Wednesday 26 March 2014

PHỎNG VẤN THÂN MẪU TNLT ĐỖ THỊ MINH HẠNH (Thanh Phong - Viễn Đông Online)




Thanh Phong/Viễn Đông
VienDongDaily.Com - 24/03/2014

Bà Trần Thị Ngọc Minh, thân mẫu tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh đang trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Viễn Đông.

WESTMINSTER. Cô Đỗ Thị Minh Hạnh sinh ngày 13 tháng 3 năm 1985, năm nay tròn 29 tuổi. Là một người con gái can đảm và yêu nước, Đỗ Thị Minh Hạnh nhìn thấy những người dân lành Việt Nam bị bóc lột sức lao động ngay tại quê hương mình, bị đưa đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, nhân phẩm bị chà đạp, mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam làm ngơ, cô đứng lên thành lập một tổ chức gọi là Liên Đoàn Đấu Tranh Cho Quyền Lao Động.

Cô Đỗ Thị Minh Hạnh bị công an cộng sản bắt giam tại Trà Vinh đến nay đã hơn 4 năm. Thân mẫu của cô là bà Trần Thị Ngọc Minh, đã tìm cách sang Âu Châu và đến Hoa Kỳ kêu gọi sự can thiệp cho con gái bà.

Nhân dịp tới tham dự cuộc họp báo của Giám Sát Viên Janet Nguyễn và Dân biểu Ed Roy (Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ) vào ngày 21.3.2014 tại CLB Văn Hóa Báo Chí ở Westminster để giới thiệu Đề Luật HR 4254 Chế Tài Giới Chức Cộng Sản VN Vi Phạm Nhân Quyền, thân mẫu của cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã dành cho phóng viên Viễn Đông cuộc phỏng vấn với nội dung sau đây:

Viễn Đông:
Xin bà cho biết, bà mới từ Việt Nam qua hay từ đâu tới?

Bà Trần Thị Ngọc Minh: Tôi từ Việt Nam qua Âu Châu vào ngày 10 tháng 2 năm 2012 rồi từ Âu Châu qua đây.

Viễn Đông: Sang Âu Châu, cụ thể bà đến nước nào?

Bà Trần Thị Ngọc Minh: Tôi đến Ba Lan và Áo, rồi từ Áo qua đây.

Viễn Đông: Khi rời Việt Nam, bà có bị nhà cầm quyền làm khó dễ gì không?

Bà Trần Thị Ngọc Minh: Trong Đại Sứ Quán để cấp visa cho mình thì bí mật, tức là Việt Nam không có quyền can thiệp và không có quyền theo dõi, cho nên người giúp đỡ tôi xin được visa thì rất là kín đáo, bí mật nên nhà cầm quyền Việt Nam không biết.

Viễn Đông: Tình hình sức khỏe cũng như sự đối xử của nhà cầm quyền CSVN với con bà là Đỗ Thị Minh Hạnh hiện nay thế nào?

Bà Trần Thị Ngọc Minh: Hiện giờ con tôi đang bị biệt giam, tình hình sức khỏe càng ngày càng suy yếu, họ giam Minh Hạnh một phòng riêng và có cô Mai Thị Dung cũng ở phòng riêng. Đến giờ cơm hai chị em mới gặp nhau. Nói chung, tình hình sức khỏe rất xấu, vì hiện em nó đang mang bịnh trong người, gồm bệnh đau khớp rất nặng nhất là vừa qua mùa Đông vô cùng lạnh giá, rồi bị viêm xoang cũng do lạnh lẽo, đồng thời căn bệnh ở ngực trái nghi ngờ có triệu chứng bịnh ung thư, nhưng không biết có phải như vậy hay không?

