Saturday, 1 March 2014

THỨ NHÂN QUYỀN MÀ GIỚI ĐỘC TÀI ƯA THÍCH (Pedro Pizano - Foreign Policy)





Người dịch: Lê Anh Hùng  (DtD)
March 2, 2014

Liệu khái niệm “nhân quyền” còn có ý nghĩa trong một thế giới mà ở đó mọi thứ đều phù hợp với khái niệm này hay không?

Trông kìa! Kobe Bryant có thể đang vi phạm quyền con người của bạn đấy!

Farida Shaheed, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền văn hoá, mới thông báo là cô đang khởi xướng một nghiên cứu mới nhằm giải đáp vấn đề: Liệu các thói quen quảng cáo và tiếp thị có ảnh hưởng đến sự đa dạng văn hoá và quyền của người dân trong việc lựa chọn lối sống hay không? Bài bố cáo đăng một tấm ảnh chụp bức quảng cáo khổng lồ về bóng rổ Mỹ (với hình ảnh cầu thủ ngôi sao Kobe Bryant), bức quảng cáo choán hẳn một góc của một sân bóng rổ ở Trung Quốc.

Đây là hoạt động bình thường của văn phòng LHQ về quyền văn hoá. Khi Shaheed thăm Việt Nam tháng trước, trong cuộc thảo luận về những lo ngại liên quan đến quyền tự do ngôn luận, cô đã tranh thủ nêu bật một cuộc khủng hoảng khẩn cấp khác: đó là cồng chiêng, một chủ đề nhạy cảm. Để độc giả nào chưa nghe nói tới dễ hình dung, cồng chiêng là loại dụng cụ văn hoá độc đáo mà một số bộ tộc bản địa ở các cao nguyên xa xôi ở Việt Nam vẫn sử dụng. Giờ đây, Shaheed lưu ý, cồng chiêng đang phải đối mặt với một mối đe doạ mới: người ta “biểu diễn cồng chiêng để đáp ứng nhu cầu của du khách ở một số nơi, từ đó làm mất đi ý nghĩa văn hoá độc đáo của loại nhạc cụ này”. Cô hối thúc chính phủ bảo vệ hoạt động biểu diễn cồng chiêng trước hiện tượng “dân gian hoá” (folklorization) – mà rõ ràng là một sự vi phạm nghiêm trọng về “quyền văn hoá” của các sắc tộc bản địa.

Cần lưu ý rằng Việt Nam là một quốc gia cộng sản độc tài, hoàn toàn phớt lờ quyền tự do tôn giáo, thường xuyên tống giam các thầy tu và nghệ sỹ chỉ vì họ bày tỏ quan điểm của mình, và đã bị vô số tổ chức nhân quyền chỉ trích về tình trạng tra tấn và lạm dụng quyền lực đối với những người bị giam giữ.

(Trong bức ảnh , cảnh sát đang ngăn cản một phóng viên ảnh chụp hình bên ngoài một phiên toà ở Tp Hồ Chí Minh.) IAN TIMBERLAKE/AFP/Getty Images

“Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một trong những nhà tù lớn nhất Đông Nam Á dành cho những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động khác”, Robert Abbott, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế (IA), nhận xét. Vậy nhưng, dưới nhãn quan của Shaheed, những vụ vi phạm như thế lại ngang bằng với tình trạng các phẩm vật văn hoá bị sử dụng một cách tệ hại trong ngành du lịch. Những vi phạm khác, nghiêm trọng hơn lại chỉ được dành cho một đoạn chỉ trích trong bản báo cáo của cô; rõ ràng là chúng không nằm trong phạm trù với định nghĩa mơ hồ: “quyền văn hoá”. Giờ đây, chính phủ Việt Nam có thể phớt lờ phần lớn những gì mà Shaheed đã phải lên tiếng; và gạt phăng những chỉ trích của cô, coi đó là hiệu ứng phụ của hoạt động du lịch.

