Thursday, 13 March 2014

VIỆT NAM HÔM NAY, NGÀY 13-3-2014 (PV.VRNs)




PV.VRNs
Đăng ngày: 13.03.2014

VRNs (13.3.2014) – Sài Gòn - 

1. Một bị can chết trong tư thế treo cổ tại nhà tạm giữ
Tuổi Trẻ đưa tin, công dân Huỳnh Nhất Trung bị công an huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định tạm giữ về tội cướp tài sản hồi cuối tháng 1.2014. Nhưng vào lúc 17 giờ, ngày 11.03, công dân Huỳnh Nhất Trung chết trong tư thế treo cổ, không có ngoại lực tác động.
Báo Pháp Luật cho hay, đang điều tra về nguyên nhân dẫn đến cái chết của công dân Huỳnh Nhất Trung. Gia đình nạn nhân yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức khâm liệm tử thi tại nhà tạm giữ mới đưa về nhà mai táng.
Tuổi Trẻ cho biết thêm, sáng ngày 12.03, gia đình nạn nhân đã mang thi thể về nhà để lo hậu sự.
Hungvan đặt câu hỏi: “Có quá nhiều nạn nhân chết tại nhà tạm giam, tạm giữ của công an !!! Có phải họ tự tử không hay là những cái chết oan tức tưởi ? Cần điều tra làm rõ để dân biết!”. TEO NGUYEN phản hồi: “TRONG TRẠI GIAM CÓ SẴN DÂY ĐỂ TREO CỔ AH? …ĐIỀU TRA RỒI CHUYỆN NÀY CŨNG CHÌM THÔI BẠN AH.”
Gần đây, nhiều người dân sau khi làm việc với công an đã chết trong trụ sở làm việc với nghi vấn được đặt ra là treo cổ tự tử như trường hợp của ông Đỗ Duy Việt sống ở tỉnh Thanh Hóa, hoặc trong trường hợp của ông Nguyễn Công Nhựt đã treo cổ tự tử ở trong trụ sở Công an huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương…

2. RSF tố cáo Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam là kẻ thù của internet

RFI cho biết, tổ chức Phóng viên không biên giới – RSF- vừa công bố bản báo cáo « Những kẻ thù của internet » ngày 12/03/2014, nhân ngày thế giới chống kiểm duyệt internet.
Bản báo cáo năm nay của RSF đã nêu đích danh Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam, đặc biệt là Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, trực thuộc Bộ này, là kẻ thù của internet.
RSF cáo buộc Việt Nam không ngần ngại lạm dụng các điều khoản 88 và 79 trong Bộ Luật hình sự để bỏ tù những người làm thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền còn tiến hành chính sách riêng của mình để kiểm duyệt internet một cách khắc nghiệt và tỉ mỉ.
Theo đó nghị định 97 và nghị định 174, đưa ra những biện pháp trừng phạt đối với cư dân mạng đăng các bài có nội dung « tuyên truyền chống Nhà nước » hoặc « các tư tưởng phản động » trên mạng xã hội.
Thậm chí nghị định 72 vừa ban hành còn cấm cả việc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin của báo chí.

Tờ Tuổi Trẻ cho biết, gần đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam vừa xử phạt một thanh niên 25 triệu đồng vì đưa tin ‘bịa đặt lên Facebook.
Bài báo cho biết, anh Ngô Đình Sơn, 21 tuổi, ở Quảng Bình đã bị phạt 25 triệu đồng vì lập trang cá nhân nhưng sử dụng như trang ‘thông tin tổng hợp và tung tin xuyên tạc, bịa đặt trên Internet.
Sơn đã tung tin trên trang Facebook “Quảng Bình quê ta ơi” về một thanh niên đi xe ôtô Camry qua địa bàn xã Quang Phú (Đồng Hới) và va chạm với một ôtô vận tải. Sau va chạm, tài xế xe Camry đã rút súng ngắn bắn chết hai người đi trên xe tải rồi lên xe Camry trốn chạy.
Bài báo nhận định, hành động trên ‘gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.’ Còn theo đại tá Hoàng Trinh, trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Quảng Bình, tin bịa đặt này đã gây ‘hoang mang trong dư luận xã hội’ ở Quảng Bình.
Điều đáng nghi vấn ở đây là dựa vào số liệu nào, hay thống kê nào mà đại tá Trinh cho rằng tin bịa đặt trên đã gây ‘hoang mang trong dư luận xã hội’ ở Quảng Bình. Và bài báo cũng không nhắc đến danh tính cá nhân nào bị thiệt hại về danh dự (nếu có) đâm đơn kiện anh Sơn.

Pv.VRNs



No comments:

Post a Comment

View My Stats