Fedor Lukyanov
- manggazeta.ru
TÀI
LIỆU THAM KHẢO của THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Posted by News on March 1st,
2014
Cuộc khủng hoảng chính trị kéo
dài suốt 3 tháng qua tại Ukraine đã bước sang giai đoạn leo thang nghiêm trọng
khi trong những ngày qua xảy ra các cuộc đụng độ đẫm máu giữa cảnh sát và người
biểu tình khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Tương
lai Ukraine sẽ đi về đâu?
Chuyên gia Fedor Lukyanov, Tổng biên tập Tạp chí nước Nga trong chính
sách toàn cầu, có bài phân tích về vấn đề này đăng trên trang
manggazeta.ru ngày 19/2 với nội dung như sau:
Cuộc khủng hoảng chính trị
nghiêm trọng tại Ukraine chắc chắn lôi kéo sự can dự các lực lượng bên ngoài
nên sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ khu vực Đông Âu. Ukraine
đã vượt qua giới hạn. Những căng thẳng được tích tụ từ cuối mùa Thu năm ngoái
đã kết thúc bằng “sự kiện 4/10 Kiev”. 20 năm trước đây chính quyền và phe đối
lập “nói chuyện” với nhau trên đường phố Moskva bằng bạo loạn và vũ khí hạng
nặng. Cách đây chưa lâu, nhiều người nghĩ rằng kịch bản tương tự không thể diễn
ra tại Ukraine, bởi vì nước này có nền chính trị khác, đạo đức, kỹ năng đàm
phán…
Nhưng một vấn đề khác còn tồi
tệ hơn. ở Nga vào tháng 10/1993 là sự kết thúc đầy bị kịch của cuộc đấu
tranh giành quyền lực, đặt dấu chấm hết các cuộc tranh cãi về phương hướng phát
triển của đất nước, cho dù đường hướng này được đánh giá như thế nào đi nữa.
Ngược lại, tại Ukraine không có bất cứ dấu chấm hết nào được đặt ra, hiện không
chỉ phương hướng phát triển đất nước mà còn cả số phận thể chế chính trị
Ukraine xuất hiện từ sau khi Liên xô tan rã, vẫn đang đặt dấu chấm hỏi. Kể từ
khi xuất hiện “euromaidan” nhiều người đã so sánh giữa thảm họa hiện nay và
“cuộc cách mạng cam” năm 2004. Nhưng bản chất cuộc khủng hoảng chính trị hiện
nay lại hoàn toàn khác. 10 năm về trước, do đất nước hỗn loạn và bị kịch hóa
cuộc bầu cử tổng thống, rồi sau đó họ bàn về đổi mới chính trị, thể chế kinh
tế, thể chế nhà nước. Có nghĩa là nói về tương lai.
Phạm trù “tương lai” hoàn toàn
không có trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Phạm trù này chỉ tồn tại
đến cuối hồi năm ngoái như một giấc mơ hoang tưởng về “sự lựa chọn châu Âu”, có
vẻ như Ukraine sẽ hiện thực hóa sau khi ký kết Hiệp định liên kết với Liên minh
châu Âu (EU). Tuy nhiên, tất cả điều này đã không còn thực sự cấp thiết nữa,
bởi vì sự mâu thuẫn căng thẳng tới mức cho thấy thật vô ích khi thảo luận về
việc Ukraine liên kết ở mức độ nào, với bất cứ liên minh nào, cho dù đó là EU,
Liên minh hải quan hay bất kỳ liên minh nào khác.
Chẳng có tổ chức khôn ngoan nào
lại dám mạo hiểm tiếp nhận một quốc gia không có khả năng tự chịu trách nhiệm
làm thành viên. Các bên đối đầu gay gắt tại Kiev ngay từ đầu đã không có mục
tiêu chiến lược. Tổng thống và bộ xậu của ông chỉ quan tâm đến việc duy trì
quyền lực. Phe đối lập với tập đoàn cầm quyền, vốn rất hỗn tạp, mong muốn cướp
chính quyền, song có cảm giác như họ không khi nào nghĩ đến việc họ sẽ làm gì
trong trường hợp này.