Trong những năm qua, giới chỉ trích đã chế nhạo thái độ của Hội đồng Nhân quyền LHQ khi họ sẵn sàng lắng nghe những ý kiến ngược đời của các nhà độc tài tồi tệ nhất thế giới, những kẻ vẫn xuất hiện nổi bật giữa các thành viên khác của Hội đồng. (Số thành viên này thậm chí còn tìm cách cấm từ “độc tài” xuất hiện trong các văn bản hội họp của Hội đồng Nhân quyền.) Tuy nhiên, tấn hài kịch mang tên “quyền văn hoá” lại chỉ là một triệu chứng của một vấn đề trầm trọng hơn nhiều mà một số người gọi là “hiện tượng lạm phát quyền văn hoá” (human rights inflation). Các tổ chức càng ngày càng nêu tên nhiều thứ mà họ cảm thấy mình đáng được hưởng – từ phòng ngủ dự phòng cho đến viện trợ nước ngoài – là một “quyền”. Một nhóm lợi ích đặc biệt thậm chí còn đang lớn tiếng đòi trao vị thế “quyền” chính thức cho “cơ hội truy cập Internet”, như thể quyền tự do ngôn luận vẫn còn chưa đủ. Trong khi đó, nhiều đảng phái khác nhau lại khẳng định “quyền” của mình đối với dịch vụ tư vấn việc làm, nghỉ phép hưởng lương, giáo dục miễn phí đến bậc đại học, và một loại thuế tài chính toàn cầu để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế.

Ngày nay, chúng ta đã được chứng kiến hiện tượng lạm phát quyền con người – và tất cả chúng đều được khẳng định là quan trọng như nhau và không thể chia tách. Các quyền con người không biến đi đâu. Chúng đã đánh mất giá trị của mình.

Khi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) được ký kết vào năm 1948, nó giới hạn thế giới nhân quyền trong 30 điều khoản mà thôi. Các nhà soạn thảo cảm thấy bị thúc bách phải giữ danh mục nhân quyền sao cho ngắn gọn và mạnh mẽ. Trong số đó, 18 điều khoản được coi là quyền, những điều khoản áp đặt nghĩa vụ trực tiếp lên nhà nước ở bình diện cá nhân; 12 điều khoản về kinh tế, văn hoá và xã hội được coi là khát vọng. Loại điều khoản thứ hai này gây tranh cãi ngay từ đầu và đó là một trong những lý do giải thích tại sao UDHR không mang tính ràng buộc và không kèm theo cơ chế thực thi nào. Năm 1976, để giải quyết những vấn đề này, các quyền được chia tách một cách đúng đắn thành những hiệp định riêng rẽ mang tính ràng buộc và áp đặt lên nhà nước thông qua các cơ quan giám sát: Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá (ICESCR).

Đây là thoả hiệp chính trị ra đời từ cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa Hoa Kỳ và Liên bang Soviet toàn trị, quốc gia ủng hộ các quyền xã hội, kinh tế và văn hoá với cái giá của các quyền dân sự và chính trị. Đến nay Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn ICESCR.

Hậu quả từ cuộc thoả hiệp yểu mệnh đó đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Trước năm 2014 đã có 676 điều khoản, từ quyền cá nhân cho đến quyền tập thể và thậm chí là cả quyền về môi trường. Một số quyền thậm chí còn không áp đặt nghĩa vụ trực tiếp lên nhà nước – thay vì thế, chúng được thiết lập thông qua “quá trình hiện thực hoá từng bước”, theo đó nhà nước, với nguồn lực và khả năng hữu hạn của mình, hứa hẹn là sẽ hoàn thành chúng vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Hiện tượng sinh sôi nảy nở lạ lùng này bắt nguồn từ thực tế nhân quyền là một công cụ hữu ích trong tay bất kỳ nhóm áp lực [ Pressure group: Một nhóm lợi ích nỗ lực gây ảnh hưởng lên chính sách công nhằm đạt được những quan tâm và ưu tiên của mình. (ND)] nào ở vào vị thế được hưởng lợi từ sự mở rộng quyền con người – và điều đó còn bao gồm cả các nước phi tự do.

