Mặc Lâm
- RFA
2014-03-02
2014-03-02
Trước phiên xử của Trương Duy Nhất những nhà báo,
blogger, bạn bè thân hữu của ông đã được chúng tôi thăm dò hai việc. Thứ nhất
là ý kiến của họ về điều 258 ra sao, thứ hai là thái độ ủng hộ ông trước phiên
tòa này như thế nào.
Trước tiên nhà phê bình văn học, Chủ tịch hội Liên hiệp Văn học
Nghệ thuật Hà Nội Phạm Xuân Nguyên, một trong những người bạn thân thiết
nhất của nhà báo Trương Duy Nhất cho biết tình hình giam giữ ông cũng như khả
năng bản án sẽ đưa ra trước khi phiên tòa ngày 4 tháng 3 qua bản cáo trạng của
Viện Kiểm sát:
-Trương Duy Nhất thừa nhận là tự mình quyết định
và thực hiện những bài viết trên trang mạng của mình nhưng không thừa nhận đó
là phạm tội đó là điều nhất quán của Trương Duy Nhất. Do đó ngay cả kết luận
điều tra và bản cáo trạng coi như Trương Duy Nhất phạm tội nghiêm trọng.
Trong điều 258 của bộ luật hình sự thì tội này
có hai hình thức kết tội một là có thể phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm
hay phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm, Trường hợp phạm tội nghiêm trọng thì phạt tù
từ 2 năm đến 7 năm. Bản cáo trạng đề nghị rằng hoạt động của Trương Duy Nhất
thuộc diện phạm tội nghiêm trọng.
Ý
kiến về 258
Cảm nghĩ của những người được hỏi trước điều 258, nhà báo Kha Lương Ngãi
nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết:
-Rất nhiều ý kiến người ta đã lên án cái điều 258
bởi vì đó là một quy định rất trừu tượng có thể kết tội bất cứ ai mà đảng và
nhà nước muốn quy tội họ. Ai cũng thấy vô lý hết, dư luận người ta phản đối rất
nhiều, nhất là Việt Nam đã tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc mà vẫn
còn tiếp tục không bỏ điều 258 mà dựa vào đó để kết tội những người có ý kiến
khác với chủ trương của đảng và nhà nước.
Nhà báo và cũng là một blogger, ông Nguyễn Tường Thụy cho biết:
-Ở đây họ cố nặn ra để kết tội Trương Duy Nhất thôi
chứ tôi đọc Trương Duy Nhất tôi không thấy anh có vấn đề gì ghê gớm lắm và cũng
chẳng có vấn đề gì để bắt tội anh ấy về cái điều 258. Bảo anh ấy làm ảnh hưởng
đến quyền lợi lợi ích hợp pháp của người khác là không đúng. Nếu chính quyền
điều hành kém thì anh bảo là kém thì có sao đâu? Anh ấy đi lấy ý kiến của dư
luận chẳng phải anh cố tình đặt ra nó. Chỉ có một điều là anh ấy viết lách mạnh
bạo quá cho nên làm người ta khó chịu thế thôi.
Bà Thùy Linh, một nhà văn và cũng là một blogger nổi tiếng:
-Điều 258 thì mạng lưới Blogger Việt Nam đã ký vào
đó để phản đối và tôi cũng là một trong những người tham gia ký. Cái chữ ký đó
cũng đã phản ảnh quan điểm của tôi về điều luật này, một điều luật hết sức mơ
hồ. Nó như một cái thòng lọng khi quăng vào cổ ai thì người đó sẽ bị siết chặt
lại. Nó không có ý nghĩa gì về mặt pháp luật theo những giá trị phổ quát của
các nước, nhưng điều luật này nó vẫn đang tồn tại rất lâu tại Việt Nam. Sau anh
Nhất hay anh Phạm Viết Đào sẽ có người gặp lại những chiêu trò của điều luật
này.
Ủng
hộ hay không ủng hộ?
Trước câu hỏi ông Trương Duy Nhất muốn thấy mặt bạn
bè, blogger và nhân sĩ trí thức trước phiên tòa, nhà báo Phạm Chí Dũng đưa ý kiến:
-Gia đình Trương Duy Nhất đã có một bức thư đề
nghị giới trí thức và nhân sĩ Việt Nam có mặt tại phiên tòa ngày 4 tháng 3 tại
Đà Nẵng để ủng hộ cho ông. Trước đây tôi cũng đã nghe Trương Duy Nhất là một
người can trường và đã tuyên bố với luật sư và công an là có ở tù 20 năm cũng
được. Tôi nghĩ hoàn toàn nên có một nhóm nhân sĩ trí thức các nhà báo, blogger,
những người bất đồng chính kiến có thể ủng hộ Trương Duy Nhất làm sao có thể
thực hiện được tự do biểu đạt tự do chính kiến ở Việt Nam.