Việc thu hút được người đỡ đầu
bên ngoài là nhiệm vụ cốt yếu. Đối với Yanukovych sự hỗ trợ của Nga có ý nghĩa
cực kỳ quan trọng, bởi vì đây là nguồn duy nhất để bù đắp lỗ hổng ngân sách và
giúp nền kinh tế tránh được đổ vỡ. Có thể đoán rằng mong muốn của Chính phủ
Ukraine chứng minh khả năng lãnh đạo của mình để nhận được khoản giải ngân tín
dụng tiếp theo của Nga đóng vai trò gì hay không trong leo thang căng thẳng vừa
qua. Phe đối lập thì đang trông cậy vào phương Tây giúp họ hình thành chiến
thuật và chiến lược. Lực lượng đối lập không tự làm được điều này. Không phải
ngẫu nhiên căng thẳng trở nên dữ dội một ngày sau khi Thủ tướng Angela Merkel
cùng nhiều nhà lãnh đạo của Đức công khai tiếp hai thủ lĩnh phe đối lập Areseni
Yatsenuk và Vitali Klitschko. Những người biểu tình cực đoan coi đây như là một
ân huệ, “nước ngoài đang cùng với chúng ta”, và bắt đầu chuyển sang tấn công
sau một thời gian dài khá yên ắng. Chỉ còn biết chúc mừng EU với chiến thắng
huy hoàng “sức mạnh mềm” của mình…
Ukraine – nạn nhân của sự đối đầu chết người
Những vấn đề mang tính chất nội
bộ của Ukraine. Sau hơn 20 năm độc lập, Ukraine chưa tìm được câu trả lời cho
những vấn đề cơ bản về mục tiêu và hình thức phát triển quốc gia. Điều này rất
khó khi tính đến tính không đồng nhất về kinh tế – xã hội và tinh thần, nhung
những điều kiện khách quan không thể biện minh cho sự thất bại tinh thần của
toàn bộ lực lượng chính trị. Trong thời gian gần đây Ukraine đã đánh tráo chủ
đề xây dựng nhà nước quốc gia bằng sự cần thiết lựa chọn dứt khoát với Nga hoặc
với EU. Trên thực tế hiếm khi có sự lựa chọn như thế và cũng không tồn tại một
EU hay nước Nga thực sự sẵn sàng hốt những đống đổ nát của Ukraine, mặc dù lôi
kéo nước này về mình nhiều hơn.
Điều đáng buồn nhất là một quốc
gia mà trên thực tế không đủ khả năng lựa chọn, xử sự khéo léo ở mức tối đa khi
tạm hoãn quyết định ký Hiệp định liên kết với EU. Vì vậy, khi lực lượng bên
ngoài chán ngấy thói đỏng đảnh của Kiev, cả phương Tây lẫn Nga đều muốn sự rõ
ràng thì Ukraine bị lung lay.
Sự thất bại trong việc xây dựng
những thể chế nhà nước có khả năng hoạt động đã biến Ukraine thành một đất
nước, nơi trước hết không phải là một nhà nước mà là xã hội dân sự đặc biệt. Có
nghĩa là bao gồm toàn bộ liên minh phi chính thức hoặc đã được chính thức hóa,
những nhóm lợi ích, thực tiễn các mối quan hệ tương hồ. Cũng đã có thời kỳ khi
có một thể chế linh hoạt như thế giúp bảo đảm không bị tan rã: mô hình tập
trung hóa gây ra những mâu thuẫn bên trong không thể dung hòa được, còn một
thực thể chính trị nghiêm khắc sẽ dập tắt những mâu thuẫn này. Tuy nhiên, cùng
với thời gian, những hợp đồng thị trường bất tận giữa các nhóm lợi ích và phe
cánh trở thành nội dung cốt lõi của nền chính trị, mục đích tự thân của
Ukraine, chứ hoàn toàn không đặt ra vấn đề phát triển quốc gia.
Những chủ đề được thảo luận
trong nền chính trị Ukraine năm 2014 giống với những gì người ta đã thảo luận
năm 1992. Mức độ tiến bộ sau hơn 20 năm giành độc lập là như thế đó. Liệu có
thể dần dần hình thành được một tổ chức chính trị – xã hội chung hay không là
vấn đề cần thảo luận. Để làm được điều này, bất cứ trong trường hợp nào cũng
cần phải có thời gian và sự thư thái để xây dựng hệ thống quốcgia, hỗ trợ cho
tiến trình gắn kết chính sách thận trọng tách biệt với những chấn động bên
ngoài. Chính phủ Ukraine không những không làm được điều này mà còn khiến cho
tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi nỗ lực kêu gọi một lực lượng nào đấy
bên ngoài, thậm chí cùng một lúc tất cả các lực lượng để giải quyết những mục
đích riêng của mình. Chính lực lượng bên ngoài thích được lôi kéo vào. Hơn nữa,
những lực lượng này không làm theo những nhu cầu của Ukraine (điều này hoàn
toàn đương nhiên) và thậm chí những lợi ích thực dụng cụ thể cũng không rõ
ràng, mà phần lớn dựa vào lý do cạnh tranh nhau. Do vậy, các nhóm khác nhau ở
Ukraine không xích lại gần nhau, mà hình thành hai nhóm có quan điểm xung đột
nhau, đồng thời nỗ lực cạnh tranh giành giật nhau. “Cuộc cách mạng cam” đã cho
thấy phương Tây đã đánh trúng điểm yếu của Ukraine, chỉ đơn giản tuân theo
những mục đích tư tường của mình và đặt kỳ vọng vào xã hội dân sự. Hẳn còn nhớ
những phàn nàn của chúng ta về các quỹ của Mỹ và châu Âu, tích cực hoạt động
tại các quốc gia láng giềng của Nga. Nước Nga chưa bao giờ nổi tiếng về kỹ năng
như thế. Tuy nhiên, việc trực tiếp kêu gọi xã hội giúp kích thích những tiến
triển cần thiết, nhưng không bảo đảm nhận được kết quả như mong muốn, giống như
“cuộc cách mạng cam” đã chứng minh. Do vậy, để hợp thức những tiến trình này
trong đời sống chính trị thực tế cần phải có một chính phủ hoạt động đúng chức
năng. Trong khi, các hệ thống quốc gia ở Ukraine không thể làm được điều này,
bởi vì những hệ thống này cũng không được đưa vào cấu trúc thông qua quyết định.
