Thursday, 13 March 2014

VIỆT NAM CẦN ĐƯA TRANH CHẤP HOÀNG SA RA TRỌNG TÀI QUỐC TẾ (Lê Trung Tĩnh - Quỹ NCBĐ)




Lê Trung Tĩnh, Quỹ NCBĐ
Posted by btvn01hatbaodanquyen  on 14/03/2014

Ngày 19/1 năm nay 2014 đánh dấu 40 năm ngày nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng sức mạnh quân sự xâm chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 40 năm qua, một phần lãnh thổ của Việt Nam bị chiếm đóng, một điều đau lòng đối với từng người Việt, ở Việt Nam hay hải ngoại.
Không chỉ chiếm đóng các đảo, Trung Quốc còn tham vọng áp đặt quyền chủ quyền lên các vùng biển quanh Hoàng Sa. Từ đầu năm 2014, với «Biện pháp thực hiện Luật ngư nghiệp Trung Quốc của tỉnh Hải Nam», các cơ quan chấp pháp trên biển của Trung Quốc đã liên tục bắt giữ, xua đuổi, đối xử vô nhân đạo với ngư dân Việt Nam hoạt động trong ngư trường truyền thống hàng trăm năm nay ở quần đảo Hoàng Sa.

Đây là hành động đi ngược lại các nguyên tắc của Công pháp quốc tế điều chỉnh các hành vi của các quốc gia liên quan đến các lãnh thổ đang có tranh chấp, đi ngược lại các quy định có liên quan của Công ước Luật biển 1982, Tuyên bố DOC năm 2002 giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc, và Thoả thuận Việt Nam – Trung Quốc về các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.

Các hành động và «Biện pháp » trên của Trung Quốc đã diễn ra từ nhiều năm nay nhằm ép ngư dân Việt Nam phải từ bỏ ngư trường Hoàng Sa. Theo thông tin từ chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá một huyện ở Quảng Ngãi, chỉ trong năm 2012, đã có 300 ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ. Từ năm 2013, Trung Quốc thay đổi cách thức từ bắt giữ sang xua đuổi, bắn, đâm chìm tàu cá Việt Nam, phá hoại ngư cụ, thiết bị, tàu bè làm nhiều gia đình ngư dân Việt Nam phải lâm vào cảnh khốn cùng, tuyệt vọng.

Tranh chấp Hoàng Sa đã trở thành vấn đề nhức nhối, đau khổ cho người dân Việt Nam. Ngay cả với tất cả sự dè dặt, báo chí Việt Nam cũng không thể không thông tin về các hành vi các « tàu lạ », đáng tiếc đã thành quen, xâm hại đến chủ quyền và quyền chủ quyền Việt Nam.

Trước tình hình đó, Việt Nam đã lựa chọn cách giải quyết như thế nào ?

Cho đến hiện giờ đối với tranh chấp Hoàng Sa, Việt Nam vẫn tiếp cận theo cách cố gắng đàm phán với Trung Quốc, và đồng thời duy trì yêu sách chủ quyền trên danh nghĩa thông qua các hành động phản đối ngoại giao, ví dụ như các tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao mỗi khi có một sự vụ đau lòng diễn ra đối với ngư dân Việt Nam.

Thủ Tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố trước quốc hội Việt Nam ngày 25/11/2011: «Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.»

Nếu quan sát kỹ diễn biến sẽ nhận thấy hơn một tháng trước đó, vào ngày 11/10/2011, sau các cuộc hội đàm, hội kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hồ Cẩm Đào đã chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.  Trong đó ghi rõ “Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị”.

Và gần đây nhất, trong bài phát biểu trên truyền hình Việt Nam vào đầu năm Giáp Ngọ, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã khẳng định giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng thương lượng, tích cực đàm phán hòa bình.

Các dẫn chứng trên cho thấy chủ trương của Nhà nước Việt Nam là đàm phán hòa bình với Trung Quốc, trong chủ trương này và không có chỗ cho việc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra phán xữ bởi một cơ quan trọng tài quốc tế.

