Sun, 03/02/2014 - 05:11 —
ledienduc
Chỉ còn hai hôm nữa nhà báo Trương Duy Nhất ra tòa. Anh
bị xét xử vì bị cáo buộc vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình sự “Lợi dụng các quyền
tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ
chức, công dân”.
Nhà báo Trương Duy Nhất cũng
nói lên nguyện vọng mong muốn nhân sĩ, trí thức và các nhà báo tới tham dự
phiên toà.
Cần phải lưu ý rằng, Trương Duy
Nhất không phải là một nhà tranh đấu dân chủ, đúng hơn, anh là một người cầm
bút phê phán hiện thực xã hội.
Là người sống và lớn lên trong
chế độ, có ít nhiều sự ưu ái trong cuộc sống, Trương Duy Nhất không thuộc các
đối tượng chống đối nhà nước CHXHCN Việt Nam, không bao giờ anh muốn phá hoại
hay lật đổ hệ thống chính trị này mà chỉ muốn nó thay đổi, dẹp bỏ những tiêu
cực, nạn cựa quyền, tham nhũng, bè phái, tự sửa chữa và hoàn thiện để tốt hơn
lên.
Sự luận tội của bản cáo trạng
qua 12 bài viết của anh là sự vu khống, áp đặt, khôi hài và nhố nhăng. Nếu như
có một cái gì đó được gọi là quyền tự do ngôn luận, quyền tự do dân chủ và trách
nhiệm đối với xã hội của công dân, thì những bài viết của anh phản ánh sự thật,
nói lên những bức xúc, trăn trở, suy tư của dư luận và của bản thân. Có thể nói
chưa bao giờ anh đi quá giới hạn của một con người như nhận định phía trên của
tôi.
Trong 12 bài viết có 11 bài của
Trương Duy Nhất, theo bản cáo trạng, "có nội dung không đúng sự thật,
tuyên truyên, xuyên tạc đuờng lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, bôi
nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang
mang lo lắng, làm ảng huởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với
sự lãnh đạo của ĐCSVN, Nhà nước CHXHCNVN".
Con mắt của một nhà báo độc lập
là quan sát, phân tích sự kiện và đưa ra nhận định, nhiều khi chủ quan, nhưng
không chịu bị lèo lái, đưa đẩy bởi bất kỳ thế lực khác, cho nên nói cái nhìn
của Trương Duy Nhất một chiều là ấu trĩ, ngớ ngẩn.
Cái nhìn của anh chẳng theo cái
chiều định hướng của Ban tuyên giáo, nó mang thông tin đôi khi ngược chiều hoàn
toàn, để dư luận so sánh, đối chiếu, kiểm chứng và mổ xẻ. Đây là cách xử lý
lương thiện của một người cầm bút. Những chủ đề mà Trương Duy Nhất đề cập đụng
có chạm đến các vị "tứ trụ" của triều đình thì cũng chỉ trong khuôn
khổ của sự phê phán những cái xấu xa có thật, mang nhiều tính xây dựng, với tâm
nguyện mong muốn thay đổi.
Đã hết rồi thời kỳ đặt bút
xuống là ngợi ca các vị lãnh tụ. Nếu dòng thông tin "một chiều" ấy,ví
dụ, trong các bài "Chấm điểm Thủ tướng", "Chấm điểm Bộ
tứ nguyên thủ","Chất lượng Chính phủ; quá tệ", "Tổng
Bí thư và Chủ tịch nước nên ra đi", "Bỏ phiếu cùng Quốc hội"...
đụng chạm và thực sự "gây hoang mang lo lắng, làm ảnh huởng đến lòng tin
của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN),
Nhà nước CHXHCN Việt Nam" thì cần phải nhìn nhận môt cách thành tâm và
bình thản. Bởi vì vạch ra những vấn nạn yếu kém và đề xuất giải pháp chính là
vì lợi ích sống còn của chế độ, chứ không phải ngược lại. Cây ngay không bao
giờ sợ chết đứng! Còn hơn 800 tờ báo của đảng trong hệ thống tuyên truyền cơ
mà! Há gì một trang blog cá nhân có thể "nói xấu"?