Việc Mỹ và châu Âu khuyến khích người dân tích cực tham gia biểu tình về mặt
khách quan sẽ làm rung lắc không đơn giản là hệ thống chính trị mà còn cả nền
tảng nhà nước Ukraine, mặc dù duy trì nền độc lập của Ukraine là ưu tiên trong
chính sách của Mỹ và châu Âu kể từ đầu những năm 1990.
Tình hình ở Ukraine rất nguy hiểm
Sự sụp đổ thể chế có thể là hậu
quả của những sự kiện đang diễn ra, sẽ tạo ra nguy cơ cao lôi cuốn các đấu thủ
bên ngoài tham gia trực tiếp, thậm chí nếu lúc đầu họ không mong muốn điều này.
Mong muốn của Đức thể hiện phong cách mới của mình đối với giới lãnh đạo châu
Âu, bản tính người Mỹ đòi hỏi sự theo dõi sát sao sự tăng cường tiềm tàng của
Nga, mong muốn của Moskva chứng minh đặc quyền của mình ở không gian hậu Xô
viết… tất cả điều này có nguy cơ gây ra vòng xoáy căng thẳng mà nhìn chung
không có bất cứ quốc gia nào mong muốn. Song, nhũng chuyển biến địa chính trị
như thế (Ukraine là quốc gia lớn tiếp giáp với các lĩnh vực lợi ích) có logic
riêng của chúng. Thậm chí, nếu ngày nay Ukraine tuyệt nhiên không phải là trung
tâm chú ý của thế giới giống như hàng trăm năm trước đây. Lưu ý đến chất lượng
chiến lợi phẩm tiềm tàng và những chi phí có thể, không có gì cần thiết hơn là
cuộc chiến giành giật Ukraine.
Kịch bản lý tưởng là Nga và EU
đạt được thoả thuận về một chế độ bảo hộ mà có thể bảo đảm cho Ukraine duy trì
đường biên giới hiện tại và gánh vác trách nhiệm mà giới tinh hoa nước này đã
không thể đảm nhiệm. Tuy nhiên, rất đáng tiếc một kịch bản khác hoàn toàn có
khả năng xảy ra: Nga và phương Tây cáo buộc nhau trong vấn đề căng thẳng ở
Ukraine và bắt đầu tranh cãi “theo hiệp ước”, trong khi ủng hộ các bên đối đầu
và làm trầm trọng thêm sự chia rẽ.
Năm 2008, thời điểm theo sáng
kiến của Chính quyền cựu Tổng thống George Bush, đã nêu ra vấn đề trao cho
Ukraine và Gmzia quy chế tư cách thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây
Dương (NATO). Cuộc nói chuyện của Tổng thống Nga Vladimir Putin với những đại
biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga – NATO bị rò rỉ và gây tiếng vang lớn. Ông
Putin chỉ rõ tính chất không tự nhiên các đường biên giới của Ukraine và kêu
gọi đừng làm cho tình hình trở nên rối ren đế không gây ra sự chống đối bên
trong Ukraine. Lúc đó, phương Tây coi đây là sự đe dọa, hơn nữa ông Putin đã
làm một việc tựa như khai sáng cho các đồng nghiệp Mỹ. Đối với cựu Tổng thống
Bush câu chuyện ngắn về sự xuất hiện của Ukraine ở biên giới hiện nay là một sự
phát hiện rõ ràng. Những xung đột năm 2013/2014 đang cho thấy ở phương Tây
không một ai nhận thức được tính nghiêm trọng tình hình xung quanh Ukraine.
Sự phản xạ địa chính trị kết
hợp với rập khuôn tư tưởng (“lựa chọn châu Âu” và một số khác) sẽ dẫn đến cuộc
khủng hoảng lớn mà vòng xoáy của nó có thế lan ra rất rộng.
***
Tạp chí “Statayrik”
Sau khi ký xong một thỏa thuận
với phe đối lập và ba Ngoại trưởng châu Âu, chính quyền mới đang dần dần trở
lại ở Ukraine. Chủ tịch Quốc hội, Alexandre Turchinov, người từng là cánh tay
phải của cựu Thủ tướng Yulia Timoshenko, được bầu làm quyền tổng thống.
Yanukovych đã bị phế truất và chạy trốn. Các Bộ trưởng Nội vụ và Quốc phòng
cũng như Bộ trưởng Tư pháp đã bị thay. Một Thủ tướng mới sẽ được bổ nhiệm trong
những ngày tới. Bây giờ điều gì sẽ xảy ra ở Ukraine?
