Friday 14 March 2014

TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH LOANH QUANH TRƯỚC TRÁCH NHIỆM ĐỂ MẤT GẠC MA (Chép Sử Việt)




Posted by chepsuviet on 14/03/2014

Nhưng cũng đã rõ thêm! Ở bài trước, Hé lộ mặt tội đồ trong “LỜI HỨA CỦA TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH Ở TRƯỜNG SA LỚN”, chưa biết Đại tướng Lê Đức Anh thăm Trường Sa lớn và đọc diễn văn là vào thời điểm nào trong năm 1988. Trong bài gọi là “trò chuyện” này (mà dễ thấy nó chỉ là một bài viết sẵn), biết thêm được sự kiện đó xảy ra 1 tháng sau trận Hải chiến Gạc Ma 14/3/1988, nghĩa là khoảng giữa tháng 4/1988.

Cái rõ thêm thứ hai là Tướng Lê Đức Anh hoàn toàn không đả động tới những gì đã xảy ra ở ban lãnh đạo CSVN trước và sau khi Trung Quốc gây hấn và xâm chiếm ở Trường Sa khi đó, càng hé lộ một thái độ lẩn tránh trách nhiệm của kẻ đã ra lệnh cho cấp dưới chấp nhận thúc thủ.

Ở một số tư liệu khác đã cho thấy thời điểm trước trận chiến, đã rất rõ ý đồ của Trung Quốc, lực lượng hải quân VN đã được chuẩn bị tinh thần từ đầu năm (xem Trường Sa 1988: Những mệnh lệnh lạ lùng của Đô đốc Giáp Văn Cương, và nhiều bài viết trong chuyên mục HẢI CHIẾN TRƯỜNG SA của trang SOHA), thế nhưng, không thấy Tướng Lê Đức Anh nói tới những diễn biến này.

Tướng Anh lớn giọng được rằng “anh nào để mất lãnh thổ là anh đó tự sát về chính trị, cấp nào để mất lãnh thổ về Trung Quốc là tự sát về chính trị, không xứng đáng là công dân Việt Nam”, bởi vì quá biết bản chất của chế độ CSVN là bưng bít thông tin, nhất là những gì vô cùng hệ trọng với cả Dân tộc, như chủ quyền lãnh thổ, và liên quan tới trách nhiệm của ban lãnh đạo đảng.

Lịch sử không dễ để có ngày chỉ mặt vạch tên ra được những kẻ tiếp tay cho kẻ thù xâm lược.

-

NGUYÊN CTN, ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH: ĐỂ MẤT LÃNH THỔ LÀ TỰ SÁT
Nguyễn Tuấn Nam - theo Trí Thức Trẻ | 14/03/2014 08:11

(Soha.vn) – Nói về lời thề giữ biển ở Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh nhớ lại: “Tôi chỉ đạo rằng các điểm nào có thể đóng quân được là phải đóng quân hết kể cả đảo nổi và đảo chìm”.
Sự kiện 14/3/1988 ở quần đảo Trường Sa đã trở thành một sự kiện không thể bị lãng quên trong lịch sử chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Một tháng sau khi diễn ra Hải chiến Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) ra thăm Trường Sa. Tại đây, ông đã có bài phát biểu nhân dịp ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam với lời thề giữ biển hết sức cảm động. Ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên trực tiếp ra thị sát và thăm cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Lý do thôi thúc Đại tướng Lê Đức Anh ra thăm Trường Sa trong bối cảnh lịch sử đặc biệt như vậy cho đến nay, sau 26 năm diễn ra trận chiến ở đảo Gạc Ma vẫn còn là một dấu hỏi. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tướng Lê Đức Anh – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhân dịp này.
Bồi hồi nhớ lại sự kiện 14/3/1988, Đại tướng Lê Đức Anh nói: “Biển Đông là một trong những hướng bành trướng nằm trong một kế hoạch chiến lược lấn tới của Trung Quốc.
Khi đế quốc Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, vì không thực hiện được mục tiêu chủ nghĩa thực dân mới, họ đã bắt tay với các nước lớn nhằm ngăn chặn sự lớn mạnh của cách mạng Việt Nam, chia năm xẻ bảy Việt Nam không để cho làn sóng cách mạng Vô Sản lan xuống Đông Nam Á. Vậy là tư tưởng bành trướng của các nhà lãnh đạo Trung quốc lúc đó đã đón bắt được thời cơ tốt, muốn bành trướng tất cả các hướng, nhưng trên đất liền và hướng Đông Bắc trên biển lúc đó chưa thể được, họ xác định chỉ còn hướng Nam (Biển Đông) nơi có các nước nhỏ- yếu. Nhân tư tưởng bành trướng của Tưởng Giới Thạch tự nghĩ ra năm 1947 là cái sơ đồ ảo tưởng 11 đoạn hình lưỡi bò không tọa độ, họ dấn tới luôn. Vậy là quần đảo Hoàng Sa rồi Trường Sa của Tổ Quốc ta lần lượt là mục tiêu đánh chiếm của họ.

