Tác
giả gửi cho Dân Luận
Thứ Năm, 06/03/2014
Thiết nghĩ không cần phải nhắc
lại định nghĩa về hiến pháp vì đó là kiến thức chính trị căn bản của mọi công
dân trong thời đại ngày nay. Hiến pháp là viên gạch đầu tiên và quan trọng nhất
để xây nên một nhà nước. Ngôi nhà đó có vững chắc hay không là phải xem xét đến
viên gạch nền móng này. Hiến pháp là một công trình sáng tạo của các chính trị
gia, nó quan trọng còn hơn hẳn bất cứ các phát minh khoa học kỹ thuật nào bởi
vì nó có thể mang lại hạnh phúc và thịnh vượng cho hàng triệu con người.
Một bản hiến pháp vĩ đại khi nó
được làm ra bởi những bộ óc vĩ đại và quan trọng là việc ứng dụng vào thực tế
của nó đã làm nên những đất nước vĩ đại, dẫn đầu nền văn minh nhân loại. Do đó
nói "hiến pháp Hoa Kỳ 1787" là "đỉnh cao trí tuệ loài
người" là một cách nói không hề khoa trương mà là đặt nó vào đúng vị trí
của nó. Thủ tướng Vương quốc Anh William Ewart Gladstone (1809 – 1898) đã miêu
tả Hiến pháp này là "tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một
thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người".
Hiến pháp Mỹ được làm ra trong
những cuộc tranh luận nảy lửa tưởng như không có lối thoát và những mối bất
đồng sâu sắc, bởi những bộ óc vĩ đại có một không hai trong lịch sử, và bằng
một tinh thần mà người ta khó có thể tìm một tính từ nào thay thế ngoài cách
gọi – “tinh thần Mỹ”.
Hầu hết các đại biểu đều là
những cá nhân kiệt xuất – một thế hệ tài năng, quả cảm, thông minh và chính
trực mà nhân dân Mỹ sau này gọi là Founding Fathers (những người cha lập
quốc).
Mặc dù các tác giả của Thế kỷ
ánh sáng đã đặt nền móng lý luận cho mô hình nhà nước Tam quyền phân lập nhưng
Mỹ là nhà nước cộng hoà đầu tiên áp dụng mô hình này. Lúc đó hầu như toàn bộ
Châu Âu đang ở chế độ quân chủ, nước Pháp đang trị vì bởi dòng họ Bourbon, với
vua Louis XVI, ở nước Phổ là Hoàng đế, nước Nga là Sa Hoàng, chỉ có nước Anh có
một thể chế nghị viện và Thủ tướng nhưng có thể bị giải tán và thay thế bất cứ
khi nào thì sẽ nhận thấy sự sáng tạo vĩ đại trong mô hình nhà nước mà Madison
và những chính trị gia cùng thời ở Mỹ đã lập nên.
Một điểm quan trọng nhất là
hiến pháp đã đặt vị trí người dân lên trên hết cùng với việc hạn chế và kiểm
soát quyền lực một cách khoa học. Đây là điểm đặc biệt mà chỉ có những bộ óc
siêu việt mới nghĩ ra được. Họ hiểu rằng để xây dựng một mô hình nhà nước Mỹ
vững mạnh thì cần phải tìm ra những nguyên lý đúng đắn trên cơ sở cả lý thuyết
và thực tiễn.
Vấn đề mấu chốt là chính quyền
phải đại diện cho dân chúng theo một cách thức phù hợp, ổn định nhưng không quá
bảo thủ, năng động nhưng không quá vội vàng đủ đảm bảo sự bình đẳng giữa nhóm
lợi ích khác nhau. Do vậy hiến pháp quy định chính phủ liên bang được chia ra
ba nhánh: lập pháp, hành pháp, và tư pháp, được phân lập và riêng biệt với
nhau.
Chính quyền được tổ chức tốt và
cân bằng, không nhánh nào có thể lạm dụng quyền của nhánh kia, và loại bỏ mọi
mọi nguy cơ xuất hiện một kẻ độc tài. Quốc hội chia thành hai viện, Thượng viện
và Hạ viện, để quá trình làm luật tỉ mỉ và kỹ lưỡng.