Theo tạp chí “Statayrik”,
tại Moskva cũng như tại thủ đô của các nước châu Âu và Washington, tất cả các
nhà lãnh đạo đều kêu gọi ổn định tình hình ở Ukraine. Nhưng chính quyền mới sẽ
phải nhanh chóng đối mặt với 4 thách thức.
Thứ nhất là Ukraine bị chia
cắt. Nước này có truyền thống bị chia cắt thành hai phần. Ở miền Tây, nơi người
dân nói tiếng Ukraine và theo đạo Thiên chúa, là một Ukraine hướng về người
láng giềng Ba Lan và các nước Tây Âu. Tại miền Đông, nói tiếng Nga, nơi ngành
công nghiệp khai khoáng và luyện kim sống được là nhờ đơn đặt hàng của người
láng giềng khổng lồ phương Bắc, là một Ukraine ngả theo Nga, theo đạo Kitô giáo
-mặc dù bị chia rẽ giữa địa hạt giáo trưởng Moskva và Kiev.
Ngoài hai phần đó còn có thêm
phần thứ ba là bán đảo Crimea, với dân chúng đa số là người Nga có hai quốc
tịch Nga và Ukraine. Bán đảo này đã được Nikita Khrushchev, cũng là người
Ukraine, “cho” Ukraine vào năm 1954. Tại đây có căn cứ hải quân Sebastopol mà
Ukraine cho Nga thuê theo hợp đồng đến năm 2042.
Tuy nhiên, không nên đánh giá
cao tình trạng chia cắt đó. Một mặt, đường ranh giới về ngôn ngữ, tôn giáo,
chính trị giữa miền Đông và miền Tây không phải là hoàn toàn rõ ràng. Ngoài ra
còn có một Ukraine vùng trung tâm lúc nghiêng sang Tây, lúc ngả sang Đông, về
điểm này, thủ đô Kiev có thể là một ví dụ điển hình. Phần lớn dân chúng ủng
hộ việc chiếm Quảng trường Độc lập trong khi 2/3 dân số ở đây nói tiếng Nga.
Nếu những người biểu tình đầu
tiên phản kháng chống lại quyết định của Viktor Yanukovych quay lưng lại với
Liên minh châu Âu (EU), yêu sách đã nhanh chóng thay đổi để đặt lại vấn đề đối
với việc thực thi quyền lực của phe Yanukovych, nạn tham nhũng và tình trạng vi
phạm nhân quyền. Các yêu sách đó gắn kết những người biểu tình với nhau mặc dù
họ đến từ cả miền Tây lẫn miền Đông. Một số nhà quan sát thậm chí nghĩ rằng
phong trào phản kháng góp phần tăng cường, thậm chí tạo ra nhận thức dân tộc
Ukraine và gắn kết sự thống nhất trong cả nước.
Thứ hai là vấn đề lãnh đạo. Cựu
Thủ tướng Yulia Timoshenko, được khoảng 100.000 người hoan nghênh tại Quảng
trường Độc lập, đã xin lỗi cho cả chính giới Ukraine, và qua đó hiểu ngầm là cả
bà trong đó. Thực ra, bà để lại không chỉ những hồi ức tốt đẹp sau cuộc Cách
mạng Cam , vì từng tranh giành quyền lực với tổng thống thân phương Tây Viktor
Yushchenko. Sau hơn hai năm ngồi tù theo lệnh của Viktor Yanukovych, bà không
loại trừ khả năng sẽ ra tranh cử tổng thống trong cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn
ra vào ngày 25/5 tới. Bà sinh ra vào đầu những năm 1960 tại một vùng nói tiếng
Nga là Dniepropetrovsk và từng được hưởng thành quả của thời kỳ tư nhân hóa hậu
Xô viết.
Phong trào phản kháng còn sản
sinh ra một số nhà lãnh đạo khác. Arseni Yatsenyuk, 39 tuổi, từng là phó của
cựu Thủ tướng Yulia Timoshenko. Ông trở thành người lãnh đạo đảng Batkivshchyna
sau khi bà Timoshenko bị bắt. Là cựu Bộ trưởng Kinh tế và Ngoại giao, nhà kỹ
trị kín tiếng này đã tạo được cho mình vị thế của một nhà lãnh đạo trong ba
tháng diễn ra biểu tình, ông lập ra một bộ ba khá hữu hiệu với cựu vô địch
quyền Anh thế giới Vitali Klitschko, 42 tuổi, thủ lĩnh đảng Oudar. Vitali Klitschko
không giấu giếm ý định ra ứng cử tổng thống mặc dù chưa có kinh nghiệm chính
trị. Nhưng vấn đề này lại có thể là một lợi thế cho con người khổng lồ đó (ông
cao 2,02 m ) vì không giống như các tác nhân chính trị khác ở Ukraine, ông
không bị cáo buộc làm giàu bằng tiền nhà nước.
