Tuesday, 4 March 2014

TRÙM MA TÚY SINALOA BỊ BẮT TRONG CHIẾN TRANH MA TÚY MEXICO (Hà Tường Cát - Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt (Tổng Hợp)
Friday, February 28, 2014 5:53:50 PM

Cuối tuần trước, nhà chức trách Mexico đã bắt được Joaquin Archivaldo Guzman Loera, trùm băng đảng ma túy Sinaloa, được coi là một trong những ông trùm nguy hiểm nhất thế giới về tội ác và buôn lậu ma túy.

Những món tiền lớn như thế này - trong hình, 15 triệu dollars - do quân đội Mexico tịch thâu được, là mối lợi khiến các băng đảng ma túy không khi nào chịu ngừng hoạt động.(Hình: Yuri Cortez/AFP/Getty Images)  

Joaquin Guzman 58 tuổi, cao 5 feet 6 (1.68m), nhưng với thân hình mập mạp cân nặng 150 pounds, nên có biệt danh là “El Chapo” nghĩa là “Thằng Lùn”.  Guzman có ít nhất là 4 người vợ và 10 đưa con.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở Sinaloa, tiểu bang miền Tây Mexico duyên hải Thái Bình Dương, từ khi còn bé đã phải đi bán cam. Nhà cầm quyền không có nhiều tài liệu về thời gian này nhưng tin rằng ông bố của Guzman giống như nhiều nông gia và dân chăn nuôi gia súc khác trong vùng đã có lén lút trồng cây thuốc phiện.

Guzman bỏ học từ lớp 3 và làm việc cho bố, và khi lớn lên ông bố giới thiệu với Pedro Aviles Peres, một nhà kinh doanh tổ chức việc đưa ma túy từ vùng nông thôn Sinaloa về các thành phố  và là người đầu tiên dùng máy bay chuyển ma túy qua Hoa Kỳ. Sự nghiệp của Guzman trong giới buôn lậu ma túy tăng tiến nhanh chóng từ đó. Trong thập niên 1980, Guzman gia nhập băng Sinaloa Cartel và khi thủ lãnh Felix Gallardo của băng này bị bắt năm 1995, 'El Chapo' tiến tới vai trò trở thành người cầm đầu băng Sinaloa.

Sinaloa Cartel có tên này vì căn cứ chính tại tiểu bang Sinaloa, và hoạt động mạnh nhất tại Jalisco, Chihuahua, Baj Califiornia, tuy nhiên phát triển ra nhiều nơi khác bằng sự hợp tác hay tranh đoạt địa bàn hoạt động của các băng đảng khác. Vào thời gian chính quyền Mexico  khởi đầu cuộc chiến đàn áp ma túy, ở Mexico có tới 10 băng đảng hoạt động trên khắp các tiểu bang toàn quốc.

Qua các cuộc xung đột đẫm máu giữa các băng đảng ma túy, Sinaloa Cartel dần dần là băng lớn mạnh nhất sau khi Osiel Cardenas, ông trùm Gulf Cartel, băng đối nghịch Sinaloa bị bắt năm 2003.  Một phần nguyên nhân cũng là do trong cuộc chiến tranh diệt trừ  ma túy của chính quyền Mexico, nhiều băng đảng ma túy khác đã bị dẹp tan hay suy yếu trong khi băng Sinaloa tránh né được hầu hết các tổn thất ấy.

Đồng thời băng Sinaloa cũng là băng gây nhiều tội ác đẫm máu nhất trong cuộc chiến tranh ma túy ở Mexico. Không thể có tài liệu chính xác về con số các nạn nhân của băng Sinaloa, qua thanh toán giữa các băng đảng, ám sát nhân viên công lực, khủng bố dân chúng, nhưng người ta biết rằng số người chết phải tới hàng chục ngàn trong đó có hàng trăm công dân Mỹ.

Gia đình Joaquin 'El Chapo' Guzman tham gia tích cực  vào hoạt động ma túy và do đó cũng chịu nhiều tổn thất nặng nề.  Tất cà các con trai của Guzman, trừ một, đều dính dáng đến buôn bán ma túy.  Nhiểu thành viên trong gia đình, ít nhất là một em trai và một người con của Guzman, bị các băng đối nghịch Los Zetas và Beltran Leyva thanh toán.

