Wednesday, 26 March 2014

BẮC KINH ĐẾN NGÀY TÍNH SỔ (Hùng Tâm - Người Việt)




Bắc Kinh đến ngày tính sổ
Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, March 26, 2014 2:55:25 PM

Những đợt sóng đáy của nền kinh tế Trung Quốc

Giữa những biến động của vụ Ukraine - và mâu thuẫn giữa Tây phương với Liên Bang Nga - lãnh đạo Bắc Kinh đã có thái độ ngoại giao đặc biệt thận trọng. Trong thâm tâm, họ có nhiều ưu tiên khác về kinh tế ở bên trong. Vì vậy, “Hồ Sơ Người Việt” xin tạm gác chuyện đối đầu giữa hai khối để nhìn vào những ưu tiên này của Bắc Kinh, khi Trung Quốc đến ngày tính sổ...

Những quầng mây đen nổi lên từ 2010

Nếu theo dõi nội tình kinh tế Trung Quốc từ nhiều năm trước, người ta đã có thể thấy ra vài nghịch lý.
Năm 2010 là khi Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản bị tràn ngập trong nhiều khó khăn thì sản lượng kinh tế Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản về mệnh giá - face value - để đứng hạng thứ nhì của thế giới, chỉ sau kinh tế Hoa Kỳ. Khi ấy, nhiều trung tâm nghiên cứu kinh tế, kể cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, đã dự đoán là với đà tăng trưởng này thì kinh tế Trung Quốc có thể bắt kịp Hoa Kỳ vào năm 2016, hay chậm lắm là 2020.

Nhưng sự thật lại chẳng lạc quan như vậy. Sau một giai đoạn tăng trưởng liên tục ở mức 10% trong gần ba chục năm liền, nhiều quầng mây đen đã nổi lên ở chân trời màu hồng của xứ này.

Sau đây là một vài thí dụ.

Tính đến năm 2010, kinh tế Trung Quốc đã sản xuất nhiều loại nguyên liệu cần thiết cho xây dựng và phát triển, như xi măng hay thép. Xin hãy nghĩ đến xa lộ, các công trình gia cư và địa ốc được kiến tạo bằng xi măng và sắt thép. Nghịch lý ở đây là sau năm năm có sản lượng kỷ lục, sau khi đã trừ số xi măng xuất cảng ra ngoài thì kinh tế Trung Quốc chỉ sử dụng có hai phần ba số xi măng được sản xuất ra. Nghĩa là một phần ba đã bị ế. Về thép, Trung Quốc sản xuất nhiều hơn mọi cường quốc khác, hơn sản lượng tổng cộng của bảy nước đứng hạng kế tiếp. Nhưng số tồn kho bị ế - nhiều hơn nhu cầu - đã lên tới 200 triệu tấn, cao hơn tổng số thép do Âu Châu và Nhật Bản sản xuất ra trong năm 2010.

Hai thí dụ nói trên cho thấy một chi tiết kế toán. Cứ một tấn nguyên liệu ra khỏi nhà máy là được bút ghi như sản lượng và làm thế giới khâm phục, hay sợ hãi. Nhưng thật ra, tồn kho ế ẩm, xi măng bị ẩm và thép bị han rỉ, không đóng góp gì cho kinh tế.

Tồn kho ấy không chỉ là từng núi xi măng hay sắt thép mà còn là thứ khác.

Thí dụ như hàng năm kinh tế Trung Quốc cứ xây cất thêm trung bình là 200 triệu thước vuông, và được đếm như sản lượng mặc dù vào năm 2010 đầy huy hoàng đó, xứ này đã có ba tỷ 300 triệu thước vuông nằm trơ gan cùng tuế nguyệt. Hình ảnh của các thành phố ma vì không người ở, hoặc chung cư hay thương xá vắng khách từ nhiều năm, đã là nét đặc thù khác của “phép lạ kinh tế Trung Quốc.”