Tuy nhiên, em nó chỉ được uống thuốc ở trại giam chứ chưa được đưa đi xét nghiệm, thành thử gia đình rất lo lắng và luôn cầu nguyện Ơn Trên, để xin cho Minh Hạnh chỉ bị bệnh thông thường thôi. Đã nhiều lần chúng tôi xin cho em đi xét nghiệm nhưng họ bảo, cứ uống thuốc từ 3 đến 6 tháng nếu không bớt họ mới cho đi chữa (nói đến đây bà khóc). Lau nước mắt xong, bà nói tiếp: “Bọn cộng sản nó nói thế thôi chứ nó nói một đàng, nó làm một nẻo, mình không biết được.”

Viễn Đông: Khi còn ở Việt Nam, bà có thường đi thăm nuôi con gái bà không?

Bà Trần Thị Ngọc Minh: Những tháng đầu tiên Minh Hạnh bị bắt thì họ không cho thăm, nhưng sau khi ra tòa thì hàng tháng được đi thăm, cũng có tháng em bị kỷ luật vì ở trong tù em vẫn tranh đấu cho những người bị cưỡng bức lao động, và phản đối chế độ ngược đãi trong nhà tù nên em thỉnh thoảng bị kỷ luật.

Viễn Đông: Trong khi con gái đang bị cầm tù, bà tìm cách ra nước ngoài với mục đích gì?

Bà Trần Thị Ngọc Minh: Ở trong nước tôi đã đi gõ cửa các cơ quan công quyền nhưng không được họ đáp ứng, tôi cũng gửi đơn lên tòa án tối cao cũng không được giải quyết, tôi đi gặp các nhà bất đồng chính kiến, lúc bấy giờ phong trào chưa nở rộ, còn bị hạn chế. Vì vậy tôi không biết đường nào để cứu con, nhân dịp có một vị Thượng Nghị Sĩ từ châu Âu sang Việt Nam, ông muốn gặp gia đình tôi nhưng không gặp được.

Vì thế tôi có tư tưởng là phải tìm cách sang Âu Châu để gặp được ông Thượng Nghị Sĩ này và Quốc Hội Âu Châu để xin họ giúp đỡ, can thiệp. Nhưng qua châu Âu, thủ tục rất khó khăn, tôi đành phải lưu lại Ba Lan và Áo gần hai năm. Sau này Ba Lan họ biết được hoàn cảnh của tôi, và nhờ con rể tôi là công dân Ba Lan, tôi xuất trình những giấy tờ chứng minh để con rể tôi làm giấy tờ bảo lãnh. Chính phủ Ba Lan cấp cho tôi giấy tờ nhưng chưa chính thức có hộ chiếu, may mắn nhờ có lá thư của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mời sang Hoa Kỳ để tham dự buổi điều trần vào tháng 1 năm 2014 vừa qua. Nhờ lá thư đó, tôi được can thiệp mạnh mẽ để được cấp hộ chiếu sang Hoa Kỳ.

Viễn Đông: Như bà nói ban đầu, mục đích bà sang Âu Châu để gặp vị Thượng Nghị Sĩ nào đó, vậy bà đã được gặp ông ấy chưa?

Bà Trần Thị Ngọc Minh: Tôi chưa được hân hạnh gặp ông Thượng Nghị Sĩ đó, vì lúc ở Ba Lan tôi chưa có giấy tờ chính thức.

Viễn Đông: Như vậy, sau khi ở Hoa Kỳ, bà có tính trở lại Âu Châu để được gặp vị Thượng Nghị Sĩ mà bà muốn gặp?

Bà Trần Thị Ngọc Minh: Sau khi làm những gì có thể làm được  tại Hoa Kỳ, tôi sẽ cố gắng trở về Âu Châu, tôi được mời qua Đức, và tôi hy vọng sẽ được gặp nhiều Thượng Nghị Sĩ và nhất là ông Thượng Nghị Sĩ đã sang Việt Nam tìm tôi, bởi vì người chăm lo cho tôi hứa sẽ đưa tôi vào gặp các vị dân biểu tại Âu Châu. Tôi cũng được mời sang Canada, tôi lại được một Dân biểu mời sang Úc và họ hứa sẽ giúp đỡ cho tôi gặp các vị dân cử Úc để mà tranh đấu cho con gái tôi và các tù nhân lương tâm, trong đó có Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương cũng góp tiếng nói tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam.