Sống ở Đà Nẵng, từng làm phóng
viên của báo Công an Đà Nẵng, được tháp tùng nhiều lãnh đạo đi nước ngoài và có
mối quan hệ gần gũi với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, nắm bắt được thông tin và
tâm tư riêng của một số lãnh đạo cao cấp, Trương Duy Nhất đã chủ quan khi tấn
công vào Nguyễn Tấn Dũng, tường thành của chế độ, đặc biệt vào chính sách phò
Trung Quốc của ĐCSVN.
Cũng có vẻ như dựa thế của
Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí thư thành uỷ, khi được điều ra Hà Nội nhận chức Trưởng
Ban Nội chính và Phó Ban Phòng Chống Tham nhũng Trung ương, Trương Duy Nhất đã
khá mạnh tay bút với Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí, anh còn làm một cuộc thăm dò uy
tín riêng cho thủ tướng, cho thấy số phiếu rất thấp.
Sau Hội nghị Trung ương VI, khi
cái tên "X" được mang ra đàm tiếu, Trương Duy Nhất đã thẳng thừng:
"Tại sao cái tên của Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng - người bị Bộ Chính Trị yêu cầu kỷ luật cũng không dám
công khai, phải nói trại ra là “một đồng chí ủy viên BCT” như kiểu không dám
gọi đích danh mấy loại tàu cướp của Trung Quốc mà phải gọi là “tàu lạ” vậy? Đến
mức khi giải trình với cử tri, Chủ tịch nước vẫn không dám nêu tên Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng mà phải gọi là “đồng chí X”. Đây là sự tế nhị, là nguyên tắc
bảo vệ "tình đồng chí" trong đảng, hay là sự thỏa hiệp, là thái độ
hèn hạ, bất lực? Thế thì làm sao còn dám kêu gọi người dân đừng sợ hãi, đừng sợ
trù úm để cùng đảng chống tham nhũng?".
Thế nhưng cuộc chơi đã đi không
đúng dự tính. Nguyễn Bá Thanh bị loại khỏi cơ cấu vào Bộ Chính Trị, còn Nguyễn
Tấn Dũng thì củng cố được vị thế của mình sau hội nghị Trung ương 7. Và Trương
Duy Nhất bị bắt.
Trương Duy Nhất là nạn nhân của
sự tranh chấp quyền lực, mà thực chất là cuộc chiến chống lại sự chuyên quyền
và lạm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Phiên toà diễn ra sau cái chết
của Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ. Nguyễn Bá Thanh bị hụt hẫng vì đánh mất cơ
hội ngàn vàng để có thể đi sâu khai thác vụ tham nhũng lớn nhắm vào Nguyễn Tấn
Dũng. Trong bối cảnh này, phần bất lợi sẽ nằm ở phía Trương Duy Nhất. Trương
Duy Nhất khó thoát khỏi cú trả đũa dằn mặt.
Tôi tin rằng anh Trương Duy
Nhất sẽ có đầy đủ bản lĩnh, lý luận để giải trình và chứng minh mình vô tội
trong khuôn khổ luật pháp của CHXHCN Việt Nam và các công ước quốc tế về quyên
dân sự, chính trị mà Việt Nam đã ký kết.
Tôi cũng tin rằng các bài viết
của anh mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội, và Nhà nước, nếu như Nhà nước ấy
hiểu được ý của anh và hướng thiện.
Thế nhưng, kết luận của bản cáo
trạng là "tính chất mức độ thuộc phạm tội nghiêm trọng, gây nguy hại lớn
cho xã hội", là bằng chứng muốn dằn mặt, trừng trị Trương Duy Nhất và cảnh
báo cho tất cả những người cầm bút trong nước có ý đồ phê phán lãnh đạo và các
chính sách của nhà nước.
Do đó, tối thiểu mức án 3-4 năm
giam tù từ mức án cao nhất 7 năm của điều 258 Bộ Luật Hình Sự hoàn toàn có thể
xảy ra với Trương Duy Nhất, không nhẹ nhàng như một số người nhận định.
© Lê Diễn Đức - RFA Blog
No comments:
Post a Comment