Tuesday, 18 March 2014

VLADIMIR PUTIN SẼ ĐI TỚI ĐÂU SAU CRIMEA ? (Anh Vũ - RFI)




Anh Vũ  -  RFI
Thứ ba 18 Tháng Ba 2014

Cuộc trưng cầu dân ý tại Crimée với tỷ lệ kỷ lục 96% đồng ý sáp nhập nước cộng hoà tự trị thuộc Ukraina này vào Nga, cùng với sự sẵn sàng đón nhận của Matxcơva và cá nhân tổng thống Putin, các nước phương Tây ra tay trừng phạt Nga nhưngkhông khỏi lo ngại về tham vọng của Kremlin. Đó là những khía cạnh được hầu hết các báo Pháp quan tâm khai thác triệt để.

Câu hỏi lớn mà Le Monde đặt ra trên trang nhất : « Sau trưng cầu dân ý tại Crimée, Vladimir Putin sẽ đi tới đâu ? ». Còn trang nhất tờ báo công giáo La Croix chạy tựa : « Điều mà Putin đang tìm kiếm » trên nền bức ảnh khổ lớn người biểu tình tại Simféropol tay cầm lá cờ Nga và Liên Xô cũ, phía sau họ là bức tượng lớn của Lê Nin. Le Figarro thì quan tâm nhiều đến phản ứng của các nước phương Tây với các bài : « Trừng phạt : Châu Âu thận trọng với Kremlin ». Cùng chung nhận xét Les Echos chạy tựa : « Crimée : Các nước châu Âu đưa ra các biện pháp trừng phạt rất chừng mực với Matxcơva ».

Trở lại với tham vọng của tổng thống Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Le Monde cho rằng Crimée mới chỉ là màn đầu tiên và tự hỏi đến bao giờ thì sẽ là màn hai trong ván bài của tổng thống Nga ? Tờ báo nhận định, việc Matxcơva khăng khăng không thừa nhận chính quyền mới tại Kiev là một tín hiệu rất xấu.

Binh lính Nga đã tập trung sát biên giới phía đông Ukraina. Gót giầy của quân Nga rất có thể sẽ tiến tới cả những thành phố khác của Ukraina như Donetsk, Kharkov, Lougansk hay thậm chí Odessa. Le Monde còn dẫn thêm tin đồn được tờ báo Mỹ New York Times đăng tải, theo đó kế hoạch của ông Putin với Ukraina đã được quyết định từ hôm 25 hay 26 tháng Hai trong một cuộc họp kín với ba trong số những người thân tín nhất của tổng thống, từng là cộng sự của ông ta khi còn ở cơ quan tình báo KGB.

Le Monde dẫn lời ông Serguei Markov, một nhà chính trị học thân chính quyền tại Matxcơva hôm thứ Hai (17/3) kêu gọi trên đài phát thanh Kommersant: « Cần phải giải phóng miền đông và nam Ukraina khỏi nỗi kinh hoảng của quốc xã ». Tờ báo cũng ghi nhận thấy rõ là những hình ảnh được phát đi liên tục trong những ngày qua trên truyền hình Nga là những cảnh đất nước đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn : Nào là những hình ảnh lính dù tập đổ bộ tại Rostov và Ivanovo, tập bắn pháo ở biên giới Ukraina, thiết bị quân sự được chuyển bằng tàu hoả từ Siberi....

Rõ ràng là một cuộc chiến tranh đang được chuẩn bị còn có nổ ra hay không thì điều này phụ thuộc vào kế hoạch của ông Putin, cho đến giờ vẫn chơi lá bài mập mờ.

Chuyển qua nhật báo la Croix, đặt câu hỏi « điều Putin đang tìm kiếm là gì ?», nhật báo Công giáo trả lời thẳng : « Putin không muốn một nước Ukraina cắt đứt với Matxcơva ». Theo tờ báo, « bất lực và lúng túng, chính quyền Kiev và các đồng minh phương Tây giờ đây đang cố giải mã xem sắp tới Matxcơva sẽ còn ra đòn gì sắp tới.

