổi, ông Dr. Neudeck đã hồi tưởng diễn tả lại: “Cuộc vượt biên của hàng trăm ngàn người dân Việt Nam trên vùng Biển Đông giống như một đại họa của cơn sóng thần.” Tiếp theo ông Dr. Neudeck, vừa mừng sinh nhật thứ 75 của ông vào tháng 5 vừa qua, đã không hề hối tiếc về việc khởi xướng CAP ANAMUR mà còn tự hào khen ngợi các thuyền nhân đến định cư tại Đức đã trở thành “đứa con cưng” của dân tộc Đức. Dịp này ông Dr. Neudeck ước muốn những người Việt Nam và thế hệ nối tiếp hãy tỏ lòng “cám ơn đến những công dân Đức cho một trong những hành động cứu người đẹp nhất trong lịch sử hậu chiến của Đức”.

Ðúng 11.300 thuyền nhân Việt Nam đã được cứu vớt tại Biển Đông do con tàu nhân đạo Cap Anamur quyết định ra khơi từ năm 1979. Chi tiết được ghi lại như sau:
- Cap Anamur 1 ra khơi từ tháng 9.1979 đến tháng 5.1982: cứu vớt 9.507 thuyền nhân.
- Cap Anamur 2 ra khơi từ tháng 3.1986 đến tháng 7.1986: cứu vớt 888 thuyền nhân.
- Cap Anamur 3 ra khơi từ tháng 4.1987 đến tháng 7.1987: cứu vớt 905 thuyền nhân.

Từ năm 1975 cả thế giới đều rất bình thản nhìn về Biển Đông với bao thảm cảnh thuyền nhân bị chết chìm trong lòng biển sâu. Tại Ðức chỉ có một mình thủ hiến của tiểu bang Niedersachsen là ông Dr. Ernst Albrecht động lòng trắc ẩn và đã quyết định đơn phương vào ngày 21.11.1978 đón nhận 800 thuyền nhân của con tàu “Hải Hồng” vào tiểu bang của ông, từ đó nước Ðức mới mở rộng cửa cho người tỵ nạn Việt Nam. Vào dịp lễ Giáng Sinh 1978 khoảng 1.200 người Việt Nam đã mừng lễ Chúa Giáng Sinh đầu tiên trên nước Ðức lúc bấy giờ. Chỉ trong khoảnh khắc này người Ðức tại tiểu bang Niedersachsen đã quyên góp hơn 1 triệu Ðức Mã để giúp đỡ người Việt Nam tỵ nạn hội nhập tốt vào xã hội Ðức.

Thuở ấy mỗi ngày tin tức về người Việt đã nhập cư vào Ðức đều trở thành tin sốt dẻo và gây lên lòng thương cảm nơi người Ðức dành cho những thuyền nhân Việt Nam. Sự việc trên đã đánh động lương tâm nhiều người đang đấu tranh cho Nhân Quyền nổi tiếng lúc đó tại Đức và Pháp. Ở Paris đã có bác sĩ Bernard Kouchner, triết gia Andre Gluecksmann, triết gia Jean-Paul Sartre. Tại Đức có danh hào Heinrich Boell, có Mục sư Heinrich Albert, có nữ thi sĩ Hilde Domin và trong lãnh vực chính trị có ông Dr. Ernst Albrecht – thủ hiến tiểu bang Niedersachsen, và ông Johannes Rau – thủ hiến tiểu bang Nordrhein-Westfalen (sau này là tổng thống Ðức) và còn nhiều vị khác nữa. Lúc ấy cố danh hào Heinrich Boell khuyến khích ông Neudeck rằng: “Bạn Neudeck ơi, chúng ta phải ra tay hành động!” Đó là hiệu lệnh và là viên đá đặt nền móng cho một công cuộc cứu vớt người vượt biển vĩ đại cho đến nay. Ông Dr. Neudeck đánh giá việc ra khơi của Cap Anamur sau 35 năm như sau: đó là “một trong những hành động cứu người đẹp nhất trong lịch sử hậu chiến của Đức.”

Thuở ấy là những người bạn cùng lý tưởng, họ đã khuyến khích và nâng đỡ ông Dr. Rupert Neudeck – người chủ xướng phong trào cứu vớt người Việt tại biển đông – tìm một chiếc tàu để ra khơi. Một con tàu đã được mua lại và được đặt tên là CAP ANAMUR. Nhóm Bác Sĩ Thiện Nguyện Không Biên Giới cũng ra khơi cộng tác chung với ông Dr. Neudeck. Cho đến chuyến ra khơi cuối cùng vào năm 1987 tàu nhân đạo Cap Anamur đã cứu vớt được tất cả 11.300 thuyền nhân và khoảng 35.000 người tỵ nạn đã được chăm sóc y tế trên con tàu này. Con tàu Cap Anamur có thể ra khơi đến Biển Đông trong một thời gian dài là nhờ vào lòng hảo tâm của 10 triệu người Đức đã ủng hộ tài chính. “Đó là một hành động (có một không hai) của một xã hội dân sự Đức thuở bấy giờ”, theo ông Dr. Neudek nhận định về sự đóng góp lớn lao này.

Vào ngày 9.8.2014 là dịp để người Việt Nam nói chung và các thuyền nhân nói riêng nhìn lại ơn cứu mạng trên cuộc hành trình vượt biển nguy hiểm và có thể nói lên lòng biết ơn đến Ủy Ban Cap Anamur và đặc biệt ông bà Dr. Rupert Neudeck, là những người ân nhân vĩ đại luôn được khắc ghi thật sâu trong lòng mỗi người Việt Nam đang sống tại Ðức quốc.