Trong cuộc chạy đua về xây dựng, người ta còn để ý thấy quầng mây xám khác từ năm 2010: giá cả gia cư địa ốc đã tăng vọt. Ðấy là một biểu hiện của bong bóng.

Giới kinh tế thường áp dụng một tiêu chuẩn đo lường bong bóng như vậy để dự đoán cái ngày bóng bể mà người ta gọi là “ngày tính sổ,” day of reckoning. Tiêu chuẩn đó là giá nhà so sánh với tiền thuê nhà, tỷ số gọi là “price-to-rent ratio.”

Khi Hoa Kỳ bị khủng hoảng vì nạn bể bóng gia cư năm 2007 thì giá nhà đã cao gần bằng 23 lần tiền thuê nhà. Tình trạng của Trung Quốc vào năm 2010 còn nguy ngập hơn vậy: tại tám thành phố lớn nhất Trung Quốc, giá nhà đã cao hơn 39 lần tiền thuê nhà. Và bốn năm sau, tức là ngày nay, thì nạn bóng xì, thậm chí bóng bể, đã bắt đầu hoành hành ở một số nơi, trong khi bóng vẫn căng phồng ở nhiều nơi khác.

Chi tiết kinh tế trừu tượng ấy còn che giấu một sự thật xã hội khác: đa số dân chúng thiếu nhà không thể có khả năng mua nhà với cái giá quá cao như vậy.

Ðằng sau những vấn đề kinh tế, kế toán hay xã hội này, có một câu hỏi được đặt ra: tiền đâu để tài trợ những công trình tốn kém mà vô dụng đó?

Nhà nước Bắc Kinh có hệ thống ngân hàng với thẩm quyền thu vét tiết kiệm và trả tiền lời thấp cho dân chúng để tài trợ các dự án ảo cũng của các doanh nghiệp hay địa phương của nhà nước theo điều kiện ưu đãi. Nhưng khía cạnh chìm, như làn sóng ngầm, trong chu trình kinh tế tài chánh có màu sắc Trung Quốc lại không nổi lên bề mặt: các dự án hoa mỹ đầy ảo tưởng được tài trợ bởi tín dụng của nhà nước, và tín dụng ào ạt trút vào các công ty đầu tư địa phương, tức là cũng của nhà nước. Khoản nợ này được đưa vào các dự án ế ẩm, không sinh lời, và chính là nợ xấu, khó đòi và sẽ mất.

Mà nợ đến mức nào, xấu tới đâu thì chẳng ai có thể biết, kể cả Quốc Vụ Viện (Hội Ðồng Chính Phủ) hay Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc, là hệ thống ngân hàng trung ương.

Ðó là tình trạng thật ra đã bất trắc của Trung Quốc khi lãnh đạo Bắc Kinh ào ạt bơm tiền kích thích kinh tế từ cuối năm 2008 để tránh hiệu ứng bất lợi của vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 và nạn Tổng suy trầm (Global Recession) năm 2008-2009. Bốn năm sau, là ngày nay, tình hình còn có chiều khó khăn hơn, khi lãnh đạo Bắc Kinh thấy ra nhược điểm - và muốn sửa, kể từ Ðại hội 8 vào tháng 11 năm 2012 và hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương kỳ III vào tháng 11 năm ngoái.

Những núi nợ chồng chất

Khi nhắc lại những núi tồn kho chất đống về xi măng hay thép, và các khoản nợ xấu chưa ai tính ra, thì người ta thấy một chuyện nợ nần cứ tưởng như chỉ xảy ra tại Hoa Kỳ, hay Âu Châu.

Từ năm 2008, khi lãnh đạo Bắc Kinh ồ ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế, tổng số nợ nần của Trung Quốc đã tăng hàng năm chừng 20%. So với Tổng Sản Lượng GDP thì số nợ này đã từ 150% vào năm 2008 vượt quá 210% vào năm 2012 và tiếp tục tăng. Trong núi nợ đó, phần nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng từ hơn 90% vào năm 2008 đã vượt qua 150% GDP, tính đến đầu năm 2014.