Viễn Đông: Liệu sau khi trở về Việt Nam, bà có nghĩ đến chuyện nhà cầm quyền CSVN sẽ làm khó dễ, thậm chí có thể bắt bà vào tù không?

Bà Trần Thị Ngọc Minh: Tôi thấy tình hình, một khi mà được cộng đồng người Việt cũng như các tổ chức ở hải ngoại quan tâm đến nhân quyền tại Việt Nam thì họ (nhà nước CSVN) có thái độ đối với Đỗ Thị Minh Hạnh khác ngay. Trước đây qua gần 4 năm, Đỗ Thị Minh Hạnh bị đánh đập, bị ngược đãi rất là khốn khổ với nhà nước Việt Nam trong tù, nhưng khi cộng đồng hải ngoại lên tiếng thì đã có sự tiến bộ, thay đổi sáng sủa hơn cho cháu.

Tôi nghĩ khi tôi sang điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ, mà Quốc Hội Hoa Kỳ đã biết Đỗ Thị Minh Hạnh và đã gửi thư cho nhà cầm quyền CSVN thì chắc chắn họ không dám làm mạnh cháu nữa. Tôi nghĩ đây là sự tiến bộ, một sự khả quan trong chuyến đi của tôi có mang lại kết quả, tuy rằng cháu chưa được trả tự do nhưng ít ra cháu không bị tra tấn, đánh đập nữa.

Viễn Đông: Trong buổi họp báo hôm nay, bà có muốn nói điều gì với hai vị dân cử có mặt cũng như cộng đồng Việt Nam hải ngoại sẽ theo dõi trên nhật báo chúng tôi?

Bà Trần Thị Ngọc Minh: Lần đầu tiên khi tôi được đặt chân đến Hoa Kỳ, tôi có đến nhờ chính giới Hoa Kỳ cũng như các cơ quan và cộng đồng người Việt hải ngoại có quan tâm đến nhân quyền Việt Nam, giúp đỡ tôi để cứu con tôi và hai người bạn của con tôi cũng như các tù nhân lương tâm ra khỏi nhà tù. Lần thứ hai, sau khi qua Geneve, tôi sẽ trở lại đây, tôi có nguyện vọng muốn góp phần vào cuộc đấu tranh với bà con đồng hương ở hải ngoại, bất cứ nơi đâu cho tôi lên tiếng, tôi cũng sẽ lên tiếng và mong muốn được lên tiếng để chia sẻ với những thân nhân của tù nhân lương tâm tại Việt Nam, muốn được họ cho phép tôi đại diện những người trong nước để mà lên tiếng tại hải ngoại. Nếu được tham gia vào cuộc họp báo , nếu được tham dự các buổi hội thảo hay tham dự những buổi trò chuyện với cộng đồng người Việt thì đó là niềm vinh dự đối với tôi, và tôi rất vui mừng được đem tiếng nói từ trong nước ra chia sẻ với đồng bào hải ngoại, đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam.

Viễn Đông: Thay mặt Ban Giám Đốc và độc giả báo Viễn Đông xin có lời cám ơn bà đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn lý thú này.

Bà Trần Thị Ngọc Minh: Cho phép tôi được gởi lời chào thăm và cám ơn đến Ban Giám Đốc và toàn thể nhân viên nhật báo Viễn Đông, cũng như nhờ quý báo cho tôi gửi lời thăm và cám ơn quý đồng bào Việt Nam hải ngoại cũng như quý vị chính quyền, dân cử Hoa Kỳ đã quan tâm đến nhân quyền và tự do, dân chủ tại Việt Nam. Tôi xin gửi lời kính chào kính mến và chúc sức khỏe đến tất cả quý đồng hương Việt Nam tại hải ngoại.


No comments:

Post a Comment

View My Stats