Oleh Tyahnybok, 45 tuổi, là
người lãnh đạo đảng Svoboda được cho là cực hữu và bài Do Thái. Ông giành được
11% số phiếu trong cuộc bầu cử gần đây nhất, nhưng dường như ảnh hưởng chính
trị của ông đã suy giảm trong những năm qua, cho dù người của ông vẫn thường
đứng ở tuyến đầu trong các cuộc đối đầu với lực lượng an ninh. Tại các vùng ở
miền Đông, Svoboda bị coi là đảng phát xít. Truyền thông và giới lãnh đạo Nga
thường phóng đại tầm quan trọng của đảng này để làm mất uy tín của những người
trong phe đối lập.
Thứ ba là tình hình kinh tế.
Nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ mới sẽ là tấn công vào tình hình kinh tế đang
trong tình trạng thảm họa. Két bạc nhà nước trống rỗng và không chỉ do thói
ngông cuồng của Viktor Yanukovych, với bằng chứng là những hình ảnh về “khu nhà
thứ hai” của ông.
Ukraine, sẽ phải trả khoảng 13
tỷ USD cho các chủ nợ từ nay đến cuối năm, nhưng hiện không có một xu dính túi.
Cựu Tổng thống Yanukovych nhờ đi theo Moskva nên được Điện Kremlin tháng
12/2013 hứa hẹn cho vay 15 tỷ USD. Đợt đầu với 3 tỷ USD đã được thực hiện. Sau
đó sẽ là đợt hai, nhưng việc cho vay đã bị ngừng lại.
Bộ trưởng Tài chính các nước
nhóm G20 họp tại Sydney cho biết họ sẵn sàng giúp đỡ Ukraine, nhưng không nói
đến bất kỳ một khoản tiền nào. Bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ
quốc tế, tuyên bố thể chế của bà sẵn sàng đến cứu Kiev như từng làm trước đây
với điều kiện cải cách phải được thực hiện.
Thứ tư là chính sách của Tổng
thống Nga, Vladimir Putin. Việc Viktor Yanukovych sụp đổ là một thất bại chính
trị đối với Tổng thống Nga. Một mặt ông có thể sợ chính quyền mới ở Kiev sẽ
quay sang với Liên minh châu Âu như người biểu tình đòi hỏi, mặt khác sợ một
chế độ dân chủ sẽ được thành lập ở nước Slave lớn thứ hai sau Nga. Mặc dù tình
hình ở Nga và Ukraine không có gì đáng để so sánh với nhau, song Putin cho rằng
chế độ độc tài kết thúc ở Ukraine, với tất cả tính chất hậu xô viết của nó, là
mối đe dọa đối với chính quyền lực của ông.
Điện Kremlin cho đến lúc này
vẫn rất kín tiếng về tiến triển tình hình ở Ukraine, chỉ tố cáo việc phe đối
lập không tôn trọng thỏa thuận đã được ký trước đó với Yanukovych. Đặc phái
viên của Putin đã từ chối ký thỏa thuận này, mặc dù trước đó đã ký tắt.
Nhưng Moskva vẫn giữ được một
số con bài trong cuộc chơi. Trước hết là phương tiện gây sức ép kinh tế. Nga đã
nhiều lần sử dụng các con bài đó, như giá khí đốt bán cho Ukraine, kể cả số khí
đốt được trung chuyển qua nước này sang Tây Âu, mở hay đóng đường biên giới
không cho hàng hóa của Ukraine qua, tùy theo lợi ích chiến lược của mình. Putin
cũng có thế khích lệ chống đối chính quyền mới tại các vùng có đa số dân chúng
nói tiếng Nga. Số người này không nhất thiết là những người thân Nga, nhưng có
thể là những người đầu tiên phải chịu hậu quả của việc đóng cửa biên giới với
Nga. Một số nhà lãnh đạo Nga mới đây thậm chí còn dự tính chia cắt Ukraine,
nhưng chắc chắn đó chỉ là biện pháp răn đe hơn là một dự án cụ thể.
Người đứng đầu ngoại giao EU,
bà Catherine Ashton, tuyên bố mục tiêu là “thống nhất, độc lập và toàn vẹn lãnh
thổ” của Ukraine, về lý thuyết, Tổng thống Putin không có gì để phản đối, chừng
nào các nhà lãnh đạo tương lai của Ukraine còn tính tới lợi ích của Nga theo
cách hiểu của ông.
***
Tạp chỉ “Focus“
Tình hình ở Ukraine, theo tạp
chỉ “Focus“, cho đến nay vẫn không rõ ràng trong khi Đảng các khu vực được
cho là thân Nga, có ý định thúc đẩy một dự án nhằm “Balkan hóa” nước này. Kịch
bản theo hướng liên bang khiến người ta ngày càng lo ngại khi một bộ phận chính
giới ở nước này ngày càng thiên về ý thành lập liên bang tách các vùng Đông,
Tây và bán đảo Crimea ra khỏi nhau.
