Sunday, 2 March 2014

TỪ LỜI KÊU GỌI HỦY THỎA THUẬN UKRAINE CHO NGA THUÊ CĂN CỨ HẢI QUÂN, NGHĨ VỀ TOAN TÍNH CHO NGA VÀO CAM RANH (Chép Sử Việt)




Posted by chepsuviet on 03/03/2014

Đúng ngay lúc có những thông tin cho là Nga đang đàm phán để trở lại Cam Ranh, và thỏa thuận đang ‘nằm trong bàn tay’, thì xảy ra sự kiện Ukraine, Nga lợi dụng căn cứ Hạm đội Biển Đen để đưa quân vào “xâm lược” nước này.

Mối đe dọa quá lớn tới mức mà 3 vị cựu Tổng thống Ukraine đồng loạt gợi ý hủy thỏa thuận cho Nga sử dụng căn cứ hải quân trên.

Vậy thì những sự kiện đó có làm cho người ta phải suy nghĩ kỹ hơn, nghĩ lại khi đàm phán cho Nga thuê Cam Ranh trở lại?

Hay là phải nhắc lại cuộc Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979, khi mà dường như TBT Lê Duẩn và bộ sậu đã quá tin vào Hiệp ước hữu nghị vừa ký với Liên Xô, để rồi người đàn anh khổng lồ đó đã “bỏ rơi” Việt Nam cho tên hàng xóm bạo tàn chà đạp ức hiếp?

Thử tưởng tượng một viễn cảnh, khi Trung Quốc gây hấn, xâm lấn biển đảo Việt Nam trên Biển Đông, vì lợi ích lớn hơn với Trung Quốc, hải quân Nga tại Cam Ranh hoàn toàn không có một động tĩnh nào. Trong khi đó, nếu như muốn đưa chiến hạm vào khu vực này để giúp ổn định tình hình, Mỹ sẽ gặp trở ngại lớn gấp bội, khi phải đối mặt một lúc với hai đối thủ tiềm tàng, thay vì một nếu như không có Nga ở Cam Ranh.

Thêm nữa, sự có mặt của Nga ở Cam Ranh hoàn toàn khác với sự có mặt của Mỹ, bởi vì hành động gây hấn của Trung Quốc ở khu vực này sẽ đụng đến hàng loạt đồng minh của Mỹ, chứ với Nga thì không.

Vậy mà vẫn chưa hết! Nếu như khi Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông, chọn đúng vào một thời điểm có những biến cố lớn như hiện nay, tức là Nga đang có đụng độ lợi ích chiến lược với Mỹ và phương Tây ở đâu đó, thì đương nhiên Nga phải tranh thủ sự ủng hộ hiếm hoi của quốc tế từ gã khổng lồ Trung Quốc rồi. Lúc đó không khéo nó còn chủ động đem tàu ngầm, khu trục hạm ra án ngữ ngoài khơi, chặn không cho lực lượng của Hạm đội 7 Hoa Kỳ tiến vào.

Và còn nhiều kịch bản xấu nữa có thể xảy ra, chưa thể lường hết, nếu như cho quân đội một quốc gia đã từng và đang tỏ rõ bản chất bành trướng nước lớn đặt chân vào vùng biển xung yếu như Cam Ranh.

Rõ ràng lối thoát tưởng là tối ưu, khôn khéo để tránh làm tên hàng xóm hung bạo nhưng lại là “bạn vàng” của đảng nổi điên, đồng thời thỏa mãn những thế lực bảo thủ luôn sợ dựa vào phương Tây, Mỹ, đã trở nên rất mong manh và luôn tiềm ẩn những hậu họa khó lường. 
-

28.02.2014 | 15:15 PM
Hải quân, không quân Nga sẽ trở lại căn cứ Cam Ranh

Đó là nhan đề bài viết trên Đài Tiếng nói nước Nga: Xét theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, chắc là trong tương lai không xa, tàu Hải quân Nga sẽ trở lại cảng Cam Ranh, Việt Nam.
Thực chất vấn đề đang nói đến là gì: thành lập tại Cam Ranh căn cứ hải quân Nga hoặc trạm hậu cần kỹ thuật phục vụ tàu chiến Nga? Xin nhắc lại rằng căn cứ tương tự đã tồn tại trong vịnh Cam Ranh 23 năm và được chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2002. Ông Igor Korotchenko, tổng biên tập tạp chí “Quốc phòng” của Nga cho biết:
“Ở đây hoàn toàn không nói về việc thành lập căn cứ hải quân Nga. Hiện đang tiến hành đàm phán để thành lập trạm sửa chữa bảo dưỡng các tàu Nga. Nga quan tâm đến thực tế là các tàu nổi và tàu ngầm của Nga có thể đến Cam Ranh trên cơ sở thường xuyên.”

