Lê Vy - RFI
Thứ bảy 22 Tháng Ba 2014
Các
nhật báo Pháp hôm nay 22/03/2014 tiếp tục bình luận việc sát nhập vùng Crimée
vào Nga và các hành động trừng phạt của cả hai bên phương Tây và Nga. Trang
nhất nhật báo Le Monde chạy tựa : « Nga : Obama trừng phạt nhưng Châu Âu ngập
ngừng ».
Riêng trang trong tờ Le Monde có bài viết phân tích
đáng chú ý về những người rất gắn bó với chế độ Kiev và tộc người thiểu số
Tartar tại Crimée qua bài viết : « Đằng sau vẻ hưng phấn, một bộ phận người
Crimée lo sợ trở thành người Nga ».
Theo tờ báo, dân chúng tại Crimée không hoàn toàn
phấn khởi khi trở thành dân Nga. Cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/03/2014 về việc
tách vùng tự trị Crimée ra khỏi Ukraina và sát nhập vào Nga với số lá phiếu ủng
hộ rất cao, y như thời Liên Xô. Tuy nhiên, cũng rất đông người Crimée tẩy chay
bỏ phiếu vì cho là không hợp lệ. Đó chính là trường hợp của tộc người thiểu số
Tartar theo đạo Hồi (12% trên tổng số 2 triệu dân Crimée), hay là những người
Crimée còn rất gắn bó với Ukraina, từ chối trở thành công dân của Nga (25% dân
số Crimée).
Những người không tán thành sát nhập Crimée vào Nga
dự định sẽ bỏ xứ ra đi. Họ không tin rằng đời sống của họ sẽ được nâng cao,
tham nhũng sẽ bị bài trừ, nhân quyền sẽ được duy trì và cuộc sống của họ sẽ
tươi đẹp hơn dưới chế độ Putin. Đó là những người không muốn gửi con em mình đi
nghĩa vụ quân sự cho Nga tại Daghestan hay tại Tchechnia, là những người cho
rằng cuộc trưng cầu dân ý là gian lận, được tổ chức dưới sự đe dọa của quân đội
Nga. Ngoài ra, tộc người thiểu số Tartar vẫn còn rùng mình về những ký ức một
thời bị lưu đày. Những người dù cho sinh ra là người Nga hay người Ukraina đều
ý thức mình là người Ukraina từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, luôn hãnh diện về
sự độc lập và thấy hạnh phúc khi sống trên đất nước của mình.
Bài báo mô tả, không khí lễ hội vẫn nhộn nhịp tại
Sébastopol cũng như Simferopol, thủ phủ vùng Crimée. Cờ Nga bay phất phới khắp
nơi. Đương nhiên là 60% người Nga và thân Nga tại Crimée thì lấy làm vui mừng
và thở phào nhẹ nhõm khi được sát nhập vào Nga, vì họ luôn chống lại phong trào
trên quảng trường Maidan tại Kiev và luôn ám ảnh bởi « sự xâm lấn của Ukraina
». Thế nhưng, ngày hội tại Crimée cũng có mặt trái : 40% dân không muốn sát
nhập vào Nga. Họ lo sợ và không nói ra. Họ chỉ được lựa chọn giữa một là ở lại
Crimée và chấp nhận thành dân Nga, hai là bỏ xứ ra đi.
Bài báo trích ví dụ Anya, một công dân Crimée đã
khóc khi xem trên truyền hình giây phút Tổng thống Putin ký hiệp định sát nhập
Crimée vào Nga. Cho đến lúc này, bà vẫn còn muốn tin rằng Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ
cản trở Tổng thống Putin đi đến cùng. Bà sinh ra tại Ukraina và luôn muốn là
người Ukraina và từ chối hộ chiếu Nga. Ngày mà người ta áp đặt bà phải dùng hộ
chiếu Nga thì bà sẽ ra đi. Cả gia đình bà cũng đã chuẩn bị hành lý.
Còn tộc người thiểu số Tartar thì không ra đi, nhưng
theo Moustapha Asaba, lãnh đạo của tổ chức đại diện người Tartar tại Crimée
nhận định : « Ukraina cũng chẳng phải là giấc mơ của chúng tôi, nhưng sát nhập
vào Nga còn tệ hơn. Đó là chế độ độc tài, không phải là nền dân chủ. Đất đai là
của chúng tôi. Chúng tôi không để bất kỳ ai chiếm lấy. Nếu họ muốn xung đột với
chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng đổ máu ». Nguyên nhân là do tân chính quyền
Crimée muốn lấy một phần đất của người Tartar nhằm phục vụ cho những nhu cầu xã
hội.
Những người sẽ ra đi đầu tiên hàng loạt là quân nhân
Ukraina. Ukraina đã cho phép đánh trả bằng vũ lực nhưng lại tổ chức rút quân.
Từ đó, bài báo đặt câu hỏi : « Đổ máu để làm gì trong khi cuộc đấu đã bị thua ?
»
No comments:
Post a Comment