Đối với ông Guillaume Lagane,
viên chức cao cấp và giáo sư trường Đại học Sciences-Po Paris (Pháp), Moskva rõ
ràng không thích thú với kịch bản này. Trả lời câu hỏi có nên thực sự lo ngại
trước việc Ukraine phải chịu chung số phận với Nam Tư không, ông thừa nhận tiến
triển tình hình ở Ukraine khiến phần lớn các nhà quan sát bị bất ngờ vì không
ai thực sự chờ đợi cuộc khủng hoảng chính trị đó lại dẫn đến đối đầu làm hàng
chục người chết giữa lực lượng an ninh và phe chống đối. Thực sự cần phải nhớ
lại năm 1999 (ở Kosovo) và năm 2000 (tại Macedonia) mới thấy được mức độ quyết
liệt tương tự, từ đó khiến người ta nghĩ rằng tiến triển sự việc sẽ là đáng lo
ngại nhất đối với sự ổn định của Ukraine, Các cuộc đối đầu vừa qua gián tiếp
cho thấy sự mong manh của một nước với đường biên giới được hoạch định không
phải từ lâu (năm 1918) và bao gồm các không gian địa lý đôi khi rất khác nhau.
Vùng Tây-Bắc là nơi định cư của dân chúng đa số nói tiếng Ukraine trong khi ở
miền Đông và vùng Nam Crimea, đa số người dân nói tiếng Nga (20% người Ukraine
tự coi mình trước hết là người Nga). Ngoài sự phân chia về ngôn ngữ đó còn có
sự khác biệt về tôn giáo vì trong 1/3 số người Ukraine cho là mình là người
theo đạo, một đa số tương đối theo dòng chính thống trong khi một thiểu số lớn,
sống ở vùng Tây-Bắc, theo dòng “uniate”, một tôn giáo vừa tuân thủ nghi lễ của
dòng chính thống vừa công nhận Giáo hoàng. Nói cách khác, lúc này thực sự tồn
tại nhiều yếu tố của sự chia rẽ dân tộc.
về phần mình, bà Béatrice
Giblin, người từng lãnh đạo Viện địa chính trị Pháp thuộc trường Đại học
Paris VIII (Pháp), khẳng định Nam Tư là một nhà nước liên bang, nhưng Ukraine
thì không. Thuật ngữ “Balkan hớa”, theo bà, dường như là không thích hợp vì đặc
điểm của vùng Balkan là các cộng đồng Serbia, Hồi giáo, Croatia sống đan xen
vào nhau và chính điều đó khiến rất khó kiểm soát việc phân chia. Các vùng Đông
và Tây ở Ukraine không phải là các Nhà nước liên bang với đường ranh giới có
thể dùng được làm đường biên giới quốc gia. Hơn nữa, còn có vấn đề Kiev không
những là thủ đô của Ukraine mà còn được coi là thủ đô đầu tiên của Nga, trước
Moskva. Trong các cơ quan đại diện lịch sử của Nga, Kiev xuất xứ là thuộc Nga
chứ không phải của Ukraine. Người Nga thực sự liệu có thiên hướng từ bỏ lịch sử
đó không? Liên quan đến Crimea, vùng này năm 1954 đã được Krushchev “cho”
Ukraine lúc đó thuộc Liên Xô và như vậy là một “món quà” không phải không mang
lại hậu quả vì Crimea cho đến lúc đó chưa bao giờ thuộc về Ukraine. Vào thời
điểm gia hạn hợp đồng cho thuê căn cứ hải quân của Nga tại Sebastopol, một số
vấn đề căng thẳng nổ ra, nhưng cuối cùng dịu đi nhờ có lợi ích của cả người Nga
lẫn người Ukraine. Trong trường hợp xảy ra căng thẳng cao độ, vấn đề Crimea và
căn cứ hải quân Sebastopol có thể sẽ lại được tung ra.
Nếu xảy ra tiến trình liên bang
hóa, Nhà nước liên bang làm saọ hoạt động được với sự chống đối như vậy giữa
hai hay ba thực thể? Vấn đề đoàn kết giữa ba thực thể sẽ ra sao? Xây dựng liên
bang, ít nhiều về dài hạn, có thể dẫn tới chia cắt, nhưng ai thực sự muốn như
vậy? Người Nga chăng? Chuyên gia Béatrice Giblin nói bà không tin điều đó vì kế
hoạch của Tổng thống Nga, Vladimir Putin, nhằm tái lập vùng ảnh hưởng và kiểm
soát cho nước Nga đối với các nước thuộc Liên Xô cũ, không thể thực hiện được
nếu không có “miếng to” là Ukraine, và dự án địa chính trị của Nga đối với vùng
“Á-Âu” không có nước này sẽ ra sao? Vả lại, việc phân chia có thể có nguy cơ
đẩy miền Tây Ukraine vào vòng tay Liên minh châu Âu và NATO. Bà Béatrice Giblin
không nghĩ người Nga sẽ chấp nhận điều đó vì họ chưa bao giờ chấp nhận việc các
Nhà nước vùng Blatic gia nhập NATO, do đó có thể lại càng không chấp nhận đối
với một vùng lãnh thổ rộng lớn như Ukraine.