Mục đích tàu chiến Nga cập bến Cam Ranh là bổ sung thực phẩm và nước ngọt, nếu cần thiết thì tiến hành các sửa chữa đơn giản. Dĩ nhiên là phải tổ chức nghỉ ngơi giải trí cho thủy thủ đoàn. Chuyên gia của chúng tôi khẳng định rằng, xét theo quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai nước, có tính đến việc Nga thực hiện nhiều đơn đặt hàng lớn về xây dựng tàu ngầm và tàu khu trục cho Việt Nam, chắc chắn sẽ dễ dàng tìm giải pháp thoả đáng cho phép Hải quân Nga trở lại Cam Ranh.
Và không chỉ hạm đội Nga mà thôi. Hiện giờ đang tiến hành đàm phán song phương Nga – Việt về việc cho phép máy bay tiếp dầu của Nga sử dụng sân bay Cam Ranh để đảm bảo hoạt động tầm xa của hàng không Nga.

Hôm 26/2, ông Sergei Shoigu nhấn mạnh rằng, việc đàm phán đang được tiến hành và việc ký kết các văn bản thỏa thuận gần như ‘nằm trong bàn tay’.

Ông Shoigu cũng cho biết thêm, các cuộc thương lượng còn đề cập đến các điều kiện cho phép tàu quân sự của Nga qua lại cảng của các nước này, cũng như việc mở tại những nơi đó các trạm tiếp viện cho máy bay ném bom của Nga trên đường tuần tra.
“Chúng tôi đang bay nhiều, nhưng để bay nhiều cần có các căn cứ tiếp dầu, cần để các máy bay tiếp dầu Il-78 của chúng tôi chờ các máy bay đó hoặc ở xích đạo, hoặc ở những nơi khác”, ông Shoigu nói.
Hiện Nga chỉ còn giữ lại căn cứ hải quân duy nhất là Tartus tại Syria. Nhưng bất ổn tại Syria hiện nay khiến cho số phận căn cứ này trở nên bấp bênh.

Hồi tháng 5/2002, vì lý do tài chính, Nga đóng cửa căn cứ ở cảng Cam Ranh, Việt Nam – đây là căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất của hải quân Nga. Ngoài ra một căn cứ radar khác ở Cuba cũng ngừng hoạt động.
Từ giữa thập niên 2000, Nga bắt đầu có ý định vực dậy hải quân và không quân chiến lược, coi đây là lực lượng chủ chốt để mở rộng ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của Nga trên toàn cầu.

Các cuộc đàm phán tương tự đang được Nga tiến hành với Việt Nam, cũng như với Cuba, Venezuela, Singapore và một số nước khác. Ông Igor Korotchenko nói tiếp:
“Điều này gắn với thực tế là trong những năm tới sẽ diễn ra kế hoạch tái trang bị Hải quân Nga với quy mô lớn. Mặt khác, Nga đang gia tăng sự hiện diện quân sự của mình trong các khu vực quan trọng trên thế giới, kể cả ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Để đảm bảo hoạt động toàn diện và cơ động, Hải quân và Không quân Nga cần có những điểm tựa.”
Mong rằng một trong những điểm tựa đó sẽ là Cam Ranh.

C.P
—————

(VIETNAM+) LÚC : 03/03/14 06:28
Kêu gọi hủy thỏa thuận cho Nga thuê căn cứ Hạm đội Biển Đen

Trang mạng báo Ukrainckaya Pravda cho biết, ba cựu tổng thống Ukraine, gồm Leonid Kravchuk, Leonid Kuchma và Viktor Yushchenko, đã kêu gọi chính phủ nước này hủy bỏ thỏa thuận Kharkov về việc cho thuê căn cứ của Hạm đội Biển Đen Nga ở Crimea, do các ông Dmitry Medvedev và Viktor Yanukovych ký năm 2010.

Trong một tuyên bố chung, ba cựu tổng thống cũng lưu ý rằng “lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, dân tộc Ukraine đối mặt với cuộc khủng hoảng đe dọa tới sự thống nhất, chủ quyền và chủ quyền nhà nước, điều có thể dẫn tới thảm họa quốc gia, đe dọa hủy hoại Ukraine.”

Các cựu tổng thống cho rằng “nhân dân Ukraine và Nga đã bị đẩy một cách giả tạo tới cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Ukraine, nước rất khó vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị, nay đang ở bên bờ vực của tình trạng gia tăng xung đột với tất cả các dấu hiệu của một cuộc xung đột quân sự.”

Ba cựu lãnh đạo này nhận định Nga “lợi dụng những khó khăn chính trị nội bộ ở Ukraine để quyết định chơi cái gọi là ‘quân bài Crimea’ vì lợi ích của riêng mình, phớt lờ những cam kết với Ukraine.”

Các cựu tổng thống khẳng định “Crimea là lãnh thổ Ukraine, đây là chân lý đối với bất cứ công dân, chính trị gia Ukraine nào. Chính vì điều này, việc xâm phạm lãnh thổ Ukraine là bất hợp pháp.”

Các cựu tổng thống kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin “không thành kiến chính trị, thực sự công nhận quyền tự quyết, không xâm phạm biên giới và thể hiện sự tôn trọng đối với chủ quyền Ukraine.”

Các cựu tổng thống cũng kêu gọi Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga “bãi bỏ quyết định can thiệp quân sự, điều có thể khiến cho người Ukraine và người Nga trở thành kẻ thù của nhau”./.




No comments:

Post a Comment

View My Stats