Monday 3 March 2014

NHÀ BÁO TRƯƠNG DUY NHẤT KHÔNG PHẠM TỘI (Hồ Quang Huy - Dân Luận)




Hồ Quang Huy
Tác giả gửi tới Dân Luận
Thứ Hai, 03/03/2014

Theo thông tin trên mạng internet, ngày 04/3/2014 tòa án thành phố Đà Nẵng xét xử nhà dân báo (nhà báo của nhân dân, vì nhân dân) Trương Duy Nhất.

Đồng thời với thông tin trên, một bản cáo trạng do gia đình nhà dân báo này gửi đến các trang mạng cũng được phổ biến và lan truyền.

Theo đó, Viện kiểm sát Tối cao truy tố nhà dân báo Trương Duy Nhất tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại điều 258 Bộ luật Hình sự.

Theo đó thì Trương Duy Nhất bị truy tố vì đã viết 11 bài báo và đăng 1 bài báo khác trên blog của mình “Một góc nhìn khác”.

Cũng theo cáo trạng thì 12 bài báo nói trên đã nói sai sự thật, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của đảng cộng sản Việt Nam, nhà nước, chính phủ, quốc hội, các tổ chức chính trị - nghề nghiệp …;tuyên truyền xuyên tạc đường lối chính sách của đảng cộng sản Việt Nam, xuyên tạc vấn đề thể thao sang vấn đề chính trị, hạ thấp vai trò của đảng cộng sản Việt Nam, làm giảm trò của Chính phủ; xem thường trình độ của nhiều đại biểu Quốc hội…

Nhận định đầu tiên là bản cáo trạng buộc tội một cách rất chung chung, mơ hồ, không đưa ra được bất cứ một dẫn chứng nào để chứng minh cho lời buộc tội và trong một số trường hợp cũng không chỉ ra được đối tượng bị hại, là những điều bắt buộc phải có để buộc tội bị cáo. Ví dụ cáo trạng viết: “Bôi nhọ tư cách đạo đức người đảng viên” hay “tác động không tốt đến lòng tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước, một số tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp” hay “xem thường trình độ của nhiều đại biểu Quốc hội”.

Tôi đã đọc nhiều bài trong số 12 bài nói trên nhưng tôi không tìm đâu ra các câu nào, từ nào cho thấy TDN nói sai sự thật, cố tình bôi nhọ hay xuyên tạc bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Đành ràng tôi không đồng tình với một số quan điểm hay nhận định của TDN, nhưng không vì thế mà cho rằng TDN nói sai sự thật hay xuyên tạc, bôi nhọ, đơn giản vì đó là sự thể hiện quan điểm. Một việc tưởng chừng rất đơn giản như gặp một người phụ nữ hay một chiếc xe đi trên đường thì cũng có người cho là đẹp, là tốt, người khác thì có thể đánh giá là xấu, đó là điều rất bình thường, không ai có thể bắt người khác phải suy nghĩ giống mình. Một chuyện đơn giản, trực quan thế mà còn có nhiều ý kiến khác nhau, huống hồ nhận định, đánh giá cả một thể chế, một định chế hay cá nhân người lãnh đạo.