Cách tiếp cận này không đủ và không hiệu quả vì thứ nhất Trung Quốc không bao giờ chịu đàm phán về tranh chấp Hoàng Sa. Họ thậm chí còn không dùng từ «tranh chấp» mà chỉ nói «vấn đề Tây Sa» khi buộc phải nói về điều gì đó liên quan đến quần đảo Hoàng Sa. Rõ ràng không thể đàm phán để giải quyết tranh chấp khi một bên không chấp nhận là có tranh chấp đó. Cách thức tiếp cận như vậy sẽ không đi đến đâu, đó chỉ là một cách đẩy vấn đề về tương lai một cách không có nhiều trách nhiệm.
Thứ nhì, trong quan hệ quốc tế có một nguyên tắc bất thành văn theo đó một hiện trạng đã được duy trì trong một thời gian tương đối dài có thể dẫn đến một sự «thừa nhận» trên thực tế (de facto). Chiến lược của Trung Quốc hiện nay đang đi theo hướng biến sự việc chiếm đóng bất hợp pháp cách đây 40 năm quần đảo Hoàng Sa thành một sự đã rồi, một hiện trạng không thể đảo ngược được nữa.

Do đó cách tiếp cận trên của Nhà nước Việt Nam, kiên trì đàm phán với bên không chấp nhận đàm phán, có thể dẫn đến việc Việt Nam sẽ không có cơ hội thu hồi lại quần đảo Hoàng Sa trên thực tế, hay nói cách khác là mất hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa.

Thậm chí còn nguy hiểm hơn nữa vì nếu tiếp tục như trên, Trung Quốc sẽ dần dần áp đặt quyền chủ quyền trên toàn bộ vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa, việc ngư dân Việt Nam ra vùng biển Hoàng Sa đánh cá sẽ chỉ còn trong các câu chuyện kể, và Trung Quốc càng có cơ hội để đạt được tham vọng chữ U của họ trên Biển Đông.


Việt Nam cần đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa trọng tài quốc tế

Trước thực tế đó và trong tình hình các tranh chấp hiện nay, Việt Nam cần xem xét một cách tiếp cận khác : đưa tranh chấp Hoàng Sa ra một cơ quan trọng tài quốc tế.

Khi một bên trong tranh chấp không chấp nhận nói chuyện với bên kia về tranh chấp đó, thì việc nhờ đến một cơ quan, phương thức tài phán quốc tế là cách tốt nhất và duy nhất để cả hai bên có cơ hội thật sự « đàm phán » và lắng nghe nhau một cách hòa bình và công bằng thật sự. Ngoài ra phán quyết hay ý kiến của cơ quan tài phán cũng sẽ là cơ sở để giải quyết tranh chấp, làm giảm bớt căng thẳng, có lợi cho cả hai bên, khu vực và quốc tế.

Có hai cách để đưa tranh chấp Hoàng Sa ra một cơ quan trọng tài quốc tế.

Cách thứ nhất, Nhà nước Việt Nam yêu cầu chính thức Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra giải quyết tại Toà án Công lý quốc tế, một trong 3 Cơ quan quyền lực cao nhất của Liên Hợp quốc (cùng với Hội Đồng bảo an và Đại Hội đồng). Đây là một cách thức đấu tranh hoà bình được Hiến chương Liên Hợp quốc (Điều 33, Khoản 1) và luật pháp quốc tế cho phép.

Đây cũng là cách mà nhiều người dân Việt Nam mong đợi, thể hiện trong lá thư gửi Liên Hợp Quốc ngày 19/1/2014.

Nếu Trung Quốc đồng ý ra tòa, Việt Nam có hy vọng khôi phục Hoàng Sa một cách công bằng và hòa bình. Một hy vọng mà với cách tiếp cận kiên trì đàm phán với Trung Quốc chúng ta không bao giờ có như phân tích ở trên.