Nhìn ra toàn cầu và nếu so với GDP, khoản nợ của doanh nghiệp tại Trung Quốc ở mức 150% hiện đứng đầu thế giới. Nhật Bản là 113% và Hoa Kỳ là 76%. Nói cách khác, khoản nợ của doanh nghiệp Trung Quốc cao gấp đôi Hoa Kỳ. Cả thế giới cứ nói đến chuyện nước Mỹ vỡ nợ hay phá sản vì vay mượn quá nhiều mà ít chú ý tới núi nợ của Trung Quốc.

Cũng nhìn ra toàn cầu bằng cách khác thì trong năm năm qua, tổng số tín dụng của thế giới lên tới 30 ngàn tỷ đô la, riêng Trung Quốc thì chiếm phân nửa, 15 ngàn tỷ. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc vì vậy đang quản lý một lượng tài sản vĩ đại, gồm cả vốn riêng và tiền cho vay ra, lên tới gần 24 ngàn tỷ đô la, cao hơn Tổng Sản Lượng Trung Quốc gấp hai lần rưỡi.

Ðấy là nói về lượng, chiều cao của núi nợ. Nói về phẩm, người ta có thể thấy ra độ nghiêng, hay rủi ro vỡ lở...

Trung Quốc càng dồn nhiều tín dụng vào kinh tế thì lại đạt mức tăng trưởng càng thấp hơn. Kinh tế học gọi đó là “quy luật hiệu năng tiệm giảm.” Tức là sau khi bơm tiền rồi thì cứ bơm thêm tiền là lại đạt kết quả thấp hơn. Và tiền bơm ra mà không có lợi ích kinh tế, không sinh lời, thì tiền ấy chỉ là nợ xấu. Nhà nước Bắc Kinh ước lượng tỷ lệ nợ xấu của Trung Quốc hiện chỉ bằng 1% của Tổng Sản Lượng. Nhiều tập đoàn đầu tư quốc tế thì ước tính con số gấp 10, hoặc thậm chí gấp 20 lần. Tức là nợ xấu của Trung Quốc có thể là 20% của Tổng Sản Lượng GDP.

Một cách đo lường cũng thường thức là tính xem phải đầu tư bao nhiêu thì nâng được một đơn vị sản lượng. Người ta gọi đó là chỉ số ICOR, viết tắt từ “incremental capital output ratio.” Năm 2007 thì chỉ số của xứ này là 2.5, đầu tư hai đơn vị rưỡi là tăng sản lượng được một đơn vị. Ngày nay thì phải đầu tư gấp năm. Nghĩa là hiệu năng chỉ bằng phân nửa.

Và khi đi vay thì phải trả tiền lời: gánh nặng tài chánh của núi nợ vĩ đại này tại Trung Quốc ngày nay đã vượt 9% của tổng số nợ. Ðây là con số nguy ngập, còn cao hơn những gì mà kinh tế Hoa Kỳ đã gặp vào năm 1929 hay 2008, trước cơn Tổng khủng hoảng 1929-1933 hay Tổng suy trầm 2008-2009.
Lãnh đạo Bắc Kinh, từ thế hệ thứ tư như Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào và Thủ Tướng Ôn Gia Bảo qua thế hệ thứ năm là Chủ Tịch Tập Cận Bình và Thủ Tướng Lý Khắc Cường, đều biết là kinh tế có vấn đề và thật ra cũng muốn sửa. Họ chấp nhận giải pháp là để cho bóng xì bóng bể - và nhiều cơ sở vỡ nợ - còn hơn là tiếp tục chất nợ thành đống.

Nhưng vì những ràng buộc chính trị - và phản ứng trì hoạn hay cưỡng chống - của các trung tâm kinh tế lẫn nhóm lợi ích - họ tiến hành quá chậm và quá nhẹ.

