Thứ bảy 08 Tháng Ba 2014
Cuộc đọ sức giữa Phương Tây với
Nga trên hồ sơ Ukraina là bài học mà các nước châu Á cần rút tỉa trong đối sách
chống tham vọng chủ quyền của Trung Quốc. Lý do là vì đây là vấn đề một cường
quốc khu vực có thể khởi động một cuộc tấn công quân sự chống lại một láng
giềng nhỏ bé mà vẫn được yên ổn. Trong số ghi ngày 06/03/2014, tạp chí Nhật Bản
Nikkei Asian Review đã nêu bật một số kinh nghiệm mà châu Á có thể học hỏi được
từ sự kiện được tờ báo gọi là « khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu kể từ
khi Chiến tranh Lạnh kết thúc ».
Bài học đầu tiên được nêu lên
là điều thường được giới chuyên gia nhắc đến : Đó là sự phụ thuộc lẫn nhau về
kinh tế không phải là bảo đảm ngăn cản xung đột quân sự. Theo tờ Nikkei Asian
Review, Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và là thị trường chính
cho ngành xuất khẩu năng lượng của Nga. Mátxcơva cũng rất mong muốn ký được một
hiệp định thương mại và đầu tư với Washington. Thế nhưng các yếu tố đó vẫn
không thể ngăn cản được việc Nga xâm lược vùng Crimée. Tại châu Á, tình hình có
nhiều điểm tương đồng : Dù Nhật Bản và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế
nhưng điều đó không cấm được Bắc Kinh đòi chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Một bài học thứ hai mà tạp chí
Nhật Bản nêu bật là cần phải cẩn có đối sách thích hợp với các thể chế độc đoán
như Nga và Trung Quốc. Theo tờ báo, Tổng thống Nga Putin hiện không chỉ muốn
khôi phục lại đế chế Nga, mà còn tìm cách chống lại nguy cơ một cuộc cách mạng
nhân dân theo kiểu Ukraina, có thể lật đổ một chế độ tham nhũng và ăn cắp tương
tự tại Mátxcơva. Và ông trắng trợn vi phạm một loạt các thỏa thuận với phương
Tây về việc giải quyết tàn dư Chiến tranh Lạnh ở châu Âu.
Cũng như vậy, theo Nikkei Asian
Review, các nước châu Á đang phải đối mặt với các tranh chấp lãnh thổ của Bắc
Kinh cũng hiểu được là sở dĩ Trung Quốc có được thái độ quyết đoán nước ngoài,
đó là vì chế độ hiện hành tại Bắc Kinh không bị pháp luật giới hạn, cũng như
không cần phải trả lời trước dân chúng về hành động của mình.
Trong tình hình đó, kinh nghiệm
mà các quốc gia dân chủ cần rút tỉa là phải năng động trong việc phát huy một
môi trường an ninh, thay vì chỉ phản ứng sau khi bị khiêu khích. Theo tạp chí
Nhật Bản, trong hồ sơ Ukraina, phương Tây đã không có kế hoạch được định trước
để đối phó với các hành động của Mátxcơva nhắm vào Ukraina, cho dù họ đã có
kinh nghiệm về vụ Nga xâm lược Gruzia vào năm 2008, nhân danh việc « bảo vệ »
các nhóm thiểu số nói tiếng Nga. Đó hiện là kịch bản mà Nga đang lập lại.
Tại vùng Đông Á cũng thế, Trung
Quốc cũng đã có nhiều hành động đe dọa trên không, trên biển và trên bộ mà
không gây nên một phản ứng thích đáng nào. Tạp chí Nikkei Asian Review nêu bật
các động thái của Bắc Kinh như dồn các giàn tên lửa đến vùng bờ biển đối diện
Đài Loan, dùng võ lực mặc nhiên chiếm hữu bãi cạn Scarborough ở Biển Đông và
đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, bao trùm cả
quần đảo do Nhật Bản quản lý.
Đối với tạp chí Nhật Bản, bài
học đến từ Ukraina là các đồng minh cần phải đoàn kết chặt chẽ hơn, không nên
bị đối phương chia rẽ, Hoa Kỳ cần phải đảm trách vai trò lãnh đạo không ai thay
thế nổi của mình, và nên coi trọng hơn các đồng minh của mình trong khu vực.
Uy thế kinh tế của Trung Quốc,
suy cho cùng, không đáng sợ vì lẽ : « Trong tư cách cường quốc thương mại lớn
nhất thế giới, Trung Quốc rất dễ bị tổn thương nếu trao đổi kinh tế bị gián
đoạn, điều sẽ đương nhiên xẩy ra nếu xung đột bùng lên ở châu Á.
No comments:
Post a Comment