Năm 2013, Ủy Hội Tội Phạm Chicago liệt Guzman vào hàng “Kẻ Thù Công Cộng số 1”, trước đây chỉ  Al Capone có 'danh vị' này năm 1930. Không có bằng chứng nào cho thấy Guzman đã từng đến Chicago, nhưng mạng lưới hoạt động của Sinaloa Cartel đã đưa vào Hoa Kỳ một lượng ma túy lớn hơn tất cả mọi băng đảng ma túy nào khác từ trước đến nay. Theo bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, từ 1990 đến 2008 Sinaloa  Cartel đã đưa vào và phân phối ở Hoa Kỳ 200 tấn cocaine và một số lượng lớn heroin.

Tạp chí Fortunes nghiên cứu các tỷ phú trên thế giới, xếp hạng Guzman là người giầu có đứng hàng thứ 10 ở Mexico và thứ 1,140 trên thế giới.

Bị săn lùng ráo riết từ 13 năm nay, chính quyền Mexico treo giải thưởng 30 triệu pesos ($2.25 triệu) và Hoa Kỳ 5 triệu dollars cho những ai cung cấp tin tức để bắt được Guzman.

Thoạt đầu, 'El Chapo' là một người thường xuyên di chuyển từ nơi này đến nơi khác và do đó thành lập được những liên lạc trên ít nhất 17 trong số 31 tiểu bang toàn quốc. Cách nay 21 năm, năm 1993, một lần Guzman bị chính quyền Guatemala bắt giữ, cho dẫn độ về Mexico và lãnh án tù 20 năm. Ngày 19 tháng 1 năm 2001, Guzman vượt ngục khỏi nhà tù liên bang ở Jalisco bằng cách hối lộ rất tinh vi tất cả nhân viên nhà tù cũng như cảnh sát thành phố, để bảo đảm rằng ít nhất trong 24 giờ không bị truy lùng và đủ thời gian thoát ra khỏi tiểu bang Jalisco. Cuộc điều tra của nhà cầm quyền Mexico sau này cho biết 78 người dính dáng vào âm mưu này. Viên giám ngục mở  phòng giam bằng khóa điện tử, cho đặt  Guzman vào xe chứa đồ giặt, đẩy qua tất cả các cổng có canh gác ra ngoài, rồi đưa vào thùng của một chiếc xe do đồng bọn lái  đi ra khỏi thành phố.

Những năm sau đó Guzman cũng trốn tránh rất khéo léo, lọt qua sự theo dõi dò tìm dấu tích của nhà chức trách và quân đội. Sinaloa Cartel tổ chức nhiều căn nhà ngay ở  Culiacan, thủ phủ tiểu bang, làm nơi trú ẩn cho Guzman. Những căn nhà này đều giống nhau, bên ngoài không có gì khác lạ, nhưng tất cả đều có đường nối liền bằng đường  hầm bí mật. Đường xuống hầm  đăt dưới bồn tắm có cửa thép bảo vệ, dẫn vào hệ thống các ống cống thoát nước của thành phố.

Tuy vậy “El Chapo” cũng có những lần muốn ra mắt dân chúng. Theo tin của báo chí Mexico, ít nhất hai lần Guzman xuất hiện tại hai tiệm ăn ngay trên đường phố đông người,  một lần ở Nuevo Laredo năm 2005 và một lần ở ngay Culiacan, thủ phủ tiểu bang Sinaloa. Mỗi lần, hơn một tiểu đội vệ sĩ của Guzman võ trang súng AK-47 đột nhập nhà hàng và ra lệnh cho mọi người ngồi yên tại chổ vì “Ông Trùm” sắp đến. Sau khi  'El Chapo' bước vào chào hỏi mọi người, khách  được yêu cầu không được dụng tới điện thoại, tiếp tục ăn uống như bình thường cho đến khi “Ông Trùm” đã ra về và không phải lo trả tiền vì tất cả hóa đơn đã được thanh toán.