Thời Tưởng Giới Thạch mới chỉ mơ tưởng đến hướng bành trướng này nhưng đến thời Mao thì làm tới để biến đường lưỡi bò đó từ không  thành có. Từ đó Trung Quốc muốn vươn đến Đại Tây Dương. Còn trên đất liền, họ muốn chiếm cả Đông Nam Á kể cả vùng biển, nhưng chiếm Đông Nam Á thì họ chưa đủ điều kiện nên họ muốn chiếm biển trước.
Trung Quốc lợi dụng lúc Việt Nam khó khăn đã lấy Hoàng Sa năm 1974 khi đó do Việt Nam Cộng hòa quản lý (năm 1956, Trung Quốc đã đánh chiếm một số đảo ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lúc đó đang do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý). Tại thời điểm đó, Mỹ ở thế khó nên không có ý kiến gì, còn Việt Nam Cộng hòa thì đành rút”.
Đại tướng Lê Đức Anh kể tiếp: “Khi Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ đã câu kết với nhau nhằm thực hiện âm mưu chiến lược của mình. Khi Mỹ buộc phải rút quân thì Henri Kitxingơr đại diện Mỹ và Chu Ân Lai đại diện Trung Quốc đã ký bản thỏa thuận ngày 23/10/1975. Theo đó, Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam để đổi lấy việc Mỹ viện trợ kinh tế, mở cửa thị trường về vốn và công nghệ. Thời điểm đó, Mỹ đã viện trợ cho Trung Quốc 1 tỷ USD.
Chính vì thế nên sau 30/4/1975, Trung Quốc đã cho lực lượng đánh thăm dò. Ban đầu họ dùng Khmer đỏ để đánh Việt Nam ở biên giới Tây Nam, khi Việt Nam giúp lực lượng cách mạng Campuchia lật đổ bè lũ tay sai Polpot, thì lập tức Trung Quốc tiến công trực tiếp ở biên giới phía Bắc hòng làm cho Việt Nam suy yếu, chia năm xẻ bảy Đông Dương để thực hiện mưu đồ không chế Việt Nam, khống chế cả Đông Nam Á và cả Biển Đông. Để buộc ta phải rút quân từ Campuchia, Trung Quốc đã đánh biên giới phía Bắc của ta. Họ nghĩ rằng, tiến công xâm lược ở biên giới phía Bắc sẽ buộc Việt nam phảii rút quân từ Campuchia về để bảo vệ biên giới phía Bắc, khi đó Polpot quay trở lại nắm quyền ở Campuchia và tiếp tục đánh ta ở phía Tây Nam sau đó. Nhưng họ không ngờ ta vẫn kiên quyết  giúp nhân dân Campuchia xóa hẳn chế độ diệt chủng Polpot.
Trước sự chống phá Việt Nam trên bộ thất bại nên họ quay ra tiến công Việt Nam trên biển.
Nói về lý do ra thăm quần đảo Trường Sa và có bài phát biểu xúc động tại đây, Đại tướng Lê Đức Anh cho hay: “Năm 1988, ngay sau khi Trung Quốc đánh 2 điểm ở Trường Sa, tôi đã ra Trường Sa để động viên chiến sỹ giữ cho bằng được Trường Sa. Tôi chỉ đạo rằng các điểm nào có thể đóng quân được là phải đóng quân hết kể cả đảo nổi và đảo chìm”.

Về quần đảo Hoàng Sa hiện nay, Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định Việt Nam phải kiên quyết đòi bằng được, nhưng không dùng quân sự mà dùng chính trị và ngoại giao.
“Trung Quốc không nuốt nổi đâu vì Hoàng Sa là của Việt Nam, do Việt Nam phát hiện và quản lý từ xưa đến khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm năm 1956 và 1974. Ngay cả bây giờ ngư dân của ta vẫn đánh bắt cá ở Hoàng Sa. Dù Trung Quốc đóng trên đảo nhưng ta phải kiên quyết đòi bằng được, đấu tranh trên mọi lĩnh vực, kể cả khi sang làm việc cũng đòi, khi gặp trong hội nghị quốc tế cũng vẫn phải đòi. Một tấc đất của tổ tiên thì dù phải mất hàng chục, hàng trăm năm vẫn phải đòi.
Anh nào để mất lãnh thổ là anh đó tự sát về chính trị, cấp nào để mất lãnh thổ về Trung Quốc là tự sát về chính trị, không xứng đáng là công dân Việt Nam. Không có nước nào, không cấp nào có quyền để cho chủ quyền lãnh thổ đất nước rơi vào tay kẻ khác. Lãnh đạo càng phải biết đâu là chủ quyền của ta. Mọi công dân Việt Nam đều phải bảo vệ chủ quyền. Lãnh đạo càng phải biết, càng phải đòi, đòi trong tình hữu nghị, hòa bình, hợp tác”, Đại tướng Lê Đức Anh nhấn mạnh.
Nhân dịp về chiếc tàu ngầm Kilo thứ 2 Hải quân Việt Nam đặt mua của Nga chuẩn bị về đến Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh cũng cho rằng: “Có vũ khí hiện đại là tốt nhưng điều quan trọng cốt lõi nằm ở con người. Phương tiện hiện đại cũng rất cần nhưng sự hiện đại của ta còn phải phấn đấu nhiều mới theo kịp các nước. Tuy nhiên có một điều là ý chí của người Việt Nam thì không bao giờ chịu khuất phục quân xâm lược. Có ý chí thì ta sẽ bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ. Con người có ý chí thì sẽ biết sử dụng và phát huy cao nhất khả năng của tất cả các loại vũ khí phương tiện để bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Tổ Quốc như các thế hệ trước đã làm”.

--------------------------------------------

Chi tiết
Được đăng ngày Thứ tư, 12 Tháng 3 2014 10:36


No comments:

Post a Comment

View My Stats