Hòa Ái,
phóng viên RFA
2014-03-11
2014-03-11
Các tàu cá Việt Nam đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa
liên tục bị tàu Trung Quốc tấn công kể từ đầu năm 2014.
Chiếc tàu cá mang biển số KH90746-TS do ông Phan
Quang làm chủ, khởi hành từ Ninh Hòa, Khánh Hòa đến ngư trường vùng biển Hoàng
Sa thuộc chủ quyền của VN để câu cá nhám hôm 5/2.
Ra khơi chuyến đầu tiên trong ngày mùng 6 Tết Giáp
Ngọ, 8 người trên tàu hy vọng cho chuyến đi 1 tháng đầy ắp cá khi trở về. Thế
nhưng, đánh bắt chưa lâu thì tàu gặp phải gió mạnh cấp 7-8 nên phải chạy vào
lánh gió ở bãi cạn Bông Bay, thuộc chủ quyền của VN.
Ông
Phan Quang kể lại:
“Ngày đầu năm nay tôi xuất quân đi vùng biển Hoàng
Sa, thuộc chủ quyền biển đảo của VN. Ngày 21/2, Trung Quốc, toàn là lính, nhảy
lên tàu chúng tôi, bắt chúng tôi, vô tàu tháo máy móc, định vị, lấy hết câu, vi
cá…Lấy hết xong rồi, họ nói đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc, con cá ở Hoàng Sa
là của Trung Quốc, hòn đá của Hoàng Sa là của Trung Quốc. VN không được đến đây
đánh bắt, phải chạy về VN”.
Ông Phan Quang cho biết gia đình làm nghề đánh bắt
cá mấy chục năm nhưng chỉ đánh bắt gần bờ. Do nguồn hải sản trong bờ không còn
nhiều nữa nên ông Quang phải đi đánh bắt xa bờ. Tàu cá của ông đi đánh bắt ở
ngư trường Hoàng Sa được 2 năm nhưng lại gặp tàu Trung Quốc đến 2 lần. Lần thứ
nhất xảy ra hồi tháng 9/2013, tàu Trung Quốc đã đuổi tàu cá của ông suốt 1 ngày
1 đêm cho đến khi ra khõi khu vực đảo Hoàng Sa thì mới thôi.
Trả lời câu hỏi của Hòa Ái rằng có liên lạc với Cơ
quan Cứu hộ VN khi bị Tàu Trung quốc đuổi hay không, ông Quang nói:
“Có kêu Cứu hộ thì bảo mình cứ chạy thẳng về VN.
Mình chạy trước thì họ đuổi theo sau. Đuổi 1 ngày 1 đêm rồi cũng chạy về tới
VN”.
Ông Phan Quang nói thêm trước khi đi đánh bắt xa bờ
thì hoàn toàn không hề biết về các vụ tàu cá VN bị tàu Trung Quốc tấn công.
Trong 2 năm vừa qua do tàu cá có trang bị máy liên lạc tầm xa nên mới biết đến
các thông tin này.
Ông
Quang nói tiếp:
“Những tàu cá ở Quãng Ngãi, Quảng Nam cũng bị tình
trạng này. Nói chung thì khoảng 1 hay 2 tháng hoặc vài ba tháng thì bị một
chiếc”.
Có mặt trên tàu cá của ông Phan Quang hôm 21/2 khi
tàu Trung Quốc áp sát, không chế, thuyền trưởng Lê Hữu Toàn khẳng định đây là
tàu chiến của Trung Quốc vì thấy trên tàu của họ có nhiều súng ống. Sau khi ép
được tàu cá, khoảng 9-10 người mặc đồ lính cầm dao, búa, xà beng trên tàu để
khống chế các ngư dân về phía mũi tàu, lục soát lấy máy, câu, vi cá nhám và còn
cắt dây điện. Sau đó, có thêm khoảng 10 người khác lên tàu cá. Một người trong
số họ nói tiếng Việt rằng tàu cá VN đã vi phạm lãnh thổ, lãnh hải của Trung
Quốc.
