Saturday, 1 March 2014

OBAMA : NGA SẼ TRÀ GIÁ NẾU CAN THIỆP VÀO UKRAINA (Anh Vũ - RFI)




Anh Vũ  -  RFI
Thứ bảy 01 Tháng Ba 2014

Ngay sau khi có thông tin cho biết Nga đang triển khai quân tại Crimée. Tổng thống Mỹ tối qua (28/02/2014) đã có bài diễn văn đột xuất. Ông Obama, trong bài phát biểu chỉ kéo dài 3 phút đã gửi đến đồng nhiệm Nga Vladimir Putin một thông điệp khá cứng rắn nhưng cũng có chừng mực, theo đó Nga sẽ phải trả giá nếu can thiệp quân sự vào Ukraina.

Thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình từ Washington :

Bày tỏ thái độ vô cùng quan ngại của Hoa Kỳ, đồng thời Tổng thống Barack Obama cảnh cáo ông Putin rằng can thiệp quân sự vào Ukraina sẽ gây hậu quả cho nước Nga. Tổng thống Mỹ lưu ý, việc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Ukraina sẽ là gây mất ổn định trầm trọng và đi ngược lại cam kết của Nga về tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của đất nước này.

Ông Obama cho biết là Washington đã tham khảo ý kiến với các đối tác châu Âu và cả với Matxcơva để thảo luận về tình hình mà ông đánh giá là đang có nhiều biến động. Ông cũng thông báo là Phó Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Ukraina Tourchynov để khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, ông Barack Obama vẫn không rõ ràng về những việc Hoa Kỳ có thể làm nếu như Nga triển khai quân lính. Theo như đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ thì đã có vài vài trăm quân được triển khai trong vùng Crimé.

Nhưng một trong những biện pháp của Nhà trắng lúc này có thể sẽ là không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến tổ chức tại Sotchi vào tháng Sáu tới. Hành động này rất có thể sẽ được nhiều thành viên khác của nhóm làm theo và như vậy ông Vladimir Putin sẽ bị mất hết thể diện.

Quốc tế ủng hộ tân chính quyền Kiev

Cộng đồng quốc tế cũng tỏ ra hết sức quan ngại về những diễn biến hiện nay tại Crimée. Hôm qua (28/02/2014), Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã có phiên họp kín để thảo luận về tình hình Ukraina theo đề nghị của tân chính quyền Kiev.

Sau cuộc họp này, đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc thông báo Washington đã đề nghị gửi khẩn cấp « một phái bộ trung gian quốc tế, độc lập và tin cậy « đến Crimée nhằm làm dịu căng thẳng » trong vùng.

Về phần mình đại sứ Nga Vitali Tchourkinn, ngay lập tức đã đáp lại rằng Matxcơva « trên nguyên tắc không chấp nhận các trung gian hoà giải áp đặt » mà không có sự đồng ý của chính quyền Crimée.

Từ hôm qua, nhiều nước phương Tây tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với tân chính phủ Ukraina. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết ủng hộ tân Thủ tướng Ukraina Arseni Iatseniouk. Trong khi đó Áo và Thuỵ Sĩ thông báo phong toả tài sản của một loạt các kiều dân Ukraina theo đề nghị của chính quyền chuyển tiếp tại Kiev.

Hôm qua tại Washington, bà Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF đã trấn an rằng tình trạng kinh tế của Ukraina lúc này « chưa có gì phải hoảng loạn ».



No comments:

Post a Comment

View My Stats