Quyền tiếp cận lương thực, chẳng hạn, đã trở thành một quyền khả dĩ phán xử trên bình diện quốc tế kể từ năm ngoái với việc thông qua nghị định thư không bắt buộc cho ICESCR. Động thái này nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ nhiều nước, trong đó có Iran, quốc gia đã lặp đi lặp lại trong nhóm công tác rằng “nghị định thư này đã đem lại cơ hội để tái khẳng định vị thế bình đẳng của tất cả các quyền con người”. Trong khi đó, tiếng nói tỉnh táo và mang âm hưởng tự do chủ nghĩa của Vương quốc Anh lại gần như bị phớt lờ: “Vương quốc Anh vẫn hoài nghi về lợi ích thiết thực của nghị định thư, với cân nhắc rằng các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá không phù hợp với sự phân xử theo cùng cái cách mà người ta vẫn phân xử các quyền dân sự và chính trị.”

Một số người có thể cho rằng, nhìn chung, nhà nước không muốn sinh ra nhiều quyền bởi lẽ điều đó sẽ áp đặt thêm nhiều nghĩa vụ. Tuy nhiên, chính xác là bởi tình trạng nhân quyền cứ sinh sôi nảy nở này mà nhiều nước lại có thể lựa chọn những quyền mà họ có thể hứa hẹn hoàn thành nghĩa vụ vào một thời điểm nào đó trong tương lai – và qua đó phô bày một hồ sơ nhân quyền “tốt đẹp”, ngay cả khi họ không bảo vệ được những quyền dân sự và chính trị cơ bản nhất. Những kết quả đáng mong muốn như nhà ở hay chăm sóc sức khoẻ – cần được hiểu là những mục tiêu chính trị – được ẩn giấu trong thứ ngôn ngữ nhân quyền hòng khiến chúng trở nên chính đáng hơn. Quyền tiếp cận một phòng ngủ dự phòng chỉ còn cách đó một bước chân nữa mà thôi.

Các tổ chức nhân quyền nghiêm túc đã mở rộng pháp luật về nhân quyền để bao hàm quyền của phụ nữ và quyền của dân tộc thiểu số cho các dân tộc bản địa, các cá nhân LGBT (đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam, lưỡng tính và chuyển giới), người già và người tàn tật. Các nhóm phụ nữ và tổ chức nhân quyền ở Saudi Arabia, chẳng hạn, đã huy động lực lượng để ủng hộ “quyền lái xe”. Tất nhiên, các nhóm này cần được tôn trọng và nỗ lực của họ cần được ca ngợi – nhưng không cần phải soạn thảo những hiệp định mới hay tạo ra các quyền mới. Chỉ cần các công cụ nhân quyền truyền thống là đủ. UDHR quy định rõ ràng rằng không ai cần phải chịu đựng sự phân biệt đối xử vì “chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, xuất thân, hay địa vị khác” của họ. Bạn không có những quyền đặc biệt bởi vì bạn là một người đồng tính luyến ái nữ, một người già, một phụ nữ sống ở Saudi Arabia; bạn có quyền bởi vì bạn là con người.