Nếu Trung Quốc không đồng ý ra tòa, tranh chấp Hoàng Sa mặc nhiên được quốc tế biết đến, một sự ngăn chặn hữu hiệu việc Trung Quốc càng ngày càng lấn tới và ngang ngược trên Biển Đông. Việc Trung Quốc từ chối ra tòa sẽ là bằng chứng cụ thể trước quốc tế rằng Việt Nam là nước tôn trọng các giá trị tốt đẹp của nhân loại và Trung Quốc là nước coi thường công pháp quốc tế. Điều đó sẽ làm yếu đi đáng kể vị thế của Trung Quốc và bắt buộc họ phải kiềm chế khi hành xử trên Biển Đông, không thể tiếp tục bắt giữ, xua đuổi, đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tiến hành đàm phán phân chia ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Bộ Quy tắc Ứng xữ COC nghiêm túc và công bằng hơn.

Cách thứ nhì đã được ông Dương Danh Huy trình bày trong bài viết «Việc đưa Hoàng Sa ra trọng tài quốc tế». Đối với cách này, Việt Nam sẽ đưa việc Trung Quốc xâm phạm ngư dân và các hoạt động dầu khí của Trung Quốc trong vùng biển quanh Hoàng Sa ra cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS.

Việt Nam sẽ áp dụng Điều 286-296 của UNCLOS để yêu cầu trọng tài của UNCLOS xác định phạm vi vùng biển bị tranh chấp quanh Hoàng Sa. Khi Trung Quốc khước từ, Việt Nam sẽ theo điều 298 buộc Trung Quốc chấp nhận hòa giải của UNCLOS. Để tránh điều này, Trung Quốc phải viện lý do Hoàng Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền. Mặt khác Việt Nam vẫn có thể lập luận buộc Trung Quốc chấp nhận hòa giải, nhằm tìm kiếm kết luận rằng các hoạt động của Trung Quốc xảy ra trong vùng biển đang bị tranh chấp (chứ không phải là của Trung Quốc).

Cách này tuy không hướng đến giải quyết trực tiếp tranh chấp Hoàng Sa nhưng sẽ giúp Việt Nam đạt được 2 mục đích quan trọng. Thứ nhất, Trung Quốc phải thừa nhận có tranh chấp Hoàng Sa. Thứ nhì, các vùng biển mà Trung Quốc nói là của họ sẽ được tòa coi là vùng biển có tranh chấp. Điều này, như cách đưa ra tranh chấp ra Tòa án Công lý Quốc tế, cũng làm giảm bớt sự ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, bảo vệ ngư dân Việt Nam, góp phần dừng các hoạt động khai thác hay hợp tác khai thác dầu khí và tài nguyên của Trung Quốc trên vùng biển quanh Hoàng Sa.

Việc lựa chọn và tiến hành một trong hai cách trên cần sự hợp tác, nghiên cứu, phân tích của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam và cả trí thức Việt Nam.

COC, đàm phán ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thực lực quốc phòng và kinh tế

Có ý kiến cho rằng việc Việt Nam đưa tranh chấp Hoàng Sa ra một cơ quan tài phán quốc tế sẽ làm ảnh hưởng xấu đến đàm phán phân định ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ hay thậm chí làm Trung Quốc rút ra khỏi đàm phán này.

Thật ra phải xác định rõ là với cách tiếp cận kiên trì đàm phán hiện nay của Việt Nam, Trung Quốc không bao giờ coi là có tranh chấp Hoàng Sa, hay nghiễm nhiên coi Hoàng Sa là của họ. Với tinh thần đó và với tham vọng chữ U của Trung Quốc, việc phân định ngoài Vịnh Bắc Bộ chỉ có thể dẫn đến bế tắc hoàn toàn, còn nếu có kết quả thì sẽ rất bất lợi và thiệt thòi cho Việt Nam, đó là điều không người Việt nào mong muốn. Chấp nhận những thiệt thòi như vậy để được đàm phán với Trung Quốc là điều không đáng và không nên.

Ngược lại nếu Việt Nam mạnh dạn đưa tranh chấp Hoàng Sa ra phân xữ bởi một trong hai cơ quan tài phán quốc tế như kể trên, tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa tự nhiên sẽ là điều mà Trung Quốc không thể chối cãi. Việt Nam không những chỉ mạnh hơn trên thực địa (ngư dân an toàn hơn, ít nguy cơ bị nạo vét dầu trong vùng EEZ hơn) mà còn mạnh hơn trên bàn đàm phán. Tưởng tượng dầu lớn lối cỡ nào, các đàm phán viên Trung Quốc cũng không thể đập bàn đập ghế hôm sau khi hôm trước vừa từ chối ra Tòa án Công lý Quốc tê hay vừa bị tòa trọng tài của UNCLOS tuyên bố rằng vùng biển Hoàng Sa là vùng tranh chấp.

