Tuesday 11 March 2014

TIỀM NĂNG NÔNG NGHIỆP & CÔNG NGHIỆP Ở UKRAINA (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà  -  RFI
Thứ ba 11 Tháng Ba 2014

Ukraina đang đứng trước một khúc quanh quyết định của lịch sử. Công quỹ của nhà nước trống rỗng, kinh tế bên bờ vực thẳm nhưng Ukraina vẫn có thể trông cậy vào tiềm năng nông nghiệp và công nghiệp để vượt qua cơn sóng gió.

« Nhà nước không còn một xu. Tôi không hứa cải thiện tình trạng này ngay hôm nay hay ngày mai, mà chỉ đề ra mục tiêu ổn định tình hình ». Thủ tướng lâm thời Ukraina Arseni Iatseniouk tuyên bố như trên và đưa ra những con số cho thấy kinh tế nước này đang bên bờ vực thẳm. Nợ công của nhà nước đã tăng lên gấp đôi so với 4 năm trước, khi ông Ianoukovitch lên cầm quyền. ¾ khối lượng vàng dự trữ của Ukraina đã không cánh mà bay cùng thời kỳ vừa qua.

Thế nhưng các nhà quan sát không quá bi quan về viễn cảnh kinh tế của Ukraina bởi vì đây là một trong những nước hiếm hoi ở đông Âu có rất nhiều tiềm năng vươn dậy. Vấn đề đặt ra là Ukraina trong tương lai có biết khai thác triệt để những lợi thế đó hay không.

Nông nghiệp những tiềm năng còn chưa khai thác hết

Không phải tình cờ mà trong một thời gian rất dài, Ukraina được mệnh danh là vựa lúa của đông Âu. Trước đây, Ukraina đã từng sản xuất ra hơn ¼ sản lượng nông nghiệp của Liên Xô cũ. Nhìn chung các ngành nông nghiệp phát triển ở miền tây Ukraina, trong lúc các hoạt động công nghiệp thì lại tập trung cả ở miền đông nước này.

Cho tới nay, ngành nông nghiệp bảo đảm công ăn việc làm cho gần 15 % dân số trong tuổi lao động và đem về đến hơn 9 % tổng sản phẩm nội địa. Bên cạnh đó công nghiệp chế biến thực phẩm chiếm khoảng 8 % GDP. Cho đến năm 2005, 57 % diện tích của Ukraina được dùng để phục vụ cho nông nghiệp. Hiện tại trung bình 50 % sản lượng nông nghiệp của Ukraina là để xuất khẩu. Quốc gia này có nhiều lợi thế : đồng bằng phì nhiêu, khí hậu ôn đới thuận lợi cho ngành trồng trọt và chăn nuôi. Đây cũng là nơi tập trung đến 1/3 loại đất đen "tchernoziom" màu mỡ của thế giới.

Ukraina là nguồn cung cấp lúa mì, ngũ cốc, dầu hoa hướng dương, ngô, củ cải đỏ hàng đầu. Vào những thập niên 1980, trước khi Liên Xô cũ tan rã, hệ thống nông nghiệp của Ukraina gần như bị phá sản. Sau khi tách rời khỏi Liên Xô, sản lượng nông nghiêp của Ukraina lại càng tuột dốc, đang chiếm từ 19 % GDP vào năm 1990 tỷ trọng của ngành nông nghiệp đối với toàn thể nền kinh tế nước này chì còn là 14 % năm 1995 và chưa đầy 10 % hiện nay.

Đặc biệt là ngành trồng lúa mì đã trải « qua một cơn ác mộng ». Phải đợi đến giữa thập niên 1990 chính quyền Kiev mới bắt đầu cởi trói nông nghiệp, hợp tác xã cho tư nhân thuê đất để canh tác. Chính sách tư hữu hóa và cải cách ruộng đất của Ukraina bắt đầu đi vào thực hiện kể từ năm 1999. Hơn 6 triệu nông dân thực sự làm chủ ruộng đất của mình. Chỉ khi đó ngành nông nghiêp của Ukraina mới cất cánh trở lại.

