Thursday, 6 March 2014

NGÔN NGỮ LƯỠI CÀY (FB Nguyễn Văn Tuấn)





6-3-2014

Lưỡi cây ở đây có nghĩa là “lưỡi gỗ”. Gỗ là thứ vô tri vô giác (?). Ngôn ngữ của cái lưỡi cây là thứ ngôn ngữ vô tri và phi nhân tính. Đọc cái tựa đề “Xử 2 năm tù với đối tượng xâm phạm lợi ích của Nhà nước” tôi liên tưởng đến thứ ngôn ngữ của lưỡi cây. (Dù không dám nói là rành tiếng Việt, nhưng tôi đã thấy "xử 2 năm tù" là có vấn đề về cú pháp tiếng Việt).

Tôi có vấn đề với hai chữ “đối tượng”. Theo tôi hiểu thì hai chữ này có nguồn gốc từ loại ngôn ngữ chính trị của Tàu theo chủ nghĩa Mao. “Đối tượng” dịch sang tiếng Anh có nghĩa là “object”, có nghĩa là một thực thể có thể nhìn và sờ. Thấy trong wiki tiếng Việt, người ta định nghĩa tương tự: đối tượng là “cái gì đó hữu hình có thể cảm giác được.” Nhưng chẳng hiểu sao ngày nay “đối tượng” được dùng để chỉ một con người! Có thể nói rằng ngôn ngữ thời nay đã trở thành một thứ ngôn ngữ hành chính hóa (ví dụ như kiểu “người tham gia giao thông”!).  Hành chính hóa ngôn ngữ là một cách làm cho xã hội trở nên vô cảm hơn, vô lương tri hơn và phi nhân tính hơn.

Người ta có tên có họ (trong trường hợp này là Trương Duy Nhất), tại sao không gọi người ta bằng tên họ? Rất có thể người ta dùng “đối tượng” để hạ thấp nhân phẩm và hạ nhục người ta? Hạ thấp nhân phẩm bằng cách xem người đó như là một vật thể. Nếu giả thuyết đó đúng thì cách nói như lưỡi cây như thế phản ảnh sự kém văn minh của người viết.

Xin nói ngoài lề một chút về cách dùng từ ngữ cho văn minh và thích hợp. Ngày xưa, trong y khoa người ta hay dùng chữ subject để chỉ người tham gia nghiên cứu, male/female để chỉ giới tính của bệnh nhân. Nhưng có người chỉ ra rằng chữ subject là vô tri, thiếu tôn trọng người tham gia nghiên cứu, còn hai chữ male/female là chỉ giống đực/ giống cái của động vật (thường là chuột), và không thích hợp cho người. Do đó, sau này người ta hay dùng participant hay patient (thay cho subject), và người am hiểu dùng men/women thay cho male/female.

Đọc những thông tin mà tòa dùng để kết án ông Trương Duy Nhất tôi thấy… buồn cười. Ví dụ như đoạn nói rằng ông ấy đăng 11 bài viết và có 34186 lượt truy cập và 483 ý kiến bình luận. Tôi phải hỏi “rồi sao?” Có sao đâu. Mấy con số đó chẳng nói lên điều gì cả. Hay là phía Nhà nước ganh tị vì bài trên web của ông có nhiều người đọc?

Còn đoạn “Các bài viết này có nội dung không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước” thì càng … vui hơn nữa. Người viết câu đó nghĩ sao khi ngài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng tham nhũng làm người dân mất niềm tin và đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Nhiều lãnh đạo cao cấp của đảng và Nhà nước hay dùng chữ "tồn vong" và "mất niềm tin", thậm chí còn nhiều chữ nặng nề hơn nữa (1). Những phát biểu này có gây hoang mang trong quần chúng không? Một ông Trương Duy Nhất nói thì có bao nhiêu người nghe; các lãnh đạo nói mới có hàng chục triệu người nghe.

Nếu ông Trương Duy Nhất viết không đúng sự thật, thì báo chí Nhà nước có nhiệm vụ phản biện lại những gì ông ấy viết, chứ sao lại bỏ tù người ta. Hơn 700 tờ báo mà thua một trang web cá nhân ư? Nhưng ông Trương Duy Nhất tuyên bố trước tòa rằng “Với tư cách nhà báo tự do tôi góp phần cho không khí dân chủ ở Việt Nam, góp phần giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức được những vấn đề của đất nước, những suy nghĩ của người dân.” Thật ra, ông Trương Duy Nhất tuyên bố thêm một câu còn hay hơn nữa: “Có những loại tù mà người ta cảm thấy ân hận hay xấu hổ, nhưng trường hợp của tôi thì tôi thấy tự hào.” Đúng quá!

Đọc lại câu đó mới thấy một kiểu suy luận vừa nực cười vừa hồ đồ. Trong một nước với 90 triệu dân, mà chỉ có 34 ngàn lượt đọc bài viết của ông Trương Duy Nhất, tức là trong 10 ngàn người chưa đầy 4 người đọc được bài viết của ông. Vậy mà người ta nói là gây hoang mang và làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng (90 triệu người)! Cách khái quát hóa (generalization) của họ phải nói là quán quân tầm cỡ quốc tế về sự hồ đồ và làm cho các nhà xã hội học chuyên về survey phải … khóc. Khóc cho sự thảm hại của logic. Nếu muốn gán ghép thì cũng cố làm cho thông minh một chút, chứ gán ghép như thế thì phải nói là thấp kém quá.
________________________

(1) Ví dụ như trong bài "Mất dân là mất Đảng, mất chế độ" (Vietnamnet), ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam viết: "Nhìn thẳng vào sự thật để thấy thực tế đau lòng là tình trạng xa dân, vô cảm với dân… đang dần trở thành phổ biến. Thực trạng này giảm lòng tin vào Đảng. Đây là điều không được phép xem thường vì mất lòng tin của dân là mất dân; mất dân là mất Đảng, mất chế độ".

Chủ tịch Trương Tấn Sang nói: "Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ đang bị suy giảm do tệ tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhưng tôi tin, nhân dân bao dung vẫn tin và kỳ vọng nếu Đảng kịp thời chỉnh đốn", và “Mỗi một cán bộ, chức càng cao, quyền càng to thì trách nhiệm trước sự suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng càng lớn” (báo Người Lao Động 2013)



No comments:

Post a Comment

View My Stats