Uy tín của một cá nhân hay một tổ chức như thế nào là kết quả của cả một quá trình hoạt động thông qua phẩm chất đạo đức, chính trị, năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo, hiệu quả của công việc. Nếu Chính phủ, Quốc hội, đảng cộng sản Việt Nam … làm việc thật sự hiệu quả thì liệu những bài viết của một công dân bình thường như TDN có thể làm giảm uy tín, giảm lòng tin của nhân dân đối với các tổ chức hay cá nhân lãnh đạo các tổ chức này được không? Chắc chắn là không.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ nói riêng hệ thống thuộc nhà nước, cũng đã phản ánh phần nào sự yếu kém này. Chỉ điểm qua một số vụ việc như vụ Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam Vinashin, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, vụ Nguyễn Đức Kiên cũng đủ cho thấy sự yếu kém không riêng gì chính phủ. Đó là chưa nói nợ công lên đến mức đáng lo ngại. Theo báo Vietnamnet online ngày 26/4/2013, một số chuyên gia cho rằng nợ công của Việt Nam năm 2011 theo chuẩn quốc tế là 128,9 tỷ đô la Mỹ (106% GDP), còn báo Dân Trí online ngày 02/8/2012 đã giật tít "Nợ công Việt Nam đã vượt xa ngưỡng an toàn". Một nghiên cứu của Brookings, tổ chức nghiên cứu có uy tín của Mỹ, cho thấy năm 2011 Việt Nam có tỷ lệ người lao động thu nhập thấp (dưới 2 đô la Mỹ/ngày) cao gần nhất khu vực với 18,2%, tiếp đến là Trung Quốc 17%, trong khi đó tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là dưới 1%.

Đành ràng sự yếu kém này, chịu trách nhiệm trực tiếp là Chính phủ, nhưng các tổ chức khác trong hệ thống chính trị cũng không thể ngoài cuộc. Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước và xã hội toàn diện, tuyệt đối, Quốc hội quyết định những chính sách lớn của quốc gia và giám sát Chính phủ, nên uy tín của các tổ chức này, ở mức độ khác nhau nhưng không tách rời với uy tín Chính phủ. Không những trên các phương tiện truyền thông mà ngay cả tại nghị trường hay trong các cuộc họp của đảng cũng phản ánh trình trạng này. Tại hội nghị quán triệt thực hiện nghị quyết trung ương 4 ngày 27/2/2012, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đề cập đến tình hình suy thoái trong đảng đã đặt câu hỏi: “Mai kia đảng này sẽ là đảng của ai?”.

Như vậy uy tín của đảng cộng sản Việt Nam, Chính phủ, các tổ chức chính trị-Xã hội… như thế nào là do chính bản thân các tổ chức đó quyết định, không thể một vài bài viết mà có thể làm giảm uy tín của các tổ chức ấy. Hệ thống báo chí do đảng lãnh đạo hiện nay rất lớn, với khoảng 700 tờ báo, 17 nghìn phóng viên, tại sao người đọc vẫn tin các bài viết của TDN hơn? Nếu TDN nói sai sự thật liệu người dân có thể tin không? Tôi cho rằng không có ai thích đọc và tin vào những điều sai trái, lừa dối mà họ đọc và tin những điều sự thật.

Cáo trạng cho rằng bài “Chất lượng Chính phủ, quá tệ” có nhiều nội dung sai phạm trong đó có “làm giảm vai trò của Chính phủ”; còn bài “Bóng đá và Đảng” có nội dung xuyên tạc vấn đề thể thao sang vấn đề chính trị, hạ thấp vai trò của đảng cộng sản Việt Nam.

Vai trò của đảng cộng sản Việt Nam thì do điều 4 hiến pháp và đảng quyết định, vai trò của Chính phủ là do Hiến pháp và luật (Luật tổ chức Chính phủ) quy định, tôi không hiểu một vài bài viết của công dân lại có thể làm hạ thấp vai trò của đảng và làm giảm vai trò của Chính phủ, mà không biết hạ thấp là hạ thấp bao nhiêu bậc và giảm là giảm như thế nào, giảm những vai trò gì? Từ khi các bài viết của TDN đăng tải đến nay tôi chưa từng nghe vai trò của đảng cộng sản Việt Nam và Chính phủ có sự thay đổi nào. Như thế thì không thể nói các bài viết này đã làm giảm hay hạ thấp vai trò của các tổ chức này và như thế cũng không thể là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nên không thể có hành vi phạm tội.
Cáo trạng còn cho rằng với bài “Việt Nam 2011” có nội dung “xem thường trình độ của nhiều đại biểu Quốc hội” và nhiều nội dung vi phạm khác. Như trên đây tôi đã nói chưa đọc hết 12 bài viết bị buộc tội, nên các nội dung khác tôi không bình luận, nhưng nếu cho rằng xem thường trình độ của ai đó là xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì quả thật khôi hài. Không biết bao nhiêu và cụ thể là đại biểu Quốc hội nào đã bị TDN xâm phạm quyền gì, lợi ích gì khi bị ông xem thường trình độ? Bất cứ ai cũng có quyền xem thường, thậm chí khinh thường ai đó nếu họ thấy rằng con người đó đáng bị xem thường (hay khinh thường) mà không phạm bất cứ tội gì, vì đó là thể hiện tình cảm, nó không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội...