Mặt trái của hiện tượng nhân quyền cứ sinh sôi nảy nở là ở chỗ, nó cho phép các nhà độc tài san bằng sân chơi. Hội đồng Nhân quyền LHQ bị tai tiếng là chạy theo mong muốn của các chế độ độc tài vốn háo hức với việc che đậy tai tiếng của mình. Năm 2007, sau khi từng từ chối các chuyến thăm của các đại diện đặc biệt LHQ trong hơn 18 năm, Cuba đã chào đón Jean Ziegler, báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ về quyền tiếp cận lương thực. Ziegler đã ca ngợi chính phủ Cuba vì đã bảo vệ quyền tiếp cận lương thực như một “quyền con người cơ bản”, rồi đi đến đổ lỗi cho lệnh cấm vận của Hoa Kỳ trước bất kỳ sự thiếu hụt lương thực nào. Các chính sách của chế độ độc tài cộng sản 55 tuổi này – vốn không cho phép tư hữu, tư doanh, tự do đi lại và tự do ngôn luận – dường như không liên quan gì đến vấn đề lương thực. Ziegler đã xem xét quyền tiếp cận lương thực một cách biệt lập, bỏ qua cả những vụ vi phạm nhân quyền phi lương thực liên quan, và cuối cùng là giúp nhà cầm quyền Cuba thoát tội. Cuba có thể ca ngợi thành công của họ trong việc bảo vệ một quyền con người trong khi lại khéo léo phớt lờ toàn bộ nhiều thất bại khác. Những chế độ chuyên vi phạm nhân quyền quan tâm đến việc làm cho các quyền con người trở nên mờ nhạt tới mức độ mà ở đó toàn bộ khái niệm nhân quyền mất đi ý nghĩa của nó.

Jacob Mchangama, đồng sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành của Freedom Rights Project, một tổ chức tìm cách đưa tự do trở lại với nhân quyền, nhận xét: “Thật đáng buồn, chuyện này hiện đã trở thành chuyện thường ngày mất rồi.” Gần đây, tổ chức của ông đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Quốc hội Đan Mạch về chủ đề: Chuyện gì đã xẩy ra với nhân quyền quốc tế và cách thức giải quyết.

Một trong những chủ đề trọng tâm của cuộc hội thảo là xu hướng đáng lo ngại của hiện tượng nhân quyền cứ sinh sôi nảy nở. Các diễn giả đã thách thức sự đồng thuận giáo điều về tính bất khả chia tách (indivisibility) của nhân quyền và học thuyết về tính cân xứng (proportionality). Emilie Hafner-Burton trình bày một nghiên cứu cho thấy là có ít ví dụ về việc một nhà nước phi tự do cải thiện nhân quyền kể cả sau khi các nhà lãnh đạo của nó ký kết một hiệp ước về nhân quyền. Tại phần lớn các nước độc tài, việc ký kết Công ước Chống Tra Tấn ít tác động đến số vụ tra tấn, và cho phép các chế độ đó tồn tại lâu hơn.

“Khi mọi thứ đều có thể được định nghĩa là quyền con người thì cái giá để vi phạm những quyền như thế lại rẻ”, Mchangama nhận xét với tôi ở Copenhagen. “Bằng cách cho thấy mình là kẻ cổ suý nhiệt thành cho những quyền con người thuộc thế hệ thứ ba này, các nước phi tự do đang tìm cách để vừa tước bỏ vị thế đạo đức cao quý của các quyền dân sự và chính trị, vừa đạt được tính chính danh chính trị. Hiện tượng các quyền con người cứ sinh sôi nẩy nở đang được các chính thể độc tài lạm dụng để ca tụng lẫn nhau, và làm mất đi sự rõ ràng về đạo đức mà các quyền con người trước kia từng có.”

Có thể chúng ta đang được chứng kiến hiện tượng bong bóng nhân quyền dần dần bị vỡ. Nếu tôi đầu tư vào giá trị của nhân quyền như một khái niệm vào năm 1996 (khi ICCPR được thông qua) thì giá trị cổ phần của tôi sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 1993. Đây là năm mà Tuyên ngôn và Cương lĩnh Hành động Vienna 1993 (Vienna Declaration and Program of Action of 1993) tuyên bố rằng tất cả các quyền con người đều khả dĩ phân xử và bất khả chia tách như nhau, một tuyên bố khiến cho sự khác biệt giữa các quyền dân sự và chính trị với các “quyền” kinh tế, xã hội và hoá trở nên vô nghĩa.

Ít nhất thì tôi cũng có thể luôn tìm thấy sự thoải mái khi chơi món cồng chiêng của mình – tức là, chừng nào không có du khách nào lấp ló gần đấy cả. Có phải vậy không, cô Shaheed?

IAN TIMBERLAKE/AFP/Getty Images




No comments:

Post a Comment

View My Stats