Nhiệm kỳ thông thường của
Thượng nghị sĩ là 6 năm, nhưng không phải cứ 6 năm là bầu lại một lần và thay
đổi một thể, mà cứ 2 năm lại bầu một lần và mỗi lần chỉ thay một phần ba số
Thượng nghị sĩ. Nhờ thế, hoạt động của Thượng viện không bị trì trệ hay gián
đoạn bởi các kỳ bầu cử, và sau mỗi lần bầu cử nó không bị rơi vào trạng thái có
quá nhiều "lính mới".
Vị trí của nhân dân đã quy định
rất rõ trong phần mở đầu của hiến pháp:
"Chúng tôi, Nhân dân Hợp
chúng quốc Hoa Kỳ, với mục đích xây dựng một Liên bang hoàn hảo hơn nữa, thiết
lập Công lý, đảm bảo sự Thanh bình trong nước, chăm lo Quốc phòng, lo liệu Phúc
lợi chung, giữ vững Phúc lành của Tự do cho chính mình và cho Hậu thế, quyết
định xây dựng Hiến pháp này cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ."
Lời nói đầu cô đọng này truyền
tải nhiều thông điệp. Trước hết, chủ thể của Hiến pháp này là "Nhân
dân", đã tập hợp thành một khối thống nhất là "Chúng tôi", những
người chủ của Liên bang mang tên "Hợp chúng quốc Hoa Kỳ", và họ đã
"xây dựng Hiến pháp này". Mục đích hướng tới là thiết lập và bảo vệ
những giá trị chung, bao gồm "Công lý" (Justice), "Thanh
bình" (Tranquility), "Quốc phòng" (common defense), "Phúc
lợi chung" (General Welfare) và "Phúc lành của Tự do" (the
Blessings of Liberty), không chỉ riêng cho thế hệ người Mỹ đang sống, mà còn
cho cả "hậu thế", tức là các thế hệ mai sau của họ.
Các nhà lập hiến Mỹ đã thay mặt
Nhân dân Mỹ làm ra Hiến pháp Mỹ, và Nhân dân là chủ thể của Hiến pháp ấy. Điều
đó không chỉ thể hiện qua tuyên bố trong Lời nói đầu, mà nhất quán trong
toàn bộ nội dung của nó. Với mục tiêu bảo vệ quyền con người và quyền công dân,
Hiến pháp Mỹ hoàn toàn không đưa ra đòi hỏi nào đối với người dân, mà chỉ tập
trung vào việc tổ chức và khống chế bộ máy Nhà nước. Tức là Nhân dân Mỹ xây
dựng Hiến pháp Mỹ, không phải để ràng buộc chính mình, mà nhằm ràng buộc Nhà
nước, để Nhà nước làm tốt nhiệm vụ phục vụ và bảo vệ Nhân dân.
Hiến pháp cũng tạo điều kiện
cho các thế hệ sau này đóng góp ý kiến bằng các tu chính án(hiện đã có 27 tu
chính án được thông qua).Như vậy bản hiến pháp này đã giải phóng sức sáng tạo
của mọi tầng lớp nhân dân,biến họ thành chủ thể của đất nước, hạn chế và kiểm
soát quyền lực nguồn gốc của chuyên chế, độc tài và tham nhũng;đề cao các giá trị
về quyền con người. Đây là một mô hình nhà nước tiến bộ của nhân loại mà hầu
hết các quốc gia trên thế giới đều học tập.
Và cũng chỉ có các nhà nước độc
tài, toàn trị mới ra sức xuyên tạc bản hiến pháp này nhằm đánh lừa người dân,
bảo vệ quyền lực của mình. Nhưng dù sao sự thật cũng không thể bị che lấp. Sự
dối trá cũng có lúc sẽ hiện nguyên hình.
Tài liệu tham khảo:
1/Wikipedia tiếng Việt.
2/Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?(Nguyễn Cảnh Bình)
3/Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp.(Hoàng Xuân Phú).
4/CHA ĐẺ BẢN HIẾN PHÁP CỦA HOA KỲ.(Nguyễn Cảnh Bình).
1/Wikipedia tiếng Việt.
2/Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?(Nguyễn Cảnh Bình)
3/Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp.(Hoàng Xuân Phú).
4/CHA ĐẺ BẢN HIẾN PHÁP CỦA HOA KỲ.(Nguyễn Cảnh Bình).
Bài
trước :
No comments:
Post a Comment