Những giải pháp và hậu quả

Lãnh đạo Bắc Kinh không tạo ra “phép lạ kinh tế Trung Quốc” vì chỉ có thể học hỏi từ nước khác và cũng gặp vấn đề của nhiều nước đi trước, như Nhật Bản, Âu Châu và Hoa Kỳ. Các giải pháp chống đỡ cũng chẳng có gì là kỳ lạ hay bí truyền. Ðấy là ba bước giải tỏa.

Trước tiên, mọi quốc gia đều phải giảm đà gia tăng tín dụng, tức là khóa vòi tín dụng để không gây thêm vấn đề. Bước thứ hai là hoán đổi kỳ hạn hoàn trái của đa số các khoản nợ xấu để trì hoãn cái ngày tính sổ và tránh nguy cơ vỡ nợ và khủng hoảng. Bước thứ ba là tiến hành việc đắp vốn và xóa nợ một cách tiệm tiến. Năm 2000, các ngân hàng Trung Quốc đã gặp mối nguy này nhưng chỉ tốn có 200 tỷ cho việc đắp vốn và chấn chỉnh. Ngày nay thì tình hình nguy ngập gấp bội và dù có nhiều phương tiện hơn xưa, thí dụ như có khối dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới là hơn ba ngàn 800 tỷ, lãnh đạo xứ này còn gặp nhiều ưu tiên khác.

Và bị nhiều ràng buộc khác.

Một trong các ưu tiên hàng đầu chính là chuyện an ninh và quốc phòng, hơn một ngàn tỷ đồng Nguyên, đứng số một trong các khoản dự chi của ngân sách. Còn cao hơn dự chi cho nhu cầu an sinh xã hội và thất nghiệp, hay canh nông và thủy lợi.

Trong khi đó, nếu đi vào chi tiết kỹ thuật, các biện pháp cứu nguy này cũng có nghĩa là phải để cho nhiều doanh nghiệp và ngân hàng phá sản, với hậu quả chính trị rất nặng vì xâm phạm vào quyền lợi của những kẻ có chức có quyền.

Kết luận ở đây là gì?

Khi cần vay tiền để gia tăng sản lượng, người ta khởi sự từ nơi khan hiếm nhất và có hiệu quả nhất. Sau đó, nếu vay quá dễ, vì cơ chế quá lỏng lẻo, người ta sẽ bơm tiền vào chỗ trũng, và gây ra nạn úng thủy, hay bong bóng đầu cơ. Ðã vậy, nếu hệ thống kinh tế và chính trị lại thiếu luật lệ phân minh và kiểm soát chặt chẽ thì môi trường bất trắc này tự nhiên dẫn tới lạm dụng và tạo ra những tháp ảo hay quy cách lường gạt được gọi là Ponzi, do tên của một tay đại bịp người Ý.

Trung Quốc đã đi tới giai đoạn nguy ngập này. Và thế giới sẽ bị chấn động khi họ đến giờ tính sổ phũ phàng.

---------------------------
Ghi chú: Trong một bài trước về Liên Bang Nga (“Nước Nga và dân Nga của Putin - Những mâu thuẫn của một quốc gia vĩ đại”), mục “Hồ sơ Người Việt” có nhắc đến vấn đề dân số sút giảm và sự di hại của chế độ cộng sản. Một độc giả “Vang Ðỏ” đã gọi đó là “hô khẩu hiệu.” Hoặc độc giả này uống quá nhiều rượu vang, hoặc chưa gỡ nổi màng đỏ trong mắt nên thấy xót xa khi có lời phê phán chế độ cộng sản. Nếu có trình độ hiểu biết thường thức của cấp trung học thì độc giả này có thể gõ “Demographics of Russia” trên Wikipedia để biết rõ hơn! (Hùng Tâm)


CÁC TIN KHÁC   



No comments:

Post a Comment

View My Stats