Còn trong số người Ukraine ở
miền Tây, có thể có người muốn thành lập liên bang và thậm chí muốn độc lập,
nhưng chuyên gia Béatrice Giblin tin số đó chỉ là thiểu số vì số đông người
Ukraine theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và không muốn đất nước tan vỡ cho dù
đường biên giới hiện nay của Ukraine không phải quá lâu đời. Họ cần bảo đảm
nhận được sự hỗ trợ vững chắc của Liên minh châu Âu, nhưng bà Béatrice Giblin
không chắc chắn điều đó sẽ diễn ra.
Được hỏi ai sẽ là người thắng
cuộc đầu tiên trong viễn cảnh đất nước tan vỡ và người Ukraine được lợi gì khi
lãnh thổ của họ bị chia cắt, ông Guillaume Lagane, đồng thời là tác giả cuốn
“Bước đầu tiên về địa chính trị” (Nhà xuất bản Ellipses, năm 2012), cho rằng về
phương diện kinh tế, các dân tộc nhìn chung không được gì khi đất nước của họ
bị chia cắt vì điều đó gây trở ngại cho thương mại và gia tăng các cơ cấu hành
chính, một vấn đề như đã thấy ở các vùng lãnh thổ ly khai Catalan và Ecosse. về
phương diện chính trị, điều đó trên thực tế là giải pháp ít đau đớn nhất nếu
tình hình xấu đi, và có thể đặt câu hỏi liệu guồng máy đó đã bắt đầu vận hành
chưa. Như vậy, thành phố Lvov, thành phố chính của miền Tây, trong những ngày
qua là nơi diễn ra các “cú đòn” có tính chất ly khai, cụ thể là với việc chiếm
đóng trụ sở Quốc hội địa phương. Một lần nữa, nhìn nhận vấn đề theo khía cạnh
lịch sử và địa lý cho phép hiểu được sự kiện này vì thành phố đó trong quá khứ
thuộc về (đế quốc-TTXVN) Áo-Hung, rồi chuyển sang tay Ba Lan từ sau Chiến tranh
Thế giới thứ Hai. Ở đây có một vùng rõ ràng cảm thấy mình là của châu Âu nhiều
hơn, trong bối cảnh kình địch Đông-Tây mà hiện nay vẫn chưa biết kết thúc như
thế nào.
Liên minh châu Âu, đặc biệt là
Ba Lan cũng như các nước vùng Scandinave; dẫu sao cũng không được lợi gì nhiều
nếu Ukraine bị chia cắt như vậy vì mục tiêu lớn hơn là đưa toàn bộ vùng lãnh
thổ vào một không gian hợp tác kinh tế. về phía Nga, có thể nói đến tuyên bố
của một số nhân vật theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa ủng hộ chia cắt Ukraine
rồi hội nhập đối với một phần của miền Đông, nhưng về vấn đề này, cũng có thể
khẳng định rằng Moskva sẽ được lợi hơn nếu đưa được toàn bộ Ukraine vào vòng
ảnh hưởng của mình, cụ thể là thông qua việc gia nhập Liên minh Hải quan mà
Tổng thống Putin đang tìm cách xây dựng ở biên giới Nga. Động cơ của Kremlin
cũng mang tính chất quân sự vì tại Crimea có căn cứ hải quân chính của Nga ở
biển Đen, một lợi thế sẽ được duy trì ít nhất đến năm 2045 theo thỏa thuận với
chính phủ của Yanukovych.
Trong con mắt của chuyên gia
Béatrice Giblin, cũng là nhà địa chính trị học, người thua sẽ là cả Nga, vì đó
sẽ là một thất bại và mất ảnh hưởng lẫn Ukraine do bị tan vỡ. Như vậy sẽ không
biết vùng lãnh thổ nào có thế sẽ tiếp tục được gọi là Ukraine. Bà khẳng định
chắc chắn không phải Liên minh châu Âu sẽ có trách nhiệm phải tiếp nhận miền
Tây của Ukraine vì như vậy sẽ có thể khiến châu Âu phải đối mặt với một số vấn
đề nghiêm trọng với Nga.
Dự án soạn thảo một bản Hiến
pháp mới sẽ rất được chú ý vì phe đối lập coi đó là một phươns tiện để làm giảm
ảnh hưởng của cựu Tổng thống Yanukovych trong khi Moskva có thể lợi dụng điều
đó để dựa vào bộ phận dân chúng thân Slave ở đây. Liệu tình hình sẽ tiến triển
như thế nào?