Từ Quảng Nam nhà báo Thanh Thảo cho biết:
-Anh em thì sẵn sàng đây nhưng không biết mấy ổng có
cho vô tham dự hay không nữa. Anh em người ta cũng muốn tham dự xem phiên tòa
xử ra làm sao xử chỗ khác thì chả đi được chứ xử ở Đà Nẵng thì đi được.
Nhà báo Kha
Lương Ngãi đồng tình với việc bạn bè thân hữu cũng như những
người quan tâm nên có mặt trước phiên tòa:
-Tôi thấy ảnh là người bất đồng chính kiến mà ảnh
cũng chỉ có ý kiến trái với Đảng và Nhà nước thôi chứ ảnh đâu vi phạm pháp luật
gì đâu. Ảnh là người yêu nước cho nên chuyện ủng hộ ảnh rất là đáng làm.
Nhà văn Thùy
Linh lo rằng tòa sẽ không cho mọi người có cơ hội nhưng
bà khẳng định:
-Cái việc anh Nhất muốn mọi người tham dự phiên tòa
thì đấy là nguyên vọng rất là chính đáng nhưng chắc chắn cũng lại như những
phiên tòa công khai khác mà sẽ không tiếp cận được trước cửa tòa án, họ sẽ
không cho ai vào dự hết. Cái thứ hai ở Đà Nẵng thì số người muốn đến phiên tòa
sẽ không được đông như ở Hà Nội hay Sài Gòn cho nên tôi nghĩ rằng chắc anh
Trương Duy nhất cô đơn lắm nhưng là cái cô đơn bên ngoài thôi vì với người như
anh Trương Duy Nhất thì chắc anh ấy đủ nghị lực, đủ nội lực để đứng vững ở
phiên tòa này.
Trong khi đó Nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh chia sẻ:
-Thật ra rất muốn đến dự phiên tòa mặc dù biết là
người ta cũng chẳng cho vào nhưng sự có mặt của mình ở đó thì nó vẫn có cái gì
đó. Trước nhất là thỏa mãn nhu cầu bản thân mình, nhu cầu muốn hỗ trợ anh em
chứ còn hỗ trợ cái gì thì mình cũng chả biết. Có những chuyện mình thấy nó
không mang lợi ích gì thiết thực nhưng mình thấy vẫn cần làm.
Thí dụ như thấy một người đang bị mắc mưa thì tự
nhiên mình muốn chạy ra đưa họ vào mặc dù mình ra thì cũng ướt theo chứ cũng
chẳng làm cho họ hết bị ướt, bởi vì mình đi ra với tay không chứ không với áo
mưa. Trong cuộc sống nó có những công việc, những hành động xuất phát từ trong
lòng có thể chả mang lại hữu ích gì. Cũng như thấy người bị tai nạn mình cứ ào
tới chớ không biết sau khi ào tới mình gây thêm tai nạn nữa cũng có nhưng rồi
mình cũng phải ào tới.
Trong giới làm báo và blogger ai cũng thừa nhận ngòi
bút Trương Duy Nhất rất mạnh mẽ đôi khi cực đoan và ông không sợ đụng chạm bất
cứ ai. Đã nhiều lần ông bị phản đối dữ dội trước các bài viết phê phán cá nhân
đặc biệt trong trường hợp bà Bùi Minh Hằng đã làm cho giới chơi blog tẩy chay
trang Một góc nhìn khác.
Tuy nhiên trước phiên xử của ông đã có ý kiến cho
rằng phải xếp lại chuyện tranh chấp để ủng hộ ông trước phiên tòa vì trên hết
ông vẫn là một nạn nhân của điều 258.
Blogger
Nguyễn Lân Thắng là người đầu tiên nêu ra ý kiến này chia sẻ:
-Ông Trương Duy Nhất thì trước đây tôi không có
thiện cảm với ông ấy bởi vì ông cũng có những quan điểm, bài viết mà động chạm
tới những người đấu tranh cho xã hội và rất nhiều người cũng không đồng tình.
Nhưng bây giờ ông bị bắt giam xét xử bởi điều luật 258 rất là phi lý vi phạm
quyền con người, quyền tự do ngôn luận của ông ấy, cho nên tôi nghĩ đây là lúc
mà những người đã từng có những sự không thông cảm với ông thì nên có những
hành động ủng hộ ông ấy bởi vì hơn hết chúng ta cần bảo vệ quyền con người.
Vừa rồi là ý kiến của các nhà báo, blogger quan tâm
đến phiên tòa xét xử nhà báo Trương Duy Nhất, do Mặc Lâm ghi nhận từ Bangkok
Thái Lan.
No comments:
Post a Comment