Từ khoảng năm 2002 trở đi thì quốc gia này không còn phải nhập khẩu nông phẩm mà đã trở thành một nguồn cung cấp lớn của nhân loại. Tuy nhiên theo giới phân tích, Ukraina chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có để trở thành một nhà sản xuất nông nghiệp thực thụ của thế giới. Thứ nhất ngoại trừ một vài nông trại lớn được hiện đại hóa và được nằm trên những trục giao thông quan trọng, phần còn lại là những khu đất canh tác với diện tích khiêm tốn, với những phương tiện kỹ thuật và tài chính eo hẹp.

Các kho trữ ngũ cốc lại nằm rất xa các trung tâm phân phối hay các nhà máy chế biến thực phẩm. Thậm chí có rất nhiều thửa ruộng của tư nhân vẫn còn bị trói trong những ngôi làng hẻo lánh mà tới nay vẫn chưa có điện và nước.

Tại Ukraina nông dân vẫn còn dùng sức người và sức ngựa nhiều hơn là sử dụng máy cày. Nói cách khác ngành nông nghiệp của Ukraina còn rất lạc hậu. Những hạt lúa mì hay ngũ cốc trồng ra không dễ dàng được chuyển tới các trung tâm phân phối hay đến tay người tiêu thụ,.

Lý do thứ hai khiến ngành nông nghiêp của quốc gia đông Âu này còn chưa được khai thác đúng mức đó là do Ukraina không có một chính sách nông nghiệp rõ ràng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới các chính quyền liên tiếp tại Kiev kể từ khi Ukraina giành được độc lập đều đã đã lơ là với mục đích hiện đại hóa guồng máy nông nghiệp và đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực kinh tế này. Chính phủ đã không màng tới chuyện trợ cấp hay tạo điều kiện cho nông gia vay tín dụng, đầu tư vào nâng cấp nguồng máy sản xuất. Các biện pháp nhằm hỗ trợ công tác nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất cũng hoàn toàn trống vắng. Bên cạnh đó là hàng loạt các hành vi tham nhũng gây thiệt hại hàng tỷ đô la cho nông nghiệp nước này.

Miền đông giàu có nhờ công nghiệp

Ukraina là một ông khổng lồ đi bằng hai chân vì ngoài nông nghiệp, Ukraina còn là một quốc gia có mạng lưới công nghiệp được coi là phát triển nhất của đông Âu. Ukraina không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với đồng ruộng phì nhiêu, đất đai màu mỡ mà còn làm chủ những nguồn tài nguyên đa dạng từ sắt, than đá đến dầu mỏ, khí đốt, thủy ngân, gỗ …

Từ thế kỷ thứ XIX Ukraina đã nổi tiếng nhờ những mỏ than đá đầu tiên được khai thác ở vùng Donbass miền đông Ukraina, sát cạnh nước Nga. Chính sự gần gũi về địa lý với Nga đã giúp các hoạt động thương mại hai bên đường biên giới được phát triển mạnh trong qua khứ.

Đồng thời, nhờ có vựa than đá này mà công nghiệp của Ukraina đã phát triển rất mạnh mạnh trong suốt thể kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ XX. Ukraina chủ yếu tập trung vào công nghiệp nặng, công nghệ hóa học. Theo nghiên cứu của đại học Stratford, Hoa Kỳ, ngày nay ngành công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp nặng, tạo ra của cải hơn gấp ba lần so với những đóng góp của nền nông nghiệp cho kinh tế Ukraina.

Năm 2011 chẳng hạn, tổng sản phẩm nội địa đầu người tại vùng công nghiệp Dnipropetrovsk cao gấp đôi so với GDP đầu người của vùng Lviv chủ yếu sống về nông nghiệp.