Chuyên gia Guillaume Lagane
nghĩ rằng liên bang là giải pháp có thể chứng minh được hiệu quả của nó theo
nghĩa điều đó sẽ giảm bớt đối kháng khi hạn chế được ảnh hưởng của Chính quyền
Kiev. Điều đó, về lý thuyết, cũng có thể làm dịu đi tình hình chia rẽ về chính
trị giữa một vùng Tây-Bắc ủng hộ “Cách mạng Cam” thân phương Tây và các vùng
khác của đất nước đi theo lập trường của Đảng các khu vực thân Nga. Đồng thời,
tấm gương Bosnia-Herzegovina, vốn cũng lấy cảm hứng từ hệ thống liên bang,
khiến người ta nhớ rằng giải pháp đó cũng có thể gây ra một loạt vấn đề chính
trị và kinh tế. Đối với bà Béatrice Giblin, bản Hiến pháp mới – nếu được ban
hành – sẽ là kết quả của cán cân lực lượng giữa người Ukraine thân Nga và người
Ukraine không muốn bị Nga kiểm soát. Bà có khuynh hướng nghĩ rằng Tổng thống
Putin không sẵn sàng từ bỏ Ukraine, kể cả khi phải thúc ép Yanukovych đàn áp
đẫm máu.
Nhưng vấn đề ở đây là Ukraine
là một nước đã tồn tại từ hàng trăm năm nay và cực kỳ dân tộc chủ nghĩa. Người
dân Ukraine hiện nay liệu có hoàn toàn bị thúc đẩy bởi ý đồ ly khai không và
nếu có thì ở mức độ nào? Ông Guillaume Lagane, chuyên gia về các vấn đề quốc
phòng, cho rằng không thể trả lời câu hỏi này một cách chính xác và tổng thể
được, nhưng có thể khẳng định rằng Yanukovych được bầu năm 2009 sau khi dân
chúng không còn thiện cảm với các chính phủ được gọi là “màu cam” nữa. Tất cả
điều đó diễn ra trong bối cảnh sự thống nhất dân tộc bị lung lay. Chủ nghĩa dân
tộc đúng là tồn tại trong lịch sử nước này, nhưng cũng đã nhiều lần bị đặt lại
vấn đề, thậm chí ý niệm về dân tộc Ukraine từng bị những kẻ chiếm đóng Nga đánh
phá mạnh mẽ trong suốt thế kỷ 20. Đặc biệt, chủ nghĩa dân tộc trong một thời
gian được một số nhân vật đồng thuận sử dụng, như Simon Petlyura, rốt cuộc đã
mất đi lý tưởng của mình khi tham gia ủng hộ nước Đức phát xít vì Hitler lúc đó
được coi là thành trì vững chắc nhất để chống lại Liên Xô. Hơn nữa, theo bà
Béatrice Giblin, người cũng là tác giả cuốn’”Các cuộc khủng hoảng trên thế
giới. Hiểu theo nghĩa địa chính trị” (Nhà xuất bản Armand Colin, năm 2011),
đường biên giới hiện nay của Ukraine không phải là quá lâu đời, đặc biệt là ở
phía Tây, và đã xê dịch nhiều cho đến năm 1954 (năm nước này lấy lại vùng
Crimea) và trong thời kỳ từ năm 1939 đến năm 1945, khi vùng lãnh thổ của nước
này mở rộng thêm sang phần đất của Ba Lan, Romania. Hơn nữa, Ukraine, với tư
cách là một Nhà nước, không có được những thời kỳ độc lập dài, kể từ Nhà nước
Kiev (từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 11).
Hơn nữa, vấn đề chia cắt lãnh
thổ lại đang diễn ra trong vùng. Nước Moldova gần đó cũng có liên quan đến ý
định ly khai khi Bruxelles ve vãn chính phủ trung ương. Liên quan đến kịch bản
chia cắt Ukraine, nếu được khẳng định, với khả năng tạo thành vết dầu loang đối
với các nước khác trong vùng, chuyên gia Guillaume Lagane cho rằng hoàn toàn có
thể làm một phép so sánh như vậy. Tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước
đây vẫn luôn bị Kremlin coi là “nước ngoài gần gũi”. Điều đó giải thích tại
sao Nga ủng hộ chế độ độc tài
cuối cùng của châu Âu ở Belarus và can dự vào đời sống chính trị của một số
nước khác như Moldova. Hiện đang diễn ra cuộc tranh luận giữa phái thân phương
Tây đang nắm quyền và phái thân cộng sản lãnh đạo trước họ cho đến năm 2009.
Thêm vào đó là yêu sách của hai vùng ly khai – Gagaouzie có gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ
được Moskva sử dụng như một chiếc đòn bẩy và Transnitrie đang được hưởng quyền
tự trị không vĩnh viền từ năm 1992 nhưng được quân đội Nga bảo vệ về mặt quân
sự. Đó là một số cuộc xung đột đã được khoanh lại, nhưng quả thực đang đe dọa
sẽ lại bùng phát nếu tình hình ở Ukraine tiến triển theo hướng bi đát vì trường
hợp Moldova thậm chí có thể được nghiên cứu với tư cách là một tiền lệ thú vị,
về mặt phân tích, so với tương lai của Ukraine./.
No comments:
Post a Comment