Tuy nhiên, những lời báo cáo này của ngư dân không
được báo chí trong nước ghi là “tàu Trung Quốc” vì theo như một nhà báo ở tỉnh
Khánh Hòa tiếp xúc với thuyền trưởng Lê Hữu Toàn giải thích do không chụp được
hình, hay bất kỳ bằng chứng nào chứng minh là tàu của Trung Quốc.
Anh
Lê Hữu Toàn nói với đài ACTD:
“Hồi chiều ông nhà báo của báo gì đó…báo của Đảng
nói đi họp với Trung Quốc nhưng Trung Quốc giấu, nói không có bắt chúng tôi.
Chỉ ghi là những tàu ‘lạ’ lấy đồ của chúng tôi, nói không phải là Trung Quốc”.
Anh Lê Hữu Toàn phân trần với Hòa Ái rằng các ngư
dân không thể chụp hình lại được vì khi những người lính từ tàu Trung Quốc xông
lên tàu cá liền lấy hết điện thoại di động của cả 8 người. Anh Toàn nhớ rõ tàu
sắt Trung Quốc có công suất lớn, mang số hiệu 46105.
Anh
Toàn còn dặn đi dặn lại nhờ đài ACTD ghi lại đúng lời của anh là “tàu Trung
Quốc”:
“Tàu Trung Quốc, nói tiếng Trung Quốc mà”.
Diễn biến mới nhất liên quan đến khu vực biển có
tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng, trong đó có
VN, bí thư tỉnh Hải Nam, ông La Bảo Minh hôm mùng 6/3 cho biết lực lượng tuần
duyên Trung Quốc thực hiện bắt giữ tàu nước ngoài trên cơ sở hằng tuần theo quy
định mới về đánh bắt hải sản của quốc gia mình. Bí thư tỉnh Hải Nam còn nói phía
tuần duyên Trung Quốc luôn cố gắng thuyết phục ôn hòa để yêu cầu các tàu nước
ngoài ra khõi lãnh hải khi các tàu này cố tình đi vào vùng biển thuộc chủ quyền
của Trung Quốc.
Trong khi đó
Philippines lên tiếng cáo buộc tàu tuần duyên Trung Quốc dùng súng phun nước để
xua đuổi tàu cá củ họ đang đánh bắt ở khu vực gần các vùng tranh chấp. Về phía
VN, báo giới trong nước chỉ loan tin có thêm 1 tàu ở Quãng Ngãi và 1 tàu ở
Khánh Hòa bị tàu “lạ” tấn công, tịch thu ngư cụ.
Những ngư dân trên chiếc tàu cá mang biển số
KH90746-TS ở Ninh Hòa, Khánh Hòa mà đài ACTD tiếp xúc đều quả quyết chính quyền
VN phải bồi thường thiệt hại cho họ vì họ chỉ đi đánh bắt trong khu vực mà Nhà
nước tuyên bố thuộc chủ quyền của VN. Họ mong muốn Nhà nước VN phải đảm bảo cho
họ biết khu vực nào họ được phép đánh bắt để họ tiếp tục ra khơi mà không gặp
phải những “hung thần tàu lạ” nữa:
“Thường thường qua đài nói Hoàng Sa là của VN thì
chúng tôi mới ra đó đánh cá. Hồi xưa đến giờ chúng tôi đi đánh bắt từ thời ông
cố, ông cha đến giờ. Đài điện nói Hoàng Sa là của VN, chúng tôi đánh bắt ở
Hoàng Sa thuộc VN mà sao Trung Quốc bắt chúng tôi? Lý do gì thì chúng tôi không
biết?”
Câu hỏi của các ngư dân không phải là quá khó để các
cơ quan chức năng trả lời cho họ biết vì sao.
----------------------------------
No comments:
Post a Comment