Nguyễn
Trần Sâm
20-03-2014
Vừa qua trên laodong.com.vn có bài của TS Nguyễn Sỹ Dũng, nêu ra bài
học từ những sự kiện vừa qua ở Ukraina. Chúng tôi muốn bàn về một vài ý tứ mà
TS Dũng nêu ra.
Ngay sau câu mở đề, TS Dũng đã khẳng định chắc đe:
“… cuộc trưng cầu ý dân (về việc sáp nhập với Nga) tại Crưm cũng chỉ là hệ
quả tiếp theo của những chính sách mà các nhà lãnh đạo khác nhau của Ukraina đã
theo đuổi.”
Khi đưa ra nhận định này, ông Dũng chỉ nghĩ đến một
yếu tố phụ dẫn đến một hậu quả. Trong trường hợp này, lẽ ra cần phải nói đến
hai chiến tuyến: một bên là chính quyền Putin và trào lưu thân Nga (cùng với
những nhóm người Nga ở Ukraina), bên kia là trào lưu thân phương Tây và chính
phủ các nước phương Tây. Chính cái mâu thuẫn Đông-Tây này cùng với những vấn đề
lịch sử phức tạp của Ukraina mới là yếu tố quyết định nhất đẩy xã hội Ukraina
đến tình trạng hiện nay, chứ không phải do một vài chính sách của Yushenko,
Timoshenko hay Yanukovich. (Tất nhiên, những chính khách này cũng phải chịu
trách nhiệm cá nhân trước lịch sử, nhất là gã tổng thống ăn cắp Yanukovich.)
Về mặt lịch sử và địa lý, sự tồn tại của ba vùng với
ba sắc dân chiếm đa số tạo ra tiềm năng cho mâu thuẫn sắc tộc. Tuy nhiên, nếu
không có những thế lực lớn bên ngoài dung dưỡng và kích động mâu thuẫn sắc tộc
và xu hướng chính trị bên trong thì mâu thuẫn đó có thể dàn xếp được. Bằng
chứng là ít nhất người Ukraina và người Nga đã từng chung sống dưới mái nhà
Soviet mấy chục năm, và mặc dù không phải không có vấn đề khúc mắc, nhưng cũng
chưa đến mức hai sắc tộc này thù ghét nhau.
Tuy nhiên, mâu thuẫn Đông-Tây, cụ thể giữa một bên
là Nga, bên kia là EU và Mỹ, đã làm cho sự khác biệt về sắc tộc và địa lý trở
thành yếu tố gây chia rẽ xã hội Ukraina một cách trầm trọng. Cộng thêm vào đó,
về mặt nhận thức thì đa số người dân Ukraina, đặc biệt ở các tỉnh miền Tây, vốn
có nhiều người Ba Lan và một vài dân tộc khác sinh sống, càng ngày càng hiểu
thêm về cuộc sống ở các nước phương Tây. Họ thấy được ở những nơi đó con người
quả thật được sống thoải mái, có thu nhập cao, có hệ thống an sinh xã hội khá
hoàn hảo và có không khí tự do thật sự, mối quan hệ giữa mọi thành viên trong
xã hội là bình đẳng, nên khi đối chiếu với những gì đã diễn ra ở Liên Bang
Soviet trước đây và nước Nga ngày nay, họ không còn thích những gì dính líu đến
Liên Bang và nước Nga nữa. Có thể quan điểm đó hơi cực đoan, nhưng về cơ bản là
có lý. (Nếu TS Dũng có điều kiện ở Tây Âu hoặc Mỹ khoảng 1 năm, không phải với
tư cách một ông quan lớn mà với tư cách người lao động bình thường, nhất là làm
trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó, chắc chắn ông cũng sẽ có kết luận như
vậy.)