Tiếp theo, nhìn lại 35 năm vừa qua chúng ta cũng không được phép quên là biết bao nhiêu gia đình đã được đoàn tụ tại Đức quốc từ những người đã được tàu Cap Anamur cứu vớt. Nhiều người Việt đang hưởng được cuộc sống tự do, dân chủ và phồn thịnh tại Ðức là nhờ vào lòng nhân đạo vô bến bờ của dân tộc Ðức trao tặng cho chúng ta lúc bấy giờ.

Mọi người Viêt Nam chúng ta được mời gọi qua cách này hoặc cách khác hãy nhớ đến các vị ân nhân trong dịp kỷ niệm 35 năm của Cap Anamur, đặc biệt tưởng nhớ – qua một nén hương hoặc một câu kinh – đến những vị ân nhân đã qua đời: danh hào Heinrich Boell, vị chủ tầu hảo tâm Hans Voss, ông Franz Koenig, vị bác sĩ huyền thoại trên tàu Cap Anamur, cũng như vị thuyền trưởng nổi tiếng Rolf Wangnik.

Cách đây 10 năm, không điều gì hãnh diện cho bằng khi chúng ta lại được nghe ông Dr. Rupert Neudeck nói riêng về người Việt Nam và nhắc đến một chi tiết về người Công Giáo mà ông đã cứu vớt từ biển đông: “Những người thuyền nhân Việt Nam này là nhóm người ngoại quốc ưu tú nhất mà người Đức vẫn từng mơ ước rằng, đó là những đồng hương mới của họ. Sự hội nhập của họ thật là tốt đẹp. Chẳng hạn họ (khoảng 16 ngàn người Công Giáo Việt Nam tại Ðức) mà đã cống hiến cho Giáo Hội Công Giáo Đức được 20 linh mục và 12 nữ tu, là những tu sĩ mà Giáo Hội Công Giáo Đức đang rất cần đến”.
Vị đại ân nhân của con tàu Hải Hồng, ông Dr. Ernst Albrecht – cựu thủ hiến tiểu bang Niedersachsen, đã một lần phát biểu trên tờ báo nổi tiếng “Hannoversche Allgenmeine Zeitung”: “Người tỵ nạn Việt Nam chính là quà tặng cho dân tộc Ðức chúng tôi.“

Mời gọi tiếp tay với lý tưởng cứu giúp nhân đạo của CAP ANAMUR

Chương trình cứu vớt Thuyền Nhân Việt Nam của Cap Anamur đã được chấm dứt vào năm 1987, tuy nhiên hội thiện nguyện Cap Anamur vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay nhằm giúp đỡ nhân đạo các nạn nhân chiến tranh và thiên tai tại Philippines, Kenia, Syrien, Ruanda và Kongo. Sau hoạt động của con tàu Cap Anamur ông Dr. Rupert Neudeck đã sáng lập thêm một hội thiện nguyện khác mang danh Hội Mũ Xanh (Grünhelme) để tiếp tục lý tưởng giúp đỡ tha nhân của ông. Ai vào trong trang mạng www.grünhelme.orgwww.cap-anamur.org đều nhìn thấy lời mời gọi các ân nhân đóng góp qua những từ ngữ “Spenden” và “Ihre Spende hilft!”. Hiện nay hai hội Thiện Nguyện đang hoạt động cứu trợ nhân đạo tại 60 quốc gia trên thế giới.

Thiết tưởng cách đây 35 năm có đến 10 triệu người Đức đã liên tục đóng góp cho Cap Anamur để có thể ra khơi tại Biển Đông cứu vớt hơn 10 ngàn thuyền nhân Việt Nam, thì lúc này người Việt Nam chúng ta trong tâm tình biết ơn Cap Anamur có thể liên kết thêm với Cap Anamur để lý tưởng nhân đạo cứu người tiếp tục mang đến cho các dân tộc khác.

Vào ngày 1.8.2014 Văn Phòng Cap Anamur viết thư mừng sinh nhật thứ 35 cũng có nhắc đến việc kêu gọi đóng góp trực tiếp:
http://www.cap-anamur.org/projekte/projektberichte/35-jahre-cap-anamur

Với câu kết, chủ tịch Cap Anamur đương thời, ông Werner Strahl nhắc đến “Việc cứu người đã làm cho danh gọi Cap Anamur được mọi người biết đến và được thực hiện mạnh mẽ và điều đó cũng là sức mạnh của tổ chức này. Chúng tôi đã bắt đầu từ 5 € cho đến các vị bác sĩ giải phẫu tình nguyện đi phục vụ ở nước ngoài nửa năm.” Và cuối thư số Konto đóng góp trực tiếp cho hội thiện nguyện Cap Anamur được ghi ra.

Tiện nhất, có thể đóng góp bằng Online, xin vào trang mạng trao tặng trực tiếp:

1. http://www.cap-anamur.org/service/jede-spende-hilft
(Trang này có thêm tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha)
hoặc qua nhà Bank mang tên
Cap Anamur / Deutsche Not-Ärzte e.V.
Kontonummer: 2 222 222
Bankleitzahl: 370 50 198
Sparkasse Köln-Bonn

2. http://www.grünhelme.org/?page_id=831
hoặc qua nhà Bank mang tên
Grünhelme e.V.
Kontonummer: 2000008
Bankleitzahl: 700 700 74
Deutsche Bank München




No comments:

Post a Comment

View My Stats