Ai cũng đều ghi nhận thấy rằng nghị viện Nga đã bỏ phiếu thông qua từ hôm 1/3 nghị quyết mở đường cho sự xâm lược quân sự vào Ukraina với lý do cộng đồng thiểu số người nói tiếng Nga có thể bị đe doạ bởi những « nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ».

Kiev và phương Tây vẫn theo dõi các cuộc tập trận của Nga ở sát biên giới, lên án việc triển khai những đội quân vũ trang Nga trá hình tại Crimée ». Trước diễn biến hiện nay là Crimée đã được sáp nhập vào Nga, La Croix lại đặt câu hỏi : « Những mưu đồ lớn của Vladimir Putin sẽ dừng lại ở đâu ? ».
La Croix dẫn lời ông Thomas Gomart, chuyên gia về Nga thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp cũng thắng mắc « Phải chăng Tổng thống Nga đang chuẩn bị chia cắt Ukraina ? »

Nhà nghiên cứu này nhận định : « Bằng cách từ chối trả lời, ông Putin đang khôn khéo giữ ý đồ mập mờ ». La Croix kết luận đó là cách chứng tỏ ông ta vẫn nắm trong tay số phận của người láng giềng Ukraina.

Nhà nghiên cứu Thomas Gomart nhận định thêm : Ông Putin biết là không thể phủ nhận nền độc lập Ukraina nhưng ông ta chỉ dung thứ một nền độc lập có giới hạn, một nền độc lập không chủ quyền ».
La Croix dẫn phân tích của ông Jean Radvany, chuyên gia về Nga của Viện ngôn ngữ và Văn minh Phương đông Pháp (Inalco) : « Nếu Ukraina gia nhập NATO, nước Nga sẽ ủng hộ tiến hành trưng cầu dân ý ở miền đông đất nước. Việc buộc người Ukraina phải lựa chọn giữa một bên là Nga và một bên là phương Tây đã dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay. Sự xuống thang chỉ có, khi Ukraina trở nên trung lập ».

Trừng phạt Nga, phản ứng có giới hạn

Bác bỏ ngay từ đầu cuộc trưng cầu dân ý tại Crimée được đánh giá « là bất hợp pháp », các nước trong Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ đã có phản ứng tức thì bằng thông báo trừng phạt : Phong toả tài sản, cấm nhập cảnh đối với nhiều quan chức, doanh nhân Nga và Ukraina. Tuy nhiên các báo Pháp chung nhận định các biện pháp trừng phạt đó vẫn còn hạn chế và hiệu quả cũng rất giới hạn.

Les Echos chạy tựa bài viết : « Crimée : Các nước châu Âu đưa ra các trừng phạt rất cân nhắc nhằm vào Matxcơva ». La Croix thì nhìn thấy những biện pháp trừng phạt này có thể gây rủi ro cho chính Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu. Chưa nói đến vẫn đề kinh tế, theo la Croix, các quyết định trừng phạt của phương Tây có thể gây tổn hại đến các cuộc đàm phán xung quanh những hồ sơ lớn như Syria, hạt nhân Iran mà các phương Tây đang rất mong chờ vào sự tham gia tích cực của Nga.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đều được đánh giá là không mang lại nhiều hiệu quả, và thậm chí còn phản tác dụng. Vậy thì phương Tây muốn thu được gì từ người Nga qua các phản ứng này ? Nhật báo kinh tế Les Echos lý giải rằng : Trước mắt họ muốn người Nga để yên cho phần còn lại của Ukraina, duy trì nguyên trạng trong các vùng lãnh thổ khác cũng có đông người gốc Nga như trong các nước vùng Baltic hay Moldavi. Ngoài ra phản ứng của phương Tây cũng chỉ nhằm khẳng định lại một điều rằng cộng đồng quốc tế có các quy định và Vladimir Putin có bổn phận phải tôn trọng. Để đạt được như vậy, mỗi bên phải tự nhìn thấy cái lợi cho mình để đàm phán.



No comments:

Post a Comment

View My Stats