Một
câu hỏi đặt ra là: Vậy thì nguồn gốc của cái mâu thuẫn Đông-Tây đó ở đâu ra? Xin thưa: trước đây nó đã từng tồn tại, không hẳn mang tính chất
Đông-Tây, mà là giữa hai hệ thống: XHCN và TBCN. Và lẽ ra nó đã phải biến mất
hoặc bị dịch chuyển về địa lý, sau khi LB Soviet tan rã (ví dụ, chuyển thành
mâu thuẫn giữa phương Tây và Trung Quốc), nếu nước Nga cũng hội nhập với phương
Tây như Czech, Slovakia, Ba Lan, Hungary. Nhưng máu Đại Nga trong tập đoàn cầm
quyền dưới sự chỉ huy của Vladimir Putin và cả máu yêng hùng cá nhân của ông sĩ
quan mật vụ kiêm võ sĩ nhu đạo kiêm tay vật gấu này đã không cho phép họ đi
theo con đường đó. Putin muốn thao túng ít nhất một nửa thế giới, muốn giữ các
nước đàn em trong LB Soviet trước đây dưới cây gậy chỉ huy của mình. Làm trái ý
là chọc giận ông ta, và ông ta sẽ không để yên. Năm 2008 ở Gruzia đã cho thấy
rất rõ điều đó.
Và để dè chừng nước Nga đầy vũ khí nguy hiểm với
nhóm cầm quyền khó lường do Putin (hoặc một nhân vật khác gần giống như vậy)
đứng đầu, phương Tây không có cách nào khác là phải phát triển ảnh hưởng của họ
“sang phía Đông”. Để làm việc đó, họ phải thò bàn tay vào những nơi như Ukraina
để giành thế trận. Việc làm này nếu nhìn bằng con mắt Putin hay của người Nga ở
Krym (hoặc những người Việt thiếu thông tin) sẽ là việc làm rất xấu xa.
Như vậy, nếu quý vị thấy những phân tích trên đây
phần nào có lý, quý vị sẽ hình dung ra đâu mới thực sự là nguyên nhân sâu xa
của tình thế hiện nay tại Ukraina.
TS Dũng viết tiếp:
“…lựa chọn duy nhất đúng cho Ukraina là quy chế
trung lập” và “…làm cầu nối giữa Nga với Châu Âu… (và Châu Âu với
Nga – không biết có gì khác?).”
“Ukraina có thể tạo điều kiện cho sự trao đổi,
hợp tác giữa Nga với Châu Âu (lại: và Châu Âu với Nga). Ukraina cũng có
thể làm trung gian cho cả hai bên trong quá trình giao lưu và hội nhập.”
Về điểm này thì tôi đồng ý cả hai tay với ông Dũng
tiến sỹ. Được như thế thì còn gì bằng. Quá tốt! Tuyệt vời! Chỉ có một điều là
hoàn toàn không tưởng! 100% hão huyền! 0% khả năng! Cũng tuyệt vời mà không
tưởng như cái mô hình CNCS của Karl Marx. Ai để cho Ukraina làm vậy? Putin liệu
có ngoan ngoãn chơi với NATO theo sự sắp xếp của mấy ông bà quan chức Ukraina
và theo sự gợi ý của TS Nguyễn Sỹ Dũng?
Lại còn:
“Rất tiếc, có vẻ như những lựa chọn nói trên đã
không được các nhà lãnh đạo của Ukraina quan tâm.”
Ô-ô-ô! Đúng là tiếc thật. Nhưng mà ai có thể làm gì?
Phải nói rằng tôi đã từng được biết một Nguyễn Sỹ
Dũng thông minh, tâm huyết. Nhưng có lẽ vị trí của một vị quan lớn đã làm ông
Dũng không thể có cái nhìn khách quan? Hay là ông nói theo sự “định hướng”?
Thành ra cái bài học mà vị tiến sỹ này rút ra cho
thế giới và cho Việt Nam ta rất tiếc là không xài được.
NGUYỄN
TRẦN SÂM
P.S. Hôm rồi, tôi được mời đi cùng xe với một ông
bạn cũ hiện là quan khá to về quê. Ông nói về bọn “phát xít mới” vừa lật đổ
Yanukovich. Rồi ông hỏi tôi bây giờ thu nhập của dân làm nông nghiệp ra sao,
tôi nói cả gia đình khoảng 3-4 triệu 1 năm. Ông nghĩ tôi nói nhầm. Sau khi tôi
khẳng định đi khẳng định lại, ông có vẻ hơi buồn cho đám nông dân. Một hồi sau,
tôi nói: “Vậy nhưng bây giờ nếu đám nông dân ấy đi biểu tình, chắc ông sẽ gọi
họ là “phát xít mới”?”
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của
tác giả
No comments:
Post a Comment