Trong số 12 bài viết bị buộc tội có các bài “Chấm điểm Thủ tướng”, “Chấm điểm bộ tứ nguyên thủ” và bài “Bỏ phiếu cùng Quốc hội” tôi đã đọc rất kỹ nhưng chẳng thấy từ nào câu nào sai sự thật, bôi nhọ cá nhân lãnh đạo, hạ thấp hay ảnh hưởng xấu đến uy tín lãnh đạo hay uy tín của các tổ chức. Các bài đó đơn thuần là sự đánh giá của cá nhân TDN hoặc lấy ý kiến đánh giá của bạn đọc về một số chức danh cao cấp. Hiến pháp đã quy định “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương…”. Pháp luật cũng không cấm công dân đánh giá, nhận xét lãnh đạo của mình. Tài năng và đạo đức của lãnh đạo ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, tại sao họ không có quyền có ý kiến? Từ khi có các nhận xét, đánh giá năng lực của các lãnh đạo trên blog của TDN thì Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và một số vị khác đã bị xâm phạm quyền gì, lợi ích gì? Nhân dân cả nước đều thấy các vị vẫn có đầy đủ quyền công dân, vẫn làm lãnh đạo như trước đây, còn lợi ích thì không biết là các vị bị mất lợi ích tinh thần hay vật chất? Cụ thể là gì? Các vị có bị mất đồng bạc, mét đất hay ngôi nhà nào không? Các vị có bị tước đoạt lợi ích hưởng thụ văn hóa nghệ thuật hay thể thao nào không do bài viết của TDN? Tôi khẳng định chắc chắn là các bài viết của TND không hề làm mất hay suy giảm bất cứ một quyền, lợi ích nào của các vị.

Ngoài ra, nói TDN viết sai sự thật thì sai sự thật ở việc nào, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối chính sách của đảng, Nhà nước là xuyên tạc những chính sách, đường lối nào, xuyên tạc như thế nào? Tại sao Đảng, Nhà nước không cải chính những việc bị TDN viết sai sự thật để người dân không bị hiểu nhầm nhằm lấy lại lòng tin cúa nhân dân?

Tuy chưa đọc hết 12 bài viết mà Viện Kiểm sát Tối cao truy tố, nhưng qua phân tích trên đây và qua những bài tôi đã đọc thì tôi khẳng định TDN không hề phạm bất cứ tội gì. Qua đó thì tôi tin tưởng cả 12 bài viết này chỉ là thể hiện tự do ngôn luận, tự do quan điểm của công dân.

Nói tóm lại theo bản cáo trạng này thì không có hành vi phạm tội, không có hậu quả và không có người bị hại thì không thể buộc tội. Giải pháp tốt nhất là thả TDN vô điều kiện.

Cưỡng chế để bỏ tù một con người thì quá dễ, nhưng cưỡng chế lòng tin, bỏ tù tư tủơng thì không thể.
Nếu kết tội như bản cáo trạng này thì có lẽ mọi công dân đều phạm tội theo điều 258 Bộ luật Hình sự, chứ không riêng gì TDN./.

Ngày 03/3/2014
Hồ Quang Huy


No comments:

Post a Comment

View My Stats