Một bằng chứng khác đơn cử cho sự thịnh vượng của các vùng đất công nghiệp ở miền đông Ukraina đó là hiện nay 70 % các doanh nghiệp tư nhân quan trọng nhất đều đặt trụ sở tại các tỉnh có mạng lưới công nghiệp phát triển như Dnipropetrovsk, Donetsk, hay Kharkiv ; Tập đoàn luyện thép Metinvest hai tập đoàn năng lượng DTEK và Donetststal – cả ba đều trong tay nhà tỷ phú giàu có nhất Ukraina là Rinat Akhemetov, đều đặt địa bàn hoạt động tại Donetsk.

Inter Pipe, chuyên sản xuất bánh xe lửa và hiện đang kiểm soát đến 10 % thị phần của thế giới cũng đã chọn Dnipropetrovsk làm điểm khởi đầu. Donetsk hay Dnipropetrovsk đều là thành trì của những nhà tỷ phú giàu có nhất nước.

Mạng lưới công nghiệp của Ukraina chủ yếu tập trung vào một số ngành như công nghiệp nặng, năng lượng, khai thác dầu mỏ, than đá công nghệ hóa chất - đừng quên rằng Ukraina là một nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu của thế giới ...

Chỉ riêng ngành luyện kim đem về tới 20 % GDP cho quốc gia này. Nhưng bên cạnh đó Ukraina còn chiếm một vị trí then chốt của ngành công nghiệp chế tạo vũ khí. Ngành công nghệ chế tạo vũ khí của Ukraina được coi là phát triển nhất trong số các nước thuộc Liên xô cũ, với hơn 700 tập đoàn chuyên sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự.

Ukraina lại cũng là một trong những nước đông Âu nắm giữ những kỹ thuật hiện đại. Sau ngày Liên Xô tan rã Ukraina vẫn độc quyền trong lĩnh vực hàng không, không gian, trực thăng quân sự. Trong hai thập niên (từ 1990 đến 2010) Ukraina đã trở thành một trong những nguồn xuất khẩu vũ khí hàng đầu của thế giới. Quốc gia đông Âu này chiếm một vị thế quan trọng trên thị trường cung cấp chiến xa và xe thiết giáp, xe vận tải phục vụ trong quân đội, trực thăng quân sự, chiến đấu cơ.

Ngày nay những khách hàng quan trọng nhất của Ukraina là các nước châu Phi, như Mali, Ethipia Cộng hòa nhân dân Congo hay nhiều nước châu Á như Thái Lan, Miến Điện .. Một phần kho vũ khí và trang thiết bị quân sự được Ukraina bán ra là những mặt hàng "tồn kho", mà Kiev đã tích lũy được từ thời chiến tranh lạnh, nhưng đã được hiện đại hóa và tân trang lại để bán cho các nước « bạn » với giá phải chăng.

Bên cạnh đó Ukraina còn hợp tác chặt chẽ với các đối tác của Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực chế tạo vũ khí. Cụ thể là hiện nay, Ukraina đang cung cấp đầu máy trực thăng loại L-15 và Yak-30 cho hai khách hàng lớn là Trung Quốc và Nga.

Riêng về liên hệ với Pháp khủng hoảng ở Ukraina đang khiến nhiều tập đoàn Pháp lo ngại. Khi biết rằng ngành dược phẩm của Pháp đã đầu tư hơn 100 triệu euro vào quốc gia này và hiện nay Ukraina là thị trường xuất khẩu số 1 của các tập đoàn chế tạo thuốc tây Pháp. Ngoài ra các ngành sản xuất thuốc trừ sâu, phân bón của Ukraina cũng rất được các đối tác của Pháp quan tâm. Đương nhiên là trong quan hệ thương mại song phương, lĩnh vực dầu khí vẫn chiếm một vị trí riêng biệt.



No comments:

Post a Comment

View My Stats