Nhưng dần dần, nhà chức trách Mexico với sự hợp tác của Hoa Kỳ cũng dò tìm được tông tích của Guzman. Nhân viên cơ quan Quan Thuế và Di Trú Hoa Kỳ ở văn phòng Arizona tháng trước bắt được  tín hiệu điện thoại của một thuộc hạ vẫn phụ trách nhiệm vụ giao liên cho Guzman, tìm ra người này và biết được những căn nhà mà Guzman lẩn trốn. Sáng sớm ngày Thứ Bảy 22 tháng 2, một đơn vị thủy quân lục chiến Mexico đến bao vây căn nhà gần bãi biển ở thành pố Mazatlan, Sinaloa.  Joaquin 'El Chapo' Guzman bị bắt không kháng cự dù có vũ khí là một khẩu súng trường bán tự động loại tấn công bên mình.

Đây là một thành tích quan trọng trong cuộc chiến tranh chống ma túy ở Mexico khởi đầu từ năm 2006 dưới thời Tổng Thống Felipe Calderon và còn tiếp tục với Tổng Thống Enrique Pena Nieto từ 2012 đến nay. Tuy nhiên theo phân tích và nhận định của các chuyên gia về tình trạng sản xuất và buôn lậu ma túy trên thế giới, sự kiện Joaquin 'El Chapo' Guzman, trùm băng đảng ma túy lớn nhất và nguy hiềm nhất,  bị bắt không có nghĩa là mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn và ngay cả Sinaloa Cartel cũng chưa phải là đã tan rã.

Sinaloa Cartel hoạt động tại Mexico là một trong những tổ chức quan trọng nhất trong việc đưa lậu ma túy vào Hoa Kỳ. Nhưng băng đảng này còn có những đường giây chuyển ma túy trong vùng biển Carribean và đem sang thị trường Âu Châu, có thể cả Á Châu. Từ lâu Sinaloa đã thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều tổ chức tội ác Âu Châu, kể cả Cosa Nostra ở Sicily, tổ chức mafiaÝ,  và những băng đảng đường phố Đông Âu.

Samuel Logan,  chuyên gia về hoạt động tội phạm của Southern Pulse, một công ty tư vấn đầu tư , cho rằng Sinaloa có khả năng và kinh nghiệm hơn những băng đảng khác trong việc sản xuất, chuyển lậu, phân phối ma túy. Như vậy, theo ông dù không có Guzman băng đảng này yếu đi trên nhiều lãnh vực như cạnh tranh với đối thủ, phân hóa nội bộ, bị tiết lộ một số cơ sở , nhưng cũng sẽ vẫn tiếp tục làm ăn được vì hệ thống tổ chức đã vững vàng. Ông Logan so sánh: “Nếu ông Tổng Giám Đốc McDonald's bị bắt hôm nay, ngày mai ở Tokyo bạn vẫn có thể mua hamburger chứ không thiếu”. Ông cho rằng thị trường của Sinaloa quá rộng và đã có cơ cấu tổ chức từ Mỹ Châu đến Âu Châu, Australia, Trung Quốc, không thể nào ngừng hoạt động.

Cuộc chiến chống ma túy ở Mexico đã gây nhiều tổn thất và cũng bị phê phán trên nhiều khía cạnh từ xã hội đến nhân quyền, nhưng kết quả vẫn không thể nào là dứt điểm khi ma túy vẫn là một nguồn lợi tức quá lớn lao so với những lãnh vực kinh doanh khác. Công  tác ngăn chặn gắt gao và biện pháp trừng trị càng mạnh mẽ thì đồng thời lại dẫn tới hiệu quả phụ ngoài ý muốn là giá cả ma túy gia tăng và buôn lậu có lời lớn hơn. Do đó ma túy không chỉ là nan đề của một quốc gia mà là của toàn thể nhân loại và có lẽ gipng61 như nhiều tệ nạn khác, sẽ không bao giờ chấm dứt.  Và một 'El Chapo' bị diệt sẽ có nhiều "El Chapo' khác thế chỗ.  (HC)


No comments:

Post a Comment

View My Stats