Và nếu chúng ta có thể hướng đến một phân định ngoài Vịnh Bắc Bộ công bằng, thì đường chữ U chắc sẽ bớt đi vài nét. Điều này chắc chắn sẽ được ủng hộ của khu vực và quốc tế.

Đối với đàm phán COC, việc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa cũng chỉ có thể làm cho việc đàm phán COC công bằng và có lợi hơn cho Việt Nam. Rõ ràng là mặc dầu chủ trương kiên trì đàm phán của Việt Nam, Trung Quốc vẫn trì hoàn tối đa việc đàm phán COC. Và trong tương lai, nếu có được kết quả cụ thể gì về COC, chắc chắn quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển quanh đó sẽ không được đề cập đến, hoặc được đề cập một cách mơ hồ và có lợi cho hiện trạng của Trung Quốc. Khi đó khu vực sẽ có một « thỏa thuận » hòa bình tương đối với Trung Quốc và sẽ « quên » tranh chấp Hoàng Sa, một chủ đề chỉ liên quan đến Trung Quốc và Việt Nam, một chủ đề mà Việt Nam vẫn kiên trì đàm phán. Để tránh tương lai đó, Việt Nam cần đưa tranh chấp Hoàng Sa ra một cơ quan trọng tài quốc tế.

Đối với ý kiến cho rằng Việt Nam chưa nên kiện tụng ra tòa vì thực lực kinh tế quốc phòng Việt Nam chưa đủ, câu hỏi đặt ra là đến bao giờ thì thực lực Việt Nam bằng Trung Quốc, hay ít nhất là cũng có thể đối đầu trong một thế nào đó với Trung Quốc ? Nếu tiếp tục như hiện nay, tức chỉ phản đối trên danh nghĩa và hy vọng mong manh Trung Quốc chịu đàm phán, thì chênh lệch đó sẽ thu ngắn lại hay chỉ càng xa dần thêm ? Trung Quốc, nuớc mạnh hơn, sẽ tạo điều kiện để chênh lệch này nhỏ lại ?

Mặt khác mạnh hay không trong thế giới ngày nay phần lớn nằm ở chỗ Việt Nam cư xữ, nhìn nhận bản thân và quan hệ với thế giới như thế nào. Philippines về tiềm lực quốc phòng và kinh tế không bằng Trung Quốc, nhưng họ vẫn tìm cách kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc lập theo Phụ Lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Philippines làm được vậy không chỉ vì sự tự tin là đồng minh của Mỹ, vì rõ ràng Mỹ cũng đã không và không thể cản Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough. Họ làm vậy một phần vì họ thấy đó là điều đúng và cần làm của một quốc gia độc lập, đặt lợi ích quốc gia lên trên, và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Việc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra trọng tài quốc tế tuy trực tiếp và tức thời không làm tăng thực lực kinh tế và quốc phòng của Việt Nam, nhưng chắc chắn sẽ đưa tranh chấp Hoàng Sa ra quốc tế, sẽ cho Việt Nam một cơ hội trực tiếp hay gián tiếp giải quyết tranh chấp. Và như trên đã phân tích, kết quả của việc đó sẽ làm vị thế, sức mạnh lý lẽ và từ đó là khả năng  sử dụng vũ lực của Trung Quốc sẽ yếu đi đáng kể trên quần đảo Trường Sa, và trên Biển Đông.

Tác giả gửi bài viết này đến các chiến sĩ Việt Nam tại Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao ngày 14/3/1988.


---------------------------------------------

Dương Danh Huy
Gửi cho BBC từ Oxford, Anh quốc
Cập nhật: 04:58 GMT - thứ bảy, 31 tháng 3, 2012




No comments:

Post a Comment

View My Stats